Tự Do Gia Cư, Bảo Vệ Con Người - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
1 tháng 3, 2013

Tự Do Gia Cư, Bảo Vệ Con Người

Nguyễn Học Tập, TNCG – 1.3.2013: Gia cư bất khả xâm phạm.
Cấm ngặt mọi hành vi đột nhập, lục soát, trưng thu , chỉ trừ các trường hợp và theo thể thức luật định, dựa trên nguyên tắc để bảo đảm bảo vệ an ninh, tự do và nhân phẩm cá nhân theo thể thức hiến định, và được án trác có lý chứng của tư pháp cho phép.

Các việc kiểm chứng vì lý do kinh tế và thuế vụ phải được những đạo luật chuyên biệt xác định (Điều 14, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

1 – Gia cư bất khả xâm phạm.

Tự do gia cư là một trong những quyền tự do cá nhân, nền tảng của Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ, nhằm “…bảo vệ an ninh, tự do và nhân phẩm con người theo thể thức hiến định”.
Như vậy, tự do gia cư không phải là quyền tự do chỉ nhằm bảo vệ ngôi nhà, của cải vật chất, mà bảo vệ chính con người.

Nguyên tắc nền tảng của Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ cần phải được hiểu theo ý nghĩa hết sức rộng rãi có thể của câu tuyên bố.

Và vì tự do gia cư là quyền tự do căn bản nhằm bảo vệ con người trong tổ chức Quốc Gia, nên quan niệm gia cư

- không phải chỉ là nơi mỗi cá nhân cư ngụ, nơi con người hoạt động hành xử chức vụ, nghề nghiệp của mình (Điều 48, Dân Luật Ý Quốc),

- mà bất cứ ở đâu con người như cá nhân dùng để che chở, bảo vệ cuộc sống tư riêng của mình, chống lại bất cứ sự đột nhập nào, vô tình hay hữu ý, đối với thế giới bên ngoài: ngôi nhà thường trú hay cả những nơi dùng cư trú tạm bợ, một căn phòng ở khách sạn hay trên tàu thủy, một chiếc xe trang bị nghỉ hè, một chiếc lều được giăng ra trên một mảnh đất…,

- hơn nữa quyền tự do gia cư cũng có thể hiểu là tự do được Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ “nhận biết và bảo vệ” con người, không những như cá nhân đơn độc, mà bảo vệ cả con người như là thành phần của một tổ chức xã hội trung gian:

“Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần tổ chức xã hội trung gian, nơi cá nhân phát triển hoàn hảo con người của mình…” (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).


Hiểu như vậy, gia cư cũng còn được hiểu là cơ sở tiểu công nghệ, kỹ nghệ, thương mại của cá nhân hay cơ sở của hiệp hội, trụ sở hay văn phòng của một chính đảng, chủng viện, tu viện, tịnh xá, chùa chiền, nhà thờ, thánh thất của các tôn giáo và một cách nào đó, có thể cả nội bộ của chính đảng, tôn giáo, hiệp hội văn hoá, giáo dục, ái hữu…

Nói một cách tổng quát, với quan niệm về con người mà tổ chức Quốc Gia

- “nhận biết và bảo đảm” các quyền bất khả xâm phạm của mình,

- “…con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội trung gian, nơi cá nhân phát triển hoàn hảo con người của mình”,


gia cư là quan niệm khai phóng con người ra trương độ không gian và trong lãnh vực luật pháp với các quyền hiến định của cá nhân, cũng như tư cách pháp nhân của nội bộ tổ chức và cơ sở của các tổ chức xã hội trung gian, gia đình, học đường, hiệp hội, đảng phái, tôn giáo…

Gia cư là khoảng không gian được biệt lập với thế giới bên ngoài,

- được con người hợp lý và hiện đang dùng để tổ chức đời sống riêng tư của mình, khoảng không gian,

- nơi mà một hay nhiều chủ thể có ý loại trừ những thành phần không liên hệ đến cuộc sống, tổ chức và mục đích của họ ra khỏi cuộc sống và hoạt động hiện tại của mình, mà mình cho là thích hợp với ý muốn của mình.

Việc cấm xâm nhập gia cư vừa kể,

- không những cấm đột nhập bằng thể xác của những người ngoại cuộc, bất cứ ai, tổ chức công quyền hay cá nhân riêng tư cũng vậy,

- mà ngay cả dùng những phương tiện để đột nhập, dò xét, thu lượm tin tức, hình ảnh một cách bất chính, không có sự đồng thuận của con người liên hệ.

Điều 615 Bộ Hình Luật Ý phạt bất cứ ai dùng các phương tiện để thu hình hay nghe lén đời sống riêng tư trong nhà hay bất cứ nơi nào khác mà cá nhân tạm thời dùng như là nơi cư ngụ.

Bộ Hình Luật vừa kể, dựa trên tinh thần của nguyên tắc “Gia cư bất khả xâm phạm” cũng tuyên án phạt bất cứ ai tiếc lộ bí mật hay phổ biến bằng bất cứ phương tiện nào tin tức, tiếng nói hay hình ảnh được nghe lén hay thu lén vừa kể.

Hiểu như vậy, “Gia cư bất khả xâm phạm”, chúng ta cần lập lại, không phải là một quyền hiến định nhằm bảo vệ ngôi nhà, cơ xưởng vật chất…,

- mà là bảo vệ con người bất cứ ở đâu ,

- bảo vệ nơi chốn, nơi con người cư ngụ hay đang hội họp với người khác,

- bảo vệ cả tổ chức xã hội trung gian mà con người là thành viên, vì là nơi con người hoạt động để “phát triển hoàn hảo con người của mình và tham gia một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở” (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

2 - Lục xét, kiểm soát, trưng thu.

a) Đột nhập, lục xét, trưng thu.

- “Cấm ngặt mọi hành vi đột nhập, lục soát, trưng thu, ngoại trừ các trường hợp và theo thể thức luật định, theo nguyên tắc để bảo đảm an ninh, tự do và nhân phẩm cá nhân theo thể chế hiến định, và được án trác có lý chứng của cơ quan tư pháp cho phép” (Điều 14, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Trước khi đề cập đến đoạn 2 của nguyên tắc đang bàn, vừa được trích dẫn, liên quan đến việc can thiệp của cơ quan công lực vào tư gia, giới hạn an ninh, tự do và nhân phẩm của cá nhân trong trường hợp cần thiết “để bảo vệ y tế và an ninh công cộng”, thiết tưởng chúng ta cũng nên nhắc lại Nguyên Tắc Nền Tảng đuợc Hiến Pháp tuyên bố ở đoạn 1: “Gia cư bất khả xâm phạm” (Điều 14, đoạn 1, id.)..

Vì tự do gia cư là một trong những nguyên tắc nền tảng của Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ, nền tảng để bảo vệ “…an ninh, tự do và nhân phẩm con người”, những giá trị tối thượng mà Hiến Pháp nhằm bảo vệ, chống lại những vi phạm đáng tiếc đã và đang xảy ra.

Do đó chúng ta không theo khuôn mẫu tuyên bố của Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776, của Hiến Pháp 1946 và 1958 hiện hành Pháp Quốc là những Quốc Gia chưa hề phải trải qua các chế độ độc tài khủng khiếp, bởi đó họ đặt các giá grị trên ở Tiền Đề để long trọng tuyên bố.

Chúng ta theo kinh nghiệm của hai Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức, là hai Hiến Pháp được viết ra sau kinh nghiệm ê chề máu và nước mắt do Hitler và Mussolini gây nên. Do đó “an ninh, tự do và nhân phẩm con người”

- được đặt vào chính thân bài của Hiến Pháp, (điều 1-19 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức và từ điều 2-54, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),

- tuyên bố như là một đạo luật thực định (lois positive),

- với đặc tính là một mệnh lệnh (préceptif) phải tuân hành,

- và có hiệu lực bắt buộc phải thi hành đối với cơ chế Quốc Gia được quy trách.

Đó là những gì chúng tôi mong ước cho Hiến Pháp của Việt Nam trong tương lai phải có để bảo vệ con người.

Các quyền tự do cá nhân của con người trong Hiến Pháp tương lai của Việt Nam là các quyền “tự do thực hữu” (libertés substantielles).

Nói cách khác, các điều khoản về quyền tự do cá nhân và phẩm giá của con người được hai Hiến Pháp vừa kể nhằm tuyên bố với hiệu lực bắt buộc phải thi hành, hơn là tuyên bố long trọng hay kém long trọng.

Quyền tự do gia cư là một trong những quyền căn bản của con người, nhằm bảo vệ con người, mà Quốc Gia đứng ra tuyên bố

- “Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của con người” (Điều 2 Hiến Pháp 1947 Ý quốc)

và quy trách cho cơ chế Quốc Gia phải đứng ra bảo đảm cho thực hiện:

- “Các quyền căn bản được kể sau đây là những quyền có giá trị bắt buộc đối với Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp, như là quyền đòi buộc trực tiếp” (Điều 1, đoạn 3, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức.).


Người Đức, qua kinh nghiệm máu và nước mắt do Hitler gây nên, mới bắt buộc Hiến Pháp 1949 của họ viết nên đoạn Hiến Pháp vừa kể để bảo vệ chính mình.

Điều đó cũng có nghĩa rằng, nếu con người không được tôn trọng đối với các quyền căn bản của mình mà Hiến Pháp tương lai của Việt Nam đứng ra “ nhận biết và bảo đảm” đứng ra bảo vệ, người dân có thể đứng ra đệ đơn tố cáo cơ chế Quốc Gia thiếu trách nhiệm, thiên vị và bất hiệu năng

- “Không có bất cứ trường hợp nào một quyền căn bản có thể bị tổn thương đến nội dung thiết yếu của mình” (Điều 19, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức)

- “Nếu một người bị cơ quan công quyền làm tổn thương đến các quyền tự do của mình, có thể đệ đơn tố cáo đến cơ quan tư pháp…” (Điều 19, đoạn, id.).

- “Mọi người đều có quyền hành động trong lãnh vực tư pháp để bảo vệ quyền và lợi thú chính đáng của mình”.

“Những ai không có phương tiện, với các cơ quan liên hệ được thiết lập và các phương tiện thích ứng, cũng sẽ được bảo đảm để hành động và bênh vực mình trước mọi lãnh vực và tiến trình của phiên xử kiện” (Điều 24, đoạn 1 và 3 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).


Con người trong Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ được

- Lập Pháp soạn thảo ra các đạo luật công minh, theo tinh thần tôn trọng con người được Hiến Pháp thiết định để bảo vệ,

- Hành Pháp không những tôn trọng, không được vi phạm, mà còn có bổn phận cung cấp cho tổ chức và phương tiện để hành xử bênh vực mình trước mọi tiến trình của Tư Pháp:

- và được Tư Pháp xét xử minh bạch, chính trực không thiên vị:

* “Không ai có thể bị thuyên chuyển ra khỏi thẩm quyền của vị quan toà được luật pháp tiền liệu để xét xử”.

“Không ai có thể bị bắt bớ giam cầm vì lý do an ninh, nếu không phải trong các trường hợp đã được luật pháp tiền định” (Điều 25, đoạn 1 và 3 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).


Như vậy trong tâm thức của nền tảng của Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ, mà chúng ta ước vọng cho Việt Nam, tổ chức cơ chế Quốc Gia không phải là con quái vật luôn luôn hăm doạ vi phạm an ninh, tự do và nhân phẩm con người, mà Quốc Gia còn phải đứng ra đặt các lằn mức ngăn chận và tạo các phương thức và điều kiện thích hợp, để con người được tự do phát tiển con người của mình.

Tổ chức cơ chế Quốc Gia được Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ biến

- từ thể chế quân chủ độc tôn và tự tôn,

- từ các thể chế độc tài, độc đảng, toàn trị, đê tiện hoá con người, coi con người như dụng cụ và súc vật phải “thương yêu đảng, nhất trí với đảng, củng cố đảng và phát triển đảng”, “củng cố và phát triển chủ nghĩa…”,

- thành phương tiện để phục vụ con người, tạo điều kiện thuận tiện để con người phát triển hoàn hảo chính mình và có khả năng thiết thực phục vụ đất nước:

* “Bổn phận của Quốc Gia là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về các phương diện có kinh tế và xã hội là những chướng ngại vật trong khi cản trở tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép họ phát triển hoàn hảo con người của mình và tham dự thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của sứ sở” (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).


b) Vì ly do y tế và an ninh công cộng.

Trở lại đoạn 2 của nguyên tắc đang bàn, cho phép cơ quan công lực can thiệp vào gia cư vì lý do y tế và an ninh công cộng.

Đọc đoạn văn vừa kể, ai trong chúng ta cũng thấy được Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ dùng hình thức “hạn chế tăng cường đối với luật pháp” (riserva di legge).
Hiến Pháp được viết ra, không chỉ nêu lên những điều khoản căn bản xác định giá trị phải tôn trọng và định hướng cho tổ chức Quốc Gia, dành quyền lại cho luật pháp sau nầy xác định rõ hơn những trường cá biệt để áp dụng.

Hình thức tuyên bố vừa kể, chúng ta thấy nhan nhãn đó đây trong các Hiến Pháp với những công thức: “theo luật lệ hiện hành”, “theo thể thức luật định”…

Nhưng với quá nhiều kinh nghiệm bất hạnh và đau thương trong quá khứ, hai Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức không thể khoán trắng cho cơ quan Lập Pháp (Quốc Hội) sau nầy soạn thảo “luật lệ hiện hành…, theo thể thức luật định” thế nào tùy hỷ.

Rudolf Hitler và Benito Mussolini cũng đã tùy tiện “theo luật lệ hiện hành, theo thể thức luật định” đã “hiện hành và luật định” cho hàng mấy triệu người vào lò sát sinh và dưới mồ chôn tập thể.

Hiểu như vậy, chúng ta hiểu tại sao Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ của chúng ta sẽ được viết ra theo tinh thần của hai bản Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và 1949 Cộng Hoà Liên Ban Đức, là hai Hiến Pháp thoát xuất từ kinh nghiệm của hai chế độ độc tài vừa kể.

Đọc đoạn 2 của điều đang bàn của Văn Bản Nền Tảng được viết ra trong trong tinh thần đó, chúng ta thấy rằng Hiến Pháp áp dụng hình thức “dành quyền hạn chế tăng cường đối với luật pháp”(riserva rinforzata di legge), phương thức mà ai đọc hai bản Hiến Pháp trên đều có thể gặp được dễ dàng trong các điều khoản, nhứt là ở phần đầu, đề cập đến địa vị và các quyền tự do căn bản con người.

* “cấm ngặt mọi đột nhập, lục soát, trưng thu, ngoại trừ các trường hợp luật định…”,

Như vậy, cơ quan công lực muốn “đột nhập, lục soát, trưng thu” tại tư gia, chỉ có thể thi hành theo các điều khoản luật pháp được Quốc Hội chuẩn y, Viện Bảo Hiến xác nhận hợp hiến và được Tổng Thống ban hành.

Cơ quan công lực hay Hành Pháp không thể tỳ tiện ra nghị định, sắc luật, pháp lệnh…để vi phạm giảm thiểu quyền tự do gia cư, đột nhập, khám xét nhà, lục soát trên thân thể cá nhân , trưng thu đồ vật hay tài liệu tùy hỷ, đánh đập, bắn giết, đả thương, bắt bỏ tù khi “bọn Tin Lành họp nhau đọc kinh ở nhà riêng, vì nhà thờ của tụi nó bị ủi sập”, như đã xảy ra cách dây không lâu tại Sàigòn.

Cách hành xử vừa kể là lạm quyền hống hách của giới đương quyền, chứng tỏ Quốc Gia có lối sống xem phẩm giá con người không hơn thú vật.

*“…theo nguyên tắc bảo đảm an ninh, tự do và nhân phẩm cá nhân theo thể chế hiến định”.

Và rồi giao quyền thiết định luật lệ và phương thức phải tuân giữ khi cơ quan công quyền hành xử quyền bính vi phạm tự do gia cư cho Quốc Hội, Hiến Pháp cũng không giao trọn quyền cho Quốc Hội tùy tiện soạn thảo và chuẩn y luật pháp thế nào cũng được, nhưng là phải chuẩn y những điều khoản luật nằm trong tinh thần

- “bảo đảm an ninh, tự do và nhân phẩm cá nhân”,

đã được Hiến Pháp chuẩn định trước, nếu luật lệ của Quốc Hội không muốn mang tính cách vi hiến và vì đó trở thành vô hiệu lực.

Như trên đã nói, tự do gia cư không phải là quyền tự do được Hiến Pháp bảo vệ, nhằm tránh mọi vi phạm đến căn nhà bằng gạch bằng đá, mà nhằm bảo vệ con người.

Như vậy, nếu tự do gia cư là quyền tự do được Hiến Pháp bảo đảm để bảo vệ con người, “… theo nguyên tắc bảo đảm an ninh, tự do và nhân phẩm cá nhân theo thể chế hiến định” thì tự do gia cư là những gì đã được Hiến Pháp xác định ở nguyên tắc trước đó :

- “mỗi người có quyền được bảo toàn mạng sống, toàn vẹn thân thể và danh dự của mình”…

- “Không thể chấp nhận bất cứ một hình thức bắt giam, lục xét, điều tra, cầm giữ, trưng thu hoặc các hình thức giảm thiểu tự do cá nhân nào khác, nếu không có án trác có lý chứng của tư pháp, theo các điều kiện và thể thức luật định”.

- “Trong trường hợp khẩn thiết, được pháp luật xác định rõ, nhân viên công lực có thể thi hành những biện pháp tạm thời, nhưng phải thông báo cho tư pháp trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Và nếu trong vòng 24 tiếng đồng hồ kế tiếp, cơ quan tư pháp không xác nhận biện pháp được áp dụng, biện pháp phải được coi là thu hồi và vô hiệu lực”.

- “Mọi bạo lực, khống chế đối với thể xác và trên tinh thần của người bị giảm thiểu tự do đều sẽ bị trừng phạt” (Điều 13, đoạn 2-5, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Như vậy không phải Quốc Hội có thể chuẩn y luật pháp thế nào tùy hỷ là chỉ được chấp thuận những đạo luật thể hiện được sự bảo vệ tự do cá nhân vừa kể , theo điều 13 và các điều khác của phần đầu Hiến Pháp 1947 Ý Quốc (1- 28), bảo vệ phẩm giá và các quyền bất khả xâm phạm của con người: mục đích mà Quốc Gia được thiết lập và lý do để tồn tại, trong Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ.

Điều 615 Bộ Hình Luật Ý Quốc tuyên án phạt tù 1 đến 5 năm nhân viên công lực nào lạm dụng quyền hành của mình xâm phạm gia cư hay cố chấp ở lỳ trong nhà người khác không theo trường hợp và thể thức luật định, còn nói gì đến chửi bới, đánh đập, đả thương và bắn giết, khi người ta bất bạo động, chỉ họp nhau “đọc kinh và nghe giảng Tin Mừng Phúc Âm? ” .

Các nước Tây Âu họ văn minh, không phải chỉ vì họ chế được FIAT hay MERCEDES, mà vì họ biết coi người đồng loại của họ có phẩm giá và các quyền bất khả xâm phạm như chính mình:

- “Nhân phẩm con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ nhâm phẩm đó” (Điều 1, đọan 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).

* “…với án trác có lý chứng của cơ quan tư pháp…”.


Đoạn văn vừa kể cho thấy một điều kiện tuyệt đối để áp dụng trong phương thức “dành quyền tuyệt đối cho cơ quan tư pháp” (riserva assoluta al potere giudiziario).

Cơ quan công lực có được các “điều khoản luật pháp do Quốc Hội chuẩn y cho phép”, xác định trường hợp và thể thức phải tuân theo khi thi hành phận vụ đột nhập, lục soát, trưng thu tại gia cư.

Nhưng có được luật pháp thiết định cho, chưa phải là hội đủ điều kiện để có thể “tác oai tác quái, hách dịch xông vào nhà” như Từ Hải trong truyện Kiều,

“Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.


Muốn thực hiện công cuộc “bố ráp” vừa kể, Chính Quyền phải được sự đồng thuận của tư pháp với trác án có lý chứng.

Viện Bảo Hiến Ý Quốc (Corte Cost. , sent n.10 del 1971) đã tuyên bố đạo luật 41 t.u.l.p.s (testo unico legge di pubblica sicurezza) của thời tiền Hiến Pháp 1947 Ý Quốc còn sót lại từ thời Phát Xít của Mussolini, cho phép

- “cơ quan công lực có quyền thâm nhập lục soát gia cư bất cứ lúc nào, chỉ cần được ai báo là trong nhà có chức khí”,
là một đạo luật vi hiến và tuyên bố vô hiệu lực.

Một đạo luật vừa kể, không khác gì đạo luật lệ của một xứ kém văn minh bán khai nào đó cho phép công an mới đây đột nhập vào nhà các anh em Tin Lành đang họp nhau cầu nguyện, đánh đập, đả thương, giết chết và câu lưu những người đang cầu kinh, chỉ vì nhà thờ của họ bị ủi sập.

Hay trường hợp đột nhập vào văn phòng Ls Lê Trần Luật, không biết có

- “do án trác có lý chứng của tư pháp, và chỉ trong các trường hợp và theo thể thức luật định” (Điều 13, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc) không?
Viện Bảo Hiến Ý Quốc đã đặt đạo luật ra ngoài vòng pháp luật (vi hiến). Vì đó không phải là cách hành xử của một Quốc Gia có lối sống xứng đáng của con người, có chăng là lối hành xử đối với súc vật.

Bởi lẽ đạo luật dành mọi quyền gần như vô tận cho các chú công an, chúa tể càng khôn áp đặt quyền lực lên đầu lên cổ dân chúng.

Người Ý đã chôn Mussolini và những tàn dư của hắn ta từ trên 50 năm nay.

Chỉ có cơ quan tư pháp mới có thể cho phép cơ quan công lực đột nhập, lục soát, trưng thu với án trác có lý chứng.

Lý chứng đó, người dân có thể kháng cáo với toà án và kể cả đối với Viện Bảo Hiến, nếu thấy mình bị uy hiếp oan ức:

- “Nếu một cá nhân bị cơ quan công quyền làm tổn thương đến các quyền tự do của mình, có thể đệ đơn tố cáo đến cơ quan tư pháp…” (Điều 19, đoạn 4 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).

3 – Các việc kiểm chứng, vì lý do kinh tế và thuế vụ.


a) Kiểm soát vì lý do kinh tế, thuế vụ.

Câu tuyên bố của đoạn 3, nguyên tắc đang bàn vừa kể gồm có hai phần, ai cũng thấy được.

Ở phần đầu,“các việc kiểm chứng, lục soát vì lý do y tế và an ninh công cộng…phải được những đạo luật chuyên biệt xác định”.

Chắc chắn đó là những đạo luật y tế và đạo luật cảnh sát, quân sự xác định hoàn cảnh và phương thức mà cơ quan công lực phải tuân hành khi can thiệp vào gia cư, để bảo vệ an ninh và y tế cho dân chúng.

Dĩ nhiên với phương cách can thiệp của cơ quan y tế, cảnh sát và quân đội như vậy, tự do gia cư bảo vệ con người đang bàn bị giảm thiểu.

Và vì đó các cơ quan y tế, cảnh sát cũng như quân đội phải hội đủ các điều kiện về luật pháp được Quốc Hội ban hành và án trác có lý chứng của tư pháp, như chúng ta đã đề cập ở trên.

Ở phần kế, các cuộc kiểm chứng, lục soát vì lý do kinh tế và thuế vụ, là những cuộc điều tra do tổ chức hành chánh, cơ quan thuế vụ thực hiện để kiểm soát phương thức sản xuất và thương mại, kiểm soát ngân sách thuế vụ.

Các cuộc điều tra hay kiểm soát vừa kể, không do cảnh sát hay quân đội thực hiện, nên chắc chắn ảnh hưởng đến tự do gia cư, tự do cá nhân, sẽ không nặng nề như các trường hợp “vì lý do an ninh công cộng và y tế ” được kể.

Và do đó Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ không đòi buộc phải có án trác có lý chứng của tư pháp, mà chỉ cần được xác định về trường hợp và thể thức do “các đạo luật chuyên biệt xác định”.
Dĩ nhiên là “các đạo luật chuyên biệt” đó của Quốc Hội không thể xác định ra bên ngoài và ngược lại định chế căn bản hiến định để bảo vệ các quyền tự do cá nhân (Điều 1-12 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc), (Paolo Barile , Corso di diritto costituzionale, Cedam, Padova 1964, II ed., 124-138).

Trong lãnh vực kinh tế, ngoài ra những nguyên tắc nền tảng định chế cho nhân phẩm và các quyền tự do cá nhân như vừa kể, các đạo luật của Quốc Hội cũng được điều 41 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc hướng dẫn để định chế “các đạo luật chuyên biệt”:

- “Sáng kiến cá nhân về tự do kinh tế không thể hành xử đi ngược lại lợi ích xã hội, hoặc làm phương hại đến an ninh, tự do và nhân phẩm con người” (Điều 41, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Qua những gì vừa kể, chúng ta thấy rằng để thực hiện việc điều tra, kiểm soát trong lãnh vực kinh tế và thuế vụ, cơ quan hành chánh không hẵn cần phải đột nhập, ập vào tư gia , cơ xưởng để kiểm soát, làm tổn thương nhân vị của cá nhân hay của những người bị nghi ngờ không hoạt động đúng đắn tiêu chuẩn trong kỹ nghệ và thương mại.

Cơ quan hành chánh có thể đến nhà, trình diện trước cá nhân đương sự với hồ sơ chứng minh và cho biết ý muốn xem xét tài liệu liên hệ hay sản phẩm mà cơ quan nghi ngờ không đúng tiêu chuẩn kỹ nghệ.

Cơ quan cũng có thể gởi thư mời đương sự đến trình diện tại trụ sở với tài liệu hay sản phẩm liên hệ, không chuyện gì nhứt thiết phải xử dụng cường quyền, hống hách doạ nạt hạ phẩm giá của cá nhân đương sự, mà cũng hạ uy thế của Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ (G. Amato, A. Barbera, Manuale di diritto pubblico, Bologna 1997, 257-270).

b) Quyền tư hữu gia cư


Nhìn quyền tự do gia cư dưới một khía cạnh khác, chúng ta thấy rằng Hiến Pháp bảo vệ tự do gia cư, một quyền căn bản của cá nhân, là để bảo vệ đời sống riêng tư (privacy) của mỗi con người, khỏi bị người ngoại cuộc dòm ngó, xâm phạm, tạo ảnh hưởng.

Trong ý nghĩa đó, gia cư (một ngôi nghà, một căn chòi, một hang động trong núi…) được dùng để bảo vệ con người sống bên trong, tránh những đột nhập từ bên ngoài và bảo đảm cho đời sống riêng tư, để mỗi cá nhân có thể tổ chức cách sống nào mình cho là thích hợp nhứt với ý muốn của mình.

Nhưng với một căn chòi siêu vẹo hay một hang động trống trước rỗng sau, con người không thể làm sao bảo vệ được cuộc sông riêng tư của mình, khỏi những dòm ngó của người ngoại cuộc.

Điều đó cho thấy rằng người nghèo khỗ và thiếu phương tiện không được hưởng quyền tự do gia cư mà Hiến Pháp đứng ra bảo đảm.

Tình trạng đó cho thấy Hiến Pháp chỉ bảo đảm trên lý thuyết (formelle) quyền bình đẳng, một trong những quyền căn bản tự do cá nhân:

- “Mọi người đều có địa vị xã hội như nhau và bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt phái giống, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chinh kiến, điều kiện cá nhân hay xã hội ” (Điều 3, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).


Trên thực tế con người với nhà cửa trống trước rỗng sau, không những là con người không được cơ chế Quốc Gia bảo đảm một cách hữu hiệu quyền tự do gia cư, mà cũng không được bảo đảm quyền bình đẳng, một trong những quyền tự do cá nhân bất khả nhượng trong Thể Chế Nhân Bản và Dân Chủ.

Để cho người dân “ăn lông ở lổ ” như vậy, Quốc Gia thiếu bổn phận hiến định của mình:

- “Bổn phận của Quốc Gia là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội là những chướng ngại trong khi giới hạn bình đẳng và tự do của người dân, không cho phép cá nhân triển nở hoàn hảo con người của mình và tham gia một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở ” (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Hiểu như vậy, tự do gia cư là một trong những điều kiện thiết yếu để con người có được cuộc sống riêng tư, tôn trọng nhân phẩm của mình, là quyền cho phép người dân có thể đòi buộc (actionable) đối với tổ chức Quốc Gia, chu toàn nhiệm vụ được Hiến Pháp giao phó ngay ở điều khoản đầu tiên của Văn Bản Nền Tảng:

- “Các quyền sẽ được kể sau đây có giá trị bắt buộc đối với các cơ chế Quốc Gia, như là những quyền đòi buộc trực tiếp” (Điều 1, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 CHLBD).

Đó cũng là ý kiến của Giáo Sư Pietro Perlingieri, Giáo Sư Luật Hiến Pháp Đại Học Benevento (Pietro Perlingieri, Commento alla Costituzione Italiana, II ed., Edizioni Scientifiche Italiane, Benevento 1966, 76).

Và ý kiến đó đã được Viện Bảo Hiến Ý Quốc xác quyết (Corte Cost., sent 142, 10.03.79).

Và đó cũng là những gì đã khiến cho các vị soạn thảo Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, tiền liệu cho Quốc Gia những phương thức đáp ứng lại đòi hỏi của người dân, khi họ cần nhờ Quốc Gia can thiệp để bảo vệ quyền tự do gia cư của mình, bảo vệ chính con người của mình, một trong những quyền tự do cá nhân căn bản:

- “Quốc Gia khuyến khích và bảo đảm tiếc kiệm dưới mọi hình thức; định chế, phối hợp và kiểm soát dịch vụ ngân hàng.

“Dành mọi điều kiện dễ dàng cho dân chúng tiếc kiệm trở thành sở hữu chủ ngôi nhà mình đang sống, mảnh đất mình đang trồng trọt và tham dự trực tiếp hay gián tiếp đầu tư vào các cơ sở sản xuất rộng lớn của xứ sở ” (Điều 47, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Tinh thần nhân bản đó, chúng ta cũng đã được thấy qua các đạo luật

- người cày có ruộng,

- hữu sản hoá Taxi

dưới thời VNCH, mặc cho Miền Nam VN lúc đó đang dưới áp lực khói lửa chiến tranh.

Như vậy tự do gia cư không phải chỉ là Chính Quyền không thể xâm phạm tư gia, nếu không có các điều khoản luật định, mà còn là quyền tự do cá nhân bất khả xâm phạm, người dân có quyền kỳ vọng (exigendi facultas) ở tổ chức Quốc Gia cung cấp cho mình những điều kiện thích hợp, để được hưởng những gì Hiến Pháp đứng ra bảo vệ và quy trách cho những ai có trách nhiệm phải thực hiện.

- “Các quyền căn bản sẽ được kể sau đây là những quyền có giá trị bắt buộc đối với Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp, như là những quyền bắt buộc trực tiếp” (Điều 1, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).
Tự Do Gia Cư, Bảo Vệ Con Người Reviewed by Răng Ra Ri on 3/01/2013 Rating: 5 Nguyễn Học Tập, TNCG – 1.3.2013 : Gia cư bất khả xâm phạm. Cấm ngặt mọi hành vi đột nhập, lục soát, trưng thu , chỉ trừ các trường h...

Không có nhận xét nào: