VRNs - 14.03.2013: Sài Gòn – Vào sáng thứ sáu, 08.03.2013 vừa qua, tại trường quay của Truyền hình Đức Mẹ, chương trình Việt Nam tuần qua đã có cuộc trao đổi với chức sắc thuộc ba tôn giáo đang hoạt động tại Việt Nam, bất chấp nhà cầm quyền có công nhận hay không. Các chức sắc đó là Mục sư Nguyễn Hồng Quang, tiến sĩ thần học Thánh Kinh, cử nhân luật, Cố vấn Hội Thánh Tin Lành Mennonite; Hòa Thượng Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng, Tổng vụ Từ thiện Xã hội thuộc Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất; Linh mục Mátthêu Vũ Khởi Phụng, giáo sư thần học, chuyên khoa Giáo phụ học, Trưởng ban truyền thông Tỉnh DCCT VN, Bề Trên DCCT Thái Hà, Hà Nội.
Cả ba vị cùng nhau trao đổi về sự kiện ngày 1.03.2013, HĐGM VN có gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhận định và sửa đổi HP. Buổi trao đổi do phóng viên Huyền Trang, VRNs điều phối.
PV VRNs: Thưa Quý vị vào ngày 1.03.2013 vừa rồi, HĐGM VN có gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhận định và sửa đổi HP. Quý vị bình luận như thế nào về nghị định này?
Lm Mathêu Vũ Khởi Phụng: Theo nhận định riêng của chúng tôi, bản góp ý của Ban thường vụ của HĐGM VN gửi Ủy ban tu chính HP, thật ra nó không phải là một nội dung hoàn toàn mới bởi vì các nhận định này, tôi nghĩ, hầu hết các Tôn giáo ở VN đều đã có những nhận định như thế này. Những khó khăn của chế độ xhcn với các Tôn giáo, không những ở VN mà còn ở tất cả các xhcn khác, đều phát xuất từ những điểm mà HĐGM đã đề cập. Bản góp ý chỉ mới ở chỗ là cho tới bây giờ những tiếng nói đó đã cất lên một cách công khai và một cách chính thức ở VN. Tôi nghĩ, trong những hoàn cảnh của người VN hiện nay có những lời nói như trên, dễ bị đưa vào những cuộc mâu thuẫn hay là tranh đoạt về chính trị. Nhưng trong cách nhìn của HĐGM VN, nếu nhìn lại lịch sử của các nước xhcn thì là lịch sử có nhiều những bi kịch, dù ở Liên Xô như thời Stalin chẳng hạn, hay thời ở Trung Quốc thời đại nhảy vọt cách mạng Văn hóa, hay ở VN trong thời kỳ cải cách ruộng đất, hay vụ nhân văn giai phẩm, hay mới đây là những tình hình căng thẳng cho những người bất đồng chính kiến phải chịu… tất cả những điều này là những nguyên nhân, đều nằm trong những điểm mâu thuẫn do HĐGM vặt ra. Cho nên, đây là một sự đóng góp không phải trong một tinh thần đối đầu, nhưng trong một sự cộng tác chung để cùng nhau đưa đất nước và đưa dân tộc tiến lên.
Mục Sư Nguyễn Hồng Quang: Ngày 1.03.2013, chúng tôi được đọc Kiến nghị thư của HĐGM VN, kiến nghị góp ý nhận định và sửa đổi HP, do chính đcs khởi xướng. Đây là một điều đặc biệt, bởi vì bấy lâu nay chúng tôi ưu tư về những tiếng nói và những nhận thức nội tại của nhà đương cục cs VN, hay là những tiếng nói chân chính mãnh liệt trên đất nước này, để góp ý vì quyền lợi của dân tộc, của tương lai chung mà tất cả chúng ta đều có trách nhiệm. Kiến nghị thư của HĐGM VN, với một Giáo Hội có hàng vạn Linh mục, tu sinh, đại chủng sinh, giáo lý viên, giáo dân trên 7 triệu tín đồ, là tiếng nói của hàng vạn người đồng thời là tiếng nói nặng ký nhất mà chúng tôi quan tâm. Như Linh mục Vũ Khởi Phụng vừa nói: “chia sẻ những trách nhiệm chung chứ không chống đối ai”, vì đây là đáp ứng sự kêu gọi của nhà đương cục VN trong hiện tình đất nước có rất nhiều bế tắc. Đồng thời, là một người phục vụ Chúa, tôi cũng có câu Kinh Thánh:
“Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở miệng xét xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ” (Cn 31, 8-9).
Tôi nghĩ, xã hội VN chúng ta đã quá tụt hậu và nhà đương cục VN muốn tu chính hiến pháp dù họ không muốn thay đổi đi nữa thì họ cũng phải thay đổi. Cho nên, tôi cho đây là sự đóng góp của HĐGM VN trong kiến nghị thư là một điều đúng với tinh thần của Phúc Âm, nghĩa là “mở miệng xét đoán cách công bình”. Những nhận định của HĐGM về tình hình đất nước trong việc thực thi HP, về những tình trạng chung của quyền con người, hay tam quyền phân lập, các quyền bính hay phẩm giá con người cũng như là một phương thức để quản lý xã hội VN tốt hơn, thì HĐGM VN đã phân tích rất kỹ.
Hòa Thượng Thích Không Tánh: Riêng về chúng tôi, chúng tôi đồng tình về những ý kiến nhận định của Mục Sư Nguyễn Hồng Quang cũng như Quý Linh mục. Có thể nói rằng, từ trước đến giờ tôi ít thấy HĐGM VN có những tuyên bố dấn thân, hoặc tích cực đối với mặt chính trị của đất nước. Do đó, chúng tôi phấn khởi, đề cao, hoàn toàn đồng ý và ủng hộ với các điểm do HĐGM VN đưa ra, nhằm góp phần xây dựng quê hương đất nước để đất nước được tự do, dân chủ, có nhân quyền thật sự, và cùng nhau dấn thân cho tương lai của quê hương dân tộc VN.
PV VRNs: Thưa Quý vị, nếu Quý vị được hỏi thì Quý vị sẽ bổ sung điều gì vào văn thư nhận định và góp ý sửa đổi HP 1992 này?
MS Quang: Tôi nghĩ những nhận định của kiến nghị thư của HĐGM VN đã quá rõ ràng vào những nét trọng tâm. Ví dụ: thứ nhất, vấn đề ý thức hệ chủ đạo để cai trị VN đã lỗi thời, đó là một nhận định rất đúng; Thứ hai, đó là vấn đề tam quyền phân lập, đây là một xã hội văn minh tiến bộ mà HĐGM VN đã đề xuất tam quyền phân lập đúng với dòng chảy quản lý trật tự xã hội của các quốc gia văn minh hiện đại, cũng là xu thế tất yếu để giám sát quyền lực, ngăn chặn sự tha hóa của quyền lực, thì đây là những kiến nghị nhận định rất rõ ràng. Đặc biệt vấn đề phi chính trị hóa quân đội thì ngay điều 45 HP cũ và điều 75 của Dự thảo HP, đây là điều tôi thấy rất lạ! Tại sao quân đội của HP 92 không trung thành tuyệt đối với Đảng trước, bây giờ lại nêu điểm đó ra, nên HĐGM đã kiến nghị về vấn đề này để nhắc nhở vấn đề phi chính trị hóa quân đội, nhằm mục đích quân đội bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, truyền thống Văn hóa, mọi cộng đồng Dân tộc cũng như mọi công dân Việt Nam không phân biệt. Không có một HP của một quốc gia văn minh lại cho rằng quân đội phải tuyệt đối trung thành với một Đảng phái chính trị. Đây là một điều thụt lùi của nền văn minh nhân loại. Tôi nghĩ, Hội đồng HP trong Quốc Hội cũng là Quốc Hội và thuộc đcs, các thành viên trong Quốc Hội cũng là đảng viên cs, cho nên Tòa án cũng thuộc đảng viên cs. Vì vậy, tôi nghĩ, nên có một cơ chế Toà án Bảo hiến, độc lập đủ mạnh và không lệ thuộc đảng phái chính trị hay hành pháp, thì Tòa án Bảo hiến đó có chức năng chế tài những ai vi phạm HP để bảo vệ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và bảo vệ HP trong một quốc gia. Ngoài ra, Tòa án Bảo hiến độc lập, phi đảng phái, là một cơ chế Tam quyền phân lập như Tối cao pháp viện hay Giám sát viện trước năm 1975 của HP Việt Nam Cộng Hòa. Tôi muốn nhắc những cơ chế để giám sát chống sự tha hóa quyền lực và vi phạm HP.
HT Không Tánh: Điểm quan trọng, chúng tôi để ý là phải vượt qua được những sự bất hợp lý từ trong những cấu trúc HP và bằng mọi cách xóa bỏ những đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của Quốc Hội, đó là cơ quan quyền lực của nhà nước cao nhất mà đích thực do dân bầu ra.
Lm Phụng: Tôi xin thú thực là tôi chưa nghĩ đến chuyện bổ sung văn kiện này như thế nào, bởi vì tôi nghĩ trong tình trạng hiện nay của xã hội chúng ta, nếu chúng ta có thể lấy những ý kiến và những đề tài của HĐGM ra trao đổi với nhau một cách công khai và một cách thanh thản trong tinh thần xây dựng, thì đã là một bước tiến lắm rồi. Tôi chưa dám nghĩ đến bước tiến tiếp theo, bởi vì như chúng ta thấy hiện nay, trong nội dung trao đổi về việc sửa đổi HP, nó vẫn có một điều mắc mứu ví dụ như: ai mà nói động đến điều 4 HP, kiến nghị 72, hay trường hợp Nhà báo Nguyễn Đắc Kiên và anh Huỳnh Ngọc Chênh,… đều bị coi là phần tử xấu, có ý muốn khuynh đảo lật đổ chính quyền. Nếu chúng ta đi từ chỗ quy kết đen trắng một cách giả tạo như vậy, mà đi đến chỗ nói đây là một vấn đề nghiêm túc và những người có thiện chí xây dựng có thể ngồi với nhau trao đổi thẳng thắn. Đây một bước tiến cho nền dân chủ của xã hội. Khi nãy Mục sư nhắc tới lời Kinh Thánh “Hãy thẳng thắn mà nói lên”, thì trong Kinh Thánh cũng có nói về một vị Ngôn sứ Cựu Ước được sai đi để nhổ và để phá, để xây và để trồng. Bây giờ làm thế nào người VN chúng ta, không phân biệt là người vô thần hay người hữu thần, người có tôn giáo hay là người không có tôn giáo, có thể ngồi với nhau xem chúng ta nên phá cái gì, chúng ta nên nhổ cái gì, chúng ta nên xây cái gì, chúng ta nên trồng cái gì. Nói với nhau một cách thanh thản, không coi nhau là thù địch thì đó là một bước tiến.
PV VRNs:: Thưa Quý vị, Quý vị sẽ làm gì để các tôn giáo liên kết cùng nhau trong giai đoạn lịch sử này?
HT Không Tánh: Những lần kêu gọi, những tiếng nói hay những kiến nghị của các tôn giáo tạo động lực giúp cho các hoạt động của những người có tấm lòng yêu nước một cách chân chánh. Bên cạnh đó, những lời kêu gọi, những tiếng nói, những bức thư này làm cho quần chúng hay các Tín hữu mỗi của các Tôn giáo nương vào đó, để tích cực dấn thân góp phần và diệt trừ những sự sợ hãi. Từ đó tạo một sức ép rất mạnh đối với chế độ độc tài toàn trị của cs, để chúng ta góp phần trong vấn đề giải nguy, giải cứu quốc nạn cho đất nước.
MS Quang: Đặc thù của Tôn giáo có lòng bao dung, tấm lòng bác ái, tình yêu thương là trọng tâm của Thượng Đế đã ban cho loài người. Chúng ta là những người được thượng thế ban cho Dân tộc VN, ban cho làm người VN, ban cho nền văn hóa VN, chúng ta phải cùng nhau giữ gìn. Trong ca dao tục ngữ VN có câu: “Bầu ơi, thương lấy bí cùng. Tuy cùng khác giống nhưng chung một giàn”. Chúng ta bất luận ở tôn giáo nào nhưng cùng là người VN, nên chúng ta phải yêu thương nhau và thương yêu Dân tộc mình để tạo nên những tiếng nói không phải hủy diệt hay đối đầu, mà tiếng nói xuất pháp từ tình yêu thương và xây dựng kiến tạo. Từ trước đến giờ, kiến nghị những vấn đề đang bức xức nhất trong lịch sử hiện đại đó là có một bản hiến pháp làm nền tảng phát triển quốc gia và đã được HĐGM khởi xướng, là điều mong ước của nhiều công dân VN, của tất cả các cộng đồng Tôn Giáo, ngay cả bản thân của những đảng viên trung cao cấp, hay những người cán bộ công nhân viên, họ đều ao ước đất nước mình thăng hoa bằng cách cởi trói cho HP được tự do hướng về dân chủ, hướng về văn minh, hướng về hội nhập quốc tế với những trào lưu văn minh chung. Tôi nghĩ, đoàn kết Tôn giáo lúc này là ngọn cờ chính nghĩa cho chúng ta vươn lên với tất cả lòng yêu thương, lòng bác ái, lòng khoan dung và mong muốn nhà đương cục VN lắng nghe tiếng nói của mọi cộng đồng dân tộc để sửa những gì cần nhất hiện nay. Mong rằng họ mạnh dạn bỏ đi những ý thức hệ và lắng nghe tiếng nói toàn dân, trong đó có cộng đồng Tôn giáo. Dĩ nhiên là cộng đồng Tôn giáo sẽ đoàn kết trong một tiếng nói chung. Đây là điều mà lịch sử dân tộc chúng ta vào thời đại nào cũng đã chứng minh điều đó.
Lm Phụng: Sáng hôm nay (08.03.2013), tôi mới đọc được bức thư của Đức Tăng Thống, Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Thất. Tôi thật sự phấn khởi, bởi vì thực tế ở VN các Tôn giáo là những yếu tố có sức quy tụ và có sự đoàn kết mọi người lại với nhau hơn hết. Cho nên, tôi thấy văn thư của HĐGM đã mừng, tức là có một tiếng nói chính thức của GH mình cũng là một GH đông đảo, bây giờ lại có thêm tiếng nói của Đức Tăng Thống, cho nên chúng ta bắt đầu tìm ra một con đường để đến với nhau. Tuy Giáo lý chưa hiểu nhau nhiều nhưng khi đến với những người nghèo khổ, đến với những người bị oan ức là những người bị tước đoạt nhân quyền thì rất dễ thông cảm cho nhau trong những mục tiêu chung trong việc nâng đỡ và phục vụ cho những con người đang bị đau khổ. Riêng chúng tôi ở HN, trong một khuôn khổ rất nhỏ bé thôi, Giáo xứ chúng tôi tổ chức các Thánh Lễ cầu nguyện cho những anh chị em dân oan hay những người bị bóc lột, bị tù đày oan ức… chúng tôi chỉ thông báo chung trong nhà thờ hoặc trên mạng, nhưng khi đến giờ có nhiều anh chị em không Tôn giáo, hoặc các vị và các bạn bên phật giáo và bên tin lành đều có mặt. Do đó, dựa trên kinh nghiệm đó, chúng tôi cảm thấy tiềm năng nối kết giữa các Tôn giáo và kể cả với những người không công giáo còn niềm tin vào các giá trị tinh thần là rất lớn. Tôi hy vọng với bản góp ý của HĐGM, với sứ điệp của Đức Tăng Thống và, trong thời gian tới còn có những tuyên bố khác nữa, thì tôi hy vọng đây là dịp rất tốt để tạo một sự đồng thuận và một sự đoàn kết rất lớn mang lại lợi ích cho dân tộc cho đất nước.
PV VRNs: Xin chân thành cảm ơn Quý vị.
[ Tôi đã thấy gì trông đêm nay ,cờ bay trăm ngọn cờ bay .]bài hát lâu rồi không biết cũa ai và cũng không biết có đúng lời không nữa ,xin lổi tác giã ,nhưng tôi mường tượng thấy đã đến lúc mọi bên phải ngồi lại nói chuyện ,để giải quyết vấn đề ,còn không một cuộc tranh đấu nhất định nổi lên như thời đệ nhất cộng hoà ,một cuộc cách mạng không thể ngừng ,không ai ngăn cản nổi ,vì tất cả đả thành hình cơn gío nổi lên rồi ,hy vọng bất chiến tự nhiên thành ,
Trả lờiXóa