Lê Quốc Tuấn/Con Đường Việt Nam, XCAFE -22.6.2013: Thế là người tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ đã chấm dứt cuộc tuyệt thực của ông vào ngày thứ 25. Trong hơn 3 tuần ấy, cuộc đấu tranh với những người quản tù, công cụ trấn áp của chế độ độc tài Hà Nội đã thành công. Cuối cùng, bằng việc đặt cược chính sinh mạng của mình sau 4 bức vách tường giam khép kín để thách thức những kẻ giam giữ mình, ông đã đạt được những gì đòi hỏi.
Ngay từ ngày đầu và trong suốt hơn ba tuần đấu tranh ấy, ông đã nhận được đồng cảm từ nhiều người nhiều giới. Trong, ngoài nước và cả quốc tế, nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm đến quyền con người đã lên tiếng bảo vệ ông. Đặc biệt, chưa một vụ tuyệt thực nào từng lôi kéo được những người đồng hành cùng tham dự tuyệt thực như ông.
Như một động thái có thể dẫn chính quyền đến việc phải mở toang cánh cửa ngăn cách của các nhà tù mình dựng lên. Có thể phải phơi bày một thế giới oan khiên mà không một ánh sáng lương tâm nào có thể soi tới, vốn lâu nay đã che phủ những đòn thù của chính quyền đổ xuống những người bất đồng chính kiến. Cuộc đấu tranh ấy đã khiến chính quyền hoảng sợ. Các quản tù, cơ quan truyền thông báo chí chính thống và bán chính thống của chính quyền phải vào cuộc để đôi co phân giải. Để rồi, với những bào chữa bịa đặt, vụng về chắp vá vừa để muốn phủ nhận cuộc tuyệt thực, vừa muốn bôi bác uy danh của ông Cù Huy Hà Vũ và những người ủng hộ ông. Tất cả chỉ đã hình thành tấn tuồng bi thảm của một chế độ đang đi đến đường cùng.
Từ ngàn xưa, các chế độ cai trị đã biết tạo ra nhà tù, để đặt những con người xét thấy nguy hại đến người khác vào gìữa giới hạn của 4 bức vách, ngăn cách với đời thường, để trừng trị, răn dạy, mang lại công bằng cho người bị hại và trả lại trật tự an toàn cho cộng đồng xã hội. Bị mất tự do, cách biệt đời thường, người thân thuộc như thế kể ra đã là một sự trừng phạt nặng nề. Do đó chả ai muốn vào tù. Và cũng chả một chính quyền nào muốn xây nhiều nhà tù để giam tù các công dân của mình. Thế nhưng, lâu nay, người ta thường nói về đất nước Việt Nam như một nhà tù lớn và các trại giam là những nhà tù nhỏ. Nhận xét ấy tưởng là một sự cường điệu, khe khắt nhưng không phải là không đúng, khi nhìn vào thực tế cuộc sống của người dân Việt Nam từ tinh thần đến điều kiện sống cùng các cơ hội phát triển công bằng dưới bẫy giăng đầy đe dọa của hệ thống pháp luật không xem trọng quyền tư pháp.
Và, có lẽ trong lịch sử VN, không một thời đại nào có nhiều nhà tù như ở VN trong thời cai trị của ĐCSVN. Hầu như không gia đình nào ở miền Nam VN không có một người thân trong gia đình, trong giòng tộc, từng ở tù dưới chế độ CS. Cho đến nay, dù đã hơn 38 năm, quá khứ ấy khó phai nhòa trong trí nhớ của hàng triệu người Việt Nam. Hãy hỏi bất kỳ người Việt Nam nào từng có cha, mẹ, anh, em ... là những người tù cải tạo của CSVN để nghe những câu chuyện bi thảm nhất về những kiếp người cùng màu da tiếng nói nhưng đã bị hành hạ chỉ vì khác chiến tuyến và chính kiến.
Bên cạnh những bất công và sự xuống cấp của đạo đức xã hội đang xô đẩy rất nhiều bộ phận người dân cùng đường vào chốn lao tù. Chế độ còn ra sức bịt miệng những tiếng nói công chính, tạo nên những thế hệ tù mới, được nhân loại đặt tên là: "tù nhân lương tâm".
Đã bịt miệng, ngăn cách họ với xã hội, chính quyền tiếp tục hành hạ, trả thù lên những người bất đồng chính kiến này bằng những biện pháp đê tiện dã man, từ việc giam chung với thường phạm để họ thường xuyên bị quấy nhiễu nhân phẩm đến chuyển đi giam cầm ở những nơi xa để thân nhân khó thăm gặp v.v...Hậu quả là, những tù nhân lương tâm này phải tiếp tục chiến đấu trong bóng đêm của tù ngục, với sự giúp đỡ lặng lẽ của thân nhân. Không ít những gia đình đã cạn sức, không ít những tù nhân lương tâm đã cạn sức trong cuộc chiến đấu của mình.
Nếu ngoài nhà tù lớn, nơi các quyền của người dân thường xuyên bị quấy nhiễu, chà đạp bởi chính quyền thì sau bốn bức tường giam, liệu các quyền sống cơ bản của con người có được tôn trọng ? Như câu hỏi của ông Lê Thăng Long, một cựu tù nhân lương tâm: "Bên ngoài xã hội, nơi mà cộng đồng dễ dàng biết và phán xét nhưng có rất nhiều trường hợp quyền con người đã bị vi phạm một cách nghiêm trọng và thô bạo thì tù nhân sẽ cô độc biết nhường nào khi giữa họ là bốn bức tường xám xịt nơi thâm sơn cùng cốc.
Ai biết hoàn cảnh của họ, ai đấu tranh cho họ? Không ai cả, vì tù là nơi cách biệt với xã hội. Bao nhiêu người tù bị ngược đãi, bao nhiêu người tù bị chết oan ức? Không ai biết. Số phận họ, nỗi oan họ có làm trái tim ta thổn thức?"
Tuy nhiên, nhờ Cù Huy Hà Vũ, ngày hôm nay, nhà cầm quyền chứng kiến một người bị họ giam vào ngục tối đã đứng dậy đòi hỏi được những gì chính đáng cho mình. Ngày hôm nay,nếu những người Việt Nam khác ở nhà tù lớn bên ngoài còn cúi mặt vì tưởng rằng mình không thể đòi hòi được các quyền của mình dưới chế độ ngiệt ngã này, hãy nhìn những gì ông Cù Huy Hà Vũ đạt được bằng ý chí và lòng dũng cảm của ông.
Và ngày hôm nay, đánh dấu một bước tiến mới trong cuộc đấu tranh của người Việt ở trong nước: Đấu tranh cho quyền chính đáng của mình ngay giữa chốn lao tù và Cù Huy Hà Vũ là người tiên phong trong cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và công lý này.
Cũng ngày hôm nay, hành động tiên phong của ông, như một thông điệp mạnh mẽ, đã được nhận ở nhà tù Nghi Kim, Nghệ An, nơi tù nhân Lương Tâm Paul Minh Nhật vừa quyết định tuyệt thực để phản đối các cán bộ tại giam xúc phạm nhân phẩm và tính mạng của anh.
Không có nhận xét nào: