Muốn Dân Chủ Cần Có Đảng Phái - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
25 tháng 8, 2013

Muốn Dân Chủ Cần Có Đảng Phái

Ngô Nhân Dụng, Người Việt - 23.8.2013: Trong bài trước, mục này trình bày một khác biệt trong quá trình chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ ở các nước Nam Âu, Nam Mỹ so với các nước cựu cộng sản Ðông Âu. Tại Tây Ban Nha hay Chile, các đảng phái trong “xã hội chính trị” đóng vai chính, còn ở Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, “xã hội công dân” dẫn đầu trong cuộc vận động dân chủ.

Nêu lên khác biệt này dễ gây hiểu lầm. Người ta có thể nghĩ rằng vì Việt Nam cũng sống dưới chế độ cộng sản cho nên đi theo con đường các nước Ðông Âu thì thích hợp hơn; do đó việc thành lập các đảng chính trị bây giờ không cần thiết. Nghĩ như vậy không đúng.

Xã hội công dân và xã hội chính trị là hai hình thái sinh hoạt trong toàn thể xã hội dân sự, nằm ngoài các tổ chức quân sự và giữ cân bằng với guồng máy nhà nước. Nhưng hai hình thái đó đóng vai trò bổ túc cho nhau chứ không đối kháng hoặc loại trừ lẫn nhau. Tại Uruguay, Brazil hoặc Argentina tuy các đảng chính trị đi tiên phong trong cuộc vận động dân chủ thành công nhờ xã hội công dân ở đó đã được phát triển; gây ý thức tham dự, ý thức về quyền công dân trong dân chúng đã lên cao, chính quyền độc tài không thể nhắm mắt bỏ qua. Trong cuộc vận động xóa bỏ chế độ độc tài thì xã hội công dân có thể đóng vai trò tích cực. Nhưng sau đó, một nhóm trong xã hội công dân vẫn có thể muốn lấn áp những nhóm khác, ảnh hưởng đến cả việc thiết định các “luật chơi” mới. Những người muốn tham dự vào xã hội chính trị không thể nào cứ đứng trên các đảng phái mãi mãi.

Tại sao xã hội dân chủ cần các đảng chính trị?

Vì Dân Chủ không phải là một mô hình lý tưởng. Xã hội loài người không bao giờ hoàn hảo để xếp đặt cuộc sống chung lý tưởng. Dân Chủ chỉ gồm những quy luật của cuộc chơi trên sân banh chính trị, để mỗi người đều được tham dự bình đẳng. Trong bất cứ xã hội nào cũng có ý kiến khác nhau, nhiều nhóm có các quyền lợi riêng, bây giờ hay gọi là “nhóm lợi ích,” khó tránh được cảnh quyền lợi của nhóm này xung khắc với nhóm khác. Nhà nước dân chủ đóng vai trò trọng tài giữa các quyền lợi xung khắc; tôn trọng lựa chọn của đa số nhưng không bỏ qua các nhóm thiểu số. Guồng máy nhà nước, gồm cả chính quyền và Quốc Hội, đặt ra những “luật chơi” để giải quyết các xung khắc. Nhà nước cần đứng ngoài các xung đột mới đóng được vai trò đó. Trong một nước dân chủ không một nhóm công dân nào được phép lấn áp các nhóm công dân khác. Các đảng phái làm đại biểu cho quyền lợi của các nhóm công dân khi tranh luận về phương thức giải quyết các xung đột.

Trong tiếng Anh có chữ “polity” chưa biết nên dịch thế nào ra tiếng Việt. Chữ này bao gồm tất cả các sinh hoạt có tính cách chính trị, các định chế, các tập hợp, các hành động, ảnh hưởng trên sinh hoạt chính trị. Một phạm vi có thể xác định rõ là hoạt động của các đảng phái, có thể gọi là xã hội chính trị (political society). Mọi công dân có quyền hành xử quyền của mình để gây ảnh hưởng trên việc sử dụng guồng máy nhà nước, chia sẻ quyền lực chính trị, trong vòng pháp luật. Họ tập họp trong các đảng chính trị. Nếu không có các đảng chính trị thì chế độ dân chủ khó chạy, và rất khó trở thành kiên cố, tức là lúc mọi người đều đồng ý “Dân Chủ là luật chơi duy nhất được sử dụng.” Dân Chủ thành kiên cố khi bảo đảm được chính quyền nằm trong tay những người do dân tự do bỏ phiếu bầu lên; và bảo đảm người dân lúc nào cũng có thể quan sát, phê phán guồng máy chính quyền. Muốn tiến tới tình trạng tối hảo này, cần những định chế cơ bản: Bầu cử tự do; Luật bầu cử bảo đảm cơ hội đồng đều cho mọi người dân; Các đảng chính trị cạnh tranh với nhau hoặc liên kết với nhau; Guồng máy hành chánh vô tư đứng ngoài các đảng phái; Quyền tư pháp và lập pháp độc lập với guồng máy đó.

Ðể sống chung trong thể chế dân chủ, để giải quyết các xung khắc quyền lợi giữa nhiều nhóm dân chúng, mỗi nhóm lợi ích cần có đại diện tham dự trong quá trình thảo luận và quyết định chính sách chung của quốc gia trên các lãnh vực.

Không thể nào chỉ có “một đảng của toàn dân” như nhiều người ao ước hay mơ tưởng. Trong một xã hội sống dân chủ, mỗi đảng chính trị thường chỉ tập hợp được một số nhóm lợi ích, không thể nào trùm lên cả xã hội. Ý tưởng đảng của mình cũng là “đảng của toàn dân” sẽ đưa tới khuynh hướng độc tài, rất khó tránh.

Thí dụ ở nước Mỹ, đảng Cộng Hòa được sự ủng hộ của giới tư bản, họ cũng thu hút những người trung lưu hoặc nghèo nhưng tin tưởng phải bảo vệ các giá trị tôn giáo; lại được giới trí thức đề cao chủ trương tự do kinh tế tham gia. Ðảng Dân Chủ thu hút những người coi việc bảo vệ công bằng xã hội về lợi tức và tài sản; được các nhóm di dân mới ủng hộ; và thích hợp với những người có khuynh hướng mới về đạo đức, muốn thay đổi phong tục. Ðảng Cộng Hòa theo chủ trương giảm bớt vai trò guồng máy chính quyền ở mọi cấp, đảng Dân Chủ ngược lại. Ðảng Cộng Hòa bảo vệ quyền hạn của các tiểu bang so với liên bang, đảng Dân Chủ không thiết tha đến đề tài đó. Trong mỗi đảng cũng có những khuynh hướng khác nhau. Mỗi đảng quy tụ một số nhóm lợi ích có thể đồng ý với nhau về một số chủ trương; nhưng họ cũng không hoàn toàn thỏa thuận trên tất cả các vấn đề. Họ cùng ủng hộ một đảng vì đảng đó đề cao một số chủ trương, dù không đồng ý với tất cả các chính sách của đảng.

Cần đảng chính trị vì họ đóng vai đại biểu cho một số nhóm lợi ích; mỗi đảng tập hợp một số nhóm lợi ích trong cuộc cạnh tranh gây ảnh hưởng trong việc ấn định đường lối chung của quốc gia. Cuối cùng, toàn thể dân chúng nắm quyền quyết định, lựa chọn đưa một đảng nào đó lên cầm quyền; khi cần thì lại thay đổi.

Trong xã hội chính trị, đảng phái là những “cầu thủ” chính tham dự cuộc chơi trên sân banh dân chủ; vì họ có nhiệm vụ tập hợp và làm đại biểu cho các nhóm lợi ích. Mỗi đảng có thể thay đổi chương trình tranh cử để được đa số cử tri bỏ phiếu cho; nhưng họ không thể đi ngược lại quyền lợi và xu hướng của các nhóm thành viên. Xã hội luôn luôn thay đổi, chính các nhóm lợi ích cũng thay đổi khi chọn ủng hộ một đảng chính trị. Giới lao động ở Mỹ thường ủng hộ đảng Dân Chủ trong thế kỷ 19 và 20 khi các công đoàn rất mạnh. Nhưng đến giữa thế kỷ 20, vai trò các công đoàn đi xuống, nhiều công nhân gia nhập giai cấp trung lưu, họ quay sang đảng Cộng Hòa vì đảng này đề cao việc tự do cá nhân, muốn nhà nước bớt can thiệp, và bảo vệ các giá trị tôn giáo. Trong hai cuộc bầu cử gần đây, giai cấp trung lưu ở Mỹ lại nghiêng về đảng Dân Chủ vì thấy đảng Cộng Hòa đã đi quá xa trong các chủ trương cố hữu đó.

Trong cuộc hơi chính trị dân chủ, các đảng phái đóng vai trò cầu thủ, không thể thiếu được. Kinh nghiệm ở Ðông Âu và Nga cho thấy thiếu các đảng chính trị và xã hội chính trị sinh động có thể khiến quá trình dân chủ hóa bị trì trệ, hoặc quay ngược lại trở về khuynh hướng độc tài.

Vì trong các nước cộng sản thiếu một xã hội công dân năng động cho nên cuộc tranh đấu xây dựng dân chủ bắt đầu với phong trào hồi phục xã hội công dân. Xã hội công dân thúc đẩy việc xóa bỏ chế độ độc tài ở Nga và Ðông Âu; nhưng khi xây dựng nền móng dân chủ thì phải xây dựng xã hội chính trị mới tạo được các cơ chế hữu hiệu. Những người lãnh đạo trong thời gian chuyển tiếp như Walesa ở Ba Lan và Yeltsin tại Nga muốn “đứng trên đảng phái,” không quan tâm đến việc thành một lập đảng chính trị của chính họ, cho nên không thúc đẩy việc củng cố nền dân chủ. Yeltsin còn sai lầm nặng hơn khi ông không thay đổi Hiến Pháp nước Nga cho phù hợp với thể chế tự do dân chủ, lỡ một cơ hội mà sau này ông hối tiếc. Walesa không chịu đứng ra một lập đảng riêng, vì muốn đứng trên các đảng phái. Phong trào công nhân Ðoàn Kết tách thành nhiều đảng, mỗi đảng không tập hợp được những nhóm lợi ích rõ ràng, để phí mất nhiều năm trước khi nền dân chủ được củng cố.

Việt Nam cần rút kinh nghiệm các giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ, ở các nước cộng sản cũng như không cộng sản. Vì tới một lúc chúng ta sẽ thấy việc xóa bỏ chế độ độc tài không khó, một trái cây đã quá chín thế nào cũng rụng. Khó khăn hơn, là xây dựng một thể chế dân chủ, với những thói quen suy nghĩ và hành động được mọi người hiểu và làm theo, gọi là nếp sống dân chủ.

Muốn Dân Chủ Cần Có Đảng Phái Reviewed by Unknown on 8/25/2013 Rating: 5 Ngô Nhân Dụng, Người Việt - 23.8.2013: Trong bài trước, mục này trình bày một khác biệt trong quá trình chuyển tiếp từ độc tài sang dân c...

Không có nhận xét nào: