Những Bước Tiến Mới Của Xã Hội Dân Sự Việt Nam. - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 8, 2013

Những Bước Tiến Mới Của Xã Hội Dân Sự Việt Nam.

Kính Hòa, RFA - 11.8.2013: Phản ứng dân sự mới nhất của người dân đối với nhà cầm quyền Việt Nam là một nhóm năm bloggers đến Văn phòng của Hội đồng nhân quyền LHQ tại Bangkok trao kiến nghị yêu cầu chính phủ Việt Nam do đảng cộng sản lãnh đạo xóa bỏ điều 258 trong bộ luật hình sự nước CHXCNVN.

Nghe bài này

Việc cải cách kinh tế theo hướng tự do cùng sự phát triển của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện cho xã hội dân sự Việt nam phát triển.

Nhóm 258

Phản ứng dân sự mới nhất của người dân đối với nhà cầm quyền Việt Nam là một nhóm năm bloggers đến Văn phòng của Hội đồng nhân quyền Liên Hiêp Quốc tại Bangkok trao kiến nghị yêu cầu chính phủ Việt Nam do đảng cộng sản lãnh đạo xóa bỏ điều 258 trong bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nội dung của điều luật này là:

"Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân."

Nhóm năm blogger này đại diện cho hơn 100 người ký tên trong một kiến nghị (gọi tắt là kiến nghị 258) yêu cầu hủy bỏ điều luật được cho là không rõ ràng, dễ tạo điều kiện cho cơ quan công quyền lạm dụng quyền lực, bắt giữ người trái phép.

Bình luận về việc này, ông Lê Hiếu Đằng thành viên Mặt Trận Tổ quốc, tổ chức ngọai vi của đảng cộng sản cho là,

“Đó là một điều luật phi dân chủ mù mờ nên bỏ đi. Hiện nay, khi mà xã hội công dân ngày càng phát triển thì người ta càng có các họat động đòi hỏi dân chủ nhiều hơn.”

Xã hội dân sự hình thành

Từ Xã hội công dân mà ông Đằng dùng cũng chính là một tên khác của xã hội dân sự, nơi các họat động dân sự độc lập với chính quyền diễn ra tự do. Kể từ năm 1986, các họat động có tính cách dân sự độc lập với sự lãnh đạo của đảng cộng sản đã xuất hịên và gia tăng ở Việt Nam đồng hành với sự chấp nhận kinh tế thị trường tự do.

Chính những họat động kinh tế tự do đã tạo điều kiện cho các họat động phi kinh tế độc lập với sự lãnh đạo của đảng cộng sản, dù rằng Hiến pháp vẫn ghi rằng đảng lãnh đạo mọi thứ, và luật về các hiệp hội dân sự vẫn chưa ra đời. Có thể kể các họat động ấy trong rất nhiều lãnh vực khác nhau, từ việc quyên góp cứu trợ bão lụt đến đấu tranh đòi sửa đổi Hiến pháp, từ tập hợp biểu tình chống Trung quốc xâm lược đến tổ chức Hội thảo về di sản tinh thần của cụ Phan Chu Trinh, từ việc lên tiếng trên báo chí về các vụ ô nhiễm môi trường ở công ty Vedan đến việc thành lập các trường đại học tư thục.

Những họat động dân sự ấy đã đi từ rời rạc đến có tổ chức hơn. Cách đây vài năm, từ sự phản đối dự án bauxite tại Tây Nguyên, một web site mang tên bauxiteVietnam đã hình thành như một tổ chức thường xuyên đưa ra các ý kiến phản biện, phê bình mang tính xây dựng cho các chính sách của chính phủ Việt Nam. Sự phản đối việc cưỡng đọat đất đai của các nhà thờ công giáo đã thúc đẩy sự đòan kết hơn giữa các giáo phận ở hai miền Nam Bắc ít nhiều bị chia cắt trong cuộc chiến Việt Nam. Và trong thời gian chưa đầy một năm qua, với sự giúp đỡ của Internet và mạng xã hội, hàng lọat nhóm với các họat động dân sự đã ra đời: Nhóm các trí thức nhân sĩ yêu cầu sửa đổi Hiến pháp mang tên nhóm kiến nghị 72, Nhóm dã ngọai vì nhân quyền, Nhóm Công lý cho Đòan văn Vươn, Nhóm công dân tự do đòi viết lại Hiến pháp, và Nhóm mới nhất là Kiến nghị 258 như đã trình bày ở phần mở đầu. Bên cạnh đó là sự nở rộ của các trang thông tin cá nhân độc lập với bộ máy truyền thông của đảng cộng sản như Dân Làm Báo, Ba Sàm, Bauxite Việt Nam…

Đảng cộng sản lo ngại

Nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo đã cố gắng duy trì sự lãnh đạo của mình trong các họat động dân sự ấy. Các trường đại học tư thục vẫn phải duy trì chương trình dạy chủ nghĩa Mác Lê Nin, cốt lõi ý thức hệ của đảng cộng sản. Việc bổ nhiệm các chức sắc của giáo hội công giáo vẫn là đề tài thường xuyên gây ra tranh cãi giữa giáo hội và nhà nước. Nhà nước đã tổ chức một chiến dịch rầm rộ chống lại kiến nghị 72 đòi sửa đổi Hiến pháp. Có ý kiến cũng cho rằng hiện đang có chiến dịch tấn công vào luận văn của nhà thơ Nhã Thuyên, dù luận văn này đã được trình cách đây ba năm, là nhằm vào giới Đại học có những tư tưởng và họat động ngày càng xa rời sự kiểm sóat của đảng cộng sản.

Có khi không kiểm sóat được nữa thì đảng cộng sản tìm cách dẹp tan các tổ chức ấy. Các nhà báo trong Câu lạc bộ nhà báo tự do bị cầm tù. Viện nghiên cứu phát triển của một số nhân sĩ trí thức đã phải giải tán theo sau một quyết định của Thủ tướng. Các trang thông tin cá nhân thường xuyên bị ngăn cản truy cập. Và mới đây nhất là nghị định 72 ra đời nhằm vô hiệu hóa các trang thông tin điện tử cá nhân, hay nói một cách khác là để đặt họ ra ngòai vòng pháp luật của đảng cộng sản.

Vượt qua sự sợ hãi của công dân để tiến tới xã hội dân sự

Sau 27 năm cải cách kinh tế, với các họat động dân sự như hiện nay, cùng phản ứng vẫn gay gắt của đảng cầm quyền, cũng khó có một kết luận về hiện trạng của xã hội công dân hiện tại, cùng viễn cảnh phát triển của nó trong quá trình dân chủ hóa Việt Nam. Điều chắc chắn là với một nền tảng quân chủ chuyên chế của xã hội cổ truyền, cộng với mấy mươi năm cai trị chặt chẽ của đảng cộng sản với hệ thống chi bộ của họ len lỏi đến từng thôn ấp, người dân phải thóat ra khỏi thói quen vâng lời nhà cầm quyền một cách tự động, thóat ra khỏi sự sợ hãi cả ngàn năm, để ngõ hầu phát triển những hành vi dân sự. Việc ấy không dễ dàng.

Một blogger trong nhóm 258 là Thảo Chi sau khi về nước từ Bangkok đã bị giữ lại ở sân bay Tân Sơn Nhất khỏang 30 phút, ở đó có nhân viên an ninh mặc thường phục đòi xem sổ tay của chị và chị đã khước từ. Khi được chúng tôi hỏi về những quan ngại trong thời gian sắp tới, chị nói:

“Em không lo sợ gì cả vì mình làm mọi chuyện một cách công khai.”

Trong khái niệm xã hội công dân đang phổ biến trên thế giới, có bao hàm ý nghĩa của một sự tham gia vào điều hành xã hội thông qua những tiến trình hòa bình. Khi được chúng tôi hỏi quan điểm về sự việc hình thành nhóm 258, một nhà lập pháp Việt Nam là ông Dương Trung Quốc đã trả lời chúng tôi qua email, trong đó có đọan nói về các điều luật như sau,

Riêng việc giải thích luật là điều dễ gây khác biệt và xung đột trong nhận thức.

Sự hình thành xã hội công dân với nhiều ý kiến và quyền lợi khác biệt, tham gia một cách hòa bình vào việc điều hành xã hội chính là điều tốt để giải quyết những xung đột ấy, tạo nên một Việt nam mạnh mẽ hơn. Đảng cộng sản nên chấp nhận điều đó, tạo điều kiện để xã hội công dân phát triển, và chính đảng cộng sản trở thành một thành viên của xã hội dân sự, đúng với điều quy định về Mặt trận tổ quốc, trong đó đảng cộng sản là một thành viên chứ không phải bao trùm lên tất cả.
Những Bước Tiến Mới Của Xã Hội Dân Sự Việt Nam. Reviewed by Unknown on 8/12/2013 Rating: 5 Kính Hòa, RFA - 11.8.2013: Phản ứng dân sự mới nhất của người dân đối với nhà cầm quyền Việt Nam là một nhóm năm bloggers đến Văn phòng ...

Không có nhận xét nào: