“Khôn Ngoan” Đến Mức Độ Nào? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
29 tháng 5, 2013

“Khôn Ngoan” Đến Mức Độ Nào?

Huỳnh Thục Vi, VRNs - 27.05.2013: Cuộc đấu tranh cho Dân chủ của người Việt hiện nay không nằm ngoài những giá trị và niềm tin đã phổ quát của nhân loại về cách hành xử bất bạo động. Dù vậy, mấy mươi năm nay chúng ta đã chứng kiến cuộc đấu tranh này bị đàn áp thô bạo đến thế nào.

Gần đây có một số ý kiến cho rằng chúng ta nên mềm mỏng với nhà cầm quyền để tránh bị đàn áp, không nên xem cộng sản là mục tiêu của đấu tranh bất bạo động (có ai xem cộng sản là mục tiêu đâu?), không nên “đẩy mình vào thế chống đối, co cụm dẫn đến tình trạng bị cô lập”… Và ý kiến này có vẻ được nhiều người thụ động ủng hộ.

Tất cả những cách bày tỏ quan điểm, rồi thể hiện quan điểm thành hành động mà không cổ vũ bạo lực, không mang dụng tâm gây thù hằn dân tộc đều thuộc phương cách đấu tranh bất bạo động. Theo đó, việc viết lách, phát biểu, hội luận, các cuộc biểu tình chống ngoại xâm, việc phân phát các tài liệu Nhân quyền nơi công cộng, việc tập hợp dân oan đòi đất… đều là cách chúng ta đấu tranh ôn hòa cho những mục tiêu tốt đẹp.

Theo cách hiểu: “đối tượng” là thứ chúng ta muốn tác động vào để nó thay đổi cho tốt hơn, thì rõ ràng đối tượng của cuộc đấu tranh này là Nhân quyền, hệ thống chính trị, đa nguyên đa đảng, luật pháp, chủ quyền lãnh thổ, y tế, giáo dục, tư hữu đất đai, xã hội dân sự… Những đối tượng này sẽ trải trên một diện rộng, bởi dưới chế độ độc tài, mọi thiết chế trong xã hội Việt Nam đều thối nát, rệu rã, không những cần thay đổi mà thậm chí cần làm lại hoàn toàn mới; có thế mới mong đảm bảo cho người dân chúng ta một cuộc sống đáng sống. Hiểu như thế, sẽ thấy dù tôi viết bài đả kích nhà cầm quyền gay gắt thì đối tượng tôi nhắm đến không phải là họ, mà là tự do dân chủ kia.

Tùy theo từng người, từng nhóm người với những điều kiện đặc thù mà đối tượng đấu tranh có khác nhau. Những người quan tâm và có kinh nghiệm giúp đỡ dân oan, sẽ có xu hướng sát cánh với bà con dân oan. Những người có tìm hiểu nghiên cứu và hiểu biết sâu sắc về địa lý lãnh thổ quốc gia sẽ nêu ra vấn đề chủ quyền lãnh thổ như là đối tượng đấu tranh của họ. Những người có liên hệ chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ quốc tế sẽ hoạt động để lên tiếng cho các trường hợp bị đàn áp nhân quyền. Những người có khả năng viết về các chủ đề lý luận, về hệ thống các giá trị căn bản của dân chủ, về các thông tin xã hội thì tập trung viết về những đề tài này để khai mở các tranh luận hữu ích. Những người nhiệt huyết và năng nổ trong sinh hoạt công cộng thì tổ chức và tham gia những hoạt động có khả năng tập hợp thanh niên đòi hỏi chính quyền về những vấn đề cụ thể…

Mục tiêu của cuộc đấu tranh là một thể chế dân chủ pháp trị, một nước Việt Nam mang lại an sinh, cơ hội phát triển và tự do cho mỗi người dân. Còn những kẻ cầm quyền độc tài chính là chướng ngại vật chắn ngang sinh lộ tiến về phía trước của đất nước, và cũng là kẻ cướp chặn đường để những người đấu tranh không đạt được mục tiêu của mình; vì thế cần phải bị người dân dẹp sang một bên. Tôi phân biệt “đối tượng”, “mục tiêu”, và “chướng ngại vật” như thế để nhiều người tiện theo dõi, và không bị nhập nhằng giữa ba khái niệm trên nữa.

Chúng ta đang sống trong một thể chế độc tài mà lại đòi hỏi tự do dân chủ pháp trị lẽ dĩ nhiên là tạo nên một va chạm lớn về giá trị. Dân chủ tự do là giá trị mà những người lãnh đạo Cộng sản không những không chia sẻ mà còn thù địch, vì chúng đi ngược với quyền lợi và sự lãnh đạo độc tôn của họ. Bởi, Dân chủ đa đảng thì làm sao cho những người Cộng sản và con cháu họ có thể “quang vinh muôn năm”? Tư hữu đất đai thì làm sao các tập đoàn tư bản đỏ có thể chiếm đoạt đất đai dễ dàng? Tự do pháp trị thì làm sao an ninh Cộng sản có thể nắm quyền sinh sát, muốn bắt ai thì bắt, muốn đánh ai thì đánh mà không bị trừng trị? Xã hội dân sự thì làm sao chính quyền lộng hành, bán rừng, bán biển cho ngoại bang?

Nói tóm lại, dù đối tượng đấu tranh mà chúng ta nhắm đến là gì, phương cách hoạt động và thực hiện ra làm sao thì những người lãnh đạo độc tài đều không thể chấp nhận được, vì chúng thách thức trực diện quyền lợi hiện tại cũng như triển vọng lãnh đạo trong tương lai của họ. Đã thách thức và đi ngược lại với ý chí và quyền lợi của họ thì sớm hay muộn chúng ta sẽ gặp phải sự trấn áp. Điều đó là không thể tránh khỏi. Cách thức đấu tranh càng mạnh mẽ và càng chạm sâu vào tử huyệt của họ, khả năng bị đàn áp càng lớn. Càng nhiệt tình trong các hoạt động nơi công cộng, những tổn thương mà chúng ta nhận được càng nhiều. Có thể nói, hiệu quả đấu tranh càng lớn, càng tác động mạnh đến công luận khiến nhà cầm quyền lo sợ thì họ càng trấn áp thô bạo. Có thể nói, chỉ trừ khi bạn yên lặng, không tham gia bất cứ hoạt động gì thì bạn sẽ không phải trả giá.

Bởi vậy, tôi rất ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng, chúng ta phải “khôn ngoan” để né tránh những bức hại từ nhà cầm quyền trong khi vẫn đấu tranh hiệu quả cho những mục tiêu lâu dài. Theo tôi, việc này quả khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi. Bạn có thể “mềm mỏng” để giảm thiểu mức độ căm thù của chính quyền địa phương với bạn, để tránh những trường hợp xô xát chảy máu ngoài dự kiến, nhưng bạn mềm mỏng đến cỡ nào để vừa hoạt động hiệu quả, vừa tránh được đàn áp? Xin lưu ý, mọi hành động của an ninh địa phương không bao giờ nằm ngoài chỉ đạo của bộ máy lãnh đạo ở Trung ương, an ninh không thể vì ghét hay thích ai đó với tư cách cá nhân, cục bộ mà tùy tiện đàn áp hoặc để yên. Sự sợ hãi và căm ghét của nhà cầm quyền đối với tất cả những người đấu tranh không ở chỗ họ mềm mỏng hay quyết liệt mà chính là ở chỗ hoạt động của bạn có hiệu quả hay không, có đánh động được công luận hay không.

Còn nữa, vị trí đối kháng của những người đấu tranh hiện nay không phải do chúng ta mặc định như nhiều người nói; mà chính là do cách nhìn nhận của nhà cầm quyền độc tài. Rõ ràng, đối tượng mà chúng ta đòi hỏi, tranh đấu là các giá trị tự do dân chủ, nhưng vì nó đối kháng với bản chất, thù nghịch với mục tiêu của chế độ nên họ đã nghiễm nhiên xác định chúng ta là những người “chống đảng và Nhà nước” và cư xử với chúng ta tàn ác như đối với kẻ thù. Các bạn cho rằng chúng ta không nên xác định sự chống đối nhắm vào những người lãnh đạo cộng sản vì như thế sẽ đẩy mình vào thế “co cụm”? Tôi không nghĩ như vây. Vấn đề ở đây không phải là chúng ta đẩy mình vào địa vị thù nghịch với chế độ hay không, mà vì mục tiêu của chúng ta là thứ “độc hại” đối với họ nên tự nhiên chúng ta trở thành những kẻ cần phải bị loại trừ. Bạn phải làm sao để không bị đàn áp khi đã có những hành vi mà họ cho là “chống đối”? Nếu bạn chưa bị trấn áp, thì một là hành động phản kháng của bạn chưa đủ quyết liệt, hoặc là họ sẽ “để dành” bạn cho một dịp nào đó thôi. Chỉ khi nào bạn từ bỏ những giá trị mà mình theo đuổi, ngồi nhà, không nói, không viết, không tiếp xúc, không tập họp đông người thì bạn sẽ không bị làm sao cả, mà thậm chí có thể được họ tin dùng.

Trong những người đấu tranh, không phải ai cũng là những người có toan tính chính trị chuyên nghiệp, đa số họ là những người vận động xã hội trẻ và nhiều nhiệt huyết. Những người nhiều nhiệt huyết thì dù có “khôn ngoan” và tính toán kỹ lưỡng đến bao nhiêu cũng hứng chịu nhiều thiệt hại hơn cả. Tôi quan sát thấy, những người có dụng tâm chính trị sừng sỏ thường muốn tránh bị thiệt hại, tỏ ra rất “khôn ngoan” để không bị đàn áp, nhưng lại muốn đạt được tương lai chính trị cao nhất, lại mơ “làm chuyện lớn”. Ngược lại, tôi cũng nhìn thấy các bạn trẻ hôm nay rất vô tư trong tâm tình dành cho đất nước, cho lý tưởng, các bạn đã đấu tranh không khoan nhượng và có bản lĩnh chấp nhận tù đày. Nếu có thể thay đổi điều gì đó, tôi ước muốn các bạn trẻ có cơ hội học hỏi, trau dồi kinh nghiệm thêm một thời gian nữa và có thế đứng độc lập khỏi các đảng phái trước khi dấn thân và chịu tù đày. Nhưng quả tình, tôi cảm phục các bạn tận đáy lòng. Dù các bạn phải trả giá nặng nề, như Phương Uyên và Nguyên Kha; nhưng vượt qua tất cả những khó khăn, các bạn đã chứng tỏ bản lĩnh và sự trong sáng hơn nhiều người khác. Việc các bạn không nhận tội, không phủ nhận lòng yêu nước và lý tưởng của mình đã cổ vũ rất nhiều người, trong đó có tôi.

Trong khi đấu tranh, tùy theo ý chí, khuynh hướng và bản lĩnh mà cách thức thể hiện có thể mạnh mẽ hoặc mềm mỏng. Nếu bạn mềm mỏng và chưa có những động thái vượt giới hạn vô hình mà nhà cầm quyền đặt ra, vì thế bạn chưa bị đàn áp; rồi thì bạn cho rằng mình khôn ngoan hơn những người bị đàn áp, bị tổn thương từ chế độ? Các bạn tự cho mình là người có mục tiêu xa rộng, lâu dài, phải “khôn ngoan” né tránh việc đối đầu với cộng sản? Nhưng tôi nghĩ rằng, dù chúng ta không muốn phải có những hy sinh hoang phí, thì việc luôn tìm cách né tránh để không bị đàn áp sẽ chỉ chừa lại cho chúng ta một khoảng không gian rất nhỏ để hoạt động. Càng sợ bị đàn áp, chúng ta càng có xu hướng “lách” hơn là thực sự viết để nói lên sự thật, có xu hướng thụ động ngồi nhà hơn là xông xáo đấu tranh. Tôi e điều đó làm giảm đi tính hiệu quả của cuộc đấu tranh.

Những mục tiêu lớn buộc chúng ta phải đối mặt với những sự trả giá lớn tương đương, dù chúng ta có muốn hay không. Hạn chế hy sinh là cần thiết để bảo toàn lực lượng nhưng nếu cứ lo né tránh sự đàn áp thì mục tiêu của chúng ta sẽ khó trở thành hiện thực. Nếu đạt được một thành quả mà không cần hy sinh thì một là thành quả đó kém giá trị, còn hai là một may mắn từ trời rơi xuống. Bạn có tin rằng một may mắn từ trên trời, chứ không phải là một cuộc đấu tranh cam go có thể mang lại dân chủ tự do cho đất nước hay không?

“Khôn Ngoan” Đến Mức Độ Nào? Reviewed by Unknown on 5/29/2013 Rating: 5 Huỳnh Thục Vi, VRNs - 27.05.2013: Cuộc đấu tranh cho Dân chủ của người Việt hiện nay không nằm ngoài những giá trị và niềm tin đã phổ qu...

Không có nhận xét nào: