Trận Chiến Về Quyền Lực - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
28 tháng 6, 2013

Trận Chiến Về Quyền Lực

Nguyễn Hưng Quốc, VOA - 26.6.2013: Trong bài “Quyền lực”, khi định nghĩa quyền lực là khả năng chi phối, khống chế và sai khiến người khác, tôi chỉ xuất phát từ góc độ chính trị, lại là thứ chính trị học truyền thống, tương đối đơn giản. Thật ra, khái niệm quyền lực còn phức tạp hơn thế rất nhiều.

Nói đến quyền lực, những người quen đọc triết học và lý thuyết văn học hậu hiện đại hẳn sẽ nghĩ ngay đến Michel Foucault (1926-84), người nổi tiếng về việc đưa ra một cách hiểu mới về khái niệm quyền lực, một cách hiểu rất có ảnh hưởng trong giới nghiên cứu không những về triết học hay văn học mà còn cả về tâm lý học, xã hội học, chính trị học và rất nhiều lãnh vực khác.

Theo Foucault, quyền lực không phải chỉ là một cấu trúc hay một tác tố (agency) bao gồm những gì mà một số người có khả năng khống chế, cưỡng bức hay ra lệnh người khác theo cách hiểu cũ. Theo ông, quyền lực có mặt ở mọi nơi (1), nó phân tán hơn là tập trung, nó nhập thể hơn là sở hữu, nó thuộc về diễn ngôn hơn là thuần túy có tính chất cưỡng bức.

Thuộc về diễn ngôn (discourse), quyền lực gắn liền với kiến thức (bởi vậy, ông hay dùng chữ “quyền lực/kiến thức” – power/knowledge): Mỗi xã hội có một “chế độ chân lý” (regime of truth) hay một thứ chính trị chung về chân lý (general politics of truth), nghĩa là một thứ diễn ngôn có chức năng quy định thế nào là đúng và thế nào là sai, thế nào là thật và thế nào là giả, thế nào là tốt và thế nào là xấu, rồi dựa trên những tiêu chuẩn ấy, nó quy định những gì nên làm và những gì không nên hoặc không được làm, cuối cùng, dựa theo đó, nó đánh giá và đưa ra những cách thưởng phạt khác nhau. Cái “chế độ chân lý” ấy được xác lập bằng các diễn ngôn khoa học và các cơ chế sản xuất các diễn ngôn ấy và sau đó, được gạn lọc, phổ biến và củng cố bằng giáo dục cũng như hệ thống truyền thông (2).

Cái “chế độ chân lý” ấy không nhất thiết bất biến và cũng không chỉ được áp đặt từ trên xuống dưới. Nếu “quyền lực đến từ mọi nơi”, như Foucault có lần nhấn mạnh, quyền lực/kiến thức cũng có thể đến từ những người bị trị. Mọi người đều có thể tham gia vào “trận chiến cho chân lý” (battle for truth), tuy nhiên, theo Foucault, cái gọi là “chân lý” ở đây không phải là các sự thật được khám phá mà chủ yếu là các quy định theo đó người ta phân biệt cái đúng và cái sai và những hệ quả quyền lực gắn liền với những cái được gọi là đúng ấy. Nói cách khác, đó là cuộc đấu tranh về tình trạng của chân lý và về vai trò kinh tế cũng như chính trị của cái gọi là chân lý (3).

Áp dụng lý thuyết của Foucault vào hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy ngay cuộc chiến đấu cho tự do và dân chủ thực chất là một cuộc chiến về quyền lực, để giành lại những quyền (rights) căn bản của dân chúng. Nhưng nói đến cuộc chiến quyền lực, không nên chỉ nghĩ đến các cuộc cách mạng bằng vũ trang hay bạo lực hay, tiêu cực và nhẹ nhàng hơn, các cuộc biểu tình hay tuyệt thực, thậm chí, không phải chỉ ở các bài tố cáo hay phê phán các sự lợi dụng quyền lực (bao gồm cả tệ nạn tham nhũng) hay hành xử quyền lực một cách sai lầm của nhà cầm quyền. Cuộc chiến quyền lực còn diễn ra một cách âm thầm trong việc xác định các khái niệm để định hướng cách suy nghĩ và đánh giá của mọi người về những vấn đề quan trọng của đất nước.

Về phương diện này, nên lưu ý, giới cầm quyền Việt Nam, hay đảng Cộng sản nói riêng, rất có ý thức. Họ vận dụng nó một cách triệt để và nhất quán suốt từ khi mới được thành lập. Họ có tham vọng viết lại từ điển tiếng Việt, ở đó, họ định nghĩa lại rất nhiều từ liên quan đến đời sống chính trị. Với họ, những chữ như “tự do”, “dân chủ”, “cách mạng”, “giải phóng”, “bình đẳng”, “tiến bộ”, “lạc hậu”, “trí tuệ”, “nhân dân”, “đất nước”, “cải tạo”, v.v. mang ý nghĩa khác hẳn. Bởi vậy, cãi với họ ở từng điểm một là một công việc vô ích. Vấn đề cần thiết hơn là vạch trần ra những âm mưu xuyên tạc chữ nghĩa, và từ đó, khung khái niệm của họ, và thay thế chúng bằng những cách hiểu mới thích hợp và chính xác hơn.

Một ví dụ cụ thể nhất là chữ yêu nước.

Trước, với người Việt Nam, yêu nước là quan tâm đến đồng bào, gắn bó với vận mệnh dân tộc và cương quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền cũng như sự phồn thịnh của đất nước. Thời Pháp thuộc, đảng Cộng sản, khi định nghĩa khái niệm yêu nước, một mặt, tập trung vào khía cạnh độc lập, mặt khác, nhấn mạnh vào yếu tố giai cấp, đặc biệt nhắm vào nông dân và vấn đề đất đai. Trong chiến tranh Nam Bắc, từ 1954 đến 1975, đảng Cộng sản lại tập trung vào mục tiêu thống nhất, nghĩa là yếu tố lãnh thổ và chủ quyền. Sau năm 1975, họ lại định nghĩa: yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội, ở đó ý thức hệ nổi trội hơn tinh thần dân tộc. Sau năm 1990, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Nga và Đông Âu, chiêu bài chủ nghĩa xã hội không còn thuyết phục nữa, họ dần dần quay trở lại với yếu tố dân tộc: yêu nước, với họ, là bảo vệ những thành quả của cuộc cách mạng kéo dài cả hơn nửa thế kỷ trong việc giành lại độc lập và thống nhất đất nước.

Thế nhưng, gần đây, khi âm mưu bành trướng lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc càng ngày càng lộ liễu, khi Việt Nam đang phải đối diện với ý đồ lấn chiếm biển đảo của Trung Quốc, đảng Cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam, một lần nữa, lại thay đổi nội dung khái niệm yêu nước. Yêu nước, với họ, bây giờ chỉ còn ba nội dung chính: Một, tập trung vào sự phát triển kinh tế; hai, giữ gìn sự ổn định chính trị (nghĩa là duy trì bộ máy lãnh đạo tuyệt đối của đảng); và ba, quan trọng nhất, tin tưởng và phó thác toàn bộ vận mệnh đất nước cho đảng! Với cách hiểu “mới” như thế, lòng căm thù giặc cũng như ý chí tranh đấu để bảo vệ độc lập và chủ quyền lại bị xem là… phản quốc, và những người có những biểu hiện ấy một cách công khai bị đối xử như là kẻ thù!

Cũng vậy, gần đây, họ muốn sử dụng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc Hội để chứng minh Việt Nam cũng có dân chủ, thậm chí, “dân chủ gấp vạn lần” các nước tư bản khác (theo lời bà Nguyễn Thị Doan, phó Chủ tịch nước) vì trên thế giới không ở đâu có hình thức bỏ phiếu như vậy (theo lời Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội). Ở đây, người ta thu hẹp ý nghĩa dân chủ vào việc bỏ phiếu mà cố tình lờ đi ba vấn đề quan trọng và căn bản trước, trong và sau cuộc bỏ phiếu ấy: Một, các đại biểu Quốc Hội có thực sự là đại biểu của dân chúng? Hai, việc chia thang điểm thành ba: tín nhiệm cao/tín nhiệm/tín nhiệm thấp có thực sự khoa học và có ý nghĩa?

Và ba, cái gì xảy ra sau cuộc bỏ phiếu ấy? Những người bị tín nhiệm thấp sẽ ra sao? Sẽ bị cách chức hay vẫn tiếp tục ngồi ì ra đó đến cuộc bỏ phiếu lần tới và lần tới nữa nữa?

Vân vân.

Nhìn mọi âm mưu tuyên truyền tại Việt Nam từ góc độ như thế, chúng ta sẽ thấy ngay đâu là tâm điểm của cuộc đấu tranh quyền lực tại Việt Nam hiện nay.

***

Chú thích:

1. Michel Foucault (1998), The History of Sexuality: The Will to Knowledge, London: Penguin, tr. 63.
2. Michel Foucault (1980), Power/Knowledge (Colin Cordon biên tập), New York: Pantheon Books, tr. 131.
3. Như trên, tr. 132.
Trận Chiến Về Quyền Lực Reviewed by Unknown on 6/28/2013 Rating: 5 Nguyễn Hưng Quốc, VOA - 26.6.2013: Trong bài “ Quyền lực ”, khi định nghĩa quyền lực là khả năng chi phối, khống chế và sai khiến người k...

Không có nhận xét nào: