Bùi Văn Bồng Blog - 23.8.2013: Lưng đã còng, da tai tái do di chứng bệnh sốt rét rừng, ông đi tập tễnh, bước thấp, bước cao. Chân phải ông bị thương từ thời kháng chiến chống Pháp, trong rừng chiến khu. Tóc bạc, da nhăn nhúm, ông dã 83 tuổi. Năm 1946, đang là học sinh, ông xung phong vào “Thanh niên Tiền phong” đi đầu trong đoàn biểu tình, thị uy tham gia chống thực dân Pháp xâm lược.
Ông có tên thường gọi là Mười Nghề. Nhưng ông nói, chẳng có nghệ nào, ngoài cái nghề đi bộ đội chống Pháp, chống Mỹ rồi đi đánh Polpot ở Campuchia. Năm 1987, hàm trung tá, chuyển ngành ra ngoài làm chuyên viên ở Tỉnh ủy, rồi nghỉ hưu. Ông cười: “Tôi mang tên Mười Nghề, cuối cùng thấy có cái nghệ chẳng ra nghệ gì cả là đi bộ đội và làm chính trị cấp “trợ lý”, “chuyên viên” lương ba cọc ba đồng, từ bao cấp cho đến bao biện. Nay có đồng lương hưu chết đói, không đủ đi chợ. Tăng lên được mấy đồng lương từ tháng 7 mà hai tháng nay chưa nhận được ‘tiền tăng’ đó, hỏi Bảo hiểm chính sách xã hội thành phố, người ta nói chưa có tiền, nợ cán bộ thôi”. Mười Nghề nói rằng, từ thằng lính trận chuyển ra ngoài, nay cũng nhiều tay có kinh tế vững, nhưng mình không có nghề bằng họ và cũng không thể làm được cái nghệ như họ. Tôi hỏi: "Nghề gì?". Ông cười mỉa mai: "Lưu manh! Lưu manh chức quyền!".
Ông tâm sự: Tôi 65 năm tuổi đảng, nay mới thấy sự bất công cũng ở ngay trong đảng, chưa nói đến đủ thứ chuyện đảng, chính quyền đối xử với dân, chưa nói đến toàn xã hội.
Tôi hỏi: Sao ông nói vậy?
Ông kể: Hôm rồi, đi khám bệnh, gặp người bạn xưa. Ông ta năm nay cũng 82 tuổi rồi. Ông ta là Ba Nhẫn. Năm xưa là Tuyên giáo thuộc Khu ủy. Nay ông ta cũng yếu lắm rồi. Có đứa con út, sinh muộn, năm nay đã 26 tuổi, thi trượt trong nước. Ông Ba Nhẫn cũng thuộc hàng ‘hưu trí giàu’ nên có tiền gửi con sang Mỹ học. Đứa con về thăm nhà, nói: “Bố cũng tốn nhiều tiền với con rồi. Nhưng bên đó, sinh hoạt đắt đỏ, cũng phải tiết kiệm lắm mới đủ tiền theo học. Trong khi đó, con cháu của mấy ‘ông bự’ đang ở Trung ương, Bộ này, Ban kia được Mỹ tài trợ khá đậm, sướng!
Mười Nghề cười nửa miệng:
- Hừ, đời cũng lạ. Trước đây có một ông Tư Lễ trong tỉnh ủy, được tiêu chuẩn cho con đi học ở Rumani. Học bên đó hơn một năm, thằng con viết thư về nói là bố có cách nào giúp cho sang Mỹ học. Không ngờ ‘tổ chức’ lại nắm được thư đó. Ông ta bị kỷ luật, khai trừ đảng, cho nghỉ việc. Thằng con cũng bị cho thôi học dở chừng, về nước làm…dân đen. Tội danh: “Đang học ở nước XHCN mà mơ tư bản. Sai lập trường quan điểm, nguy cơ sau này thành ‘thế lực thù địch’”… Nhưng rồi, chính cái ông đứng ra kiểm điểm và kỷ luật đồng chí mình hà khắc, cực đoan, áp đặt như vậy, thì mấy năm sau ông ta lại gửi con sang Mỹ học. Tôi hỏi ông ta: “Tại sao ông kỷ luật Tư Lễ mà lại cho con sang Mỹ học”. Ông ta trả lời tỉnh bơ: “Việc phải thế, thời điểm phải thế, học ở Mỹ đào tạo ngon hơn LX,TQ, có giá trị văn bằng hơn”. Tôi gặng lại: “Thế tại sao ông lên bục ca ngợi CNXH ở Trung Quốc, ông cũng phê phán Mỹ và các nước tư bản rất gay gắt, nay ông không gửi con sang Trung Quốc học, mà lại gửi sang Mỹ?”. Ông ta cười xòa, trả lời chung chung, kiểu ‘chạy làng’: “Thời thế, thế thời nên cần phải thế, ông không hiểu, đừng hỏi nhiều.”. Nghe ông ta nói đến thế thì tôi im, coi như tê cứng cái đầu. Không ngờ, ông ta còn theo lẻo: "Ông đừng có mà lắm chuyện, nói là chuyện khác, nói được lòng cấp trên, dưới thì không dám cãi rồi, mình lại được thăng tiến, không sai quan điểm lập trường... Còn làm việc gì lại là chuyện khác, phải tính có lợi mới làm...Việc nhà khác, việc đảng là khác à nghen!".
Ông Mười Nghề là người tham gia giải phóng thành phố và chứng kiến nhiều cảnh ngang trái, bất công, tham nhũng sau giải phóng. Ông vò đầu, làm bung lên mấy sợi tóc bạc: “Cán bộ cấp cao, có chức có quyền, chiếm dụng những ngôi dinh thự, biệt thự lớn của sĩ quan và nhà tư bản thời Mỹ-ngụy bỏ lại. Sau này, nhà nước kêu trả, nhưng các vị có kế sách hợp thức hóa giấy tờ, chiếm hết. Nhiều ông bây giời vẫn giàu sụ là nhờ tài sản, nhà cửa thu được của ‘trào ngụy’ thua chạy đấy. Như ông Ba Nhẫn gửi con đi học tại Mỹ vừa kể trên là cũng nhờ chức quyền lúc đó mà chiếm được mấy căn nhà. Nay cứ bán dần, khối tiền!”. Trong hơn 3 triệu đảng viên hiện nay, những đảng viên hưu trí nhiều thành tích, chiến công như ông Mười Nghề không hiếm. Do họ nêu cao đạo đức cách mạng chân chính, thực sự tấm lòng vì dân vì nước, do họ không tham, không thủ đoan trong cuộc sống, không hề "lợi dụng chức vụ, quyền hạn, dùng quyền lực chạy mánh, lừa đảo". Ông Mười Nghề tuy nghỉ hưu, lương hưu chằng thấm gì, như gần 20 năm qua vẫn nhiệt tình tham gia không lương làm bí thư chi bộ, nay già thì làm Tổ trưởng dân phố, lo cho dân phố rất chu đáo, tận tụy ngày đêm mà không hề vụ lợi. Chỉ có cái bọn đề ra nghị quyết mới sường,. Còn những đảng viên già, hưu trí ở cơ sở, thực lòng vì dân vì nước mới khổ, vất vả, sống cảnh khó-nghèo, chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng được bà con rất tín nhiệm, gợi khen cân thành. Đó gọi là 'cốc mò cò xơi'.
Tôi nói: “Bác Mười năm nay 83 tuổi rồi, còn đi tận Vĩnh Thạnh cách đây 70 cây số thăm cháu. Khỏe thật!”.
Ông thở dài: Khỏe gì đâu, việc cần đi phải đi. Con gái tôi nói thuê xe tắc xi, lâu rồi về thăm bên ngoại, tiện thể thăm và động viên thằng cháu giúp, mong nó học tốt. Mệt thở không ra. Tuy xa nhưng có tắc xi đón rước tận nơi, đi được”.
Tôi hỏi: Tại sao ông lại phải gửi cháu về nông thôn, học tận Vĩnh Thạnh
Ông lại vò đầu
- Vì tôi bị thua thằng cắt tóc!
- Sao kỳ vậy?
- Cái gì mà kỳ với chả cục? Nó có tiền, mình có danh, có tiêu chuẩn, nhưng không bằng nó.
Ông Mười Nghề ‘tường thuật’ rằng nhà trường nói số lượng học trường “điểm” nay có hạn, phải ‘xét kỹ các đối tượng’, cháu ông vào lớp 1 thì ông phải làm giấy đề nghị, bảo lãnh, có thể xếp diện chính sách. Ông làm giấy tờ đủ cả. Nhưng năm lần bảy lượt đến hỏi đều bị lắc đầu, chưa duyệt. Buộc ông phải gửi cháu về quê ngoại để học, chẳng lẽ để cho cháu mình mù chữ. Trong khi đó, thằng cắt tóc quê tận Long Mỹ ( Hậu Giang) không có hộ khẩu ở thành phố này. Nó lên đây thuê chỗ mở tiệm cắt tóc, nhưng nghe nói còn buôn bán gì nữa mà tiền xủng xỉnh ra phết. Dư luận rằng hắn buôn hàng cấm, có "người chức năng" bảo kê. Hắn “tiên tệ hóa thủ tục” rất nhanh. Thế là con nó được vào học.
Rồi ông chép miệng:
- Cựu trào kháng chiến, trải ba cuộc chiến tranh, nhưng nghèo, lương hưu không đủ tiêu vặt, chợ búa, bênh cũng không dám nua thuôc tốt, bảo hiểm y tế cũng có ăn nhằm gì đâu. Mang danh 65 năm tuổi đảng, nhưng chức quyền thấp, lại nghe lời đảng dạy phải trong sạch, liêm khiết, gương mẫu…Thế nên con cháu cũng bị thiệt thòi. Hứ, thua thằng cắt tóc!
Không có nhận xét nào: