Thanh Phương, RFI - 08.03.2013: Khi các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi người dân góp ý về bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, họ không ngờ rằng các cuộc tranh luận về Hiến pháp sẽ đụng đến cả vấn đề cấm kỵ : Độc quyền lãnh đạo của Đảng. Đó là nhận định chung của hãng tin AFP hôm nay, 08/03/2013.
Từ tháng Giêng, Đảng Cộng sản Việt Nam thu thập ý kiến của người dân về việc sửa đổi bản Hiến pháp 1992, một phương pháp vẫn thường được sử dụng trước đây cho những dự thảo văn kiện khác.
Nhưng tiến trình lấy ý kiến này đã vượt khỏi tầm kiểm soát khi 72 nhân sĩ trí thức đệ trình lên Quốc hội một kiến nghị đòi quyền phúc quyết Hiến pháp cho người dân, đòi đa đảng, tôn trọng nhân quyền, đòi quyền tư hữu đất đai và phi chính trị hóa quân đội. Đặc biệt, họ đòi bỏ Điều 4 của Hiến pháp 1992 bảo đảm độc quyền lãnh đạo của Đảng và đòi tam quyền phân lập.
Đó là những đòi hỏi mang tính chất cách mạng, nhưng được nhiều người hưởng ứng, tính đến nay đã có 6.000 người ký kiến nghị. Bản kiến nghị này được đăng trên một trang web do các nhân sĩ trí thức tên tuổi điều hành.
Tuyên bố với AFP, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Thanh Giang, một trong những người ký kiến nghị cho biết : « Nhiều người dân Việt Nam đủ mọi tầng lớp, trong đó có cả đảng viên, cho rằng rất cần xóa bỏ Điều 4, vì lợi ích của nhân dân, cũng vì lợi ích của bản thân Đảng Cộng sản ». Theo ông Nguyễn Thanh Giang, chính Điều 4 đã dẫn đến tình trạng suy thoái, tham nhũng và lạm quyền trong Đảng, mà các lợi ích đôi khi đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước.
Về phần cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, người mà vào năm 2010 đã yêu cầu tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, thì nêu ý kiến : « Cần phải biết ai giám sát các hoạt động của Đảng và phải làm rõ trách nhiệm của các lãnh đạo trước pháp luật ».
Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp được đưa ra giữa lúc chính quyền Việt Nam đang đối đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, vốn là nguồn gốc của một phong trào phản kháng chưa từng có, hơn 25 năm sau khi Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
Bản kiến nghị nói trên đưa ra những đòi hỏi mà các nhà bất đồng chính kiến đã kêu gọi từ hai mươi năm qua, đó là phải chấp nhận đa đảng. Kiến nghị đã nhận được sự ủng hộ của cả một số người trong chính quyền, trong đó có các đại biểu Quốc hội, đảng viên.
Trong một cuộc hội thảo trực tuyến (do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức), cuối tháng Giêng vừa qua, ngay cả Thứ trưởng Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng đã cho rằng bộ máy Nhà nước cần phải được giám sát để chống nạn lạm quyền và độc quyền.
Bị bất ngờ, ban lãnh đạo Đảng đã cực lực bác bỏ những quan điểm « sai trái » đó, lên án những người mà theo họ đang « chống phá Đảng và Nhà nước », tái khẳng định sự lãnh đạo « toàn diện và tuyệt đối » của Đảng, cũng như quyền công hữu về đất đai. Đây là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong bối cảnh mà 70% các vụ khiến kiện ở Việt Nam hiện nay là do tranh chấp đất đai.
Hãng tin AFP trích lời giảng sư Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam thuộc đại học Hồng Kông nhận định : « Việt Nam như đang bơi trong vùng biển lạ. Đương nhiên là chính quyền lo sợ và vấn đề đặt ra bây giờ là không biết cuộc tranh luận hiện nay sẽ làm thay đổi đến mức nào chế độ chính trị ở Việt Nam về dài hạn. »
Khi nhà báo Nguyễn Đắc Kiên viết bài trên blog chỉ trích phát biểu của Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng về điều mà ông gọi là « suy thoái đạo đức », anh đã bị tờ báo Gia đình và Xã hội cho nghỉ việc ngay lập tức.
Nhưng theo AFP, sẽ rất khó mà dập tắt những tiếng nói bất đồng này. AFP trích dẫn bức thư của ông Nguyễn Trung, một cựu quan chức cao cấp của chính quyền gởi các lãnh đạo Hà Nội, trong đó ông lấy làm tiếc rằng cải tổ chính trị ở Việt Nam đã trễ đến 37 năm, nhắc đến thời điểm năm 1975, khi Đảng Cộng sản giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.
Không có nhận xét nào: