Bóng Tối Nào? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
1 tháng 3, 2013

Bóng Tối Nào?

Lê Thị Công Nhân, X-Cafevn - 28.2.2013: Những ngày này ở Việt Nam hầu như ai mở lời chào hỏi hay bắt đầu làm việc gì cũng thường rào đón trước bằng câu “Đầu xuân năm mới …” rồi mới nói điều gì gì đó. Riết rồi thành quen! Nhiều người nhất là những người trẻ tuổi hơn, những người nghèo hơn hoặc nhân viên cấp dưới còn có thêm điệu bộ khúm núm, lưng khom khom, mặt mũi cười giả lả, hai tay ra cái điệu hơi xoắn quẩy một tí, xuýt xuýt xoa xoa vào nhau để luôn sẵn sàng bắt tay người khác mà họ đã có chủ ý muốn bắt từ trước. Để ý điều này từ bé, thấy quá nhiều người làm vậy, ban đầu thấy hình dáng điệu bộ ấy chẳng có gì là đẹp đẽ, trông còn hèn hèn đúng kiểu xu nịnh, nghĩ đây đúng là dáng dấp tiểu nhân, cứ y như trông phim, kịch Tàu và cả Việt, khi miêu tả kẻ tiểu nhân nịnh bợ thì cái điệu bộ, dáng vẻ ấy đã trở thành hình mẫu mang tính ước lệ.
Ấy vậy mà phần lớn nhiều người lại cho rằng cái điệu ấy, cái cung cách ấy là thể hiện sự khiêm tốn, khiêm nhường, lễ độ, lễ phép của con người. Vì thế mà thi nhau học, dạy, và bắt chước ngay từ khi còn nhỏ.

Đã bao giờ người ta đặt câu hỏi nếu đó là điều hay thì tại sao chỉ có một bên trong giao tế phải làm vậy. Có phải tận sâu trong lòng người dân Việt Nam từ xa xưa đến giờ vốn chẳng thích sự bình đẳng hay thậm chí cũng không có khái niệm bình đẳng. Nên đôi khi đây đó, lúc này lúc kia xuất hiện vài ông vua tỏ ý bình đẳng cũng được ghi lại trong sử sách nhưng rồi cũng thành thiểu số tuyệt đối khi mà phần lớn quan lại và cả dân thường đều không truyền bá thực hành được cái phong cách và lề lối tốt đẹp ấy. Phải chăng vì họ không thích và cũng chẳng mấy quan tâm?

Cái cung cách khúm núm xun xoe ấy làm sao mà tốt đẹp cho được khi nó mang đến một cảm giác thấp kém hơn, mất cân xứng hơn khi người ta nhìn vào, và bản thân người có điệu bộ ấy cũng mất đi phần nào sự tự tin và độc lập của mình! Nếu quan sát hành vi và thái độ giao tiếp của người phương Tây sẽ thấy một điều hoàn toàn khác. Họ vẫn có sự khiêm nhường, lễ độ, lễ phép thậm chí là quá lịch sự là đằng khác, nhưng tuyệt nhiên cực kỳ hiếm khi người ta có thái độ tự hạ thấp mình một cách xấu xí và thô thiển như người Việt khi giao tiếp như vậy.

Điều đặc biệt là thái độ giao tiếp đáng xấu hổ này của người Việt lại phổ biến nhất và thể hiện đặc sắc nhất trong giới quan chức cán bộ với nhau, và trong tầng lớp … nông dân ở nông thôn !? Nhưng không có gì phải ngạc nhiên khi nhớ lại lịch sử dân tộc Việt Nam sau năm 1954, khi đoàn quân cách mạng từ chiến khu Việt Bắc tràn về thủ đô Hà Nội và công cuộc Cải cách Ruộng đất lên tới đỉnh điểm thành công chói lọi thì ôi thôi tất cả những điều tốt đẹp nhỏ nhoi trong văn hóa ứng xử của người Việt từ những dấu ấn phong kiến cho đến những nét ứng xử mới du nhập từ phương Tây (chủ yếu là từ nước Pháp thực dân) đều tan biến hoàn toàn. Thay vào đó là những điều xấu xí, và thậm chí là xấu xa trong tính cách vốn đã thâm căn cố đế mọc rễ trong lòng người Việt được lên ngôi tôn vinh chói lọi. Những tính cách này 99% là cách sống của người nông dân tùy tiện và nông cạn chỉ thấy cái lợi trước mắt, + lề lối ấu trĩ ngạo mạn của tầng lớp được coi là khoa bảng của giới Nho học mà chủ yếu là hủ Nho. Nói theo Phan Chu Trinh là “cái phần người dốt nát trong nước thì chiếm 80 phần trong một trăm. Còn cái gọi là người thượng lưu, trung lưu chẳng qua là bọn bát cổ (khoa bảng) đã chiếm hai phần ba. Thật, chẳng biết cái Nho học là gì mà cũng nhắm mắt lại chê càn cái văn minh (vu cho) là mọi rợ.”

Thảo nào Phan Chu Trinh thất bại !

Tôi rùng mình khi đọc những dòng chữ này trong bài Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa của ông luận về thế nào là quân chủ, thế nào là dân chủ mà ông đã đọc ở Hội Thanh niên Sài gòn cuối năm 1925 sau khi ông từ Pháp trở về Việt nam và khởi xướng, chủ trương một cuộc cách mạng dân chủ bất bạo động bằng cách nâng cao dân trí và xây dựng một thể chế dân chủ Pháp trị. Cảm giác rùng mình đó đến từ niềm thích thú của một người đã lâu nay vẫn thấy quá nhiều và quá rõ những nét tính cách xấu xí và xấu xa của người Việt nhưng vì tài hèn sức mọn, tuổi đời ít, trải nghiệm sống đơn điệu nên cũng hèn mà không nói ra nổi. Nay được thấy một người đã dám nói ra điều ấy trước hàng ngàn người, nói một cách công khai mạnh mẽ đầy tự tin, thì trong lòng cảm thấy thú vị và đồng cảm vô cùng !

Nếu Phan Chu Trinh sống lại vào thời này ông sẽ thất bại một lần nữa !

Tại sao ư ? Câu trả lời thật đơn giản. Vì người Việt Nam vẫn vậy. Thậm chí mức độ tồi tệ còn nặng nề hơn gấp bội. Cái bản tính vừa tự ti về sự dốt nát của mình nhưng lại cũng rất sỹ diện, kiêu ngạo, nhất định, dứt khoát không bao giờ thừa nhận là mình dốt, mình kèm. Đây là hai mặt tất yếu trong tính cách con người dốt nát vậy. Cái này bổ sung cho cái nọ. Cái nọ nuôi dưỡng cho cái này. Tử huyệt của người Việt có lẽ đã được đào khoét qua hàng mấy ngàn năm văn hiến (thì ít) và hủ hóa (thì nhiều) dưới sự cai trị của hàng trăm triều đại với hàng chục dòng họ gia tộc vương quyền. Thời đại phong kiến dài dằng dặc ấy đã để lại cho chúng ta niềm tự hào thì ít, đã thế lại còn nhỏ. Nhưng cái tính cách xấu của người Việt thì lại ngày càng lớn như cái hố khổng lồ, đen ngòm mà ai cũng được khuyến khích cứ nhắm mắt mà nhảy tõm vào đó để nghe các âm vang nịnh bợ thấp kém nhất, đáng hổ thẹn nhất cứ lặp lại mãi, rằng họ là “anh hùng của thế kỷ, lương tâm của thời đại”.

Trong lịch sử, sự thẳng thắn, ngay thẳng, chính trực, khẳng khái của người Việt đều dẫn đến hậu quả thê thảm kinh hoàng, là tuyệt đại đa số hậu quả của những người chọn phong cách sống và làm việc này. Thử điểm lại sử sách có mấy trường hợp mà người sống ngay thẳng chính trực lại được vinh danh và ưu đãi bởi giới vua quan, và thậm chí ngay trong dân chúng thì tình hình cũng chẳng hề tươi sáng hơn cho những người sống ngay thẳng. Đến nỗi có cả một thành ngữ rất phổ biến và có lẽ cũng là thành ngữ nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất cho tính cách người Việt, là “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Thành ngữ này không chỉ đơn thuần là đúc kết một lề, thói nào đó của con người mà nó được thành lập theo cú pháp là một câu cầu khiến, dạy bảo xúi bẩy người ta làm theo.

Thật đáng sợ, lẽ ra phải là nói thật, nói đúng, nói một cách nhân từ vì lý do nhân đạo ..v..v.. thì lại thành “nói cho vừa lòng”. Vậy vừa lòng là thế nào? Là lấy lòng, được lòng người nghe. Mà người nghe thì thích nghe cái gì? Người nghe thì thích nghe bất kỳ điều gì, trừ cái điều chê trách họ, rằng họ đã không đúng, đã sai, đã lầm, đã ác độc, đã tham lam, đã ngu dại ..v..v..

Đó cũng chính là con đường làm cách mạng của đảng Cộng sản Việt nam. Nói những điều mà tuyệt đại đa số người dân Việt nam thích nghe, bằng những bài, những chiêu trò tuyên truyền với tần suất phát hành khủng bố áp đảo tuyệt đối. Biến tuyên truyền thành một cuộc chiến thật sự đánh vào tâm hồn, tình cảm và ý thức của con người khiến con người ta mê muội, lẫn lộn sai thành đúng, cái cần tránh thì cứ đâm đầu vào, cái không được làm thành cái nên làm, phải làm với phương châm binh pháp Tôn Tử bất chấp tất cả để đạt hiệu quả. Cộng sản đã lấp đầy cái hố tự ti, trống rỗng của người dân Việt bằng những niềm tự hào (nguồn gốc bần cố nông) và giấc mơ quái đản và hão huyền (làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu). Trong niềm tự hào và giấc mơ đó từng góc tối nhất trong tâm hồn và văn hóa người Việt đều được đem ra khoe khoang, thi thố và tôn vinh với những chiến lợi phẩm cụ thể để đổi đời gọi là “chia quả thực”. Nỗi ghê sợ và tởm lợm của tên gọi này quả là tương xứng với cách thức mà những người cộng sản và cả những người đi theo họ đã làm để có được “quả thực” mà chia.

Lẽ ra Phan Chu Trinh phải nói rằng người dân Việt Nam cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng giỏi. Nếu cuộc đời, xã hội hay đất nước có điều gì đó còn đau khổ không vừa ý thì tất cả đều là do bị áp bức, bị bóc lột, bị cướp mà ra. Cách tiếp cận của cộng sản thật đắc địa. Họ đã thành công vì đánh trúng vào tâm lý ưa xu nịnh, đố kỵ, thù ghét sự thẳng thắn, ưa ăn vạ, ưa đổ vạ cho người khác của người Việt. Trên mảnh đất tối tăm ấy của tâm hồn người Việt, chủ nghĩa cộng sản đã sinh sôi nảy nở tốt tươi biết bao với những thành tựu vu khống, giết chóc, phá phách, tàn hại chất cao như núi. Hậu quả kinh khủng nhất của cộng sản gây ra cho Việt nam là làm cho người dân Việt nam vong bản, mất gốc vì đi theo và tôn thờ một thứ chủ nghĩa ngoại lai, một tư tưởng bạo lực chuyên chính và thù địch. Những nét tính cách đơn sơ, hồn nhiên, đáng mến ít ỏi của người Việt đâu cả rồi?

Ngay cả những người dân chủ đã từng đi theo cộng sản đến giờ vẫn tiếp tục cho rằng cộng sản có cái sai, có cái đúng. Nhiều người cho rằng cộng sản gần như hoàn toàn sai lầm, độc ác tuyệt đối. Ấy thế, nhưng cái phần của họ tham gia trong ấy vẫn là đúng, vẫn là đáng kể đến, vẫn có cái gì đó có thể biện minh. Danh hiệu vẫn khoe ra, thành tích vẫn tự hào. Đến giờ ở Việt Nam có lẽ chỉ có một mình ông nhạc sỹ già Tô Hải dám tự nhận là mình đã sai toàn diện, đã hèn toàn cục. Cả sự nghiệp của mình ông cũng vứt bỏ, thậm chí là tự phỉ nhổ, vì tuy (phần lớn) nó đã được tạo nên bằng những cảm xúc có thật trong lòng nhưng là trên nền tảng bị kẻ khác dối đảo, và rồi mình cũng đi lừa dối người khác. Nên suy cho cùng đấy cũng chỉ là đống rác rưởi. Tổng kết sự nghiệp cả cuộc đời mình ông chỉ thừa nhận một tác phẩm duy nhất là nhạc phẩm Nụ cười Sơn cước.

Tôi hiểu cảm xúc và suy nghĩ của ông khi vứt bỏ tất cả những thứ còn lại. Sự can đảm của ông là phi thường và tôi nghiêng mình trước điều ấy. Bởi vì những thứ mà ông vứt bỏ cũng là công sức lao động, là mồ hôi tim óc của ông cố gắng để phục tùng đảng cộng sản, chiều theo bóng tối hèn nhát, dối trá và những ham hố đáng khinh trong tâm hồn mình. Cuối đời, ông đã may mắn nhận được ơn cứu độ là sự giác ngộ và can đảm vứt bỏ chính mình, không phải là tất cả bản thân mà là tất cả những gì đáng hổ thẹn của bản thân để ngẩng cao đầu trong miền mênh mông vô cùng của niềm vui sướng được giải thoát khỏi những xiềng xích nặng nề, xấu xa mà chính mình đã tạo nên cho cuộc đời mình. Điều này chỉ có ông và những người như ông mới hiểu hết được mà thôi.

Suy cho cùng, ta cũng nên cá cược chút ít với cuộc đời!

Tôi rất thích hai câu châm ngôn “Trên đời, chẳng có gì như ý mình (hoàn toàn)”“Nếu cái gì mình cũng đúng mà đời mình lại như thế này àh !?”. Ngay trong gia đình và bạn bè của tôi cũng có nhiều người có nỗi niềm đau khổ, buồn bã. Nhưng mặc kệ tất cả, đau khổ cứ đau khổ, u sầu cứ u sầu, đố có khi nào thấy họ có thái độ ăn năn về những tội lỗi của họ. Một thái độ nhẹ nhàng, hài hước thừa nhận mình đã sai lầm chuyện gì đó nhỏ nhoi còn là điều hiếm hoi đến lạ lùng. Một chút ngượng ngùng, xấu hổ vì mình đã sai trái ngớ ngẩn điều gì đó cũng hiếm khi được thể hiện. Ai đó nói rằng người Việt nam là như vậy. Tất nhiên đó là một cách nói và họ có quyền nói như thế, tôi không hề phản đối thậm chí còn bảo vệ họ nói ra điều đó theo cách nói vo như thế. Không sao cả nếu bạn không phải vậy, đúng không ?! Nếu chọn cách nói chính xác thì người Việt nam vốn là một dân nhược tiểu, có những tính tốt và nhiều tính xấu. Cái tốt thì cũng chẳng tốt hơn ai. Cái hay thì cũng chẳng hay hơn ai. Nhưng cái xấu thì lại xấu hơn người. Xấu đặc sắc, xấu tràn lan, xấu thâm căn cố đế. Bởi vì nếu cái gì người Việt cũng tốt, cũng hay, cũng đẹp mà nước Việt nam mình lại thế này à ?!

Đấy, lại dựng ngược lên rồi!

Tôi biết nhiều độc giả đang dựng ngược lên vì khó chịu thậm chí là nổi giận. Không sao! Mục đích của tôi là chọc giận người đọc vì đối với tôi biết nổi giận cũng là một phẩm giá, một tính cách tốt đẹp của con người, miễn là nổi giận đúng việc, đúng nguyên cớ!

Gần đây có bài viết của ông giáo sư nổi tiếng Joel Brinkley của trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới Stanford-Hoa Kỳ, tạo nên phong trào ném đá lớn chưa từng thấy của người Việt trên khắp thế giới. Báo chí trong nước đăng tin rầm rộ vụ ném đá tơi tả này. Tôi, LTCN, đến thời điểm viết bài này, hoàn toàn ủng hộ, cùng phe, đồng tình ..v..v.. (thích dùng từ nào cũng được) với ông giáo sư Joel Brinkley.

- Trước hết là tôi hoàn toàn ủng hộ phần ông ta nói về thói ẩm thực đặc trưng của người Việt là quá thích ăn thịt và ăn tất cả các loại thịt có thể ăn được, với quan điểm rõ ràng đây là một thói ăn uống xấu, không đẹp, man rợ, ô nhiễm môi trường, độc hại, trưởng giả và ngu ngốc (ví dụ như ăn mà không biết lợi ích thế nào, ăn vì sỹ diện, ăn để khoe lắm tiền, ăn để thể hiện khác người, hơn người …)

- Thứ hai
tôi hoàn toàn ủng hộ và khâm phục sự thông minh và can đảm của ông giáo sư Brinkley khi ông thừa nhận sai lầm và tuyên bố sửa chữa phần nội dung liên hệ thói quen ăn uống với tính hung hăng của người Việt.

- Thứ ba, ngay cả khi ông Joel Brinkley không thừa nhận sai lầm và cũng không sửa chữa gì thì tôi vẫn ủng hộ và thậm chí là bảo vệ quyền của ông ta được nói ra điều mà ông ta suy nghĩ một cách công khai như vậy. Vì suy cho cùng đây không phải là một hành động vu khống, mà chính xác nó là một nhận định, một quan điểm cá nhân mà thôi. Vấn đề trở nên phức tạp vì ông ta là người nổi tiếng và tờ báo cũng nổi tiếng, nhưng không vì thế mà quên đi rằng cá nhân ông ta hoàn toàn có quyền nói lên quan điểm của riêng mình cách thoải mái và được an toàn. (Báo Tuổi trẻ, Chủ nhật 17.02.2013, page 19 bài Giáo sư Mỹ xin lỗi về bài viết sai sót về Việt Nam)

Đọc những bài, những còm (comment) ném đá ông này thấy buồn cười quá! Ô hay, mình không thế thì thôi chứ. Nào ai có quyền bắt một người phải ngồi đếm có mấy người trong bao nhiêu người đã làm gì như thế nào thì mới được phép có phát biểu quan điểm, suy nghĩ. Chính vì cách suy nghĩ chỉ thấy cái lợi trước mắt, không có và cố ý không chịu tư duy logic thống nhất nên người Việt nam luôn rơi vào những cái bẫy do mình tự tạo ra.

Thế giới chống mắt lên mà nhìn người Việt nam nhé ! Dù nghèo, dù đói, dù xấu, dù ô nhiễm, dù oan ức ngút trời nhưng đố ai dám động vào những tính xấu của người Việt. Người nước ngoài nói xấu bị ném đá tơi bời đã rõ, người Việt mà nêu lên cái xấu của người Việt thì còn được nếm đòn kinh hồn táng đởm hơn. Vì cùng là người Việt, là đồng bào, đồng hương nên sẽ có thêm cái tiết mục “phản động, phản bội dân tộc, Việt gian, sính ngoại, ngửi đít tây ..v..v..” Tóm lại là một vụ ném đá tập thể tưng bừng. Bất chấp tất cả, ờ đấy, tao nợ như chúa Chổm, con dân tao nghèo mạt hạng, đến giờ bữa cơm chỉ mong được ăn bát cơm trắng có thêm miếng thịt mỡ bằng ngón tay út, thanh niên nước tao nhìn đểu cũng đủ đâm nhau chết tươi, chồng giận vợ sẵn sàng đổ xăng thiêu con cháy đùng đùng như pháo hoa ngày Tết, tham nhũng thành quốc nạn mà không một ai chịu trách nhiệm hết, nhưng tao vẫn luôn luôn đúng bởi vì tao có súng, nhớ chưa?!

Quả thật là hoàn toàn nhờ vào bạo lực và dối trá mà đảng cộng sản độc tài cai trị dân Việt nam cho đến tận bây giờ. Nhưng cũng phải đau đớn mà thừa nhận rằng bạo lực và dối trá của cộng sản đã được người Việt nam tiếp nhận một cách không thể nói là không hào hứng vì nó đánh trúng và làm đầy những bóng tối trống rỗng trong tâm hồn người Việt. Trong đó, nơi tối nhất chính là tính cách tuy bé mà lại ưa xu nịnh và thích được xu nịnh của người Việt, thể hiện ở sự căm thù tính thẳng thắn trong khi lại rất công khai trắng trợn thể hiện tính hung hăng côn đồ tàn ác.

Quả vậy, người Việt nam từ cổ chí kim luôn nổi tiếng ở những cơ hội hòa bình, ngưng bắn, đình chiến bị đánh mất, bị vứt bỏ, bị nhổ toẹt và ở những cuộc chiến tranh thắng lợi, hơn là ở những công cuộc kiến tạo hòa bình và hòa giải. Dù nói thế nào đi chăng nữa thì số lượng các cuộc chiến tranh và thời gian chiến tranh ở Việt nam là quá nhiều so với chiều dài lịch sử, dân số và tầm vóc lãnh thổ. Và đặc biệt là người Việt lại luôn tự hào vì chiến tranh, dù đó là chiến tranh gì. Đến nỗi lịch sử Việt nam bị đánh đồng luôn với lịch sử các cuộc chiến tranh Việt nam. Đến nỗi những thành tựu văn hóa, nghệ thuật, khoa học phục vụ nhân sinh còn lại với thời gian của người Việt thì phải nghĩ mãi mới ra được.

Vậy thì có gì phải dựng ngược lên với ông giáo sư Joel Brinkley này!? Chính thái độ đó của người Việt chúng ta biết đâu lại mang đến niềm vui thầm kín nào đó cho ông ta. Vì rõ ràng chúng ta đang thể hiện một sự hung hăng ghê ghớm đối với một sự kiện chả có gì to tát. Chỉ tổ góp phần chứng minh rằng ông ta, dù sao và ở một mức độ nào đấy, đã đúng mà thôi.

Xin quý độc giả hãy search trên Internet “ăn, mua, bán, thịt thú rừng, Việt nam” ngay bây giờ. Tôi tin chắc quý vị sẽ hạ hỏa và bớt đi ý định ném đá ông Joel và tôi vì bài viết này.

Ôi, người Việt nam! Ôi, Chùa Hương! Ôi, thịt!

Hà Nội, 20.02.2013 tức 11 tháng Giêng năm Quý Tỵ
Bóng Tối Nào? Reviewed by Răng Ra Ri on 3/01/2013 Rating: 5 Lê Thị Công Nhân, X-Cafevn - 28.2.2013 : Những ngày này ở Việt Nam hầu như ai mở lời chào hỏi hay bắt đầu làm việc gì cũng thường rào đón...

Không có nhận xét nào: