Quyền phép vô biên của Đức Chúa Cha là tình yêu, lòng thương xót, sự tha thứ và quyền tự do - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
6 tháng 2, 2013

Quyền phép vô biên của Đức Chúa Cha là tình yêu, lòng thương xót, sự tha thứ và quyền tự do

Bài giáo lý của ĐGH Biển Đức XVI về Kinh Tin Kính, ngày thứ tư 30-01-2013 

ĐGH Biển Đức XVI 

Rôma, ngày Thứ Tư 30-01-2013 (Zenit.org). 

Quyền phép vô biên của Thiên Chúa là gì ? ĐGH Biển Đức XVI trả lời trong bài giáo lý của ngài về đức tin vào Đức Chúa Cha quyền phép, ngày thứ tư 30-01-2013. 

"Quyền phép vô cùng của Ngài không thể hiện bằng bạo lực, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, để phá hủy mọi thế lực đối nghịch, như chúng ta mong muốn, mà quyền phép này thể hiện bằng tình yêu, bằng lòng thương xót, bằng sự thứ tha, bằng sự chấp nhận quyền tự do của chúng ta và bằng lời mời gọi không ngừng sự trở lại của những tâm hồn, trong một thái độ bề ngoài thì có vẻ yếu đuối – Thiên Chúa có vẻ yếu đuối, nếu chúng ta suy nghĩ về Chúa Giêsu Kitô lúc Ngài cầu nguyện, lúc Ngài để người ta giết hại"

Và Đức Giáo Hoàng giải thích : "Đó là một thái độ bề ngoài có vẻ yếu đuối, được tạo ra bởi sự kiên nhẫn, sự êm ái và tình yêu, thái độ này chứng minh rằng đó mới chính là phương cách đích thực của quyền phép. Đó chính là quyền phép của Thiên Chúa ! Và quyền phép này sẽ thắng !" 

Đức Giáo Hoàng đã khuyên nên nhận xét rằng "Ngày nay không dễ gì nói đến phụ quyền", và ngài đã cho biết tại sao. 

Bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng bằng tiếng Ý 

"Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng"

Anh chị em thân mến, 

Trong bài giáo lý thứ tư tuần trước, chúng ta đã dừng lại ở những lời đầu của Kinh Tin Kính : "Tôi tin kính Đức Chúa Trời". Nhưng kinh tin kính nói rõ sự khẳng định này : Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng, dựng nên trời đất. Tôi muốn cùng anh chị em trong lúc này, suy ngẫm về định nghĩa đầu tiên về Thiên Chúa mà kinh Tin Kính đã đưa ra cho chúng ta và đó là định nghĩa căn bản : Đức Chúa Trời là Cha. 

Ngày nay không dễ gì đề cập đến tư cách làm cha. Nhất là trong thế giới Tây Phương, các gia đình tan vỡ, những ràng buộc nghề nghiệp luôn mỗi ngày một mang tính lấn chiếm, những lo âu và thường là khăn cân bằng ngân sách gia đình, sự hiện diện tràn ngập của truyền thông trong đời sống hàng ngày với những trò giải trí của chúng…, là những yếu tố có thể ngăn trở một quan hệ bình thường giữa cha mẹ và con cái. Sự trao đổi đôi khi rất khó thực hiện, sự tin tưởng yếu đi và quan hệ với hình ảnh người cha có thể trở thành vấn đề ; và cũng có thể trở thành vấn đề để hình dung Thiên Chúa như một người cha nếu không có những khuôn mẫu chuẩn chính đáng. Với những người đã từng có một người cha quá độc đoán và cứng rắn, vô cảm hay ít trìu mến, hoặc không hiện diện nữa, thì thật là khó khăn để suy nghĩ một cách bình thường về một Thiên Chúa như là người cha và phó thác tín nơi Ngài. 

Nhưng mạc khải Thánh Kinh giúp vượt qua sự khó khăn này khi nói cho chúng ta về một Thiên Chúa là Đấng đã chỉ cho chúng ta "cha" có ý nghĩa đích thực là gì ; và nhất là chính Phúc Âm đã mạc khải cho chúng ta chân dung của Thiên Chúa là Cha đã thương yêu đến độ ban Con của chính mình để cứu rỗi nhân loại. Sụ quy chuẩn vào hình ảnh người cha, như vậy, giúp hiểu biết được về tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu vô cùng vĩ đại hơn, chung thủy hơn, toàn vẹn hơn tình yêu của bất cứ người nào khác. "Có người nào trong anh em, Chúa Giêsu phán để chỉ cho các môn đệ chân dung Chúa Cha, con mình xin cái bánh mà lại cho nó hòn đá ? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn ? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao !" (Mt 7, 9-11 ; x. Lc 11, 11-13). Thiên Chúa là Cha chúng ta bởi vì Ngài đã chúc phúc và chọn lựa chúng ta trước khi sáng thế (x. Ep 1, 3-6), và Ngài đã thực sự làm cho chúng ta trở thành con cái Đức Giêsu (1 Ga 3, 1). Và như là Cha, Thiên Chúa đồng hành với cuộc sống chúng ta bằng tình yêu thương, và ban cho chúng ta Lời của Ngài, giáo huấn của Ngài, ân điển của Ngài và Thần Khí của Ngài. 

Như Đức Giêsu đã mạc khải, Thiên Chúa là Cha đã nuôi nấng chim trời khi chúng không cần phải gieo, gặt, đã trang điểm sắc màu rực rỡ cho hoa cỏ đồng nội, với những bộ áo đẹp hơn cả triều phục của vua Salomon (x. Mt 6, 26-32 ; Lc 12, 24-28) ; và chúng ta, Đức Giêsu phán rằng, chúng ta có giá trị hơn nhiều so với hoa cỏ và chim trời ! Và nếu là điều tốt lành để khiến "mặt trời mọc lên cho cả những kẻ dữ, người lành, và cho mưa xuống cho cả những người công chính, những kẻ bất lương" (Mt 5, 45), chúng ta sẽ luôn luôn có thể, không lo sợ và với tất cả sự tin tưởng, chạy đến cầu xin sự tha thứ của Cha khi chúng ta lạc đường. Thiên Chúa là một người Cha nhân lành luôn đón nhận và ôm lấy đứa con lầm lạc biết hối lỗi (x. Lc 15, 11 và tiếp theo), là người Cha ban phát nhưng không cho những ai cầu xin (x. mt 18, 19 ; Mc 11, 24 : Ga 16, 23) và ban cho bánh bởi trời và nước hằng sống cho ta được sống muôn đời (x. Ga 6, 32 ; 51 ; 58). 

Vì vậy tác giả thánh vịnh 27, -bị kẻ thù bao vây, bị những kẻ ác và kẻ vu khống tấn công, mà vẫn tìm cách cầu xin Chúa phù trợ và kêu van tên Ngài-, có thể cho một lời chứng đầy đức tin khi khẳng định : "Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con" (Tv 27, 10). Thiên Chúa là một người Cha không bao giờ bỏ rơi con cái, một người Cha tràn đầy yêu thương nâng đỡ, phù trợ, đón nhận, tha thứ, cứu vớt với một lòng chung thủy vượt xa con người, để mở ra đến tầm vóc vĩnh hằng. "Bởi vì tình yêu Ngài là vĩnh cửu", đó là điều mà mỗi câu của thánh vịnh 136 đều nhắc lại, như là một chuỗi dài kinh cầu, và ôn lại lịch sử cứu độ. Tình yêu Thiên Chúa là Cha chúng ta không hề suy giảm, không hề chán ngán chúng ta : đó là tình yêu ban ra đến tận cùng, đến sự hy sinh Con của Ngài. Đức tin trang bị cho chúng ta sự xác tín sẽ trở thành tảng đá, trên đó chúng ta xây dựng cuộc sống chúng ta : chúng ta có thể đương đầu với tất cả những lúc khó khăn và nguy hiểm, trải nghiệm tình trạng đen tối của những cuộc khủng hoảng, của những kỳ đau khổ, được nâng đỡ bởi sự tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng không bao giờ bỏ chúng ta cô đơn và là Đấng luôn ở gần chúng ta để cứu vớt chúng ta và dẫn đưa chúng ta đếu cuộc sống đời đời. 

Chính trong tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã thấy được đầy đủ chân dung nhân từ của Cha ở trên trời. Chính nhờ biết Ngài, mà chúng ta cũng có thể biết được Chúa Cha (x. Ga 8, 19 ; 14, 7), chính nhờ thấy Ngài mà chúng ta thấy được Chúa Cha vì Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài (x. Ga 14, 11-19). Ngài là "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình", như ca vịnh trong Thư gửi các tín hữu Côlôxê đã xác định, "Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo… Trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại", "trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi" và sự hòa giải của mọi vật, "Nhờ Máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời" (x. Cl 1, 13-20). 

Đức tin vào Thiên Chúa Cha đòi hỏi phải tin vào Chúa Con, dưới tác động của Chúa Thánh Linh, và nhận biết Thánh Giá cứu chuộc, sự bộc lộ vĩnh viễn tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha chúng ta đã ban cho chúng ta Con của Ngài : Thiên Chúa là Cha chúng ta đã tha thứ tội lỗi chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến niềm vui sự sống bằng sự phục sinh ; Thiên Chúa là Cha chúng ta đã ban cho chúng ta Chúa Thánh Linh là Đấng đã làm cho chúng ta trở nên con cái của Ngài và cho phép chúng ta gọi Ngài là "Abbà, lạy Cha" (x. Rm 8, 15).Vì vậy, trong lúc truyền dạy cho chúng ta cách cầu nguyện, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta thưa rằng "Lạy Cha" (Mt 6, 9-13 ; x. Lc 11, 2-4). 

Phụ quyền của Thiên Chúa như thế là tình yêu vô biên, là lòng âu yếm nhủ xuống chúng ta, con cái của Ngài vốn đang cần mọi thứ. Thánh vịnh 103, bài ca vĩ đại về lòng thương xót Chúa, xưng tụng rằng : "Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. Ngài quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Ngài nhớ : ta chỉ là cát bụi" (Tv 103, 13-14). Chính xác là sự bé mọn của chúng ta, bản chất con người chúng ta yếu đuối, sự mỏng dòn của chúng ta đã trở thành lời kêu cứu lòng thương xót của Chúa để Ngài thể hiện quyền năng và sự trìu mến của Cha hộ phù chúng ta, thứ tha chúng ta và cứu rỗi chúng ta. 

Và Thiên Chúa đã đáp trả lời kêu nài của chúng ta, bằng cách gửi Con Ngài đến, Đấng đã chết và phục sinh vì chúng ta ; Ngài đã nhập vào sự mỏng dòn của chúng ta và đã làm điều mà con người, đơn độc, không thể nào làm được : Ngài đã gánh lấy tội lỗi của trần gian, -Ngài vốn là Con Chiên vô tội-, và mở lại ra cho chúng ta con đường đi đến sự hiệp thông với Thiên Chúa, Ngài làm cho chúng ta trở thành những con cái đích thực của Thiên Chúa. Và ở đây, trên thập giá vinh quang, đã xảy ra sự thể hiện toàn vẹn quyền năng của Thiên Chúa như "Cha toàn năng". 

Nhưng chúng cũng sẽ có thể tự hỏi : làm sao có thể nghĩ đến một Thiên Chúa toàn năng bằng cách nhìn lên thập giá Chúa Kitô, rõ ràng quyền lực ác thần đã thành công và giết chết Con Thiên Chúa ? Chúng ta chắc chắn ước muốn rằng sự toàn năng của Thiên Chúa phải như mô hình tưởng tượng của chúng ta và theo ý nghĩ của chúng ta : một "Thiên Chúa toàn năng" phải giải quyết mọi vấn đề, phải can thiệp để tránh cho chúng ta những khó khăn, phải luôn chiến thắng những quyền lực đối nghịch, phải thay đổi tiến trình thời cuộc và phải xóa bỏ khổ đau. Chính như vậy mà ngày hôm nay có những nhà thần học nói rằng, Thiên Chúa không phải là toàn năng, nếu không thì không thể nào có nhiều đau khổ, có nhiều điều ác đến như vậy trên thế giới này được. Thực chất, trước sự ác và những khổ đau, đối với nhiều người, đối với chúng ta, thật là một vấn đề, rất khó tin được vào một Thiên Chúa là Cha và tin được là Ngài toàn năng : Có người chạy trốn nơi các thần tượng, sa chước cám dỗ đi tìm câu trả lời trong một sự toàn năng coi như là "thần diệu" và trong những lời hứa hẹn hão huyền. 

Nhưng đức tin vào Thiên Chúa toàn năng thúc đẩy chúng ta đi theo những nẻo đường rất khác nhau : học hỏi để nhận biết rằng ý nghĩ của Thiên Chúa khác với ý nghĩ của chúng ta, rằng những con đường của Thiên Chúa khác với những con đường của chúng ta (x. Is 55, 8) và cũng như sự toàn năng của Ngài cũng khác : Toàn Năng của Thiên Chúa không biểu lộ như một sức mạnh tự động và độc đoán, nhưng nó được đánh dấu bởi một sự tự do của yêu thương và của lòng từ phụ. Thực ra, Thiên Chúa, khi dựng lên những tạo vật tự do, khi ban cho sự tự do, Ngài đã khước từ phần nào quyền năng của Ngài, dành cho chúng ta cái quyền tự do của chúng ta. Chính vì thế mà Ngài yêu thương và tôn trọng tự do của chúng ta trả lời bằng yêu thương lời kêu gọi của Ngài. Với tư cách là Cha, Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên con cái của Ngài và chúng ta sinh sống như con cái trong Con của Ngài, hiệp thông, trong tình gia đình toàn vẹn đối với Ngài. Sự toàn năng của Ngài không biểu lộ ra bằng bạo lực, bằng sự phá hủy mọi quyền lực đối nghịch, như chúng ta ước muốn, nhưng nó biểu lộ trong tình yêu, trong thương xót, trong thứ tha, trong việc chấp nhận quyền tự do của chúng ta và trong một sự mời gọi không mệt mỏi hãy hồi tâm hối cải, trong một thái độ bề ngoài có vẻ yếu đuối –Thiên Chúa có vẻ yếu đuối, nếu chúng ta nghĩ tới Chúa Giêsu khi Ngài cầu nguyện, khi ngài bị giết hại. Chính là một thái độ bề ngoài có vẻ yếu đuối, được tạo thành bởi sự nhẫn nại, bởi sự âu yếm và tình yêu, (thái độ này) chứng minh đó là phương cách thiết thực để tỏ ra quyền năng. Đó chính là quyền năng của Thiên Chúa ! Và quyền năng này sẽ chiến thắng ! Nhà hiền triết của Sách Khôn Ngoan đã thưa với Thìên Chúa như thế này : "Nhưng Chúa thương xót hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải. Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu… Chúa xử khoan hồng với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa. Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống". (Kn 11, 23-24a và 26). 

Chỉ có người thực sự quyền phép mới có thể chịu đựng được điều ác và tỏ ra giầu lòng thương xót ; chỉ có người thực sự quyền phép mới có thể sử dụng trọn vẹn sức mạnh của tình yêu. Và Thiên Chúa, là Đấng sở hữu mọi thứ, bởi vì tất cả đã được Ngài làm ra, bộc lộ sức mạnh của Ngài khi thương yêu mọi vật và mọi người, kiên nhẫn đợi chờ sự trở lại của con người, mà Ngài muốn biến họ thành con cái của Ngài. Thiên Chúa đợi chờ sự trở lại của chúng ta. Tình yêu toàn năng của Thiên Chúa không có bến bờ, "đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta" (Rm 8, 32). Sự toàn năng của tình yêu không phải sự toàn năng của quyền thế trên đời, mà là ơn phúc vẹn toàn và Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã bộc lộ cho thế gian sự toàn năng đích thực của Chúa Cha bằng cách ban chính sự sống của Ngài cho chúng ta, những kẻ tội lỗi. Đó chính là sự toàn năng chân thật, đích thực và toàn hảo của Thiên Chúa : đáp lại sự ác, không phải bằng cái ác nhưng bằng cái thiện, đáp lại lăng nhục bằng thứ tha, đáp lại thù hận giết người bằng tình yêu ban sự sống. Như thế, sự ác sẽ thực sự thua trận, vì đã được tẩy rửa bởi tình yêu Thiên Chúa ; như thế, tử thần bị vỉnh viễn tiêu diệt bởi vì nó đã được biến thành ơn ban sự sống. Chúa Cha đã làm cho Con Ngài sống lại : tử thần, kẻ thù lớn (x. 1 Cr 15, 26), đã bị chôn vùi và bị mất đi nọc độc (x.1 Cr 15, 54-55) và chúng ta, được thoát khỏi tội lỗi, chúng ta có thể đạt tới thực tế của chúng ta là con cái Thiên Chúa. 

Khi chúng ta nói "Tôi tin kính Thiên Chúa toàn năng", chúng ta biểu lộ đức tin của chúng ta trong quyền năng của tình yêu Thiên Chúa là Đấng, -nơi Con Ngài chết đi và sống lại-, đã thắng hận thù, thắng sự ác, thắng tội lỗi và mở ra cho chúng ta sự sống đời đời, sư sống của các con cái muốn luôn luôn được ở trong "Nhà Cha". Nói "Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng", trong quyền năng, trong cách làm Cha của Ngài, luôn là một hành động của đức tin, của sự trở lại, của sự thay đổi cách suy nghĩ chúng ta, của tất cả trìu mến, của cả lối sống chúng ta. 

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu xin Chúa nâng đỡ đức tin của chúng ta, hộ phù chúng ta tìm được đức tin đích thực, ban cho chúng ta sức mạnh để loan truyền Đức Kitô bị đóng đinh và sống lại và để làm chứng nhờ tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Và xin Thiên Chúa ban cho chúng ta được đón nhận ơn thánh làm con cái, để sống trọn vẹn những thực tế của kinh Tin Kính, trong một sự phó thác đầy tin tưởng và tình yêu của Cha và quyền phép toàn năng đầy thương xót của Ngài vốn là quyền phép toàn năng đích thực đã cứu độ chúng ta. 

© Libreria Editrice Vaticana 
Bản dịch tiếng Pháp của Hélène Ginabat 
Bản dịch tiếng Việt của Mai Khôi 
Quyền phép vô biên của Đức Chúa Cha là tình yêu, lòng thương xót, sự tha thứ và quyền tự do Reviewed by Unknown on 2/06/2013 Rating: 5 Bài giáo lý của ĐGH Biển Đức XVI về Kinh Tin Kính, ngày thứ tư 30-01-2013  ĐGH Biển Đức XVI  Rôma, ngày Thứ Tư 30-01-2013 ( Zenit...

Không có nhận xét nào: