Thanh Quang, RFA - 18.03.2013: "25 năm trôi qua, sự hy sinh anh dũng của những người lính tại đảo Gạc Ma vẫn còn là một bí mật với nhiều người Việt. Rất nhiều người không biết đến địa danh Gạc Ma, không nghe đến lịch sử của cuộc hải chiến tay không giữ đảo anh dũng này. Lịch sử còn nợ những người con yêu của Tổ quốc đã hy sinh tại Gạc Ma một câu trả lời."
Bấm vào nút PLAY để nghe phỏng vấn
Dành cho máy có duyệt trình I.E cũ
Trong giai đoạn hiện nay, khi phương Bắc ngày càng hung hăng gây hấn và xúc tiến chiếm dần lãnh thổ, lãnh hải của VN, sau khi hồi năm 1974 xâm lăng Hoàng Sa của VN; năm 1979 “dạy cho VN một bài học” trên toàn tuyến biên giới phía Bắc VN; và năm 1988 chiếm đóng đảo Gạc Ma thuộc Trường Sa của VN, - Bắc Kinh thực hiện hành động mà Đại Thần Nguyễn Trãi ngày xưa trong “Bình Ngô Đại Cáo” lên án:
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi
thì người dân Việt yêu nước hiện đang trong tâm trạng trĩu nặng vì lịch sử giữ nước và hy sinh cho tổ quốc của chiến sĩ VN bị giới cầm quyền lãng quên.
Giấu kín lịch sử
Lên tiếng với Đài ACTD hồi tháng rồi, tướng Lê Duy Mật, nguyên phó Tư lệnh, tham mưu trưởng Quân khu 2, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Giang trong chiến tranh biên giới Việt-Trung hồi năm 1979 cho biết:
Đó là việc ngăn cấm mà tôi không hiểu ý đồ của nhà nước là như thế nào… Nhiều ngày lễ kỷ niệm nó cũng chẳng kỷ niệm cái gì. Sử sách không viết cái gì cả. Người ta quên cả việc đó cho nên người ta nói bậy. Thí dụ như tay Tổng Tham mưu trưởng nói bậy. Kẻ thù thế nào chẳng rõ, rồi chiến lược sách lược thế nào không rõ. Thế rồi ông Phùng Quang Thanh cũng nói chung chung dĩ hòa vi quý thôi.
Trở lại hồi tháng Giêng vừa rồi, nhà nước và báo “lề đảng”, ngoại trừ tờ Thanh Niên, đã “bỏ quên” trận hải chiến Hoàng Sa 39 năm về trước khi 74 chiến sĩ VNCH anh dũng hy sinh. Hồi tháng Hai vừa qua, giới cầm quyền cũng không cho phép tổ chức lễ tưởng niệm hàng chục ngàn quân-dân VN hy sinh do Bắc Kinh vào ngày 17 tháng Hai năm 1979 xua đại quân xâm lăng 6 tỉnh biên giới phía Bắc của VN; và trong tháng Ba này, chỉ một số ít báo “lề đảng” có nhắc đến kỷ niệm Trường Sa 25 năm về trước khi TQ tàn sát đẫm máu 64 chiến sĩ VN “chỉ có quần đùi, áo may ô và tay không” giữ đảo Gạc Ma; họ hoàn toàn thúc thủ bằng tay không trong khi bày tỏ tinh thần hy sinh vô cùng cho Tổ Quốc VN trước hoả lực đáng kể của quân phương Bắc, như chứng nhân biến cố Gạc Ma Trương Văn Hiền, từng là tù binh của TQ trong vụ này, kể lại:
TQ cho 3 xuồng nhỏ xuống uy hiếp một lúc không được thì quay về tàu lớn đánh mình. Toàn vũ khí lớn, pháo hạng nặng đánh, đánh chết hết toàn bộ, tơi bời…
Tình trạng “lịch sử bỏ quên” ấy thậm chí khiến ngay cả tờ Thanh Niên cũng phải thú nhận một thực trạng đáng trách này qua bài “Để không giật mình” (28/01/2013):
Sau một bài viết về Hoàng Sa mới đăng tải trên Thanh Niên gần đây, chúng tôi đã một phen giật mình khi trong các phản hồi gửi về tòa soạn, không ít độc giả thổ lộ rằng bây giờ họ mới biết Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm từ gần 40 năm trước. Có bạn sinh viên cho biết mãi đến khi vào đại học thì mới biết được điều này. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi nhận được những phản hồi như thế, nhưng vẫn giật mình trước thực tế là thông tin về biển đảo trong một thời gian dài đã không được phổ cập tới đông đảo nhân dân.
Hồi tuần rồi, blog Dân Làm Báo có đăng bài “Gạc Ma – Trường Sa, tổ quốc ghi ơn”, lưu ý rằng:
25 năm trôi qua, sự hy sinh anh dũng của những người lính tại đảo Gạc Ma vẫn còn là một bí mật với nhiều người Việt. Rất nhiều người không biết đến địa danh Gạc Ma, không nghe đến lịch sử của cuộc hải chiến tay không giữ đảo anh dũng này. Lịch sử còn nợ những người con yêu của Tổ quốc đã hy sinh tại Gạc Ma một câu trả lời.
Qua bài “Cùng nhau thức tỉnh để giữ nước”, tác giả Lê Chân Nhân cũng đề cập tới tình trạng nhiều người dân Việt “không biết gì” về sự kiện lịch sử Trường Sa:
Sự hy sinh anh dũng của những người lính Việt Nam trong trận chiến không cân sức đó ít ai biết đến bởi nhiều năm qua, sự kiện Trung Quốc xâm lược quần đảo Trường Sa năm 1988 không được nhắc đến, rất nhiều người Việt Nam, nhất là các bạn trẻ, không biết gì về trang sử này. Thậm chí cho đến nay, chưa có nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước biết thật rõ về trận hải chiến ở Gạc Ma – quần đảo Trường Sa.
Vì sao?
Theo blogger Gocomay thì từ “hải chiến” trong trường hợp Trường Sa – chứ không phải Hoàng Sa - là “chưa thoả đáng”, bởi vì, dựa theo lời các chứng nhân biến cố Gạc Ma, thì sau khi không khuất phục được các chiến sĩ VN giữ đảo, quân TQ từ chiến hạm đã xả súng tàn sát dã man tất cả chiến sĩ VN may ô, quần đùi và tay không tấc sắt quyết giữ cán cờ bảo vệ đảo. Qua bài “Tưởng niệm 25 năm thảm sát Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988”, blogger Gocomay giải thích:
Từ nhân chứng sống và qua đoạn clíp ngắn do chính phía Trung Quốc đưa lên mạng…, thì trận chiến ở Gạc Ma hôm 14.3.1988 có lẽ nên thay từ “hải chiến“ giữa Ta và quân Trung Quốc xâm lược bằng từ “thảm sát“ của quân Trung Quốc đối với các chiến sỹ công binh tay không tấc sắt của ta thì chính xác hơn chăng? Sự tàn ác của quân xâm lược Trung Quốc còn thể hiện ở việc sau khi đánh chìm 3 tàu vận tải của Việt Nam, Trung Quốc chặn không cho tàu của Hội chữ thập đỏ đến cứu những người đang bị thương trên biển. Dẫn đến kết cục bi thương.
Qua bài tựa đề “Hoàng-Trường Sa và nỗi đau vì bị quên lãng”, blogger Lê Diễn Đức cũng không quên lưu ý rằng:
Nhà cầm quyền đã cố tình lãng quên Hải Chiến Hoàng Sa 19 Tháng Giêng 1974; hàng ngàn nấm mồ của những người đã bỏ xương máu vì tổ quốc bị ghẻ lạnh, không hương khói trong ngày 17 Tháng Hai; và ngày 14 Tháng Ba 1988, linh hồn của 64 chiến sĩ đã bị thảm sát trong cuộc tấn công xâm lược dã man, tàn bạo, cũng bất hạnh với nỗi đau và cay đắng trong yên lặng.
Sự thật lịch sử bị giới cầm quyền trong nước “lãng quên” giữa lúc những người biểu tình yêu nước, chống phương Bắc bị cầm tù dài lâu, bị “đạp vô mặt”, giữa lúc Bắc Kinh tiếp tục cho tàu hải giám, máy bay trực thăng uy hiếp, xua đuổi, bắn giết ngư dân VN ở biển Đông của VN, giữa lúc người TQ ngày càng tràn ngập khắp nẻo đường quê hương, khống chế mọi lãnh vực trong xã hội VN, thì, qua bài “Lãnh thổ quốc gia là tối thượng”, tác giả Bùi Hoàng Tám báo động:
Gần đây, một loạt các cơ quan, doanh nghiệp đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong việc in ấn và quảng bá sản phẩm (của Trung Quốc). Quả cầu của VietinBank Ninh Bình không có hình quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Lô gô bản đồ Việt Nam quảng cáo sản phẩm thời trang thương hiệu “ motviet” được bày bán tại siêu thị Big C Thăng Long không có chủ quyền vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách của Nhà xuất bản Sư phạm, Nhà xuất bản Mỹ thuật… in cờ Trung Quốc cắm trên cổng trường và ở phần tập đánh vần chữ “cờ”. Thậm chí, bộ sách “Tiếng Hoa dành cho trẻ em” của Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM còn in cả hình đường lưỡi bò. Nghiêm trọng hơn, gian trưng bày triển lãm (của VN) tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 diễn ra ở Berlin, CHLB Đức, còn quảng bá hình ảnh cho nước láng giềng Trung Quốc.
Qua bài “Đâu là sự thật sau 25 năm TQ chiếm một phần Trường Sa”, blogger Cầu Nhật Tân khẳng định sự thật là Bắc Kinh đã công khai dã tâm dùng võ lực để chiếm toàn bộ biển Đông của VN, kể cả toàn bộ quần đảo Trường Sa; sự thật là “tư duy chiến lược” của giới lãnh đạo VN nói chung và lãnh đạo quân đội nói riêng “rất kém”, bị “nhập nhằng giữa ý thức hệ và chủ quyền quốc gia” khiến không ý thức, hay thiếu thiện chí ý thức, về nguy cơ đến từ kẻ thù, không thấy được mức độ “nguy hiểm, manh động và dã tâm lâu dài” của phương Bắc, mở đường cho Bắc Kinh “tha hồ tác oai tác oái” lãnh hải của VN, khiến thế phòng thủ của VN ngày càng nguy khốn. Đó là chưa kể, vẫn theo blogger Cầu Nhật Tân, “TQ liên tục dùng tư tưởng, ngoại giao, kinh tế để dụ dỗ, mua chuộc một cách tinh vi các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, làm mất phương hướng, dẫn đến tê liệt ý chí phòng thủ của Việt Nam. Chúng còn dùng ảnh hưởng trên trường quốc tế để từng bước cô lập VN trên các diễn đàn … Một sự thật nữa là từ chỗ không có chỗ đứng nào ở quần đảo Trường Sa, sau 25 năm, TQ đã có những cứ điểm mạnh về quân sự tại quần đảo này. Cán cân chiến lược tại Trường Sa và Biển Đông đang ngày càng thay đổi theo hướng có lợi cho TQ và bất lợi cho Việt Nam”.
Theo blogger Gocomay, thì sau khi bình thường hoá bang giao, 2 đảng CS “anh em” này nguyện cùng nhau ra sức bảo vệ thành trì CNXH và tặng nhau “4 tốt” và “16 chữ vàng”, cùng chống “diễn biến hoà bình”, chống đa nguyên đa đảng, cam kết “không nhắc lại quá khứ”. Nhưng, blogger Gocomay lưu ý, dù phía đàn em VN “nghiêm chỉnh quán triệt” và giữ lời hứa, nhưng phía đàn anh TQ vẫn tưng bừng kỷ niệm cuộc chiến gọi là bảo vệ biên giới, bảo vệ biển đảo dù cả thế giới đều lên án đó chính là “chiến tranh xâm lược” của phương Bắc nhắm vào VN. Blogger Gocomay nêu lên nghi vấn:
Không biết những người cầm lái “vĩ đại” mất bò đã biết lo làm chuồng chưa? Song động thái để cho một số báo chí quốc doanh và việc làm ngơ cho dân chúng được xả tress phần nào nhân sự kiện vào ngày 14.3 kỳ này cũng đã chứng tỏ lòng dân đã không còn một lòng một dạ tin vào thứ “đỉnh cao trí tuệ“ luôn tồn tại bằng ánh hào quang của dĩ vãng một thời…
Không có nhận xét nào: