Biển Đông Và Đối Thoại Shangri-La 12 - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
5 tháng 6, 2013

Biển Đông Và Đối Thoại Shangri-La 12

Đỗ Hoàng Điềm, Việt Tân - 3.6.2103: Hội Nghị An Ninh Châu Á hay vẫn thường được gọi là Đối thoại Shangri-La vì địa điểm tổ chức tại khách sạn Shangri-La ở Singapore là một diễn đàn cấp quốc tế về lãnh vực an ninh và quốc phòng, qui tụ 28 quốc gia thuộc châu Á và vùng Thái Bình Dương. Diễn đàn này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 và tới lần này là lần thứ 12, diễn ra trong 3 ngày từ Thứ sáu 31/05/13 tới ngày Chủ Nhật 2/06/13 vừa qua.

Tuy nhiên, cần phải nói rõ ngoài sự tham dự của quan chức quốc phòng của các quốc gia còn có nhiều học giả trong lãnh vực an ninh và quân sự. Vì vậy đúng như tên gọi, đây chỉ là một diễn đàn để các nước trao đổi quan điểm, trình bày chính sách của nước mình để thăm dò phản ứng, hoặc có những thảo luận bên lề để vận động cho những vấn đề mà nước mình quan tâm. Diễn đàn này không có những quyết định hay kết luận mang tính chính thức để ràng buộc các quốc gia tham dự. Tất cả chỉ là những thảo luận, nêu lên ý kiến, và vận động dư luận cho quan điểm của mình.

Mặc dù vậy nhưng trong những năm gần đây, Đối thoại Shangri-La trở nên quan trọng hơn vì Trung Quốc càng ngày càng ngang ngược tại Biển Đông, đồng thời cả Mỹ lẫn Nga đều báo hiệu sự can dự và quan tâm nhiều hơn của 2 nước này trong vùng châu Á – Thái Bình Dương. Việc ông Nguyễn Tấn Dũng được mời phát biểu vào lúc khai mạc hội nghị cho thấy quốc tế đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong vùng, vì vị trí địa dư chiến lược và vì Việt Nam có nhiều quyền lợi nhất để mất trong tranh chấp với Trung Quốc.

Nhưng điều đáng tiếc là vấn đề Biển Đông lại không nằm trong nghị trình chính thức của hội nghị lần này. Do đó, việc ông Nguyễn Tấn Dũng được mời phát biểu là một cơ hội cho ông ta làm 3 điều sau đây: (1) khẳng định việc Trung Quốc đưa ra đường lưỡi bò trên Biển Đông, cướp đoạt lãnh hải của các nước khác là một sự đe dọa an ninh khu vực, và thế giới cần phải hợp tác với Việt Nam và những quốc gia khác đang tranh chấp với Trung Quốc để giải quyết vấn đề chung này, (2) chính thức và công khai ủng hộ việc Philippines kiện Trung Quốc ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc, và (3) nêu rõ chủ trương và chính sách của Việt Nam trong lãnh vực an ninh và quốc phòng. Nếu ông Dũng trình bày được như vậy thì mới có thể giúp điều hướng những thảo luận sau đó của hội nghị vào vấn đề Biển Đông, mượn cơ hội để vận động bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trước áp lực của Trung Quốc, và nâng tư thế của Việt Nam lên vị trí đi đầu cho cả khu vực. Tuy nhiên, trong dịp quan trọng này thì ông Dũng lại đã để lỡ mất cơ hội. Trước hết, về mặt tích cực, ông Dũng có nhấn mạnh tới nhu cầu khối ASEAN phải duy trì sự đoàn kết để đối phó với những đe dọa và giải quyết mọi khó khăn trong tinh thần hợp tác và bình đẳng. Điều này cần thiết vì Trung Quốc đang dùng nhiều thủ đoạn để gây chia rẽ trong ASEAN, không cho khối này thống nhất với nhau trong việc đối phó với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Về mặt tiêu cực thì có những điểm sau đây. Thứ nhất là mặc dù ông Dũng có đề cập tới nguy cơ bất ổn ở Biển Hoa Đông và Biển Đông nhưng ông ta chỉ nói một cách rất chung chung, thậm chí chỉ dám nói bóng gió chứ không dám đặt thẳng vấn đề với Trung Quốc. Ông Dũng nói nguyên văn là “đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế”. Thế nào là “đâu đó”? Ông Dũng đã không hành xử đúng với cương vị của một người Thủ Tướng khi không dám nói rõ ràng là chính Trung Quốc là thủ phạm của những hành động trái với luật pháp quốc tế. Như vậy ông ta đã bỏ lỡ dịp để thúc đẩy hội nghị Shangri-La trao đổi cụ thể về thái độ ngang ngược của Trung Quốc.

Thứ hai, khi đã chẳng dám nói đụng chạm tới đàn anh Trung Quốc thì ông Dũng cũng bỏ lỡ cơ hội để một cách chính thức và công khai ủng hộ việc Philippines thưa kiện Trung Quốc tại tòa án Liên Hiệp Quốc. Chúng ta cần biết rằng Trung Quốc đang rất khó chịu và lo ngại vì việc thưa kiện này, và đang tìm mọi cách để tạo phân hóa trong khối ASEAN khiến các nước thành viên áp lực Philippines phải bỏ vụ kiện. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã giữ im lặng về việc này và chưa hề lên tiếng ủng hộ Philippines mặc dù biện pháp thưa kiện là một biện pháp cần thiết và hữu hiệu để đối phó với Trung Quốc. Chính Việt Nam cũng cần phải thưa kiện Trung Quốc vì trong tranh chấp Biển Đông, Việt Nam có nhiều nhất để mất so với tất cả các nước khác. Thế nhưng ông Dũng đã hoàn toàn lờ đi và không kêu gọi sự ủng hộ việc làm của Philippines.

Sau cùng, một ý nổi bật được ông Dũng lập đi lập lại nhiều lần trong bài phát biểu là việc xây dựng “lòng tin chiến lược” giữa những quốc gia trong vùng. Một vài tờ báo quốc tế khi đề cập tới ý này cũng đã nói rằng đây là một thuật ngữ mới của ông Dũng. Và quả đúng vậy, mấy chữ “lòng tin chiến lược” nghe thì có vẻ êm tai nhưng trong quan hệ quốc tế, căn bản của sự việc là vấn đề quyền lợi và sức mạnh để đối phó với nhau. Đáng lẽ ông Dũng phải nói tới nhu cầu giải quyết mâu thuẫn với nguyên tắc thương thảo bình đẳng, tương nhượng để tất cả cùng có lợi, và đoàn kết giữa những nước nhỏ để đối phó với Trung Quốc. Đằng này khi cứ xoáy vào việc xây dựng “lòng tin chiến lược” nhất là cũng chẳng định nghĩa được thế nào là “lòng tin chiến lược” thì chỉ khiến mọi người nghĩ là ông Dũng viễn mơ hay là ngây thơ nếu muốn xây dựng “lòng tin chiến lược” với Trung Quốc.

Với bài phát biểu của ông Dũng tại Đối thoại Shangri-La 12, điều đáng quan tâm là thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam đối với Trung Quốc là một thái độ đầy mâu thuẫn và để lộ rõ sự yếu kém. Mâu thuẫn vì một mặt thì nhà nước tuyên bố mua vũ khí như tàu ngầm, máy bay để bảo vệ biển đảo; và lâu lâu lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về những hành động gây hấn tại Biển Đông. Nhưng một mặt thì họ gửi hết phái đoàn này tới phái đoàn nọ sang Bắc Kinh để triều kiến và khấu tấu; lúc nào cũng đề cao tình nghĩa “anh em” giữa 2 đảng Cộng sản, đề cao mối quan hệ gọi là hữu nghị đặc biệt “16 chữ vàng” với Trung Quốc. Làm như thế thì có khác gì là tự tố cáo những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam thực sự không có ý chí muốn bảo vệ chủ quyền của đất nước, thực sự không dám chống lại đảng cộng sản đàn anh Trung Quốc. Và tồi tệ hơn nữa, nhà nước đàn áp và bỏ tù rất nhiều công dân Việt Nam đã dám lên tiếng chỉ trích hay có những hành động cụ thể như biểu tình, ký tên vào kiến nghị để phản đối Trung Quốc. Gần đây nhất là bản án cực kỳ phi lý khi tòa án tỉnh Long An kết án 2 sinh viên Nguyễn Phương Uyên 6 năm tù và Đinh Nguyên Kha 8 năm tù chỉ vì 2 em đã phản đối Trung Quốc bằng những truyền đơn, khẩu hiệu rất tích cực.

Mới ngày Chủ Nhật 2/06/13 vừa qua, trong lúc Đối thoại Shangri-La chưa kịp kết thúc thì nhà nước đã cho công an đàn áp, đánh đập và bắt giữ những người yêu nước tại Hà Nội chỉ vì họ biểu tình ôn hòa để phản đối Trung Quốc. Chỉ một việc làm đó thôi cũng đủ để kết luận là những người đang lãnh đạo đất nước hiện nay không xứng đáng vì họ đã đặt quyền lợi của cá nhân, của đảng Cộng sản lên trên cả quyền lợi của đất nước.

Để có thể đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc, chúng ta cần có một chính quyền làm được 3 điều sau đây. Thứ nhất, đoàn kết lòng dân thành một khối để từ đó huy động được sức mạnh của dân tộc. Sự đoàn kết và sức mạnh dân tộc là nền tảng vô cùng cần thiết để chống lại mối đe dọa từ bên ngoài. Nhà nước phải chấm dứt ngay những trò bắt bớ, đàn áp những người yêu nước đang đứng lên tranh đấu; phải khôi phục niềm tin đối với người dân bằng việc tôn trọng quyền của mọi người nhất là quyền yêu nước, quyền tự do phát biểu, và tự do tụ tập và biểu tình.

Thứ hai, liên kết với những quốc gia lân bang có cùng mục tiêu chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Cụ thể là các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan, Nhật bản, Hàn quốc và Mỹ. Phải tìm mọi cách để duy trì sự đoàn kết giữa những nước này trước thủ đoạn gây chia rẽ của Trung Quốc. Và phải tận dụng mọi diễn đàn quốc tế để đặt vấn đề và tạo áp lực đối với Trung Quốc.

Và thứ ba, cần tận dụng những phương tiện như tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Việt Nam cần phải đứng chung với Philippines trong việc thưa kiện với Liên Hiệp Quốc thay vì giữ im lặng như hiện nay, đến độ không dám bày tỏ sự hưởng ứng đối với việc làm của Philippines.

Trong tranh chấp tại Biển Đông, nước Việt Nam ta bị mất nhiều nhất, quyền lợi bị thiệt hại nhiều nhất, hơn tất cả những nước khác. Chúng ta không thể nào chấp nhận tình trạng như hiện nay cứ tiếp tục kéo dài mãi. Lịch sử đã chứng minh khi nào nước Việt Nam có những người lãnh đạo tài giỏi, biết đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết, và biết huy động lòng dân thì chúng ta có dư khả năng để chống lại tham vọng của Trung Quốc. Từ thời Tiền Lê, qua tới các đời Lý, Trần, Hậu Lê và Tây Sơn; chúng ta đã từng đánh bại ý đồ xâm lược của Trung Quốc. Ngày nay cũng thế, việc quan trọng và căn bản nhất là chúng ta phải xây dựng được một chính quyền dân chủ, phù hợp với lòng dân, đặt quyền lợi đất nước lên trên hết, và đủ bản lãnh và sự độc lập thì mới mong đối phó được với Trung Quốc trên đường dài./.
Biển Đông Và Đối Thoại Shangri-La 12 Reviewed by Unknown on 6/05/2013 Rating: 5 Đỗ Hoàng Điềm, Việt Tân - 3.6.2103: Hội Nghị An Ninh Châu Á hay vẫn thường được gọi là Đối thoại Shangri-La vì địa điểm tổ chức tại khác...

Không có nhận xét nào: