Blog Nguyễn Hưng Quốc, VOA - 15.03.2013: Lâu nay, giới lãnh đạo Việt Nam thường hay kêu gọi niềm tin của quần chúng, đại khái: hãy tin là đảng không bán nước; hãy tin là đảng thực tâm trong việc bài trừ tham nhũng; hãy tin là đảng thực sự quan tâm đến dân chúng; hãy tin là đảng đủ sức hóa giải các tham vọng bành trướng điên cuồng của Trung Quốc để bảo vệ độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như lãnh hải của đất nước. Hãy tin đảng! Hãy tin đảng!
Nhớ, ngày 31/5/1946, trước khi lên đường sang Pháp, trong bức thư gửi “đồng bào Nam Bộ”, Hồ Chí Minh cũng thề hứa và cũng kêu gọi lòng tin của dân chúng như thế. Ông viết:
“Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng: Hồ Chí Minh không phải là người bán nước.”
Sự khác biệt căn bản của hai lời kêu gọi ấy là: Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người, đặc biệt dân chúng ở miền Nam, hãy tin ông; còn giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay lại kêu gọi hãy tin đảng. Nhưng dù khác biệt như vậy, bản chất của vấn đề vẫn giống nhau: Tuyệt vọng.
Thật ra, có đến hai lần tuyệt vọng. Tuyệt vọng thứ nhất: Người ta biết là dân chúng chưa tin hoặc không còn tin mình nữa. Tuyệt vọng thứ hai: Biết thế, nhưng người ta lại không biết làm cách nào khác hơn là… kêu gọi.
Cả hai sự tuyệt vọng ấy, ở trường hợp của Hồ Chí Minh, tương đối dễ hiểu. Thứ nhất, lúc ấy, dân chúng ở miền Nam đang hoang mang là có thể bị chính quyền Việt Minh bỏ rơi; mà chính quyền Việt Minh, do Hồ Chí Minh thành lập, lại còn quá mới mẻ, chưa tới một tuổi (9/1945-3/1946), không đủ thời gian để gây dựng niềm tin cho dân chúng. Thứ hai, do việc truyền thông khó khăn và cũng do ảnh hưởng của Hồ Chí Minh cũng như của Việt Minh nói chung ở miền Nam còn hạn chế, ông không có cách nào khác ngoài việc hứa hẹn và lớn tiếng khẳng định lập trường và quan điểm của mình. Ông làm như thế cũng phải. Đó là điều cần thiết về chiến thuật.
Nhưng tại sao bây giờ đảng Cộng sản lại phải kêu gọi dân chúng tin họ? Ở đây, chúng ta thấy ngay một nghịch lý: đảng Cộng sản đã cầm quyền gần 70 năm; ở đó, họ lãnh đạo ít nhất là bốn cuộc chiến tranh: chống Pháp, chống lại miền Nam và Mỹ, chống Campuchia và chống Trung Quốc (vào năm 1979), vậy mà, họ lại khẩn khoản van xin dân chúng hãy tin là họ không bán nước và không khuất phục trước Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ hai điều. Một, cả một lịch sử dằng dặc và vô số thành tích chiến đấu của họ không đủ là những vật bảo chứng cho thế đứng của họ; và hai, họ cũng không biết làm gì khác hơn là kêu gọi niềm tin. Một lời kêu gọi suông. Và tuyệt vọng.
Ở Tây phương, hiếm có chính phủ nào dám cất lên một lời kêu gọi suông như vậy. Không ai dám nói: “hãy tin tôi” hoặc “hãy tin đảng tôi!”. Nói thế là tự thú nhận mình đang tuyệt vọng. Nói thế cũng là một cách coi thường quần chúng. Bởi, ai cũng biết, chuyện tin hay không tin chủ yếu xuất phát từ những hành động cụ thể. Nếu nhà cầm quyền biết dân chúng không tin hoặc không còn tin mình, nhiệm vụ của họ là tạo hoặc tái tạo niềm tin ấy. Chủ yếu là bằng những chính sách cụ thể. Những hành động cụ thể. Với những kết quả cụ thể.
Cái khó của nhà cầm quyền Việt Nam là họ đã đánh mất niềm tin ở quần chúng hầu như ở mọi phương diện. Bài trừ tham nhũng ư? Nhưng chính bản thân họ đang là những kẻ tham nhũng và tìm mọi cách để dung dưỡng tham nhũng. Quan tâm đến dân chúng ư? Nhưng chính bản thân họ thì chỉ coi dân chúng như rơm như rác: họ sẵn sàng đạp vào mặt, nhục mạ và bắt bỏ tù ngay cả khi dân chúng không làm gì để có thể bị xem là có tội cả. Còn chuyện bán nước hoặc ít nhất, để mặc cho Trung Quốc lấn chiếm biển đảo và hiếp đáp dân chúng ư? Thì nó cứ sờ sờ ra đấy. Trong lời nói. Trong việc làm. Ai cũng thấy.
Nhà cầm quyền biết thế. Nhưng họ vẫn cần niềm tin của dân chúng. Không có một chính quyền nào có thể tồn tại lâu dài nếu dân chúng không tin. Không tin nếu không phải đồng nghĩa với căm ghét thì ít nhất cũng là tiền đề, từ đó, dẫn đến sự căm ghét. Mà có căm ghét là có phản kháng. Có phản kháng, nhất là phản kháng từ dân chúng nói chung, không sớm thì muộn, cũng dẫn đến sự sụp đổ. Nhưng họ lại ở trong một tình thế nghịch lý: Họ không thể làm được gì khác ngoài việc kêu gọi suông. Có hai lý do chính: Một, việc khuất phục để tránh đối đầu với Trung Quốc là một chính sách lớn của họ; và hai, họ cũng không thể giả vờ chứng tỏ lòng yêu nước bằng cách lớn tiếng lên án Trung Quốc hay mang Trung Quốc ra trước toà án quốc tế như việc Philippines đang làm vì họ sợ Trung Quốc nổi giận.
Tính chất nghịch lý ấy chỉ dẫn đến tuyệt vọng: Nếu nhà cầm quyền Việt Nam làm căng với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ trừng phạt họ. Có hai hình thức trừng phạt chính: hoặc trừng phạt cả nước hoặc chỉ trừng phạt giới lãnh đạo. Trừng phạt cả nước là công khai chiếm đảo (trong trường hợp này là số đảo còn lại ở Trường Sa), chiếm biển, và nếu cần, chiếm cả đất, ít nhất là một số vùng đất dọc theo biên giới. Nhẹ hơn, trừng phạt bằng cách làm cho kinh tế Việt Nam – vốn lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc – lâm vào khủng hoảng. Trừng phạt giới lãnh đạo dễ hơn: hất cẳng những người có tinh thần chống đối để đưa những kẻ đã bán mình cho Trung Quốc lên thế. Nhưng nếu không muốn Trung Quốc trừng phạt bằng những cách đó, cứ cúi đầu và khom lưng trước Trung Quốc, không sớm thì muộn, nhà cầm quyền cũng sẽ làm mất hẳn mọi niềm tin ở dân chúng và cuối cùng, bị dân chúng trừng phạt bằng một cách nào đó.
Dường như nhà cầm quyền Việt Nam toan tính: lừa dối dân chúng dễ hơn là lừa dối Trung Quốc; thà bị dân chúng nghi ngờ, khinh miệt và căm ghét hơn là để Trung Quốc nổi giận; trấn áp dân chúng dễ dàng hơn kháng cự lại Trung Quốc.
Sự lựa chọn nào cũng có những cái giá của nó: Chống lại Trung Quốc có thể có đổ máu nhưng ít nhất cũng được vinh quang; chống lại dân chúng của nước mình, dù có thể tạm thời thắng lợi, vẫn để lại vết nhơ lớn trong lịch sử và sẽ bị nguyền rủa từ đời này sang đời khác.
Không có nhận xét nào: