BBC - 06.03.2013: Thời gian góp ý sửa đổi Hiến pháp vừa được kéo dài từ hạn 31/3 sang cột mốc mới là 30/9, theo văn bản được Chủ tịch Quốc hội Việt Nam ký hôm 6/3.
Ông Nguyễn Sinh Hùng nói trong Công thư rằng các địa phương sẽ tiếp tục “tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của nhân dân và gửi về Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp”.
Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét để thông qua Hiến pháp mới tại kỳ họp tháng 10 năm nay.
Trong Công thư, ông Hùng nói “theo báo cáo của các địa phương, nhân dân tin tưởng, phấn khởi, cơ bản đồng tình với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp”.
Ông nhắc lại “cần kịp thời đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan điểm sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta”.
Cùng ngày, trong một cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói “phải phản bác” những nội dung góp ý Hiến pháp trái với đường lối của Đảng Cộng sản.
Người là Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 phát biểu ở Hội nghị trực tuyến về việc lấy ý kiến đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hôm 6/3.
Theo trang web Chính phủ, ông Phúc nhận định “những nội dung góp ý trái với đường lối của Đảng cần phải phản bác lại trên cơ sở lý luận khoa học”.
Còn báo điện tử VnExpress dẫn thêm lời Phó Thủ tướng nói: “Đa nguyên chính trị, đa đảng, xóa bỏ điều 4, đòi phi chính trị hóa quân đội, tư nhân hóa đất đai. Những vấn đề đó rất nhạy cảm nên cần bày tỏ rõ quan điểm.”
Ông Phúc “yêu cầu các cơ quan tổng hợp phải có cơ sở lý luận để phản bác lại các ý kiến sai lệch với đường lối lãnh đạo của Đảng,” theo tờ báo.
Cảnh cáo
Trước đó, các lãnh đạo chóp bu, gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đều lên tiếng kêu gọi ngăn chặn “lợi dụng” để “phá hoại” trong vấn đề Hiến pháp.
Trên mạng internet thời gian qua xuất hiện không ít ý kiến cho rằng cần xem lại dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Đáng chú ý, một nhóm nhân sĩ, trí thức, gồm cả nhiều đảng viên và cựu quan chức, gần đây công bố Kiến nghị 72, nói dự thảo Hiến pháp “chưa thấu suốt bản chất của một hiến pháp dân chủ”.
Kiến nghị này cũng nói: “Chủ thể nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ.
“Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong các cuộc bầu cử như vậy.”
Báo Quân đội Nhân dân hôm 6/3 có bài phê phán lập luận này, ám chỉ đây là “phần tử cơ hội chính trị, được các thế lực thù địch phản động tiếp sức”.
Tờ báo kêu gọi “xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành động tán phát tài liệu xấu, mạo danh, nặc danh, lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”.
Tại hội nghị hôm 6/3, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận hạn chót góp ý 31/3 là gây “hạn chế không nhỏ tới quá trình lấy ý kiến”.
Bộ trưởng Tư pháp được dẫn lời nói “đồng ý với kiến nghị tăng thời gian và đề nghị thu thập ý kiến một cách có tổ chức sau mốc 31/3”.
Không có nhận xét nào: