Hugo Chavez nổi lên tại Venezuela trong một cuộc nổi dậy quân sự thất bại hồi 1992.
Bị án tù giam nhiều năm, ông nhanh chóng được ân xá bởi chính quyền Venezuela không coi ông lẫn phong trào của ông là một mối đe dọa ghê gớm.
Nhưng sự tấn công không khoan nhượng của ông vào tình trạng tham nhũng chính trị và yếu kém trong quản lý nhà nước đã khiến người dân nước này bị hấp dẫn, và ông đã giành chiến thắng trong kỳ bầu cử tổng thống năm 1998.
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông được đánh dấu với chính sách đối ngoại ôn hòa hơn, và ông thường xuyên tới thăm viếng Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, chính sách đối nội thì trở nên cực đoan hơn, với mục tiêu là hướng tới các chương trình xã hội.
Những "sứ mệnh" trung tâm là nhằm cải thiện việc tiếp cận tới các dịch vụ y tế, giáo dục, an ninh xã hội, thực phẩm và đất đai cho những đối tượng nghèo nhất trong xã hội.
Một mối liên minh với Cuba được thiết lập, nhằm thực hiện các tham vọng này. Sự ủng hộ ông trong giới người nghèo tăng vọt.
Thay đổi cấp tiến
Sự thành công của ông Chavez trong việc đưa ra bản tân hiến pháp hồi 2000 cho tín hiệu thấy những tham vọng dài hạn, bởi nay ông có thể tiếp tục tham gia tái tranh cử.
Viễn cảnh "Chavismo", Chavez nắm quyền dài lâu tại Venezuela, đã tạo ra những bất lợi cho những người từng được hưởng lợi nhờ trật tự xã hội cũ.
Một cuộc phản cách mạng đã nhanh chóng diễn ra và Tổng thống Chavez bị hất cẳng khỏi dinh tổng thống hồi tháng Tư 2002.
Hoa Kỳ không lên kế hoạch cho cuộc phản cách mạng, nhưng rõ ràng là nước này biết về những gì sẽ diễn ra nhưng đã không cảnh báo giới chức Venezuela.
Ông Chavez theo đuổi chính sách chống chủ nghĩa đế quốc và thường có lời lẽ công kích Hoa Kỳ
Ông Chavez được khôi phục quyền lực trong 48 giờ nhờ quân đội, lực lượng ban đầu có vẻ như đã ủng hộ cho cuộc nổi dậy, và ông đã nhanh chóng có chiến dịch mạnh mẽ nhằm vào kẻ thù cả ở trong và ngoài nước.
Ở trong nước, các mục tiêu của ông Chavez gồm cả lớp chính trị gia truyền thống, vốn có những quan hệ khăng khít với Hoa Kỳ.
Để đối phó với ảnh hưởng của nhóm này đối với truyền thông, Tổng thống Chavez đã nâng vị thế của truyền hình quốc gia và gây áp lực lên hệ thống tư pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của các phương tiện liên lạc thuộc sở hữu tư nhân.
Ông cũng thay thế các nhà kỹ trị trong hãng dầu khí quốc gia (PDVSA) bằng các ủng hộ viên trung thành với mình.
Venezuela trở nên ngày càng chính trị hóa, với cuộc tranh luận tập trung vào chính vai trò của Tổng thống Chavez.
Để duy trì được sử ủng hộ chính trị, ông Chavez mở rộng các chương trình xã hội, với nguồn tiền lấy từ nguồn thu nhờ giá dầu thế giới tăng cao.
Mức lương tối thiểu cũng được tăng mạnh và nhiều người Venezuela được thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Các chỉ dấu xã hội khác, đáng kể là trình độ văn hóa, cũng được cải thiện.
Ông Chavez cùng phong trào chính trị của mình đã không vấp phải mấy khó khăn trong việc đánh bại phe đối lập, vốn bị phân rẽ sâu sắc và không thích nghi được với những thực tế mới ở Venezuela.
Tầm nhìn khu vực
Trong quan hệ đối ngoại, Tổng thống Chavez theo đuổi chính sách chống chủ nghĩa đế quốc một cách mạnh mẽ, thường xuyên có những lời lẽ công kích Hoa Kỳ.
Ông ngày càng kết thân với các kẻ thù của Hoa Kỳ và quan hệ mật thiết hơn với Cuba.
Nhưng mục tiêu quan trọng nhất của ông là xây dựng một liên minh giữa các quốc gia Mỹ Latin và vùng Caribbe, nhằm thực hiện giấc mơ hồi hai thế kỷ trước của vị anh hùng vĩ đại của ông, vị lãnh tụ giành độc lập cho Nam Mỹ, Simon Bolivar.
Bước đi đầu tiên hướng tới giấc mơ của Bolivar là Petrocaribe - một chương trình nhằm cung ứng dầu giá rẻ cho các nước Trung Mỹ và Caribbe vốn phải dựa vào việc nhập khẩu.
Chương trình này đã được hưởng ứng nhiệt tình, với chỉ duy nhất Barbados không tham gia.
Tiếp đó là Alba, một chương trình hội nhập khu vực gồm Cuba, Bolivia, Ecuador, Honduras (cho tới 2009) và Nicaragua, cùng một vài quốc gia độc lập nhỏ ở vùng Caribbe.
Venezuela dưới thời ông Chavez, cùng với Brazil dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, cũng khuếch trương một cấu trúc khu vực mới, được thiết kế nhằm kết nối toàn bộ các nước châu Mỹ, trừ Hoa Kỳ và Canada.
Kết quả là sự ra đời của Unasur, tức Liên hiệp các Quốc gia Nam Mỹ, và đề án Cộng đồng các nước Mỹ Latin và Caribbe (Celac).
Nó cũng dẫn tới việc ra đời một ngân hàng phát triển nhằm đối trọng lại ảnh hưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tham vọng của ông Chavez trong việc gia nhập Mercosur (chương trình hội nhập khu vực do Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay sáng lập) đã bị Thượng việc Paraguay chặn trong một thời gian dài.
Nhưng biến động chính trị tại Paraguay đã khiến nước này bị tạm ngưng tư cách trong khối, mở đường cho Venezuela gia nhập hồi tháng 7/2012.
Các chính sách xã hội khiến ông Chavez rất được lòng tầng lớp nghèo và trung lưu
Theo đuổi thách thức
Có thể nói là sự thành công của Tổng thống Chavez trong các kỳ tranh cử (ông chỉ thua trên toàn quốc có một lần) không phải là nhờ vào chính sách đối ngoại của ông.
Điều này thể hiện rất rõ trong kỳ tranh cử tổng thống hồi tháng 10/2012, là khi ông thắng bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phe đối lập.
Ông thắng nhờ các chính sách xã hội, điều giúp ông giành được sự trung thành từ lớp người nghèo nhất cũng như từ tầng lớp trung lưu.
Nhưng các chính sách của chính phủ ông đã không xử lý được một số các vấn đề đang ngày càng gây nhiều quan ngại cho toàn bộ các thành phần trong xã hội.
Đầu tiên là mức độ tội phạm chung tăng cao, thể hiện rõ nét nhất ở tỷ lệ các vụ giết người cực cao.
Thứ nhì là mức độ lạm phát, vốn đã bị trầm trọng thêm do sự mất giá của đông nội tệ dẫu cho giá dầu thế giới tăng cao.
Thứ ba là tình trạng tham nhũng trong chính quyền vẫn tiếp diễn, trong đó có cả các cáo buộc về nạn con ông cháu cha mà gia đình ông Chavez áp dụng, điều luôn bị bác bỏ.
Và cuối cùng là vấn đề quản lý yếu kém các nguồn tài nguyên của đất nước do tình trạng chính trị hóa các công sở, hệ thống tư pháp và các doanh nghiệp quốc doanh.
Bất kỳ ai lên thay thế ông Hugo Chavez, dầu là người từ chính đảng phái của ông hay từ phe đối lập, sẽ đều cần phải xử lý các vấn đề này. Nhưng họ sẽ làm mà không có được tính cách vốn đã giúp ông Chavez được yêu mến trong nhiều năm qua. Khi điều đó xảy ra, Venezuela sẽ bước sang một chương mới của nền lịch sử 200 năm của nước này.
Giáo sư Victor Bulmer-Thomas là một nhà nghiên cứu thuộc bộ phận Americas của Chattham House, một tổ chức độc lập chuyên nghiên cứu quan hệ quốc tế đặt tại London.
Không có nhận xét nào: