Biên tập viên trang này đã cố giành giật lại được hai địa chỉ thư điện tử, và tin tức được chuyển sang trang Việt Sử Ký. Nhưng hôm sau trang Việt Sử Ký cũng bị tin tặc cướp được, những người phụ trách bèn chuyển tin bài sang địa chỉ basam5.wordpress.com. Chỉ khoảng một tiếng đồng hồ sau, địa chỉ mới cũng bị tấn công. Không chịu thua, từ ngày 10/3 đến nay trang điểm tin này đã tạm dời sang anhbasamvn.wordpress.com.
Bấm vào nút PLAY để nghe phỏng vấn
Dành cho máy có duyệt trình I.E cũ
RFI Việt ngữ đã liên lạc với chủ trang web uy tín này là ông Nguyễn Hữu Vinh ở Hà Nội để trao đổi về sự kiện trên.
RFI : Kính chào anh, hôm nay RFI Việt ngữ rất hân hạnh được anh dành thì giờ tiếp chuyện. Thưa anh, được biết blog anhbasam lại vừa bị tin tặc tấn công từ mấy ngày qua. Nhân dịp này anh có thể cho biết ý kiến về một không gian tự do trên internet, đặc biệt trong bối cảnh đang diễn ra cuộc vận động góp ý cho Hiến pháp ?
Ông Nguyễn Hữu Vinh : Tôi nghĩ là cái không gian thông tin trên mạng, ngoài hệ thống báo chí nhà nước thì hiện tại rất là thuận lợi để trao đổi xung quanh vấn đề sửa đổi Hiến pháp 1992. Và tôi nghĩ rằng cái bối cảnh và không gian này là tự nhiên, là nhu cầu của người dân. Có thể về nhận thức dù họ có ngại đi nữa, họ cũng thấy là cần thiết, nên sự tồn tại của nó cho đến hôm nay, xung quanh chuyện góp ý về sửa đổi Hiến pháp là tự nhiên, và đồng thời cũng không bị cản trở mấy.
Mặc dù trong mấy ngày nay, nhiều hệ thống và một số blog riêng đã bị dựng tường lửa. Nhưng tôi cho như thế cũng không có gì đáng ngạc nhiên, và cũng tạm gọi là chấp nhận được, tức là người dân vẫn tiếp cận được thông tin cần thiết một cách thuận lợi. Và Nhà nước thì cũng nhận được những tiếng nói trái chiều một cách có chừng mực, để mà lấp đi cái khiếm khuyết rất lớn từ phía báo chí nhà nước.
RFI : Thưa anh, nhưng qua việc một số blog bị đánh phá vừa rồi, phải chăng những người bảo thủ bắt đầu lo ngại trước sức mạnh của xã hội dân sự ?
Tôi nghĩ là trong vụ này không nên và không thể kết luận dễ dàng là tại sao, từ nguồn nào mà họ đánh phá những trang mạng vừa rồi. Bởi vì có thể hình dung một khả năng như thế này thì sao - mà ít ai để ý : cũng có những thế lực nào đó, không phải hoàn toàn thuộc về phía Nhà nước, nhưng họ lại đánh phá những trang đó, để người dân nghĩ rằng Nhà nước này đánh phá, nhằm tăng thêm sức ép và sự phẫn nộ của người dân về phía Nhà nước. Đấy là một khả năng.
Tất nhiên là tôi không coi khả năng đó là nhiều, nhưng mà cũng cứ thử nghĩ thế, để mà tập một cái quan điểm, một cách nhìn làm sao cho công minh hơn trong công luận, cũng như trên thế giới mạng tự do này.
RFI : Khác với báo chí chính thức, ở không gian mở trên mạng, chẳng hạn như blog anhbasam, thì phản hồi rất nhiều, chứng tỏ người dân không hề thờ ơ mà hết sức quan tâm tới tình hình đất nước hiện nay ?
Vâng, rất là quan tâm. Mức độ quan tâm và nhận thức của người dân có thể nói là đột biến chưa từng thấy. Tôi không lấy ví dụ ai, nhưng tự so sánh với tôi, thì so với lần sửa Hiến pháp 92 trước đây, nói thẳng là hồi đó tôi không quan tâm chút gì hết. Mà tôi coi chuyện Nhà nước làm ra cái Hiến pháp ấy thì thôi kệ để Nhà nước làm, tôi cũng nghĩ không thể nào người dân có thể tác động gì đáng kể vào việc hình thành một Hiến pháp cả. Hồi trước tôi nghĩ thế, và tôi hiểu về Hiến pháp rất ít.
Nhưng mà lần này thì tôi hiểu rất nhiều. Chính nhờ những chuyên gia về pháp lý, rồi những người có kiến thức về lĩnh vực này có viết bài, rồi được tiếp xúc với họ, và nhờ những người dân là độc giả của mình - qua họ thì chính tôi cũng hiểu biết thêm rất là nhiều, quan tâm một cách chưa từng thấy.
Theo tôi đánh giá trong mấy năm nay - tôi vẫn dùng từ « hàm lượng trí thức » trong số các độc giả của trang này rất cao, nhưng cũng không thể hiện được nhiều trong các phản hồi. Qua các bài viết của những người có kiến thức, các trí thức gửi tới, rồi qua sự quan tâm của các trang khác, qua mối quan hệ xã hội, tiếp xúc bên ngoài v.v…thì tôi được biết điều đó, còn các phản hồi không thể hiện nhiều lắm.
Điều này cũng khá dễ hiểu. Tôi cho là rất nhiều vị có kiến thức, và có thể là muốn đóng góp kiến thức của mình, thì lại không có điều kiện lắm ; hoặc không muốn, không thích tham gia trao đổi trên mạng. Tôi cho là vừa khá đáng tiếc, nhưng cũng thể hiện một tiềm năng mà nếu biết khai thác, và với thời gian có thể sẽ thay đổi. Có nghĩa là có nhiều người có kiến thức để đóng góp cho đất nước, cho xã hội sẽ tăng cường trao đổi hơn trên mạng. Còn hiện nay, những người không khai danh tính thì không nói làm gì, nhưng mà những người công khai trao đổi trên trang này cũng rõ là khoảng mươi người, toàn những vị khá là nổi tiếng, trong và ngoài nước đều biết.
RFI : Tuy đây không phải lần đầu blog anhbasam bị phá nhưng lần này bị tấn công khá dữ dội, liệu có nhiều khả năng hồi phục không thưa anh ?
Chúng tôi không câu nệ lắm chuyện mà bị đánh sập rồi có phục hồi lại trang cũ được không. Bởi vì theo quan niệm của chúng tôi, cũng như năm ngoái, khi sinh nhật 5 tuổi của trang Ba Sàm, thì chúng tôi có dùng một cái ý là nói với độc giả là Ba Sàm sẽ « bất tử ». Cái nghĩa « bất tử » đó có hai hàm ý.
Hàm ý thứ nhất là cái phương pháp của chúng tôi, dù tôi có trực tiếp làm hay không làm như lâu nay, hoặc là tôi từ bỏ để đi làm việc khác, thì những người cộng sự của tôi vẫn sẽ tiếp tục cái phương pháp này. Vì nó đã được thể nghiệm trong 5 năm qua, cho thấy rất là hữu hiệu trong việc cung cấp thông tin cho độc giả.
Ý nghĩa thứ hai là cái tạm gọi là thương hiệu, khi mà từng đó năm rồi vẫn duy trì được một phương pháp, một phong cách không thay đổi này và ngày càng cải tiến, thì uy tín trên mạng rất là cao. Dù mình có bị đánh sập mình bỏ đi mở chỗ khác, thì độc giả cũng sẽ tìm đến mình, bằng phương tiện thế nào đó - trên net bây giờ người ta rất thông thạo.
Và thứ nữa là bằng sự gắn kết rất chặt chẽ của trang Ba Sàm với rất nhiều trang mạng tự do nổi tiếng hiện nay thì dù có mở ở đâu - chúng tôi hay đùa là như một cái chòi vịt - thì cũng sẽ thu hút độc giả trở lại như thường. Thế nên cái chuyện có phục hồi được hay không, như cũ hay không thì không quan trọng.
Về kỹ thuật thì cũng không khó phục hồi trở lại, bởi vì dữ liệu chúng tôi back up (sao lưu) thường xuyên nên khi mở lại blog mới ở địa chỉ khác thì chúng tôi restore (khôi phục) trở lại như thường, không ảnh hưởng. Nhưng do hiện nay áp lực công việc hàng ngày về tin bài quá lớn, nên chúng tôi chưa có điều kiện để lập một địa chỉ khác và đưa lại dữ liệu lên.
Về trang Việt Sử Ký thì cũng như trang Ba Sàm thôi, sẽ liên lạc với hệ thống WordPress để họ trả lại cho chúng tôi. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng để chứng minh là người chủ của trang đó, mặc dù những hacker rất cao tay nhưng không thể chứng minh được họ là chủ cũ. Dù họ có lấy hết đồ đạc trong nhà, trả lại cái vỏ, nhưng chúng tôi cũng đưa lại lên như cũ được. Tất nhiên là sẽ mất công hơn.
RFI : Chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Hữu Vinh, chủ blog Anh Ba Sàm, tuy rất bận rộn cũng đã dành thì giờ trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ.
Không phải JB Ng Hữu Vinh đâu BBT ơi, thay hình đi!
Trả lờiXóa