Hoà Hợp Và Hoà Giải - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 5, 2013

Hoà Hợp Và Hoà Giải

Lê Xuân Khoa, XCAFE - 10.5.2013: Trong bài, "Chúng ta cần hoà hợp, không cần hoà giải" của ông Bát Thạch Kiều (Diễn Đàn, 3.5.2013), tác giả nêu lên hai điểm then chốt:

1. Đại đa số người Việt hiện nay dù ở đâu cũng không còn chịu trách nhiệm gì về cuộc chiến đã qua, thế thì còn cần gì nói đến hoà giải.

2. Đất nước đang cần hoà hợp hơn bao giờ hết để mọi người đồng lòng phát triển kinh tế và giữ gìn lãnh thổ, (nhưng) không thể có hoà hợp nếu không có dân chủ.


Tôi chia sẻ ưu tư của tác giả nhưng có ý kiến khác như sau:

Thứ 1: Đúng là đại đa số người Việt hiện nay không chịu trách nhiệm gì về cuộc chiến đã qua nhưng họ đang phải chịu nhiều hậu quả tai hại, trực tiếp hay gián tiếp, do phe chiến thắng gây ra cho đất nước và dân tộc. Phe thắng trận, cụ thể là giới lãnh đạo và hậu duệ của họ, qua bộ máy cai trị độc tài và tham nhũng, đang áp dụng chính sách nô lệ hoá toàn dân và kết tội những người yêu nước là kẻ thù.

Thế hệ người Việt sau 1975, dù không có trách nhiệm về cuộc chiến, vẫn có trách nhiệm bảo vệ nền độc lập của tổ quốc và quyền tự do, hạnh phúc của người dân. Thế hệ trẻ ở hải ngoại lại không thể quên những đau khổ, nhục nhằn mà gia đình họ phải chịu sau ngày thống nhất, hay những thảm họa trên đường vượt thoát tìm tự do mà ít nhiều gì họ cũng là nạn nhân. Nhớ đến quá khứ đau thương ấy không phải để nuôi dưỡng thù hận mà chính vì cần có "sự công chính của lịch sử" để đem lại sự hoà hợp dân tộc, nhờ vậy Việt Nam mới có thể trở thành một quốc gia giàu, mạnh và dân chủ.

Tuy nhiên, mục đích ấy chỉ có thể đạt được khi chính quyền thật tâm nhìn nhận những sai lầm đã qua và hoà giải với những người yêu nước bất đồng chính kiến và những nạn nhân của chính sách bất công, tham nhũng. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, chính quyền cũng phải "hoá giải hận thù" bằng lới nói và hành động hoà giải cụ thể, thay vì chỉ kêu gọi "hoà hợp một chiều" có tính cách chiêu hồi và khai thác "khúc ruột ngàn dặm." Chỉ riêng chuyện "hoà giải với những người đã nằm xuống" qua việc cho phép hội Vietnamese American Foundation (VAF) tu sửa Nghĩa trang quân đội miền nam ở Biên Hoà và cải táng hài cốt những người đã chết trong các trại tù cải tạo, đã phải mất 38 năm sau thống nhất mới thấy có kết quả sơ khởi (ở đây phải ghi nhận công lao của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mạnh mẽ can thiệp với chính quyền trung ương và địa phương mấy năm trước.)

Bởi vậy, không thể đặt vấn đề hoà hợp mà không đề cập đến vấn đề hoà giải: hoà giải giữa chính quyền với trí thức và nhân dân trong nước, giữa chính quyền và cộng đồng hải ngoại. Chính quyền phải đi bước trước, và kết quả của hoà giải là "win-win" chứ không phải "zero sum". Nói cách khác, hoà giải phải có trước hoà hợp vì hoà hợp là kết quả đương nhiên của hoà giải.

Thứ 2: Vấn đề hoà hợp dân tộc không nhất thiết phải đặt ra vì người Việt Nam trong và ngoài nước không chống nhau. Chỉ có chính quyền là gây chia rẽ, mâu thuẫn trong các thành phần dân tộc. Các thành phần dân tộc phải ý thức rõ được điều ấy và tìm cách liên kết với nhau thì mới tạo được sức mạnh đối thoại hay đối kháng với chính quyền. Chỉ khi đó, chính quyền độc tài mới có thể thật lòng nói chuyện hoà giải và thực hiện tiến trình dân chủ hoá. Mẫu hình Myanmar sẽ có thể được dùng làm cơ sở thảo luận và áp dụng thích hợp ở Việt Nam.

Nếu chẳng may, chính quyền chọn quyết định dùng bạo lực để đàn áp nhân dân thì đó chính là hành động tự sát.

Lê Xuân Khoa
Nguồn: diendan.org
.............................................................................................................................................................
Phụ lục:

Chúng ta cần hoà hợp, không cần hoà giải (Bát Thạch Kiều)

...Đại thắng mùa xuân
(hay) Tháng tư uất hận
Một chính phủ tiêu vong
Một (Lâm Thời) hoàn thành sứ mạng...


"Trò Chơi", thơ Trần Đình Sơn Cước

Lúc ấy tôi còn trẻ, nghe tin "Giải phóng miền Nam", nước nhà hoà bình thống nhất, mừng như điên. Gia đình tôi như mọi gia đình, đều có người bên này bên kia, lúc đó thực tình đã nghĩ rằng chuyện lớn nhất sau chiến tranh là "Hoà hợp và hoà giải dân tộc".

Bây giờ đã gần 40 năm trôi qua, vẫn cứ câu nói ấy "đến hẹn lại lên" như một điệu hát buồn vô nghĩa. Để rồi mọi người đều quên. "Hoà hợp và hoà giải" như nó đã được đặt ra lúc ban đầu đã trở thành không đối tượng. Những người ra đi thì đã ra đi, chết thì đã chết, trở về thì đã trở về... những quyết định ấy có những lý do kinh tế, tình cảm... chứ chẳng mảy may vì cái gọi là "chính sách Hoà hợp và hoà giải" đãi bôi. Đó vẫn chỉ là một khẩu hiệu lá nho mà thôi, của những kẻ không hề tin vào chính điều mình nói.

Thôi, bỏ đi có được không ? Đừng lải nhải nữa, để đặt ra những câu hỏi có thực chất: Đất nước này, dân tộc 85 triệu con người này cần gì ?

Hoà giải ? Chỉ có thể "hoà giải" khi hai bên đều chịu nhận một phần những sai lầm về mình, và dĩ nhiên bên thắng cuộc cần đưa tay ra trước... 40 năm qua làm gì có. Bất kể họ chân thành hay không, có thể là chính họ cũng chia rẽ với nhau, nửa chân thành nửa lừa bịp, những kẻ đề ra khẩu hiệu chính trị này đều đã đi vào quá khứ. Đại đa số người Việt hiện nay dù ở đâu cũng không còn chịu trách nhiệm gì về cuộc chiến đã qua, thế thì còn cần gì nói đến hoà giải ? Giới ưu tú trên vai họ đặt nặng tương lai đất nước (dĩ nhiên không phải là giới "lãnh đạo" hiện nay), họ có những ưu tiên khác, những con đường khác...

Về chữ "hoà giải" này chỉ còn món nợ tinh thần của thế hệ đi trước đối với họ : đó là giải thích trung thực tại sao đây lại là một cú lừa bịp đau đớn của lịch sử ; tôi nói "của lịch sử" mà không nói tại ai. Bài học lịch sử không bao giờ thừa cho văn hoá và hành xử của con người. "Lấy đức báo oán, nên chăng ?" Khổng Tử đã trả lời : "thế thì lấy gì báo đức ? lấy đức báo đức và lấy công chính báo oán". Về chữ "hoà giải" này chỉ còn cần và rất cần sự công chính của lịch sử. Không cần ai đóng kịch giơ má giơ tay cho đáng khinh, buồn cười, muốn khóc.

Hoà hợp dân tộc, nói cho cùng là chuyện dĩ nhiên, muôn thủa, không phải sau chiến tranh mới cần đặt ra. Và lúc nào cũng có ở mức cao hay thấp, ai cũng có thể hoà hợp với hàng xóm; nhưng ở ta thì mức hoà hợp vẫn rất thấp, vì còn quá nhiều công an chìm nổi... mà đất nước đang cần hoà hợp hơn bao giờ hết để mọi người đồng lòng phát triển kinh tế và giữ gìn lãnh thổ. Không thể có hoà hợp nếu không có dân chủ và nếu không có một Hiến Pháp thực sự là khế ước sống chung của đại đa số, nghĩa là tối thiểu phải công nhận đa đảng bình đẳng với nhau.

Hoà hợp đồng nghĩa với "Cộng hoà", "Xã hội Chủ nghĩa" thì bỏ đi vì có ai biết nó là cái gì đâu ? Hoà hợp mà không có "vua" cá nhân hay tập thể thì là dân chủ và bình đẳng rồi, không cần nói ra. Vậy xin hãy bắt đầu bằng tên nước : Cộng Hoà Việt Nam.

Bát Thạch Kiều
Nguồn: diendan.org
Hoà Hợp Và Hoà Giải Reviewed by Unknown on 5/11/2013 Rating: 5 Lê Xuân Khoa, XCAFE - 10.5.2013: Trong bài, " Chúng ta cần hoà hợp, không cần hoà giải " của ông Bát Thạch Kiều (Diễn Đàn, 3.5...

Không có nhận xét nào: