SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV C 13); (03..02.2013); (Lc 4, 21-30)
CHÚA NHẬT IV PHỤNG VỤ THƯỜNG NIÊN, NĂM C
NGUYỄN HỌC TẬP - 1) Đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Lc 4, 21-30) là phần nối tiếp đoạn Thánh Luca thuật lại quang cảnh Chúa Giêsu trở về viếng hội đường ở Nazareth, quê sinh trưởng của Ngài, được Thánh Bộ Phụng Vụ làm gián đoạn hôm Chúa Nhật tuần trước (Lc 4, 14-20).
Đọc đoạn Phúc Âm hôm nay liên kết với Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước, chúng ta thấy được thái độ thay đổi của các người đồng hương Nazareth đối với Chúa Giêsu.
Trước khi trở lại thăm quê hương, khi còn ở xa, ở miền Galilea, các lời giảng dạy và phép lạ của Chúa Giêsu đã vang vội đến cả quê hương Ngài:
- "Được quyền năng Thánh Thần thúc đẩy, Chúa Giêsu trở về miền Galilea, và tiếng Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh" (Lc 4, 14-15).
Trong bối cảnh vừa kể chúng ta có thể tiên đoán được, với tâm tình nào các người đồng hương ở Nazareth của Chúa Giêsu đón tiếp Ngài.
Ngài vào hội đường ở Nazareth và mở Thánh Kinh đọc trước mặt mọi người, đoạn (61, 1-2) sách tiên tri Isaia:
- "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa" (Lc 4, 18-19).
Trước cập mắt mọi người đều hướng về Người,
- "Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người" (Lc 4, 20b),
Chúa Giêsu tuyên bố với họ:
- "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh qúy vị vừa nghe" (Lc 4, 21).
Các người đồng hương của Người đều tán thành, thán phục, hoan hô:
- "Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người" (Lc 4, 22).
Nhưng có lẽ họ không chú ý và cũng không hiểu hết ý nghĩa của những gì Chúa Giêsu muốn nói trong đoạn sách tiên tri Isaia vừa kể.
Chúng ta có thể tưởng tượng được là cả hội đường xì xầm, bàn tán lúc đó khá lâu, bởi lẽ Thánh Luca dùng động từ tán thành và thán phục (Et tous Lui rendaient témoignage et étaient en admiration , La Sainte Bible, Cerf, Paris, 1961, 1358) ở thể động từ chỉ quá khứ chưa hoàn tất (imparfait), để chỉ tác động được kéo dài trong thời gian.
Và vì tán thành và thán phục trong lúc xì xầm bàn tán khá lâu như vậy trước những lời giảng dạy khôn ngoan của Ngài, các người đồng hương của Ngài mới có dịp trực nhớ đến dòng giỏi gia phả tầm thường của Chúa Giêsu để đặt câu hỏi:
- "Ông nầy không phải là con ông Giuse đó sao?" (Lc 4, 22b).
Và vì biết được Chúa Giêsu là người đồng hương với mình, nên người dân Nazareth kỳ vọng Người hãy thực hiện, làm phép lạ cho họ, những gì họ đã nghe Người thực hiện ở các nơi khác:
- "Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Capharnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" (Lc 4, 23).
Không phải là Chúa Giêsu không biết các người đồng hương của Ngài đón tiếp Ngài niềm nỡ, nhưng họ không hiểu những gì Người muốn nói với họ qua đoạn sách tiên tri Isaia Người đã đọc, mà là quan niệm họ dành cho Ngài là quan niệm lợi lộc ích kỷ và hạn hẹp.
Trước hết đoạn đầu của phần bài đọc sách tiên tri Isaia:
- "Thánh Thần Chúa Ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn" (Lc 4, 18)
nói lên Vị Sứ Giả của Thiên Chúa là Vị được Chúa phong vương tước, "được xức dầu", mọi người phải thần phục.
Và rồi chính Chúa Giêsu xác nhận Ngài là Vị được tấn phong đó, khi Ngài nói với họ:
- "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh qúy vị vừa nghe" (Lc 4, 21).
Đáng lý ra khi nghe những lời đó, nếu họ hiểu, họ đã đến qùy xuống thần phục Ngài hay ít ra cũng lên tiếng hỏi rằng "Chúa đã xức dầu để tấn phong tôi" đó là ai, đang ở đâu , bởi vì Chúa Giêsu đã tuyên bố với họ "hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh qúy vị vừa nghe".
Kế đến trong câu tiên tri Isaia Chúa Giêsu đọc, Thánh Kinh không hề đề cập đến dân Do Thái hay một chi tộc nào của họ, các đoạn
"loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa"
là những điều mà Đấng được "Chúa xức dầu tấn phong" được sai đi để thực hiện cho bất cứ những người bất hạnh nào, của bất cứ dân tộc nào, để nói lên tính cách ơn cứu độ của Chúa phổ quát cho mọi người, mọi dân tộc.
Dĩ nhiên chắc chắn Chúa Giêsu rất hài lòng khi các người đồng hương Nazareth của Ngài xì xầm bàn bạc "đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người" (Lc 4, 22).
Nhưng Chúa Giêsu không thể chấp nhận được quan niệm lợi thú ích kỷ và hạn hẹp của họ, khi biết họ xì xào với nhau:
- "Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Capharnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê hương ông xem sao!" (Lc 4, 23).
Ơn cứu rỗi và tình thương Thiên Chúa, được Chúa Giêsu, Đấng được " Chúa xức dầu để tấn phong tôi", thực hiện trước mắt họ, " hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh qúy vị vừa nghe", không thể chỉ hạn hẹp vào khuôn viên Nazareth hay Do Thái, như nhiều lần Cựu Ước đã đề cập.
Chúa Giêsu là Đấng được Chúa Cha phong vương , "xức dầu", để đem tình thương và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa cho cả nhân loại.
Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ hiểu được tại sao Chúa Giêsu có phản ứng mãnh liệt đối với quan niệm lợi thú ích kỷ và hạn hẹp vừa kể của các người đồng hương:
"Thật vậy, Ta nói cho các ông hay: vào thời ông Elia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp góa thành Sarepta, xứ Sidon. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Eliseo, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Siria mà thôi" (Lc 4, 25-27).
2) Qua đoạn sách tiên tri Isaia Chúa Giêsu đọc trước các người đồng hương Nazareth của Người (Is 61, 1-2ss):
- "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa" (Lc 4, 18-19),
và đoạn Phúc Âm Thánh Luca vừa trích dẫn ở trên,
"nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Sarepta, xứ Sidon, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không có người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Siria thôi" (Lc 4, 25-25),
chúng ta có hai tiêu chuẩn để nhận biết đâu là ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa đang thực hiện và được Chúa Giêsu tuyên bố với các người đồng hương Nazareth của Ngài:
- "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh qúy vị vừa nghe" (Lc 4, 21).
Đó là
- sự hiện diện của Chúa Thánh Linh
- tính cách phổ quát ơn cứu rỗi cho mọi người.
3) Một yếu tố khác đáng được chúng ta chú ý suy niệm, đọc đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay của Thánh Luca.
Nếu chú ý chúng ta thấy rằng Thánh Luca kể lại cho chúng ta kỳ vọng của những người đồng hương Chúa Giêsu là Ngài hãy thực hiện cho họ những phép lạ, như Ngài đã thực hiện ở Capharnaum:
-"Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Capharnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê hương ông xem sao" (Lc 4, 23).
Trong khi đó thì những gì Chúa Giêsu đã làm tại Capharnaum, chưa hề được Thánh Luca kể lại. Ngài sẽ kể lại ở đoạn kế tiếp (Lc 4, 31-37).
Điều đó cho thấy rằng viết Phúc Âm để tường thuật lại những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm, Thánh Luca không theo thứ tự thời gian các biến cố xãy ra trước sau, mà theo thứ tự chương trình ngài có ý trình bày sự liên hệ giữa các biến chuyển với nhau và sự liên hệ đến hiệu lực của việc trình bày niềm tin vào Chúa Giêsu.
Viết lại thái độ kỳ vọng của những người đồng hương Chúa Giêsu trong đoạn Phúc Âm hôm nay, Thánh Luca giả sử rằng những ai đọc Phúc Âm của Ngài không phải là những người lần đầu đọc Phúc Âm, hay chưa hề biết gì hết về cuộc đời Chúa Giêsu. Mà là những người đã biết về Chúa Giêsu qua những bản viết khác, như có lần Ngài đã xác quyết:
- "bởi vì có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta, tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra" (Lc 1, 1-4).
Nhiệm vụ của Thánh Luca viết Phúc Âm, không phải
- là "sao y bản chánh" những gì của "nhiều người ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được xãy ra giữa chúng ta",
- mà là "cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự" hay học hỏi và xếp đặt theo tiến trình luận đề mà mình muốn trình bày.
Với kỳ vọng có được những phép lạ Chúa Giêsu đã làm ở Capharnaum và kỳ vọng đó bị Chúa Giêsu khước từ làm cho họ phẩn nộ và xua đuổi Chúa Giêsu, vì quan niệm theo lợi thú ích kỷ và hẹp hòi trái ngược với ý hướng ơn cứu rỗi phổ quát cho mọi người của Thiên Chúa, Thánh Luca có ý tiên báo cho chúng ta mối mâu thuẩn giữa ý muốn của Thiên Chúa và quan niệm trần thế của con người như vậy sẽ còn tái diển và tiếp diển trong cả cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, đưa Ngài đến khỗ nạn và chết trên thập giá.
4) Một tư tưởng nữa đáng được chúng ta chú ý đó là thái độ vô ý thức của những người đồng hương Nazareth của Chúa Giêsu.
Trong đoạn sách tiên tri Isaia, Chúa Giêsu kể cho họ nghe là Đấng được "Chúa xức dầu tấn phong", hay chính là Ngài, Đấng đang nói với họ, được Thiên Chúa sai đi để
- "loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa" (Lc 4, 18-19).
Họ nghe Ngài nói hay, khoái chí, vỗ tay
- "mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người" (Lc 4, 22).
Nhưng có lẽ đối với họ, "kẻ nghèo hèn, kẻ bị giam cầm, người mù, người bị áp bức , một năm hồng ân của Chúa" là những gì xa lạ, không phải là họ, không ăn thua gì đối với họ.
Chúa Giêsu đang làm "chuyện bao đồng", nói như chúng ta thường nói. Ăn cơm nhà làm chuyện không công cho thiên hạ.
Do đó họ mới nói thẳng với Ngài:
- "Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình đi. Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông làm ở Capharnaum, ông cũng hãy làm ở đây tại quê hương ông xem sao" (Lc 4, 23).
Có lẽ họ đã tự tạo cho họ một tấm thẻ căn cước giả tạo xa hẳn và khác hẳn những gì Chúa Giêsu vừa kể cho họ, những người đó không thuộc về giòng dỏi Israel của họ, thuộc về thôn xóm Nazareth như chính bản thân họ, và những người đó không phải là họ. Họ không phải là kẻ nghèo hèn , bị giam cầm, bị tàn tật, bị áp bức. Họ không cần những gì Chúa Giêsu vừa đọc trong sách tiên tri Isaia.
Do đó họ mới kỳ vọng ở Chúa Giêsu thực hiện cho họ những gì thiết thực, cần thiết hơn, có thể ngoạn mục và lợi ích hơn , như những gì Ngài đã làm ở Capharnaum.
Tại sao họ, cũng như chúng ta, không có được một căn cước thiết thực hơn, trước mặt Chúa, chúng ta là những người nghèo hèn, bị giam cầm, mù đui, bị tội lỗi áp chế và tất cả chúng ta đều cần nhờ "một năm hồng ân của Chúa" ?
Khiêm nhường và nhận biết mình tội lỗi trước mặt Chúa là bước đầu để được tha và bắt lại liên lạc thân thiết Cha con với Chúa.
5) Một tư tưởng khác chúng ta cũng có thể suy niệm từ việc thay đổi thái độ của các người đồng hương Nazareth của Chúa Giêsu.
Phúc Âm Thánh Luca kể lại cho chúng ta họ "tán thành và thán phục" Chúa Giêsu vì Ngài thốt ra những lời hay, ý đẹp:
- "Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người" (Lc 4, 22).
Nhưng rồi sau đó, những "lời hay ý đẹp" đó khi phải đem ra áp dụng vào thực tế, xác định ai là bà goá ở Zarepta cần được Elia cứu sống, ai là Naaman ở Siria cần được Eliseo chữa cho khỏi bệnh cùi, ai là người nghèo hèn, mù lòa, bị giam cầm, bị áp bức cần được chữa trị và bệnh vực, cần được giúp đỡ và cần phải làm gì để giúp đỡ, có thể chúng ta cũng có thái độ không khác gì những người đồng hương Nazareth của Chúa Giêsu:
- "Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ" (Lc 4, 28).
Thái độ phẩn nộ hay thái độ dững dưng điềm nhiên toạ thị, sống chết mặc ai của thầy tư tế và thầy thông thái luật trong dụ ngôn Người Samaritano nhân lành (Lc 10, 29-37) , đều là thái độ trốn tránh trách nhiệm.
Có lẽ đối với nhiều người trong chúng ta, Ki Tô giáo chỉ là một bình hoa tươi đẹp để làm cảnh , để chưng dọn với những ngôi thánh đường lộng lẩy, các nghi thức phụng tự trang nghiêm, các cuộc rước kiệu ngoạn mục, với các bài giảng hùng hồn, thu hút, "lời hay ý đẹp" , hơn là sống và thực hiện sứ điệp có sức mạnh mãnh liệt của Phúc Âm, trong bổn phận dấn thân phục vụ Chúa và phục vụ anh em, như lời Chúa Giêsu căn dặn để được chúc phúc:
-"Phước cho ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
- Phước cho ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ" (Mt 5, 6.10).
Chúng ta hãy sống cuộc sống để cho Chúa Giêsu chúc phúc và đừng làm cớ cho những người có tà tâm hoặc vô thần có lý chứng coi thường và lạm dụng "tôn giáo là liều thuốc phiện để ru ngủ nhân dân", để mưu cầu lợi ích bất chính của họ.
Nguyễn Học tập
Không có nhận xét nào: