Ls. Nguyễn Văn Đài, BBC - 13.5.2013: Hiến pháp của mỗi quốc gia đều thừa nhận các quyền con người về chính trị của công dân, và mọi công dân đều có quyền sử dụng quyền này để chống lại đảng cầm quyền, chống lại chính phủ bằng biện pháp hòa bình khi họ không còn hài lòng với sự lãnh đạo của đảng cầm quyền và chính phủ hoặc khi họ thấy quyền, lợi ích của họ, lợi ích của quốc gia bị xâm phạm.
Tại sao như vậy?
Khi các công dân sử dụng các quyền chính trị của mình như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, biểu tình để ca ngợi và ủng hộ đảng cầm quyền thì không có đảng cầm quyền, chính phủ nào lại trừng phạt họ. Như vậy thì không cần thiết phải qui định các quyền con người về chính trị này vào trong Hiến pháp và luật để bảo vệ các công dân ủng hộ chính phủ và đảng cầm quyền, và Liên Hiệp Quốc cũng không phải đưa các quyền này vào Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị để buộc các quốc gia thành viên phải tôn trọng.
Nhưng trong mọi quốc gia, bao giờ cũng có những nhóm công dân khi là thiểu số, khi là đa số không hài lòng với thực trạng xã hội như tham nhũng, đạo đức suy thoái, ô nhiễm môi trường, chính sách thu hồi đất đai,… hoặc không hài lòng với thái độ, chính sách của chính phủ và đảng cầm quyền trong bảo vệ chủ quyền quốc gia,... và khi giới hạn của sự chịu đựng không còn, họ có quyền sử dụng các quyền tự do ngôn luận để phê phán, chỉ trích chính phủ và đảng cầm quyền.
Các công dân có quyền kêu gọi thay đổi chính phủ và đảng cầm quyền. Khi cần thiết, các công dân sử dụng các quyền hội họp, lập hội, biểu tình để đòi thay đổi chính phủ và đảng cầm quyền. Bởi vậy, các quyền con người về chính trị như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình cần thiết phải được qui định trong Hiến pháp của mỗi quốc gia và được Liên Hiệp Quốc bảo vệ bằng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Hệ thống công an, tòa án, viện kiểm sát là công cụ để bảo vệ chính quyền chứ không phải bảo vệ người dân
Do vậy, việc qui định các quyền con người về chính trị như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình trong Hiến pháp là để bảo vệ các công dân khi họ sử dụng các quyền này để chống lại đảng cầm quyền, chính quyền bằng biện pháp hòa bình, bất bạo động.
Điều 69 Hiến pháp Việt Nam 1992 qui định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền hội họp, lập hội, biểu tình”.
Bản Hiến pháp Việt Nam 1992 do Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản soạn thảo và thông qua. Như vậy, thật rõ ràng Quốc hội và Đảng Cộng sản đã trao cho mọi công dân được sử dụng các quyền chính trị đó để ủng hộ hoặc chống lại Đảng Cộng sản và chính phủ khi cần thiết bằng biện pháp hòa bình, bất bạo động.
'Chính quyền vi hiến'
Trong những năm qua, có hàng trăm công dân đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của hàng triệu công dân khác đã sử dụng các quyền chính trị như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để phê phán, chỉ trích những sai lầm, yếu kém trong quản lý và điều hành đất nước của Đảng Cộng sản và chính phủ. Họ cũng đã sử dụng các quyền này để đòi hỏi cải cách chính trị từ chế độ độc đảng toàn trị sang chế độ dân chủ đa đảng.
Nhiều công dân khác cũng đã sử dụng các quyền hội họp, lập hội, biểu tình để tham gia, thành lập lên các tổ chức, đảng phái chính trị với mục tiêu dân chủ hóa đất nước đem lại quyền lực về tay nhân dân.
Nhà nước Việt Nam đã xử tù nhiều người dám lên tiếng chống đối
Đảng Cộng sản thay vì tôn trọng quyền của các công dân thì họ lại sử dụng các công cụ chuyên chính như công an, viện kiểm sát, tòa án để bắt giữ, truy tố và xử tù hàng trăm người.
Sắp tới đây, hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha sẽ bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại tòa án tỉnh Long An theo điều 88 Bộ luật Hình sự - một điều luật trong số nhiều điều luật vi hiến trong Bộ luật Hình sự. Theo
Teho bản cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh Long An đã được đăng tải trên mạng thì các việc làm của hai sinh viên này là làm khẩu hiệu, vẽ cờ, vẽ tranh, rải truyền đơn với nội dung kêu gọi tự do, nhân quyền và chỉ trích chính sách của Đảng Cộng sản, kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc và chụp ảnh các hành động này đưa lên mạng.
Những mục đích, nội dung và hành động của hai sinh viên này hoàn toàn ôn hòa, bất bạo động, phù hợp với các quyền con người về chính trị đã được hiến định và được Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ghi nhận. Mục đích, nội dung và hành động của họ là hợp hiến và hợp pháp.
Bởi vậy, các cơ quan tư pháp của Đảng Cộng sản tiến hành bắt giữ, truy tố và xét xử hai sinh viên Phương Uyên và Nguyên Kha là việc làm vi phạm Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Cần phải khẳng định rằng công dân Việt Nam sử dụng các quyền con người về chính trị đã được hiến định để chống lại Đảng Cộng sản và chính phủ bằng biện pháp hòa bình, bất bạo động là quyền chứ không phải tội phạm.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một luật sư sinh sống và làm việc trong nước.
Không có nhận xét nào: