Đạo Luật Nhân Quyền Việt Nam Năm 2013 - HR 1897 - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
27 tháng 6, 2013

Đạo Luật Nhân Quyền Việt Nam Năm 2013 - HR 1897

ĐẠO LUẬT NHÂN QUYỀN VIỆT NAM năm 2013 – HR 1897.

Quốc hội Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thứ 113

Phiên họp thứ nhất

H. R. 1897: Nhằm thúc đẩy Tự do và Dân chủ ở Việt Nam

Tại Hạ viện Hoa Kỳ

Ngày 8 tháng 5 năm 2013

Ngài SMITH của tiểu bang New Jersey (đại diện cho chính mình, cho ngài ROYCE, ngài WOLF, bà LOFGREN và ngài LOWENTHAL) giới thiệu đạo luật sau đây, đạo luật đã được đệ trình lên Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ.


DỰ LUẬT
Nhằm thúc đẩy Tự do và Dân chủ tại Việt Nam.

Nếu được thông qua bởi Thượng viện và Hạ viện Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong thời gian Quốc hội nhóm họp,

PHẦN 1. TIỀU ĐỀ NGẮN. BẢNG NỘI DUNG.

(a) Tiêu đề ngắn – Đạo luật này được gọi là “Đạo luật Nhân quyền Việt Nam năm 2013”

(b) Bảng nội dung – Bảng nội dung của Đạo luật như sau:

Phần 1. Tiêu đề ngắn; Bảng nội dung.

Phần 2. Các dữ kiện và mục đích.

Phần 3. Cấm chỉ gia tăng trợ giúp phi nhân đạo cho Chính quyền Việt Nam.

Phần 4. Ngành ngoại giao Hoa Kỳ

Phần 5. Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc

Phần 6. Báo cáo hằng năm

PHẦN 2. CÁC DỮ KIỆN VÀ MỤC ĐÍCH

(a) Những dữ kiện – Quốc hội thu thập được những dữ kiện sau:

(1) Mối quan hệ giữa Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Cộng hòa XHCN Việt Nam đã phát triển vững chắc từ sau khi Lệnh cấm vận thương mại chấm dứt năm 1994, với mức trao đổi mậu dịch hằng năm giữa hai nước lên đến gần 25 tỷ trong năm 2012.

(2) Quá trình chuyển đổi của Chính phủ Việt Nam hướng tới nền thương mại và tự do kinh tế hơn đã không song hành với cởi mởi tự do chính trị và những cải thiện thực chất về các Nhân quyền cơ bản cho người dân Việt Nam, bao gồm Tự do tôn giáo, bày tỏ quan điểm, lập hội và hội họp.

(3) Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2006, với niềm tin rằng chính quyền Việt Nam lúc đó đang dần cải thiện hồ sơ Nhân quyền và sẽ tiếp tục như thế.

(4) Việt Nam vẫn duy trì một Nhà nước độc đảng, nằm dưới sự cầm quyền và kiểm soát của đảng Cộng sản Việt Nam, đảng này vẫn tiếp tục chối bỏ quyền thay đổi chính quyền của người dân.

(5) Mặc dù trong những năm gần đây, Quốc hội Việt Nam đã đóng vai trò ngày càng tích cực như là một diễn đàn để làm nổi bật những quan ngại ở địa phương, vấn đề tham nhũng, và sự cầm quyền không hiệu quả, Quốc hội vẫn chịu sự chỉ đạo của đảng Cộng sản và đảng Cộng sản vẫn duy trì quyền kiểm soát việc chọn lựa các ứng cử viên Quốc hội trong các cuộc bầu cử quốc gia và địa phương.

(6) Chính quyền Việt Nam ngăn cấm mọi chất vấn của người dân đối với tính chính đáng của Nhà nước độc đảng, kiềm hãm quyền Tự do bày tỏ quan điểm, báo chí, lập hội và thắt chặt việc tiếp cận internet và các phương tiện viễn thông.

(7) Từ khi Việt Nam gia nhập WTO vào ngày 11 tháng 1 năm 2007, chính quyền Việt Nam đã tùy tiện bắt bớ và giam giữ nhiều cá nhân vì họ đấu tranh ôn hòa cho Tự do tôn giáo, Dân chủ và Nhân quyền, bao gồm cha Nguyễn Văn Lý, các luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Cù Huy Hà Vũ, và Lê Công Định, và các bloggers Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Lê Văn Sơn.

(8) Chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục cầm giữ, bỏ tù, quản thúc tại gia, buộc tội, hoặc nếu không thì ngăn chặn họ không được bày tỏ quan điểm tôn giáo và chính trị đối lập một cách ôn hòa.

(9) Chính quyền Việt Nam tiếp tục giam giữ những người lãnh đạo giới công nhân lao động và giới hạn quyền thành lập các tổ chức độc lập.

(10) Chính quyền Việt Nam tiếp tục giới hạn quyền Tự do tôn giáo, kiềm chế hoạt động của các tổ chức tôn giáo độc lập, và sách nhiễu các tín đồ nào có các hoạt động tôn giáo bị chính quyền coi là mối đe dọa tiềm tàng cho vị trí độc tôn quyền lực của họ.

(11) Mặc dù những tiến bộ đã được báo cáo trong việc thành lập nhà thờ và việc đăng ký hợp pháp các địa điểm hội họp tôn giáo, chính quyền Việt Nam đã ngăn tất cả các hành động tích cực nhất kể từ khi Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” (CPC) vào tháng 11 năm 2006.

(12) Các hội thánh Tin lành sắc tộc thiểu số không được đăng ký, đặc biệt là những người Thượng ở Cao nguyên Trung phần và Tây Bắc phải chịu những hành động chà đạp khắt nghiệt của chính quyền Việt Nam, bao gồm việc bị cưỡng bách từ bỏ niềm tin, bị bắt giữ, bị sách nhiễu, bị từ chối các chương trình xã hội vốn dĩ cấp cho toàn dân, bị tịch thu và hủy hoại tài sản, bị đánh đập tàn nhẫn và chết theo như báo cáo.

(13) Nhà cầm quyền đã có những phản ứng bạo lực đối với những buổi thức trắng cầu nguyện và những cuộc biểu tình ôn hòa của giáo dân Công giáo đòi chính quyền trả lại những tài sản của giáo hội đã bị chính quyền tịch thu. Những người biểu tình đã bị sách nhiễu, đánh đập, giam giữ và tài sản của Giáo hội đã bị hủy hoại. Những người Công giáo cũng tiếp tục đối mặt với tình trạng giới hạn trong việc lựa chọn chức sắc, giới hạn việc thành lập các chủng viện và lựa chọn chủng sinh, và nhiều trường hợp cá nhân bị giới hạn quyền đi lại và đăng ký thành lập Nhà thờ.

(14) Vào tháng 5 năm 2010, làng Cồn Dầu, một giáo xứ ở thành phố Đà Nẵng, đã đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang trong một đám tang khi công an cố gắng ngăn cấm một lễ mai táng theo nghi thức tôn giáo ở nghĩa trang của làng; hơn 100 dân làng đã bị thương, 62 người bị bắt giữ, 5 người bị đánh đạp và có ít nhất 3 người chết.

(15) Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (UBCV) bị ngược đãi vì chính quyền Việt Nam tiếp tục giới hạn những liên hệ và vận động của chức sắc tăng ni của Giáo hội vì họ từ chối việc hợp nhất với Giáo hội quốc doanh, chính quyền giới hạn việc bày tỏ quan điểm và hội họp, và chính quyền cũng tiếp tục sách nhiễu và đe dọa tăng ni cùng chức sắc trẻ.

(16) Chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp những sinh hoạt của các tín đồ tôn giáo khác, gồm Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo, thông qua việc sử dụng các biện pháp giam giữ, bỏ tù và giám sát nghiêm ngặt, những tín đồ này ở trong tình trạng thiếu sự công nhận chính thức hoặc đã chọn cách liên kết với các nhóm tôn giáo khác bị chính quyền chế tài.

(17) Nhiều người Thượng và những người thuộc các sắc tộc khác vẫn đang chịu những án tù dài hạn vì liên quan đến những cuộc biểu tình ôn hòa năm 2001, 2002, 2004 và 2008. Những người Thượng vẫn tiếp tục đối mặt với việc bị đe dọa, giam giữ, đánh đập, ép buộc bỏ đạo, hủy hoại tài sản, giới hạn hoạt động và chết như trong báo cáo, trong tay các giới chức chính quyền.

(18) Người H-mông thiểu số ở miền Bắc Việt Nam, Cao nguyên Tây bắc, và Cao nguyên Trung phần của Việt Nam cũng bị kiềm chế, tịch thu tài sản, chà đạp, và ngược đãi bởi chính quyền Việt Nam.

(19) Chính quyền Việt Nam giới hạn việc bày tỏ quan điểm, hội họp, lập hội của người Khmer Krom, chính quyền đã tịch thu gần như tất cả các chùa chiền Phật giáo Nam tông, kiểm soát tất cả các tổ chức Phật giáo của người Khmer Krom và cấm chỉ hầu hết các cuộc biểu tình phản đối ôn hòa.

(20) Chính quyền Việt Nam kiểm soát gần như tất cả các phương tiện truyền thông điện tử và báo giấy, bao gồm kiểm soát việc tiếp cận mạng Internet, làm nhiễu sóng của một số đài phát thanh nước ngoài, trong đó có đài Á châu Tự do, và đã giam giữ cũng như bỏ tù những cá nhân đăng tải, xuất bản, gởi hoặc phổ biến các tài liệu liên quan đến Dân chủ.

(21) Những người bị bắt ở Việt Nam vì hoạt động và gia nhập các tổ chức chính trị – tôn giáo, thường không nhận được thủ tục pháp lý thích hợp vì họ khó có thể tiếp cận với luật sư theo sự lựa chọn của mình, phải trải qua những phiên tòa đóng kín, thường bị giam giữ nhiều năm mà không được xét xử, và bị hành hạ để phải nhận những tội mà họ không phạm hoặc là phải tố cáo những người lãnh đạo tổ chức họ.

(22) Việt Nam tiếp tục là nước cung cấp hoạt động kinh doanh tình dục và cưỡng bách lao động đối với phụ nữ và các cô gái, cũng là nước xuất khẩu lao động trong đó đàn ông và phụ nữ tham gia một cách hợp pháp vào những hợp đồng lao động quốc tế nhưng sau đó họ phải đối mặt với tình trạng bị ràng buộc bởi nợ nần hoặc cưỡng bách lao động, và là điểm đến của nạn buôn bán trẻ em và tiếp tục xảy ra tình nạn buôn người.

(23) Có nhiều báo cáo về việc các quan chức Việt Nam và cấp dưới của họ tham gia, tạo điều kiện, bỏ qua hoặc đồng lõa với các hình thức buôn người nghiêm trọng.

(24) Các chương trình tái định cư người tỵ nạn của Hoa Kỳ, bao gồm Chương trình Tái định cư Nhân đạo (HR), Chương trình ra đi trật tự (ODP), Chương trình Cơ hội tái đinh cư cho người Việt hồi hương, việc tái định cư thông thường dành cho các thuyền nhân từ các trại tỵ nạn khắp Đông Nam Á, Đạo luật đón người Mỹ gốc Á về Mỹ năm 1988, và Hạng mục tái định cư người tỵ nạn Ưu tiên 1, đã giúp cứu vớt những người dân Việt Nam đã bị ngược đãi vì cộng tác với Hoa Kỳ, hoặc, trong nhiều trường hợp, vì vợ chồng, cha mẹ, người thân của họ có cộng tác, cũng như những người Việt Nam bị ngược đãi vì sắc tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị, hoặc vì là thành viên của các tổ chức xã hội cá biệt.

(25) Trong khi những chương trình trước đây đã hoàn thành mục đích, một số lớn người tỵ nạn Việt Nam đã bị từ chối hoặc loại bỏ một cách bất công, bao gồm người Mỹ gốc Á, trong vài trường hợp là vì các giới chức Việt Nam – những người có trách nhiệm kiểm soát việc tiếp cận các chương trình này – tham nhũng hoặc thù hận, và trong những trường hợp khác là vì nhân sự phía Hoa Kỳ đã áp đặt những cách giải thích thu hẹp quá mức về tiêu chuẩn của chương trình. Thêm vào đó, chính quyền Việt Nam đã từ chối cấp hộ chiếu cho những người mà phía Hoa Kỳ đã chấp nhận là đủ tiêu chuẩn để nhận được quy chế tỵ nạn.

(26) Chính quyền Việt Nam, như trong báo cáo, đang giam giữ hàng ngàn người, trong đó có một số người mới 12 tuổi, trong các trung tâm cai nghiện của nhà nước và đối xử với họ như nô lệ lao động.

(27) Trong năm 2012, hơn 150.000 người đã ký vào một thỉnh nguyện thư kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ không mở rộng với mậu dịch với nước Việt Nam cộng sản với cái giá phải trả là tình trạng đàn áp nhân quyền.

(28) Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua nhiều nghị quyết lên án tình trạng chà đạp nhân quyền ở Việt Nam, cho thấy rằng mặc dù có sự mở rộng quan hệ ngoại giao với chính quyền Việt Nam, nhưng không nên hiểu điều đó như là sự chấp thuận cho tình trạng vi phạm các nhân quyền căn bản nghiêm trọng và vẫn đang tiếp diễn ở Việt Nam.

(b) MỤC ĐÍCH- Mục đích của Đạo luật này là nhằm thúc đẩy sự phát triển Tự do và Dân chủ ở Việt Nam.

PHẦN 3. NGĂN CẤM TĂNG THÊM CÁC VIỆN TRỢ PHI NHÂN ĐẠO CHO CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM.

(a) VIỆN TRỢ -

(1) TỔNG QUAN – Trừ những trường hợp đã đưa ra ở khoản (b), Chính quyền Liên bang sẽ không đưa ra bất cứ viện trợ phi nhân đạo nào cho chính quyền Việt Nam trong suốt năm tài chính với tổng số vượt quá số lượng viện trợ như thế đã được đưa ra cho năm tài chính 2012, trừ khi:

(A) liên quan đến những giới hạn cho năm tài chính 2014, Tổng thống quyết định và xác nhận với Quốc Hội rằng, không quá 30 ngày sau ngày ban hành đạo luật này, những quy định từ điểm (A) tới điểm (G) trong điều (2) phải được đáp ứng trong suốt thời gian 12 tháng kết thúc vào ngày phê chuẩn; và

(B) liên quan đến giới hạn cho những năm tài chính tiếp theo, Tổng thống quyết định và xác nhận với Quốc Hội, trong bản báo cáo hằng năm gần nhất được đệ trình lên theo phần 6, rằng những quy định từ điểm (A) đến điểm (G) của điều (2) phải được đáp ứng trong suốt thời gian 12 tháng được tường trình bởi bản báo cáo.

(2) NHỮNG QUY ĐỊNH– Những quy định trong điều như sau:

(A) Chính quyền Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phóng thích tất cả các tù nhân chính trị và tôn giáo, tình trạng quản thúc tại gia, và các hình thức cầm giữ khác.

(B) Chính quyền Việt Nam đã có những tiến bộ thực chất trong việc -

(i) Tôn trọng quyền tự do tôn giáo, bao gồm quyền tham gia vào các định chế và sinh hoạt tôn giáo mà không bị cản trở, sách nhiễu, hoặc can thiệp bởi chính quyền, dành cho tất cả các cộng đồng tôn giáo khác nhau của Việt Nam; và

(ii) Trả lại đất đai và tài sản đã tịch thu của các giáo hội và cộng đồng tôn giáo.

(C) Chính quyền Việt Nam đã có những tiến bộ thực chất trong việc tôn trọng quyền tự do bày tỏ quan điểm, hội họp và lập hội, bao gồm việc trả tự do cho các nhà báo và blogger độc lập và các nhà hoạt động vì dân chủ và giới lao động.

(D) Chính quyền Việt Nam đã có những tiến bộ thực chất trong việc bãi bỏ hoặc xem xét lại các điều luật hình sự hóa các hoạt động bất đồng chính kiến ôn hòa, truyền thông độc lập, hoạt động tôn giáo không được cấp phép, và các cuộc tập hợp và biểu tình bất bạo động, theo các tiêu chuẩn và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

(E) Chính quyền Việt Nam đã đạt được những tiến bộ thực chất trong việc cho phép người dân Việt Nam được tự do tiếp cận với các chương trình tỵ nạn của Hoa Kỳ.

(F) Chính quyền Việt Nam đã đạt được những tiến bộ thực chất trong việc tôn trọng nhân quyền của những người thuộc các nhóm sắc dân thiểu số.

(G) Không một quan chức chính quyền Việt Nam lẫn các cơ quan và thực thể nào do chính quyền Việt Nam sỡ hữu toàn bộ hoặc một phần được đồng lõa vào những hình thức buôn người nghiêm trọng, hoặc Chính quyền Việt Nam đã tiến hành những bước thích hợp để chấm dứt những sự đồng lõa như thế và buộc các quan chức, cơ quan hoặc thực thể đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm giải trình cho những hành xử của họ.

(b) NHỮNG NGOẠI LỆ -

(1) VIỆC TIẾP TỤC CÁC KHOẢN VIỆN TRỢ VÌ QUYỀN LỢI QUỐC GIA HOA KỲ- Không chấp nhận việc Chính quyền Việt Nam không đáp ứng được những quy định ở khoản (a)(2), Tổng thống có thể bãi bỏ việc áp dụng khoản (a) trong năm tài chính nếu -

(A) Tổng thống xác định rằng việc cấp cho chính quyền Việt Nam những khoản viện trợ phi nhân đạo ngày càng gia tăng sẽ thăng tiến mục đích của Đạo luật này hoặc nếu không thì vì quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ; và

(B) Chính quyền Liên bang đưa ra những khoản viện trợ, ở mức độ tương thích với, hoặc vượt quá, bất cứ sự gia tăng viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam, đều hỗ trợ cho việc-

(i) huấn luyện cho chính quyền Việt Nam về bổn phận tôn trọng các quyền được liệt kê trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị;

(ii) lập chương trình mang tính pháp quyền phi thương mại; và

(iii) áp dụng biện pháp khắc phục tình trạng chính quyền Việt Nam phá sóng của Đài Á châu tự do.

(2) THỰC HIỆN THẨM QUYỀN KHƯỚC TỪ- Tổng thống có thể thực hiện thẩm quyền này theo điều (1) liên quan đến–

(A) Tất cả những khoản viện trợ phi nhân đạo của Hoa Kỳ cho Việt Nam; hoặc

(B) Một hoặc nhiều chương trình, dự án, hoặc hoạt động viện trợ như thế.

(c) CÁC ĐỊNH NGHĨA- Trong phần này:

(1) VIỆN TRỢ PHI NHÂN ĐẠO – Từ “viện trợ phi nhân đạo” có nghĩa là -

(A) Bất cứ khoản viện trợ nào theo Đạo luật Viện trợ nước ngoài năm 1961 (bao gồm các chương trình theo mục IV, chương 2, phần I của Đạo luật đó, liên quan đến Hợp tác đầu tư tư nhân hải ngoại), ngoại trừ -

(i) Viện trợ để khắc phục thảm họa, bao gồm bất cứ khoản viện trợ nào theo chương 9, phần I của Đạo luật đó;

(ii) Viện trợ liên quan đến việc cung cấp lương thực (bao gồm việc quy đổi lương thực thành tiền) hoặc dược phẩm;

(iii) Viện trợ để khắc phục vấn đề môi trường ở những khu vực nhiễm Dioxin và những khoản viện trợ liên quan đến hoạt động y tế;

(iv) Viện trợ để đối phó với các hình thức buôn người nghiêm trọng;

(v) Viện trợ để đối phó với bệnh dịch;

(vi) Viện trợ cho người tỵ nạn; và

(vii) Viện trợ để đối phó với bệnh HIV/AIDS, bao gồm bất cứ khoản viện trợ nào theo phần 104A của Đạo luật đó; và

(B) Việc buôn bán, hoặc cấp vốn trong bất cứ điều kiện nào theo Đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí.

(2) HÌNH THỨC BUÔN NGƯỜI NGHIÊM TRỌNG- Từ “hình thức buôn người nghiêm trọng” có nghĩa là bất cứ hoạt động nào được mô tả trong phần 103(8) của Đạo luật bảo vệ nạn nhân buôn người năm 2000 (Luật công 106-386 (114 Stat. 1470); 22 U.S. C. 7102 (8)).

(d) THỜI HIỆU- Phần này sẽ có hiệu lực vào ngày ban hành đạo luật này và sẽ áp dụng cho việc cung cấp các khoản viện trợ phi nhân đạo cho chính quyền Việt Nam trong năm tài chính 2014 và những năm tài chính sau đó.

PHẦN 4. NGOẠI GIAO NHÂN DÂN CỦA HOA KỲ.

(a) VIỆC PHÁT THANH CỦA ĐÀI Á CHÂU TỰ DO VỀ VIỆT NAM – Nhận thức của Quốc hội là Hoa Kỳ sẽ thực hiện những biện pháp khắc phục việc chính quyền Việt Nam phá sóng đài Á châu tự do và Broadcasting Board of Governors [ND: BBG là cơ quan truyền thông độc lập được bảo trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ] không nên cắt giảm nhân viên, tài chính, hoặc giờ phát thanh của Ban Việt ngữ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và Đài Á châu Tự do, những biện pháp này sẽ được thực hiện hơn là giảm hoạt động của các Ban phát thanh ngoại ngữ khác.

(b) NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC CỦA HOA KỲ VỚI VIỆT NAM – Nhận thức của Quốc hội là bất cứ chương trình giao lưu văn hóa và giáo dục nào giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nên tích cực thúc đẩy tiến những tiến bộ hướng tới tự do và dân chủ ở Việt Nam bằng cách cung cấp những cơ hội đa dạng cho người dân Việt Nam, từ cơ hội nghề nghiệp cho tới triển vọng được nhìn thấy tự do và dân chủ được thực thi và, cũng bằng cách đảm bảo rằng những công dân Việt Nam, đã biểu hiện cam kết của họ đối với những giá trị này, sẽ được bao gồm trong những chương trình như thế.

(c) HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC – Nhận thức của Quốc hội là Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ phản đối mạnh mẽ, và khuyến khích những thành viên khác của Liên Hợp quốc phản đối, việc ứng cử làm thành viên của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc trong nhiệm kỳ bắt đầu vào năm 2014.

PHẦN 5. TỰ DO TÔN GIÁO VÀ NẠN BUÔN NGƯỜI.

(a) Quốc gia cần đặc biệt quan tâm – Nhận thức của Quốc hội là nên đưa VN vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về Tự do tôn giáo theo phần 402(b) của Đạo luật Tự do tôn giáo quốc tế năm 1998 (22 U.S.C. 6442(b)).

(b) Tiêu chuẩn tối thiểu cho việc loại trừ nạn buôn người – Nhận thức của Quốc hội là Chính quyền Việt Nam không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu trong việc loại trừ nạn buôn người và không có những nỗ lực nghiêm túc để tuân thủ, và sự xác quyết này sẽ được phản ánh trong bản báo cáo hằng năm trình lên Quốc hội theo quy định của phần 110(b) trong Đạo luật bảo vệ nạn nhân buôn người năm 2000 (22 U.S.C. 7107(b)).

PHẦN 6. BÁO CÁO HẰNG NĂM.

(a) TỔNG QUAN – Không quá 6 tháng sau ngày ban hành Đạo luật này và mỗi 12 tháng sau đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ đệ trình lên Quốc hội một bản báo cáo về những việc sau:

(1) Việc xác định và phê chuẩn của Tổng thống rằng những quy định từ điểm (A) đến điểm (G) của phần 3 (a)(2) đã được đáp ứng, nếu có thể áp dụng.

(2) Nếu Tổng thống bãi bỏ việc áp dụng phần 3(a) theo phần 3(b) trong suốt thời gian báo cáo -

(A) Việc bãi bỏ dựa trên nền tảng lợi ích quốc gia Hoa Kỳ ;

(B) Số lượng viện trợ phi nhân đạo được cấp cho chính quyền Việt Nam; và

(C) Mô tả loại viện trợ và số lượng các khoản viện trợ tương xứng được cấp theo phần 3(b)(1)(B).

(3) Những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm đẩy mạnh việc tiếp cận của người dân Việt Nam đối với các chương trình phát thanh của đài Á châu Tự do.

(4) Những nỗ lực nhằm đảm bảo rằng các chương trình như thế do chính phủ Hoa Kỳ thực hiện cùng với Việt Nam sẽ thúc đẩy chính sách được đề xuất trong phần 102 của Đạo luật chu cấp về Nhân quyền, người tỵ nạn, và các chính sách nước ngoài khác năm 1996 liên quan đến việc tham gia vào các chương trình giao lưu văn hóa và giáo dục.

(5) Danh sách những người được tin là đang ở tù, bị giam cầm, hoặc bị quản thúc tại gia, bị hành hạ, hoặc nếu không, thì bị ngược đãi bởi chính quyền Việt Nam vì họ theo đuổi các Nhân quyền được quốc tế công nhận. Trong quá trình thu thập những danh sách như thế, Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ có những cứu xét thích hợp, bao gồm việc lưu tâm đến sự an toàn và tình trạng an ninh, và phúc lợi của những người được đưa vào danh sách cũng như gia đình họ. Thêm vào đó, Ngoại trưởng sẽ lập một danh sách các cá nhân như thế và gia đình họ, những người này có thể đủ tiêu chuẩn ra đi dưới các chương trình tỵ nạn của Hoa Kỳ.

(6) Mô tả sự tiến triển của pháp quyền ở Việt Nam, bao gồm -

(A) Nhưng tiến bộ hướng đến việc phát triển các định chế quản trị dân chủ;

(B) Tiến trình mà các điều luật, quy định, nguyên tắc và các hành vi pháp lý khác của chính quyền Việt Nam phát triển và trở nên có tính ràng buộc ở Việt Nam;

(C) Mức độ mà các điều luật, quy định, nguyên tắc, các quyết định tư pháp và hành chính, và các hành vi pháp lý khác của Chính quyền Việt Nam được ban hành và có thể tiếp cận đối với công chúng;

(D) Mức độ mà các quyết định tư pháp và hành chính phù hợp với văn bản lý giải dựa trên những điều luật, quy định, nguyên tắc đã được lập thành văn bản và các hành xử pháp lý khác của Chính quyền Việt Nam;

(E) Mức độ các cá nhân được đối xử công bằng theo luật pháp Việt Nam không phân biệt tư cách công dân, sắc tộc, tôc giáo, quan điểm chính trị, hoặc việc tham gia tổ chức hiện tại hoặc trước đây;

(F) Mức độ các quyết định tư pháp và hành chính được độc lập khỏi những áp lực chính trị hoặc sự can thiệp của chính quyền và được xem xét lại thông qua các cơ quan có thẩm quyền phúc thẩm; và

(G) Mức độ luật pháp Việt Nam được soạn thảo và thực hiện bằng những phương cách phù hợp nhất quán với các tiêu chuẩn Nhân quyền quốc tế, bao gồm các quyền được liệt kê trong Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị.

(b) LIÊN HỆ VỚI CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ KHÁC – Trong quá trình chuẩn bị báo cáo theo khoản (a), Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bằng những cách thích hợp, sẽ tìm cách liên hệ và giữ liên lạc với các tổ chức phi chính phủ và những nhà đấu tranh cho Nhân quyền (gồm có những người Mỹ gốc Việt và nhà đấu tranh cho Nhân quyền ở Việt Nam), bao gồm việc nhận báo cáo và những thông tin cập nhật từ các tổ chức như thế và đánh giá những bản báo cáo đó. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng sẽ tìm cách hội ý với Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ trong những phần thích hợp của bản báo cáo.

Huỳnh Thục Vy dịch - Nguồn: GPO
Đạo Luật Nhân Quyền Việt Nam Năm 2013 - HR 1897 Reviewed by Unknown on 6/27/2013 Rating: 5 ĐẠO LUẬT NHÂN QUYỀN VIỆT NAM năm 2013 – HR 1897. Quốc hội Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thứ 113 Phiên họp thứ nhất H. R. 1897: Nhằm thúc đẩ...

Không có nhận xét nào: