Đại Sứ Anh: An Toàn Cho Nhà Báo Trong Tác Nghiệp - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
20 tháng 6, 2013

Đại Sứ Anh: An Toàn Cho Nhà Báo Trong Tác Nghiệp

PV, VRNs - 20.06.2013: Từ 3h30-5h00 chiều thứ tư, ngày 19 tháng 6 năm 2013, hôm qua, Tòa đại sứ Anh tại Việt Nam đã mời các nhà báo và những ai quan tâm đến báo chí tham gia cuộc thảo luận mở với chủ đề “An toàn cho nhà báo trong tác nghiệp” trên mạng xã hội facebook.

Buổi giao lưu do Đại sứ của Vương quốc Anh tại Việt Nam Antony Stokes chủ trì. Khách mời đặc biệt là ông Mai Phan Lợi, phó tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.


Ban tổ chức cho biết lý do có cuộc hội thảo này là “nhân dịp ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21 tháng 6”. Không biết tổ chức vào dịp này, Vương quốc Anh muốn nhắn gởi gì đến các nhà quản lý báo chí Việt Nam.

Mở đầu cuộc hội thảo, ông đại sứ Antony Stokes nói: “Xin chúc mừng anh Phan Lợi và Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng đã giành được giải VACI năm nay với sáng kiến thi vẽ tranh biếm họa nhằm thúc đẩy công khai, minh bạch”

Nhà báo Mai Phạm Lợi, với nickname Bút Lông đã đáp lời: “Xin kính chào ngài Đại sứ Anh Antony Stokes, cảm ơn lời giới thiệu rất trọng thị của ngài. Xin kính chào các bạn tham gia buổi giao lưu”.

Đại sứ: “Anh Lợi, anh thấy tình hình đảm bảo an toàn cho báo chí tác nghiệp ở Việt Nam, hiện tại như thế nào?” Đây được xem như câu hỏi dẫn, để khách mời chính thức của buổi hội thảo trình bày ý kiến của mình, trước khi các tham dự viên khác thảo luận.

Nhà báo Mai Phạm Lợi trình bày:

“Thưa ngài, tình hình cản trở nhà báo đã thay đổi rõ rệt so với cách đây 3 năm. Các nhà báo, các cơ quan báo chí và cả các cơ quan chức năng đã không còn ngần ngại khi đề cập tới chuyện này mà nó đã được thảo luận một cách kiên trì, công khai, rộng khắp, thể hiện sự thống nhất cao trong xã hội về mức độ ảnh hưởng cũng như hậu quả khi nhà báo bị cản trở tác nghiệp. Riêng về 1 hành vi cản trở được nhắc đến nhiều nhất là ‘né tránh cung cấp thông tin’ thì đã có những cải thiện khá rõ, mà những động thái từ Chính phủ đã xác tín điều này thông qua những hành động cụ thể mang tính chủ động hơn.

Chẳng hạn giờ đây người dân đã quen với việc một bộ trưởng tối Chủ Nhật hàng tuần phải lên truyền hình Quốc gia giải trình về một vấn đề nào đó đang được dân chúng quan tâm, khác với trước đây là chỉ lên để báo cáo thành tích. Ngoài ra từ 01.07 tới đây Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí mới được Thủ tướng Chính phủ sửa đổi cũng có thêm những yêu cầu tiến bộ như rút ngắn thời hạn buộc phải phát ngôn, cung cấp thông tin tới 50%, có đề cập tới chế tài nếu vi phạm quy chế.

Tuy nhiên hình thức cản trở đã có vẻ biến chuyển sang những cách thức mới hơn so với 12 hành vi mà chúng tôi phát hiện vào năm 2011. Kết quả nghiên cứu năm ngoái cho thấy nhiều nhà báo đã đề cập tới loại cản trở từ chính những đồng nghiệp của mình, có thể là cấp trên khi không đồng thuận với đề xuất của phóng viên hoặc xung đột với những tờ báo khác thông qua việc bị họ đăng bài phản bác. Thêm nữa đã có những biểu hiện cho thấy một số cá nhân đã tranh thủ tối đa sự không đoàn kết, thiếu hiểu biết của báo chí để thực hiện cách thức “bó đũa bẻ từng chiếc”. Dễ thấy nhất là việc không bình đẳng, không công khai trong việc cung cấp các thông tin công, thông tin liên quan đến số đông mà cơ quan nhà nước nắm giữ và có nghĩa vụ giải trình, chẳng hạn như việc 1 cuộc họp báo về quản lý thị trường xăng dầu của cả nước nhưng cơ quan nhà nước chỉ mời báo này mà không mời báo kia, trong khi tiêu chí mời không được công bố.

Ngoài ra các công cụ pháp lý bảo vệ nhà báo, phóng viên tác nghiệp thì chưa có sự thay đổi rõ rệt ở khâu xây dựng pháp luật, tuy có nhúc nhích hơn ở khâu thực thi sau khi các dự án của các tổ chức phi chính phủ triển khai, song còn quá thấp so với mong muốn của giới báo chí và nhu cầu được thụ hưởng thông tin đầy đủ, kịp thời của xã hội thông qua sự an toàn tác nghiệp của nhà báo.

Tôi đã hết ý kiến!”

Đại sứ chủ tọa hội thảo phụ họa: “Tôi vui mừng khi thấy báo chí đã đề cập nhiều hơn đến đề tài này và quy đinh xử phạt các hành vi cản trở báo chí đã được thực thi. Tôi đã có lần nói đến vấn đề này trong một bài blog của mình vào năm ngoái.

Tôi rất vui được chủ trì buổi giao lưu này với đề tài an toàn cho báo chí tác nghiệp ngay trước thềm ngày Báo chí Việt Nam 21 tháng 6. Đây là một lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm trên phạm vi toàn cầu: là chủ đề của Ngày tự do báo chí thế giới năm nay (3 tháng 5). Từ năm 2011 đến nay, Vương quốc Anh cũng đã hỗ trợ nhiều sáng kiến của các tổ chức phi chính phủ nhằm tăng cường an toàn cho báo chí tại Việt Nam. Tôi xin gửi lời cảm ơn các đối tác, bao gồm cả Bộ Thông tin Truyền thông vì đã hợp tác với chúng tôi”.

Phát biểu của nhà báo Mai Phạm Lợi thì cho rằng gần như không có gì là không an toàn cho nhà báo khi tác nghiệp tại Việt Nam, ngoại trừ sự chậm trễ được tiếp cận nguồn thông tin do tổ chức nào đó công bố. Trong khi đó, ông đại sứ Anh có vẻ như cảm nhận sự bất an toàn cho nhà báo khi tác nghiệp là có rất lớn đối với Việt Nam, nên ông nhấn mạnh chủ đề hội thảo hôm nay, chính là vấn đề thao thức của toàn thế giới, và chính chủ đề này cũng là chủ đề của ngày tự do báo chí, 03.05.2013, vừa qua.

Nhà báo Phạm Lợi nêu vấn đề: “Có một số bạn đặt câu hỏi với các tình huống cụ thể: – Khi nhà báo điều tra và phanh phui các vấn đề tiêu cực của chính quyền, của lãnh đạo hoặc của công ty, xí nghiệp… dĩ nhiên sẽ rất khó tiếp cận được với nguồn tin chính thống từ chính nơi xảy ra tiêu cực. Đối tượng bị điều tra sẽ tránh mặt hoặc gây khó khăn, thậm chí còn cho nhân viên hành hung nhà báo; rồi đối mặt với công an, dân phòng v.v… (nói chung là các tình huống nóng). Vậy, khi đối mặt với những trạng huống như thế, nhà báo cần và nên làm gì để vừa có được thông tin mình cần, vừa an toàn?”

Mai Mai Hương trả lời ngay: “Tôi không nghĩ nhiều phóng viên và nhà báo không biết rõ quyền lợi và nghĩa vũ khi cầm thẻ nhà báo/ press card”.

Nhà báo Phạm Lợi như không đồng ý: “Ngoài ra các công cụ pháp lý bảo vệ nhà báo, phóng viên tác nghiệp thì chưa có sự thay đổi rõ rệt ở khâu xây dựng pháp luật, tuy có nhúc nhích hơn ở khâu thực thi sau khi các dự án của các tổ chức phi chính phủ triển khai, song còn quá thấp so với mong muốn của giới báo chí và nhu cầu được thụ hưởng thông tin đầy đủ, kịp thời của xã hội thông qua sự an toàn tác nghiệp của nhà báo”.

Đến lúc này, khi nhập cuộc với những thực tế, ngổn ngang do các phóng viên đặt ra, nhà báo Phạm Lợi mới bắt đầu nhìn nhận sự an toàn cho nhà báo không được pháp luật bảo vệ đúng mức.

Một vấn đề rất thiết thực được Ho Duc Thanh đặt ra, nhưng không được nhà báo Phạm Lợi lẫn ngài đại sứ Anh trả lời là “vai trò của báo chí tư nhân và blogger, làm sao để bảo vệ họ, ở VN rất nhiều blogger bị kết án vì điều 88 và 258?”

Một nhà báo lấy nickname là Ech Ao tiếp với ý tưởng vừa rồi với những kinh nghiệm cụ thể bị tấn công, xâm hại: ‘khi bị công an, dân phòng hay lực lượng của nhà nước đánh đập, hành hung (và chuyện này thật sự đã xảy ra rất nhiều lần) thì nhà báo nên làm gì? Chúng tôi không thể phản kháng (bởi nếu chỉ có một phản kháng dù rất nhỏ thì họ sẽ lấy đó làm cớ để đánh đập nặng hơn). Còn nếu im lặng chịu trận thì làm sao có bằng chứng để khiếu nại với cơ quan cấp trên?”

Một blogger nổi tiếng ở Hà Nội là anh Nguyễn Lân Thắng tiếp tục đặt ra vấn đề: “Tại sao nhà báo và blogger không bắt tay nhau hợp tác thay vì cứ cố hoàn thiện những điều chưa thể có hoặc không thể có…? Nhà báo là người được đào tạo kỹ năng tác nghiệp đàng hoàng, có nhiều nguồn thông tin, nhưng vì những vấn đề cản trở tự do báo chí, nên không thể tung hoành như blogger… Tại sao chúng ta không bắt tay nhau? Nếu bắt tay thì sẽ hợp tác như thế nào?

Tôi có một vài kinh nghiệm về chuyện đó… không biết có ai quan tâm không…”

Facebooker Tào Lao chất vấn khách mời: “Thưa anh Bút Lông! Trong những ngày gần đây có đến 3 blogger là: Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy bị chính quyền bỏ tù vì những bài viết của họ trên mạng Internet. Chính quyền buộc tội họ theo điều luật 258 “Lợi dụng các quyền Tự Do, Dân chủ âm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.” Vậy, với một người từng làm báo lâu năm, anh có thể có thể truyền đạt đôi chút kinh nghiệm để khi chỉ trích, phê bình chính quyền mà không bị chụp mũ vào điều 258 hay điều 88 (Tuyên truyền chống chế độ) được không?”

Gần như các vấn đề này được nêu ra, mà không có câu trả lời, dù chỉ là gợi ý của người chủ tọa hay khách mời.

Liền sau đó, là sự trục trặc về tổ chức được nêu ra, nào là không truy cập được trang facebook đang hội luận, nào là các comment không được sắp xếp cho ra chủ đề, mà để tràn lan khó theo dõi …vv…và …vv… Rồi hết giờ.

Kết thúc hội thảo, chúng tôi trong tư cách người tham dự đã không nhận được chia sẻ nào có giá trị về “An toàn cho nhà báo trong tác nghiệp” như chủ đề đặt ra. Như vậy mới thấy không chỉ có Việt Nam ta bầy ra làm cho có để tiêu tiền thuế của dân, mà các Tòa đại sứ ở Việt Nam cũng chỉ tổ chức các hoạt động hình thức không thúc đẩy đến một kết quả nào, mà không tránh khỏi tốn kém phải trích từ tiền thuế dân bản xứ ra.
Đại Sứ Anh: An Toàn Cho Nhà Báo Trong Tác Nghiệp Reviewed by Unknown on 6/20/2013 Rating: 5 PV, VRNs - 20.06.2013: Từ 3h30-5h00 chiều thứ tư, ngày 19 tháng 6 năm 2013, hôm qua, Tòa đại sứ Anh tại Việt Nam đã mời các nhà báo và n...

Không có nhận xét nào: