RadioCTM - 8.8.2013: Trong chương trình phát thanh ngày thứ bảy vừa qua chúng tôi đã gửi đến quý vị phần một cuộc phỏng vấn Tiến Sĩ Nguyễn Quang A về tình hình kinh tế - tài chánh VN 6 tháng đầu năm 2013.
Trong chương trình hôm nay, Tiến sĩ Nguyễn Quang A sẽ tiếp tục nói về tình hình hệ thống ngân hàng tại Việt Nam và đặc biệt là khối nợ xấu đang án ngữ trong toàn bộ nền kinh tế. Ai là người trách nhiệm và đâu là giải pháp căn bản cho tình hình hiện nay?
Trong chương trình hôm nay, Tiến sĩ Nguyễn Quang A sẽ tiếp tục nói về tình hình hệ thống ngân hàng tại Việt Nam và đặc biệt là khối nợ xấu đang án ngữ trong toàn bộ nền kinh tế. Ai là người trách nhiệm và đâu là giải pháp căn bản cho tình hình hiện nay?
Mời quí thính giả theo dõi phần 2 cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A do phóng viên Vân Quang thực hiện.
Vân Quang: Ông nghĩ thế nào về hệ thống ngân hàng và kinh tế quốc doanh ở Việt Nam, nó có điểm gì tương đồng với Trung Quốc hay không; và nếu có sự tương đồng như vậy thì có ảnh hưởng hỗ tương gì với nhau, thưa ông?
Ts. Nguyễn Quang A: Có hai điểm trong câu hỏi này. Thứ nhất, là hệ thống kinh tế Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm giống nhau: quốc doanh vẫn chiếm một phần rất lớn, nhà nước vẫn can thiệp rất là mạnh, hệ thống ngân hàng cũng có những điểm yếu kém giống nhau nữa. Đấy là những điểm giống nhau, nhưng Việt Nam và Trung Quốc cũng có nhiều điểm khác nhau. Mối giao liên hay nối thông giữa hai nền kinh tế bằng quan hệ tiền tệ thì chưa có gì là lớn, bởi vì đồng tiền Nhân dân tệ chỉ được tiêu quanh các vùng biên giới, biên mậu mà thôi. Đồng Nhân dân tệ chưa phải là đồng tiền chuyển đổi như đồng Đô la. Và thanh toán của Việt Nam với Trung Quốc, tất cả các hàng hóa buôn bán chính thức cũng đều thanh toán bằng Đô la chứ không phải bằng đồng Nhân dân tệ. Cho nên nếu ở Trung Quốc có khó khăn gì về hệ thống ngân hàng thì hệ thống ngân hàng Việt Nam và hệ thống ngân hàng Trung Quốc không được kết nối với nhau, nó không giống như các bình thông nhau. Chính vì thế mà tôi nghĩ rằng nó sẽ có ảnh hưởng gián tiếp nào đó mà thôi chứ không có ảnh hưởng trực tiếp.
Vân Quang: Nợ xấu của Việt Nam hiện nay có nghiêm trọng không? Và có đe dọa đến nền kinh tế một cách nghiêm trọng không?
Ts. Nguyễn Quang A: Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam rất là nghiêm trọng, bởi vì hệ thống ngân hàng mà hoạt động lành mạnh thì nợ xấu thường chỉ cỡ độ 1% thôi, cao là đến 2%. Nhưng mà hệ thống ngân hàng Việt Nam bây giờ nợ xấu chính thức người ta bảo là khoảng là 6.6%. Nhưng mà đánh giá của các chuyên gia thì có khi phải chục phần trăm (10%). Nhưng mà 10% của tổng số nợ là 2 triệu tỷ 10% là 2 trăm ngàn tỷ đồng, tức là độ khoảng 10 tỷ Đô la. Nó chiếm đến 10% tổng sản lượng của Việt Nam một năm. Như thế là mức rất là cao và rất đáng báo động. Tôi cũng phải nói lại là nợ xấu như thế là do việc tăng ào ạt các ngân hàng, là do việc người ta mở rộng tín dụng - tức là nhà nước, một thời gọi là “kích cầu”, rồi đẩy/ khuyến khích các ngân hàng cho vay và tăng cái khoản đó lên, tiền đọng vào bất động sản, đọng vào những doanh nghiệp lớn của nhà nước; thí dụ như Vinashin chẳng hạn. Tất cả những ngân hàng cho Vinashin vay thì bây giờ không thu được nợ và đành phải xóa cho họ đi 60 - 70% số nợ đó thì Vinashin mới sống đươc. Như thế nợ xấu của ngân hàng, riêng đối với Vinashin chẳng hạn, thì đã vài tỷ Đô la rồi; hay nói cách khác là vốn của các ngân hàng phải giảm đi ngần ấy, hoặc là họ có lợi nhuận thì họ không được chia cho các cổ đông, thì họ mới có tiền bù vào những khoản nợ xấu mà những doanh nghiệp đã không trả được, như trường hợp Vinashin. Nhiều ngân hàng, điển hình nhất là Habubank đã cho Vinashin vay 3 ngàn tỷ đồng trong khi vốn của bản thân Habubank thời đó cũng chỉ cỡ từng ấy thôi. Vinashin không trả được nợ thì lập tức là hết vốn, không thể còn tồn tại được nữa, cho nên tình hình nợ xấu là vấn đề trầm trọng và giải quyết sẽ không phải là dễ và không phải là một thời gian ngắn được. Đáng tiếc là lẽ ra người ta phải lập công ty mua bán nợ quốc gia từ lâu rồi, thế mà mới thành lập cách đây được mấy tháng và cũng chưa hoạt động được.
Vân Quang: Thế thưa ông, bài thuốc nào để có thể chữa được căn bệnh kinh tế Việt Nam trầm kha như vậy ạ?
Ts. Nguyễn Quang A: Tôi đã nói nhiều lần là cái bài thuốc duy nhất là đảng CSVN phải thay đổi chính sách kinh tế của mình. Rất đáng tiếc là những người bảo thủ trong đảng CSVN vẫn kiên trì với đường lối lấy nhà nước làm chủ đạo, rồi họ mở rộng các doanh nghiệp nhà nước, lập lên các tập đoàn và dồn nguồn lực tiền cho những doanh nghiệp nhà nước đấy. Những doanh nghiệp nhà nước đó hoạt động rất là kém hiệu quả. Còn các doanh nghiệp khu vực tư nhân hoạt động hiệu quả thì lại bị chèn ép, bị đẩy ra bên ngoài, tức là khó kiếm được các nguồn lực. Thí dụ trong lãnh vực tín dụng: doanh nghiệp tư nhân rất là khó vay, nhưng Vinashin chỉ cần một ông nào đó ở trên nói một câu thì các ngân hàng đổ xô vào cho Vinashin vay, và những ngân hàng nào đã cho vay thì hiện nay rất là khó khăn hoặc là đã chết rồi.
Vân Quang: Theo ông thì ai là người phải chịu trách nhiệm về những khủng khoảng lớn nguy hiểm của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, và họ phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Ts. Nguyễn Quang A: Tôi nghĩ rằng sai lầm trong chính sách kinh tế là một chuyện thường tình, không ai có thể quy tội hình sự cho một ông Bộ trưởng hay là một ông Thủ tướng bởi vì chính sách kinh tế sai ở một lúc nào đó. Nhưng khi chính sách kinh tế - thí dụ vụ tập đoàn, và thí dụ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thì đấy hoàn toàn không phải là một người cụ thể nào cả, mà là toàn bộ đường lối kinh tế của đảng CSVN. Và tôi nghĩ những người đứng đầu về chủ trương đấy phải là người chịu trách nhiệm chính trị lớn nhất; và tôi nghĩ là không thể quy trách nhiệm hình sự được; nhưng trách nhiệm chính trị thì chắc chắn là họ phải gánh chịu. Có lẽ trách nhiệm chính trị quan trọng nhất; nếu có nền dân chủ thì người dân sẽ không còn bầu cho họ nữa, và như thế nhiệm kỳ tới họ không được cầm quyền nữa. Rất đáng tiếc là chúng ta chưa có cái chuyện đó. Chính vì thế mà người dân Việt Nam phải học hỏi thêm và phải đòi cái quyền của mình. Trước hết là cái quyền dân chủ, quyền được bầu cử một cách rất là tự do, chứ không phải bầu cử theo kiểu “đảng cử rồi dân bầu” mà cũng chẳng biết là bầu cho ai, chỉ bầu cho nó xong thôi. Và tôi nghĩ rằng nếu để tất cả mọi người dân đều trở thành ù lì như vậy – tức là bầu ai cũng được, cũng chẳng muốn biết cần phải bầu cho ai, bầu cho nó qua chuyện – thì đấy sẽ là mối nguy hại rất lớn cho Dân tộc mà không phải là chỉ trong 5, 7 năm, mà nó có thể có hậu quả nhiều, nhiều thế hệ.
Vân Quang: Xin chân thành cảm ơn Ts. Nguyễn Quang A đã dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện rất là chân tình và thẳng thắn.
Ts. Nguyễn Quang A: Vâng, chào anh.
Không có nhận xét nào: