Nguyễn Hưng Quốc, VOA - 22.8.2013:Ai Cập đang trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của thế giới. Tin tức dồn dập xuất hiện trên báo chí ở khắp nơi. Chỉ riêng Thứ Tư ngày 14/8, đã có khoảng 300 người bị giết chết trong các cuộc bạo động trên đường phố rải rác trong khắp cả nước. Đó được xem là một ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc nổi dậy đầu năm 2011 nhằm lật đổ nhà độc tài Hosni Mubarak. Ngoài những người bị giết chết, có cả hàng trăm người khác bị bắt. Chính phủ quân sự thay thế Mohamad Morsi cho biết có 43 cảnh sát bị giết chết và ban hành thiết quân luật trên toàn quốc.
Những ngày sau đó, bạo loạn tiếp tục xảy ra. Những người chống đối chính phủ quân sự lâm thời tiếp tục biểu tình, cảnh sát và quân đội tiếp tục trấn áp. Và máu tiếp tục chảy. Trên màn ảnh ti vi, xác chết nằm la liệt. Dân chúng có. Cảnh sát có.
Sự hỗn độn trên chính trường cũng như cảnh đẫm máu trên đường phố khiến người ta không thể không nhớ lại sự “hồ hởi” phấn khởi vào những tháng đầu năm 2011, thời điểm người ta gọi là “cách mạng” hoặc “Mùa xuân Ả Rập”. Hơn hai năm trước, người ta hân hoan tin tưởng bao nhiêu; bây giờ, người ta hãi hùng và thất vọng bấy nhiêu. Không ít người đi đến kết luận: Lật đổ một nhà độc tài thì dễ nhưng để xây dựng được một chế độ dân chủ, hòa bình và phát triển thực sự thì lại là một điều khó. Cực khó. Trước cái khó ấy, không ít quốc gia thất bại. Một số người đang nghĩ là Ai Cập đang thất bại trong nỗ lực dân chủ hóa.
Ấn tượng cho việc lật đổ độc tài dễ vì ở Ai Cập đầu năm 2011, mọi việc diễn ra một cách quá nhanh chóng. Ngày 25 tháng giêng, dân chúng ào ạt đổ xuống đường biểu tình. Sự xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát làm cho trên 800 người chết và hàng ngàn người khác bị thương. Dân chúng vẫn không khiếp sợ. Họ vẫn tràn xuống đường. Thoạt đầu vài ngàn người, sau, hàng chục ngàn người, cuối cùng, có lúc đến cả triệu người. Ngày 11 tháng 2, tức chỉ hơn nửa tháng sau, Hosni Mubarak tuyên bố từ chức sau 30 năm cầm quyền (1981-2011) một cách gần như tuyệt đối. Cuộc cách mạng, với vai trò tích cực của các mạng lưới xã hội trên internet, coi như thành công rực rỡ.
Nhưng những gì xảy ra tại Ai Cập sau đó lại không như sự chờ đợi của mọi người.
Trước hết là sự xung đột giữa người Hồi giáo và người theo Thiên Chúa giáo, có lúc, như trong ngày 9/10/2011, làm cho mấy chục người chết. Sau đó là cuộc bầu cử Quốc Hội với chiến thắng vang dội của những người Hồi giáo, kế tiếp là cuộc bầu cử Tổng thống khá gay cấn, nhưng cuối cùng, chiến thắng thuộc về Mohamed Morsi, lãnh đạo phong trào Huynh Đệ Hồi giáo, với 51.7% số phiếu bầu. Chỉ có điều, từ khi lên làm Tổng thống, thay vì nỗ lực xây dựng một chế độ dân chủ, Morsi lại tìm mọi cách để củng cố quyền lực không những cho cá nhân ông mà còn cho cả lực lượng Hồi giáo nói chung. Ông thay đổi Hiến pháp theo tinh thần Hồi giáo. Dân chúng lại xuống đường biểu tình, thoạt đầu, quy tụ hàng chục ngàn, rồi hàng trăm ngàn, và có lúc, cả triệu người. Chính phủ lại ra tay đàn áp. Kinh tế bị xuống dốc trầm trọng. Đời sống dân chúng càng lúc càng khốn cùng.
Cuối cùng, mọi chuyện kết thúc bằng một cuộc đảo chính vào ngày 3 tháng 7 năm 2013 khi tướng Abdul Fatah al-Sisi tuyên bố tước quyền của Morsi và bãi bỏ hiến pháp mới được Morsi thông qua. Dân chúng lại đổ xuống đường biểu tình. Có đoàn biểu tình nhằm ủng hộ Morsi và yêu sách tướng Sisi phải từ bỏ quyền lực và trả lại quyền lãnh đạo đất nước cho Morsi. Lại có đoàn biểu tình ủng hộ cuộc đảo chính, lên án Morsi. Hai nhóm người, với những chủ trương khác nhau, thường xuyên đụng độ nhau. Lại có người chết, lúc bên này, lúc bên kia. Máu lại đổ đầy trên các đường phố.
Quan sát những gì hiện đang xảy ra tại Ai Cập, thế giới không khỏi lo lắng. Người ta sợ hai viễn cảnh có thể xảy ra: Một, Ai Cập sẽ lâm vào tình trạng nội chiến thảm khốc như Syria hiện nay; và hai, giới quân phiệt lại lên cầm quyền và lại độc tài như chế độ Hosni Mubarak trước đây.
Nhưng dù lo lắng, các cường quốc trên thế giới, kể cả Mỹ và châu Âu, vẫn loay hoay chưa biết đối phó thế nào cả. Thứ nhất, khả năng can thiệp vào cuộc đấu đá nội bộ giữa các lực lượng chính trị tại Ai Cập rất giới hạn; và thứ hai, sự lựa chọn của họ không hề đơn giản: Một mặt, Mohamed Morsi là một tổng thống dân cử; đảo chính ông, do đó, là một hành động vi phạm dân chủ; nhưng mặt khác, Morsi, dù mới cầm quyền, lại nhen nhúm xu hướng độc tài, và, quan trọng nhất, muốn biến Ai Cập thành một quốc gia Hồi giáo. Chỉ riêng điều đó đã hứa hẹn rất nhiều bất ổn trong khu vực. Nhưng ủng hộ tướng Sisi cũng khó không kém: Nó đồng nghĩa với việc ủng hộ một hành động phản dân chủ, ủng hộ việc dùng quân đội để đàn áp dân chúng, và, đặc biệt hơn nữa, không ai dám chắc Sisi sẽ không biến thành một nhà độc tài quân phiệt mới.
Chỉ có hai điều hầu như mọi người đều đồng ý với nhau: Một, tình hình chính trị Ai Cập đang bị khủng hoảng nghiêm trọng, và hai, con đường dân chủ hóa của họ còn rất nhiều chông gai. Không ai biết họ sẽ đi về đâu.
Giáo sư Shibley Telhami, một chuyên gia về Trung Đông, cho sự khủng hoảng tại Ai Cập hiện nay chủ yếu xuất phát từ sự khủng hoảng về bản sắc (identity crisis). Theo ông, dân chúng Ai Cập có hai đặc điểm nổi bật. Thứ nhất, phần lớn người Ai Cập tự xem họ là người Hồi giáo và Ả Rập hơn là người Ai Cập; và thứ hai, họ thường tự hào họ là những người sùng đạo nhất trên thế giới.
Giáo sư Mansoor Moaddel cũng đồng ý như vậy. Theo ông, trong cả hai cuộc điều tra năm 2001 và năm 2007, chỉ có 8% người Ai Cập xem họ, trước hết, là người Ai Cập, trong khi đó có đến 81% lại xem họ, trước hết, là người Hồi giáo. Sau cuộc cách mạng năm 2011, số người tự xem họ trước hết là người Ai Cập tăng lên đến 50%. Số người muốn biến luật quốc gia thành luật Hồi giáo cũng giảm xuống. Tuy nhiên, những con số này cũng rất bấp bênh. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận vẫn khác với kết quả các cuộc bỏ phiếu tại Ai Cập sau đó.
Nói cách khác, ở Ai Cập, ý thức tôn giáo mạnh và sâu hơn hẳn ý thức dân tộc. Hậu quả là, với đại đa số dân chúng, vẫn chưa có sự tách biệt giữa tôn giáo và chính trị, giữa thần quyền và thế quyền. Bởi vậy, khi có quyền trong tay, điều họ nhắm tới, trước hết, không phải là dân chủ hóa - dân chủ cho mọi người, bất kể tôn giáo - mà là khẳng định vị thế thống trị của Hồi giáo. Suốt hơn hai năm qua, mô hình chính trị được xem là lý tưởng đối với phần lớn người Ai Cập không phải là các chế độ dân chủ giàu mạnh ở Tây phương mà chính là Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia dân chủ theo kiểu Hồi giáo, do một đảng Hồi giáo cai trị.
Những thử thách mà người Ai Cập đang đối diện, do đó, cũng là những thử thách của hầu hết các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi hiện nay. Một mặt, việc kết hợp giữa Hồi giáo và dân chủ chưa có truyền thống mạnh để người ta có thể dễ dàng bắt chước. Mặt khác, kể từ sau biến cố 11 tháng 9 năm 2001, phần lớn người Hồi giáo đều bị mặc cảm là bị Tây phương ghét bỏ và nghi kỵ, từ đó, họ dễ có tâm lý kháng cự tại Tây phương vốn được xây dựng trên bảng giá trị có tính chất thế tục và dân chủ. Khi kháng cự như vậy, người ta dễ có xu hướng bảo thủ và cực đoan trong cách suy nghĩ dựa trên thần quyền và tinh thần loại trừ những người có niềm tin khác mình.
Như vậy, hai vấn đề mà người Ai Cập cũng như phần lớn người Ả Rập phải khắc phục trước hết là, một, đồng ý việc tách thần quyền ra khỏi thế quyền, và hai, xây dựng các xã hội dân sự dựa trên tinh thần bình đẳng, cởi mở và hợp tác. Có như vậy, một nền dân chủ thực sự mới có thể được xây dựng và vững mạnh.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào: