Nhu Cầu Dân Chủ Chân Chính Tại Việt Nam - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
25 tháng 8, 2013

Nhu Cầu Dân Chủ Chân Chính Tại Việt Nam

Ls- Ts. Lưu Nguyễn Đạt, Việt Thức - 24.8.2013: 

KHÁI NIỆM DÂN CHỦ
Căn cứ vào các từ ngữ Democracy(Anh), Démocratie (Pháp) và Hy Lạp δημοκρατία (demokratia), Dân Chủ có nghĩa là “dân” (δημος demos) + (κρατειν kratein) “cai trị”. Vậy Dân Chủ là một hình thức chấp chính mà người dân có chủ quyền trong việc cai trị đất nước, một cách trực tiếp[1] hoặc gián tiếp, qua hình thức ủy nhiệm,[2] bằng những cuộc bầu cử tự do, sáng suốt của người dân.

Theo hình thức chấp chính này, toàn dân sử dụng quyền lực chính trị và quyền lợi xã hội để bầu cử và kiểm soát chính phủ. Do đó, chính phủ dân chủ có khuynh hướng và bổn phận thi hành việc nước theo ý dân, phục vụ qua sự ủy thác của dân: nhà cầm quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp được dân chúng chọn để ủy thác quyền chấp chính, gián tiếp đôn đốc, bảo vệ quyền lực và quyền lợi của người dân.

Thông thường thì một xã hội dân chủ chọn lựa một chính phủ dân chủ. Ngược lại một chính phủ dân chủ (được hình thành qua các cuộc bầu cử) chưa chắc đã đôn đốc và tổ chức đất nước thành một xã hội dân chủ, chưa chắc đã thực sự thực hiện những chương trình, những biện pháp dân chủ, thuận lợi cho người dân, thực sự tôn trọng quyền lực và quyền lợi của người dân. Bầu bán, ủy nhiệm chủ quyền là hình thức, là thể cách chọn lựa một chính phủ dân chủ. Nhưng bảo trọng quyền lực và quyền lợi của người dân mới là nội dung cốt tủy, là cứu cánh và mục đích chính yếu của nền dân chủ.

Về hình thức, dân chủ khác với các chế độ quân chủ,[3] quý tộc thống trị[4]và chế độ quyền phiệt phát xít[5] vì quyền thế trực tiếp trong tay vua chúa, quân đội, nhóm đảng thống trị. Nhưng về nội dung cốt tủy, dân chủ chân chính cũng khác với các tập đoàn chuyên chính,[6] độc đoán, tài phiệt,[7]khác với chế độ cộng sản[8] theo xã hội chủ nghĩa chuyên chính,[9] vì những chế độ dân chủ giả mạo này, tuy về hình thức có mang danh hiệu “dân chủ”, nhưng khi ứng dụng những thành tố và mục đích căn bản dân chủ (bảo trọng quyền lực và quyền lợi của người dân) lại có tính cách “phản dân chủ”, vì dùng bạo lực chuyên chính vô sản để đàn áp dân chúng, đi ngược lại ý dân và quyền lợi của họ.

Trong những chế độ dân chủ chuyên chính,[10] dân chủ giả mạo, người dân, quá nhỏ bé, xa lạ với cái hư danh “làm chủ” của họ, đã hoàn toàn bị tước đoạt chủ quyền, tước đoạt quyền lực, tước đoạt quyền lợi.

VIỆT NAM VÀ KHÁI NIỆM DÂN CHỦ

Theo định nghĩa trên, chúng ta có thể xác nhận rằng dưới Thời Pháp Thuộc,Việt Nam không hề có dân chủ, khi đất nước đã bị tước đoạt, xâm chiếm, dưới hình thức Thuộc Địa Pháp[11] tại Miền Nam và Chế độ Bảo Hộ[12] tại Miền Bắc và Miền Trung. Nhà Vua và triều đình đã mất hết chủ quyền quốc gia trước áp lực của lực lượng quân phiệt, hành chính viễn chinh Đế Quốc Pháp, dùng để khai thác Việt Nam, dưới hình thức thị trường cung cấp nhu yều phẩm (lúa gạo, cao-xu, quặng, mỏ) và nguồn nhân lực rẻ mạt như nhân công thợ thuyền không chuyên môn. Đương nhiên dân Việt Nam lúc đó không thể có quyền lợi, quyền lực gì đáng kể trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Với tư cách người dân bị thống trị, họ phải chấp nhận thân phận tiêu cực và bổn phận cưỡng ép, hoàn toàn lệ thuộc vào chính sách cai trị độc đoán và nhu cầu lẫn hạch sách của Đế Quốc Pháp lúc bấy giờ. Dân chủ từ hình thức tới nội dung đã vắng mặt trên lãnh thổ Việt Nam, trong lòng và các sinh hoạt người dân bản xứ hơn 80 năm, cho tới khi Viện Cơ Mật Triều Đình Huế tuyên bố hủy bỏ (11.03.1945) Hiệp Ước Bảo Hộ năm Nhâm Tuất 1884 với Pháp, để khôi phục chủ quyền cho Việt Nam.

Sau thời gian Cựu Hoàng Bảo Đại chính thức lập Chính Quyền Quốc Gia Việt Nam (1949-54) và sau Hiệp Định Genève (1954) chấm dứt sự hiện diện của Quân Đội Viễn Chinh Pháp[13] tại Việt Nam, trong suốt giai đoạn hai nền Cộng Hoà (1955-1975) của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, chủ quyền quốc gia thu gọn phía Nam vĩ tuyến 17, nên hình thức dân chủ cũng bị hạn hẹp theo vận mệnh đất nước. Dưới nguy cơ nội chiến Nam-Bắc và nhất là dưới áp lực của cuộc chiến ý thức hệ Quốc-Cộng, người dân tại Miền Nam tạm thời trì hoãn thực hành quyền lợi và quyền lực của mình để thi hành nghĩa vụ công dân của một nước lâm chiến, bất ổn, bất an. Chiến tranh cho phép nhà cầm quyền hạn chế quyền tự do dân chủ. Trong những giai đoạn này, cơ cấu dân chủ được thực hiện, nhưng về thực chất, chỉ mang tính cách tương đối hay tượng trưng. Những chính sách lập ấp chiến lược, bình định, xây dựng nông thôn, bắt lính quân dịch, nhân dân tự vệ, thiết quân luật, bế môn toả cảng dưới nhiều hình thức, đều là những ưu tiên cấp bách, có hiệu lực hạn chế quyền tự do dân chủ.

Như vậy, về mặt hiến định và pháp chế, người quốc gia đã biết tới một số quyền lợi và quyền lực căn bản, có đi bầu bán, hội họp, biểu tình, có thủ tục tố tụng, có tổ chức pháp đình phân minh. Nhưng vì thời cuộc không cho phép, nên mức độ và phạm vi ứng dụng các nguyên tắc dân chủ không mấy vẹn toàn, nếu không muốn nói là phiếm diện.

Đương nhiên với chế độ chuyên chính vô sản theo xã hội chủ nghĩa, áp đặt tại Miền Bắc từ sau tháng bảy năm 1954, rồi trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ cuối tháng 4 năm 1975 tới bây giờ, Cộng Sản Việt Nam [CSVN] một mặt dùng bạo lực để trấn át mọi ý nguyện, lựa chọn, mọi quyền lợi của dân, mặt khác bao che, biệt đãi các đồng chí, đảng viên, thì làm sao có dân chủ thực sự, có tự do, hạnh phúc cho người dân khi họ bị lợi dụng, phế thải, tước đoạt tài sản, quyền hành? Khẩu hiệu dân chủ chuyên chính vô sản theo xã hội chủ nghĩa trên toàn cõi lãnh thổ Việt Nam ngày hôm nay chỉ có giá trị lộng ngôn lừa bịp dân ngu, cán dốt, lừa bịp chính bản thân kẻ lừa lọc, khôn vặt. Họ xảo quyệt bẻ cong chữ nghĩa bằng tà thuật ma giáo vụn vặt, mà không biết lúc nào chữ nghĩa sẽ phản lại họ, mở mắt họ.

NHU CẦU DÂN CHỦ CHÂN CHÍNH TẠI VIỆT NAM

Dưới chế độ cộng sản, độc tài chuyên chính, đa số người dân đã bị uốn nắn, nhồi xọ bằng những khẩu hiệu rỗng tuếch, vô nghĩa, xảo trá. Người dân còn bị đe doạ, khủng bố, cưỡng ép, nên họ nhịn đắng nuốt cay, rồi căn cứ vào linh tính phòng thủ theo “văn hoá chìm”, họ đã cam chịu cảnh bịt mắt, che tai, đã lẩn trốn để bớt tai hoạ, đã hoá trang tinh thần để tự vệ, để sinh tồn.

Chả lẽ cái đức tính khiêm nhường “chín bỏ làm mười”, cái thuật ẩn núp sử dụng hơn nửa thế kỷ trên mảnh Đất Bắc, hơn ba mươi tám năm trên toàn lãnh thổ Việt Nam, lại trở thành một “nhân cách thứ hai”, vĩnh viễn ngược lại nhân bản gốc? Chả lẽ người dân mãi mãi ẩn dật, an bài trong cuộc mất trí nhớ tập thể, quên nói đúng, làm hay; quên những đức tính cao thượng, hùng tráng, cương trực của ông cha, của các thế hệ tiền bối?

Người dân Việt ngày hôm nay cần thức tỉnh, cần đứng thẳng dậy, tận tay dành lại quyền lợi tư hữu và quyền lực chính đáng của người công dân sáng suốt, đã quá lâu bị lấn át bởi chế độ bạo quyền chuyên chính CSVN. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, và hiện tượng dân chủ chân chính vẫn là một yêu sách bất diệt, bất biến, vì nó có tính cách nhân từ, tự nhiên, như một nhu yếu bẩm sinh đã có sẵn trong lòng người Việt chúng ta, từ lúc lập quốc quân bình Bách Việt, cộng sinh, cộng hưởng, từ cách thức cai trị nhân đạo Thời Lý-Trần, từ những phương thức căn bản “Phép Vua thua lệ làng”, “ý dân là ý trời”.

Bản chất thông minh, tự trọng của người dân Việt, già cũng như trẻ, quyết liệt sinh tồn theo đà cải tiến tư tưởng và kiến thức trên khắp thế giới, chắc sẽ không cho phép nhà cầm quyền cộng sản mãi mãi duy trì áp lực tăm tối, bất công của một chế độ độc tài, độc tôn, ngu dân, lật lọng. Khi cơ hội tới, toàn dân sẽ giành lại tự do chọn lựa, và chắc chắn họ sẽ mạnh dạn khước từ chế độ cộng sản như trút bỏ một gánh nặng quá đáng, lỗi thời, vô giá trị.

Nhưng, với kích thước nhỏ bé, non nớt của nước Việt Nam hậu cộng sản, đang cố gắng đầu tư vào dòng thịnh vượng toàn cầu, một hình thức dân chủ tài phiệt tập trung quyền lợi kinh tế vào thiểu số giầu có ưu đãi, vẫn không phải là cách tổ chức lý tưởng cho một xã hội cần toàn năng, cần sinh sống hài hoà. Chỉ có chế độ dân chủ chân chính, kết sinh, cởi mở mới là giải pháp ưu việt nhằm xây dựng lại quốc gia trong thể hội nhập toàn diện, bằng cách trả lại giá trị nhân bản, quyền lợi và thế lực tương xứng cho mọi người dân, không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, tư tưởng, khuynh hướng chính trị.

DÂN CHỦ CHÂN CHÍNH BAO GỒM:

1. một chế độ dân chủ tự do, cởi mở,[15] theo đó người dân hưởng quyền tự do cá nhân, quyền tư hữu, đồng thời tôn trọng trách nhiệm công dân, ôn hoà, thượng tôn luật pháp;

2. một quốc tịch hay “tư cách thành viên” của từng cá nhân đối với quốc gia của họ. Liên hệ “hội nhập” quốc tịch với quốc gia/nhà nước có tính cách trực tiếp giữa cá nhân và tập thể, không cần có điều kiện, “đặc ân” nào khác.

3. Sự thuận tình, hoà hợp giữa quốc dân và chính phủ, vốn là cơ quan đại nhiệm chủ quyền quốc gia, thay thế quốc dân để thi hành việc nước, theo quyền lợi và ý muốn của người dân.

4. Ý dân được thi hành, qua các quyết định của dân, trực tiếp như trưng cầu dân ý[16] hoặc gián tiếp, qua phiếu chống hay thuận của các đại diện dân cử, do dân bầu ra.

5. Một chính sách được coi là chính thống[17] khi đó là những quyết định của chính phủ thi hành sứ mạng giao phó một cách vô tư, công bằng, trong tinh thần thượng tôn luật pháp, nhằm thực hiện quyền lợi của dân và triển vọng đất nước.

6. Dân tộc, quốc gia, nhà nước là một hiện tượng liên tục, thống nhấttrong mọi quyết định trực tiếp hay gián tiếp, theo đa số. Thiểu số đối lập một cách hài hoà, xây dựng, không đưa tới cảnh huống chia rẽ, ly khai.

7. Quốc gia phải có chủ quyền tự quyết đối nội lẫn đối ngoại, không bị nội xâm bởi đảng phiệt và cũng không chịu áp lực thống trị của ngoại bang.


MUỐN HỮU HIỆU, MỘT CHÍNH THỂ DÂN CHỦ CHÂN CHÍNH PHẢI HỘI ĐỦ CÁC THÀNH TỐ SAU:

1. THỂ CHẾ PHÁP ĐỊNH

Thể chế pháp định[18] đặt căn bản trên cam kết xã hội[19] của người dân thượng tôn luật pháp, không những theo quyết định của đa số, mà còn căn cứ vào lẽ phải, trật tự và công lý, quy định trong Hiến Pháp, là luật tối cao trong Nước.

Thể chế pháp định dân chủ tự do gồm những quy tắc tổ chức chính quyền qua sự ủy nhiệm quyền lực bảo vệ lẽ phải, trật tự xã hội, đồng thời duy trì tự do và các quyền lợi căn bản, bất khả xâm phạm của toàn dân, như quyền sinh sống, quyền tư hữu, quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, thờ phụng v.v.

Hệ thống pháp định phục vụ lẽ phải, trật tự và công lý phải có uy lực với toàn dân, kể cả với giới chấp chính. Một chính phủ dân chủ chân chính, được ủy nhiệm thi hành và bảo vệ luật pháp, phải tôn trọng căn bản luật pháp, vì quyền lợi chung, chứ không nhân danh luật pháp – lợi dụng và lạm dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi của giới cầm quyền, khi lạm quyền.

2. CHỦ QUYỀN CAI TRỊ ĐẤT NƯỚC THUỘC TOÀN DÂN

Hiến Pháp, sau khi được soạn thảo, muốn trở thành luật tối cao trong Nước, cần được đa số toàn dân chuẩn chấp. Việc này cho thấy chủ quyền cai trị không nằm trong tay chính phủ hoặc cá nhân, nhóm, đảng phiệt, mà thuộc toàn dân, khi họ sử dụng lá phiếu để cam kết và chấp nhận đạo luật tối cao này. Chính sách cai trị phải được toàn dân thuận nhận, yêu sách hay tùy nghi ủng hộ, chứ không thể vĩnh viễn áp đặt bởi lý thuyết hay ý thức hệ phe đảng.

Dù sau này người dân có uỷ nhiệm quyền hành của họ cho các giới chấp chính thay mặt họ thi hành và bảo vệ luật pháp, họ vẫn giữ quyền kiểm soát tối hậu bằng quyết định tái cử người đương nhiệm, hoặc chọn lựa người đại diện khác. Như vậy, người dân vẫn gián tiếp giữ chủ quyền cai trị đất nước qua hình thức dân chủ ủy nhiệm.

3. TỰ DO ĐẦU PHIẾU

Sự chính thống của nhà cầm quyền tùy thuộc vào quyết định sáng suốt, minh bạch của người dân sử dụng lá phiếu. Quyền đầu phiếu phải được thi hành tự do mới có giá trị. Mọi hình thức cưỡng ép đầu phiếu, bầu cử gian lận đều phải coi là bất hợp pháp, tức vô hiệu.

Đồng thời, quyền đầu phiếu, có tính cách hiến định, bất khả xâm phạm, bất khả tước đoạt, nên phải được mở rộng cho mọi công dân thành niên, không kỳ thị, không phân biệt nam, nữ, sắc tộc, tôn giáo, tư tưởng, khuynh hướng chính trị. Mọi vi phạm, hạn hẹp, chế ngự quyền đầu phiếu của dân chúng sẽ giảm bớt tình trạng hợp lệ và sự chính thống của nhà cầm quyền.

4. TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN DÂN CHỦ CHÂN CHÍNH

Chính quyền dân chủ chân chính về mặt cơ cấu cần được chia thành ba ngành, Hành Pháp, Lập Pháp và Tư Pháp, để (a) phân quyền, phân nhiệm rõ rệt, tránh nạn chuyên chính, độc đoán; tuần tự (b) kiềm chế mọi dự tính lạm quyền, vi hiến của các ngành; đồng thời (c) kiểm nhận và bổ sung quyền hành lẫn nhau, căn cứ vào quyền lợi chung, vào lẽ phải, trật tự và công lý như sau:

(a) Nhà Lập Pháp có nhiệm vụ làm luật theo quyền lợi và nhu cầu của cử tri, của người dân ủy nhiệm quyền hành này qua lá phiếu. Nếu không thi hành đúng sứ mạng giao phó, người đại diện dân cử có thể bị giải nhiệm (thất cử) trong cuộc bầu cử kế tiếp.

Ý nghĩa dân chủ chân chính trong ngành “lập pháp” không hẳn tùy thuộc vào môi trường lẫn kỹ thuật làm luật, mà thực sự có liên hệ mật thiết với trách nhiệm của người làm luật theo đúng ý muốn cuả dân.

(b) Một hệ thống tư pháp độc lập sẽ duy trì được nền tảng dân chủ tự do, công minh, hữu hiệu, khi thẩm phán được dân bầu, song song với thành phần Tối Cao Pháp Viện, có nhiệm kỳ vĩnh viễn, bất khả truất, do nguyên thủ quốc gia/Tổng Thống đề cử và được Nhà Lập Pháp chuẩn chấp.

Thẩm phán địa hạt có thẩm quyền và bổn phận xét xử theo luật lệ hiện hành. Tối Cao Pháp Viện xét xử chung thẩm những bản án phúc thẩm và những tranh chấp quyền lực giữa các ngành chấp chính, căn cứ vào điều lệ căn bản của Hiến Pháp Quốc Gia, mà không bị áp lực của hai ngành Lập Pháp vá Hành Pháp.

(c) Quyền Hành Pháp trong tay nguyên thủ quốc gia/Tổng Thống nhằm thi hành luật lệ trong nước để duy tri trật tự công cộng, bảo toàn đời sống của người dân, phát triển đất nước theo đà thịnh vượng nhân loại, nâng cao văn hoá, văn minh dân tộc.

Quyền hành cai tri trị đất nước (được dân ủy nhiệm qua lá phiếu) rất rộng rãi. Nhưng quyền Hành Pháp vẫn có thể bị kiềm chế, kiểm soát bởi thế lực đối tác của hai ngành Lập Pháp vá Tư Pháp, đồng thời bởi “đệ tứ quyền” do các cơ quan ngôn luận nhiệm cách nhân danh quyền lợi của quần chúng.

Như vậy, chính phủ của nền dân chủ chân chính phải thượng tôn và ứng dụng luật pháp một cách quang minh, công bằng và thích đáng, để bảo vệ quyền lợi của toàn dân. Họ là những công bộc, những ủy nhiệm viên đáng quý trọng của dân, chứ không phải là những bạo chủ, bạo chúa đáng ghê sợ.

5. BẢO TRỌNG QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN

Bản Hiến Pháp Quốc Gia phải hoàn tất căn bản bảo trọng quyền lợi toàn dân theo hình thể dân chủ tự do. Những nguyên tắc căn bản bảo trọng quyền lợi bất khả xâm phạm của người dân gồm có: quyền bình đẳng trước luật pháp (trong việc thi hành tuân theo thủ tục hợp lệ, hợp hiến); được bảo vệ nhân phẩm, giáo dục, an ninh và an sinh xã hội; được bảo đảm các tự do chính trị, kinh tế, nghề nghiệp, tín ngưỡng, hội họp, sáng tạo; được bảo đảm quyền lợi công dân và các tự do cá nhân chính đáng trước áp lực của chính phủ và các đoàn thể quyền phiệt, tài phiệt.

Quyền tư hữu và tự do mậu dịch kinh doanh phải được pháp chế hoá một cách toàn diện, cân bằng, minh bạch, nhằm dung hoà phát triển kinh tế, bảo trọng nhân phẩm, hoàn tất an sinh xã hội.

Nhà hữu trách phải có viễn kiến bảo toàn nhân phẩm và quyền lợi của toàn dân trong mọi lãnh vực hành chính, tư pháp, chính trị, xã hội, giáo dục, nghề nghiệp, kinh doanh.

6. QUYỀN LÃNH HỘI, HIỂU BIẾT

Một chính thể dân chủ thực sự luôn luôn minh bạch, sinh hoạt công khai, không giấu giếm. Dù nhiều quyết định Chính phủ không phải thông báo ngay, vì an ninh quốc phòng, bí mật quốc sự (chiến tranh, ngoại giao), nhưng bất cứ lúc nào, người dân vẫn có quyền tìm hiểu, chất vấn, nhất là khi quyết định của Chính phủ liên quan tới thủ tục tài chính, xử dụng công quỹ; quốc nạn tham nhũng, lạm dụng quyền hành và vi phạm luật pháp.

Quyền hạn lãnh hội, hiểu biết của người dân đặt căn bản trên nguyên tắc tự do thông tin và trách nhiệm quản trị minh bạch,[20] ứng dụng cho chính quyền và các tổ chức công cũng như tư, khi phục vụ quần chúng.

7. TỰ DO NGÔN LUẬN, THÔNG TIN, BÁO CHÍ

Chính Phủ có thể dùng các phương tiện thông tin, đài phát thanh, đài truyền hình công cộng để thông báo và bạch hoá một số tin tức mà dân chúng muốn biết. Ngoài ra các cơ quan ngôn luận tư nhân (báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, các mạng lưới) cũng có thể tiếp tay với dân chúng, với các hiệp hội, để tìm hiểu, chất vấn những quyết định của Chính Phủ, những sinh hoạt của giới chức có thẩm quyền, kể cả những sinh hoạt của các tổ chức, hội đoàn cung cấp dịch vụ công cộng.

Như vậy, tự do ngôn luận phải được ứng dụng một cách công khai, minh bạch và được tôn trọng bởi những nhân vật thi hành công vụ, có thế vị công cộng, có trách nhiệm với dân chúng.

Tuy nhiên tự do ngôn luận phải được thi hành một cách trung thực, hợp pháp, đúng mức. Tự do ngôn luận cũng phải tôn trọng một số hạn chế có tính cách khẩn trương, đặc biệt về an ninh quốc phòng, bí mật quốc sự, hoặc có tính cách đối xứng, không vi phạm quyền lợi của người khác. Ngôn luận khi lạm dụng, có tính cách vu khống, phỉ báng, vi phạm tiết hạnh, vô luân, vô nhân đạo sẽ không được Hiến Pháp bảo vệ.

Cấm đoán tự do ngôn luận, kiểm duyệt thông tin, sáng tác; gây khó khăn cho các công trình biên khảo, chất vấn đúng đắn, là những dấu hiểu của một chế độ chuyên chính, độc tài, đi ngược lại với chủ trương dân chủ tự do chính đáng.

8. BẢO VỆ QUYỀN LỢI NHÂN DÂN QUA TỔ CHỨC HIỆP HÔI

Ngày nay quyền lợi của người dân quá phức tạp, quá trừu tượng, nên xa lạ với chính họ. Người dân lẻ loi, thất thế, thiếu kiến thức, dễ bị lợi dụng, rồi quên lãng và quyền lợi của họ cũng bị gạt bỏ ra ngoài các sinh hoạt chính thống. Cần giúp họ học hỏi, hiểu biết thêm, giúp họ tổ chức tương trợ để bảo vệ quyền lợi chính đáng, một cách hữu hiệu.

Do đó, các tổ chức hiệp hội bất vụ lợi [21] trong nước và các tổ chức phi chính phủ [22] toàn cầu thường có nhiều khả năng chuyên môn và thế lực hỗ trợ nên rất hữu hiệu khi can thiệp hướng dẫn và đòi hỏi quyền lợi cho người dân thất thế, thiệt thòi.

9. ĐẢNG PHÁI CHÍNH TRỊ THỰC HIỆN VÀ BẢO TRỌNG DÂN CHỦ CHÂN CHÍNH

Đảng phái chính trị trong hệ thống dân chủ tự do có thể định nghĩa là:
  • Sự hội họp tự do của các công dân;
  • Nhằm tham dự vào guồng máy chính quyền bằng cách đề cử ứng cử viên và tham dự các cuộc tranh cử tự do liên hệ;
  • Cũng như có khả năng chính đáng gây áp lực chính quyền với tư cách đảng đối lập trong một nền dân chủ đa nguyên nguyên, đa đảng.
Như vậy đảng phái chính trị được thành lập với những nguyên tắc và quyền hạn sau đây:
  • Đảng phái chính trị phải được tự do thành lập, không bị trở ngại, quấy rầy, không bị cấm đoán. Tiếng nói của đảng viên cũng phải được bảo vệ, không bị cấm đoán, hay hạn chế;
  • Tính cách Chính trị Đa nguyên phải được coi là cần thiết cho môi trường sinh hoạt dân chủ tự do chân chính. Chính trị đa nguyên là phương thức cung cấp cho người dân nhiều cơ hội so sánh để lựa chọn đúng đảng và đúng người chấp chính theo ý muốn của họ;
  • Đảng phái chính trị khi tham chính, dù trong ngành lập pháp, hành pháp hay tư pháp, đều phải xác định lập trường trung trực, không thiên vị, thượng tôn luật pháp, bảo trọng công lý, quyền lợi chung của dân tộc, của đất nước.
10. BÁC BỎ KỲ THỊ TRONG MỌI LÃNH VỰC

Một nền dân chủ chân chính, dù tôn trọng quyết định chung của đa số, vẫn tìm cách bảo vệ thiểu số; xây dựng quốc gia trong thể hội nhập toàn diện; trả lại giá trị nhân bản, quyền lợi và thế lực tương xứng cho mọi người dân, không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, tư tưởng, khuynh hướng chính trị.

Giới thiểu số hay nhóm người thất thế vì chủng tộc, giới tính, tuổi tác, giáo dục, chính trị hay kém cỏi về mặt kinh tế, xã hội, cần được bảo vệ chính đáng để có đủ điều kiện hội nhập vào đời sống công bằng, nhân bản.

11. QUÂN ĐỘI, CẢNH SÁT DƯỚI QUYỀN LÃNH ĐẠO DÂN SỰ, PHỤC VỤ NHÂN DÂN

Dân chủ chân chính phải là một chế độ dân chủ dân sự, vì phản ảnh thể cách, thế lực và quyền lợi của toàn dân, cốt cách là dân sự.

Quân đội phải thừa lệnh nhà cầm quyền dân sự phục vụ quyền lợi của toàn dân. Sứ mạng của quân đội, cảnh sát là để bảo vệ người dân, chứ không để thống trị, uy hiếp họ.

Nếu làm sai sứ mạng này, hoặc lạm quyền giao phó, quân đội, cảnh sát sẽ hoặc đổi nền dân chủ tự do thành chế độ quân phiệt, chế độ công an, hoặc dùng vũ lực bất chính để củng cố một chế độ dân chủ chuyên chính, phản dân, hại nước.

12. HỆ THỐNG HOÁ QUYỀN LỰC NHÂN DÂN

Trên căn bản thuần lý, chính phủ dân chủ phải coi trọng người dân, duy trì thế lực và quyền lợi tối hậu của dân chúng. Nhưng thực tế đã cho thấy nhà cầm quyền, dù được bầu lên bằng lá phiếu, vẫn phản bội sứ mạng ủy nhiệm để đổi thành thể chế chuyên chính, độc đoán, phản dân chủ, như trường hợp các chế độ phát-xít, các chế độ dân chủ trá hình theo xã hội chủ nghĩa, theo cộng sản; hoặc vì nghiêng theo thế lực của tập đoàn tài phiệt, tham lam, tham nhũng, nên cũng phương hại tới đa số dân chúng, nhất là giới trung lưu, nhiều bổn phận, ít quyền lợi.

Vậy, hệ thống hoá quyền lực nhân dân là một thực tế cần thiết, do chính người dân phải ý thức và thực hiện qua một số dự án và chương trình điển hình như sau:

(a) kết hợp thực lực chính trị và kinh tế bằng cách tăng cơ hội bảo trì tự do, khả năng chọn lưa, tiêu thụ, sinh sống theo nhu cầu và ý muốn của người dân v.v;

(b) kết hợp thực lực chính trị và kinh tế một cách cởi mở, rộng rãi, không kỳ thị, không ưu đãi phe nhóm;

(c) kết hợp thực lực chính trị và kinh tế một cách thực tế, gần gũi với hoàn cảnh địa phương, khả năng và nhu cầu khu vực của người dân;

(d) kết hợp thực lực chính trị và kinh tế một cách nhân bản, tôn trọng cá nhân, cá thể;

(e) kết hợp thực lực chính trị và kinh tế một cách ôn hoà, cân nhắc quyền lợi cá nhân và bổn phận công dân của các đương sự.

13. GIẢI QUYẾT NẠN THAM NHŨNG

Muốn giải quyết nạn tham nhũng, cần tuần tự phối hợp một số biện pháp:

  • Hội Đồng Giám Sát định thời gian ân xá trong một thời kỳ hạn định [khoảng một năm], để các đương sự tự giác, hoàn trả công quỹ, tư quỹ; được phép giữ lại một số lợi tức tương xứng, sau khi chịu thuế phạt, giải chức, giải nghiệp, hoàn lương;
  • Sau thời gian ân xá, Chính Quyền áp dụng luật lệ, trừng phạt nghiêm chỉnh;
  • Áp dụng thủ tục hành chính và quản trị minh bạch;
  • Hội Đồng Giám Sát thi hành các chương trình khảo sát, đặc nhiệm khởi tố;
  • Cổ võ cơ quan ngôn luận, thông tin tư thi hành nghiệp vụ điều tra và thông tri những sai quấy, tham nhũng trong các ngành công và tư;
  • Đồng thời duy trì thăng bằng lợi tức lương bổng, quyền lợi tương xứng với chức vụ đảm nhận để tránh cảnh bất công, thiếu thốn, nghèo túng làm bậy.
Trong một xã hội cân bằng và công bằng, đầy đủ tiện nghi, có văn hoá nhân bản thượng tôn luật pháp, thì nạn tham nhũng sẽ giảm thiểu tối đa.

14. XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO

Nhiều thống kê đã cho thấy, mức độ tăng trưởng về dân chủ chân chính đưa tới tình trạng gia tăng lợi tức quốc gia và sẽ gia giảm cảnh nghèo khó trong xã hội đó. Đương nhiên, ”xoá đói giảm nghèo” không thể thực hiện bằng chính sách a tòng tài phiệt ngoại bang bóc lột nhân công, xuất khẩu lao động, bán dâu ngoại quốc.

Ngoài các yếu tố tư bản và kỹ thuật tân trang, phương thức đầu tư nhận sự một cách thiết thực, lâu bền, cùng thể thức tôn trọng pháp luật, bảo trọng quyền tư hữu và tự do mậu dịch vẫn là những thành tố của một môi trường hữu hiệu trong việc xoá đói giảm nghèo. Phối hợp viễn kiến quốc gia với lòng bác ái nhân từ của thế lực đa phương cũng sẽ giúp đa số người dân vượt thoát cảnh túng thiếu, chậm tiến.

ĐỂ TẠM KẾT

Chúng ta có thể khẳng định rằng chỉ có chế độ dân chủ chân chính, cởi mở, tự chủ, tự phát mới là giải pháp ưu việt nhằm xây dựng lại quốc gia, dân tộc, trong thể hội nhập toàn diện, bằng cách trả lại nhân phẩm, quyền lợi, tự do và thế lực tương xứng cho mọi người dân, không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, tư tưởng, khuynh hướng chính trị.

Và chỉ trong thế hội nhập của toàn dân kết sinh thực thi dân chủ, Việt Nam mới có chính nghĩa và đủ nội lực bảo vệ đất nước khỏi nạn ngoại xâm, uy hiếp, diệt chủng.

Vậy, đã tới lúc toàn dân đứng lên thiết lập dân chủ chân chính để cứu lấy mình, để cứu lấy nước.

TS-LS LƯU NGUYỄN ĐẠT
Tham Khảo:
[1] Direct Democracy
[2] Representative Democracy
[3] Monarchy
[4] Aristocracy
[5] Fascism
[6] Oligarchy
[7] Plutocracy
[8] Communism
[9] Autocratic Socialism
[10] Illiberal Democracy
[11] Colonie française
[12] Protectorat
[13] Corps expéditionnaire français
[14] non-accountable governing power
[15] Liberal Democracy
[16] Referandum
[17] Legitimate
[18] Rule of law (thượng tôn luật pháp; cai trị theo mẫu mực pháp định, hiến định)
[19] Contrat Social
[20] Administrative transparency
[21] non-profit organizations
[22] non-governmental organizations


Nhu Cầu Dân Chủ Chân Chính Tại Việt Nam Reviewed by Unknown on 8/25/2013 Rating: 5 Ls- Ts. Lưu Nguyễn Đạt, Việt Thức - 24.8.2013:  KHÁI NIỆM DÂN CHỦ Căn cứ vào các từ ngữ Democracy(Anh), Démocratie (Pháp) và Hy Lạp δ...

Không có nhận xét nào: