Thực Tập XD Hạnh Phúc Gia Đình: Giáo Dục Con Cái Trong Gia Đình Tín Hữu - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
22 tháng 8, 2013

Thực Tập XD Hạnh Phúc Gia Đình: Giáo Dục Con Cái Trong Gia Đình Tín Hữu

Lam Hồng - 21.8.2013: THỰC TẬP XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH: GIÁO DỤC CON CÁI TRONG GIA ĐÌNH TÍN HỮU

1. LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô dạy về việc giáo dục con cái như sau: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái phẫn nộ, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6,4).

2. CÂU CHUYỆN: CHA BẮT CON TRAI 11 TUỔI ĂN PHÂN NGƯỜI

Trang mạng điện tử VnMedia đã ghi nhận câu chuyện một người cha giáo dục con cách độc ác như sau:

Mất mẹ khi mới 6 tuổi, Thuận bị bố bỏ rơi và được bà nội đón về chăm sóc. Bất ngờ, người bố lấy vợ ba rồi đòi quyền nuôi con. Sống cùng bố và dì ghẻ, bé trai 11 tuổi thường xuyên bị đánh bằng dây điện và bị bắt ăn… phân người. Tại nhà của bà Nguyễn Thị Dụn (61 tuổi, ở đội 2, thôn Minh Kha, xã Đồng Thái, An Dương, Hải Phòng), cháu Bùi Xuân Thuận (11 tuổi, hiện là học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Đồng Thái) cho biết, cháu thường xuyên bị cha đẻ là Bùi Xuân Phong (33 tuổi) đánh đập dã man nhiều lần.

Theo trình bày của bé Thuận, vào ngày 6/10, Thuận lấy điện thoại của người chú để chơi điện tử. Đang chơi thì bất ngờ Phong trở về. Bé Thuận sợ quá nên không dám để điện thoại vào chỗ cũ mà vứt ở ngoài hiên nhà. Một lát sau, người chú tìm điện thoại và hỏi Thuận xem có lấy không, bé Thuận nói dối là không lấy. Khi tìm được chiếc điện thoại ở ngoài hiên, biết là do bé Thuận để ở đó, Phong đã nổi trận lôi đình đánh con. Người bố tàn ác đã bắt bé Thuận cởi trần truồng rồi dùng dây điện có lõi bằng đồng, chập hai, chập ba làm hung khí thẳng tay quật vào người con. Khắp người cháu bé chi chit những vết bầm tím, sưng tấy. Đến thời điểm bé Thuận được công an xã và bà nội đưa đi khám tại Bệnh viện đa khoa huyện An Dương thì vết thương đã trải qua 5 ngày, nhưng mức độ nghiêm trọng vẫn hằn sâu trên da thịt đứa trẻ. Theo kết quả khám thương, bé Thuận bị nhiều vết bầm tím tại cánh tay, cẳng tay, lưng và hai mông. Cậu bé đau đớn kể: “Cháu thường bị bố đánh bằng dây điện, có lần bị đánh bằng cây que. Bố đánh vào người, vào đầu…”. Lần khám thương này, Thuận mới chỉ được khám ngoài da, còn vùng đầu chưa được giám định. Bé Thuận kể lại rằng, có lần, khi Thuận đi chơi về thì bố và dì đang ngồi ăn cơm. Khi bố gọi vào ăn, Thuận trả lời đã ăn rồi thì bất ngờ Phong lại nổi cáu vì cho rằng Thuận nói dối. Lần đó, người bố mất nhân tính đã đánh đập Thuận rồi nhốt vào hố xí sau nhà. Chưa dừng lại ở đó, Phong còn sai đứa con thứ hai (em trai ruột của Thuận, 5 tuổi – PV) cầm bát sứ ăn cơm ra sau nhà xúc một bát phân người vào bắt Thuận ăn. Thấy Phong quá độc ác, một người hàng xóm đã ra sức can ngăn nên Phong đã thôi, không bắt bé Thuận ăn bát phân ấy. Khi công an xã hỏi về chi tiết này, Phong cho rằng y chỉ… dọa.

3. SUY NIỆM:

Chúng ta thường được giáo dục để trở nên những đứa con tốt trong gia đình, nhưng rất ít khi chúng ta được giáo dục để trở nên những cha mẹ tốt. Ở trường học, chúng ta học rất nhiều môn, nhưng không môn nào dạy ta nghệ thuật làm cha mẹ, nghệ thuật mà ta phải áp dụng suốt cả cuộc đời kể từ khi có con, đồng thời cũng là một nghệ thuật hết sức quan trọng cho hạnh phúc của ta cũng như cho tương lai của con cái. Vì thế, đa số nhân loại khi lên làm cha mẹ đã không biết phải đóng vai trò đó như thế nào cho đúng. Thường thì chỉ khi làm cha mẹ chúng ta mới bắt đầu học nghệ thuật ấy, học theo kiểu “nghề dạy nghề”, tự mò mẫm học, phải tự suy nghĩ để tìm ra phương pháp. Cũng có những sách nói về nghệ thuật này, nhưng không nhiều.

1. Đừng quá kỳ vọng vào con cái:

Con người không ai hòan hảo: “Nhân vô thập tòan”, nên cha mẹ đừng đòi con cái phải tốt lành hoàn hảo làm hài lòng ta hoàn toàn. Vì khi nghĩ lại chính chúng ta cũng thấy mình bất tòan và không làm cho cha mẹ ta hài lòng. Dù vậy ta cũng nên đòi hỏi con cái thế nào để chúng cố gắng hơn. Cần biết khen ngợi khi thấy con có sự tiến bộ.

2. Hãy chấp nhận giới hạn của chúng:

Do ai cũng có giới hạn, mà dù có cố gắng đến đâu cũng khó lòng vượt qua. Điều quan trọng là đặt ra mục tiêu phù hợp với khả năng của con cái để động viên chúng thực hiện. Thông thường, cha mẹ hay đòi hỏi con mình phải thế này thế kia… Nhưng trong nhiều trường hợp, những kỳ vọng đó lại vượt quá khả năng của chúng. Ta không nên lấy mình làm khuôn mẫu cho con cái. Điều đó có thể làm cho chúng mang mặc cảm tự ti và bị nhụt chí khi. Hãy chấp nhận mức độ cao nhất mà chúng có thể đạt được. Cần đặt mình vào hòan cảnh của con để đánh giá sự việc cách chính xác.

3. Hãy dành thì giờ đối thoại với con:

Nên bỏ ra mỗi ngày ít nhất 15-20 phút tiếp xúc trò chuyện với con để tìm hiểu chúng thường là trong các bữa ăn. Nên khuyến khích chúng nói ra những điều chúng nghĩ và lắng nghe. Phải phản ứng kịp thời qua sự tán thành hay khen ngợi những gì chúng nói… Phải tập nói chuyện với chúng như bạn bè, nhất là khi chúng được 10 tuổi trở lên. Đừng để chúng trở thành hư hỏng lúc nào mà ta không biết.

4. Hãy tạo mối quan hệ thân mật với con cái:

Con cái ta cần được cha mẹ yêu thương, khuyến khích và hỗ trợ để phát triển. Do đó, cha mẹ cần liệu sao để chúng cảm nhận được tình thương của mình. Cần biểu lộ tình cảm của ta ra bên ngoài, qua ánh mắt, qua những cử chỉ âu yếm, những lời nói ngọt ngào, những hy sinh cụ thể của ta. Càng nhỏ, chúng càng nhạy cảm với tình thương của cha mẹ. Chúng cần tình thương để lớn lên và phát triển giống như cần thức ăn nước uống. Đừng chỉ yêu thương con bằng khối óc dù rằng rất cần, mà còn phải yêu chúng bằng con tim nữa.

5. Cần tạo cho con cái tin tưởng vào cha mẹ:

Trẻ mong tìm được những bảo đảm yêu thương từ nơi cha mẹ, nên ta phải trở nên chỗ dựa vững chắc cho chúng về mọi mặt. Phải sống làm sao để chúng cảm thấy an tâm. Mọi lời ta nói phải đúng để chúng tin tưởng, mọi việc ta làm phải tốt để chúng noi theo. Phải làm sao để chúng tin vào tình yêu, sự thành thật, khả năng hy sinh và sự cao thượng của cha mẹ.

6. Hãy luôn đồng hành với con cái:

Tuy nhiên, ta không nên tự thần tượng hóa mình trước mặt con cái. Tới một lúc nào đó, ta phải cho chúng thấy rằng chính ta cũng là người bất toàn đang phải nỗ lực tiến tới hoàn thiện. Ta chỉ là người đi trước và có trách nhiệm dẫn dắt chúng trong những bước đầu đời của chúng, đưa chúng đi vào đời sống nhân bản, và sau này, chính ta cũng cần sẵn sàng nhận lại sự nâng đỡ của con cái. Cần phải khiêm tốn nhận những khuyết điểm của mình. Cha mẹ nên trở thành bạn đồng hành của con cái và sẵn sàng nhận sự góp ý xây dựng của chúng.

7. Cần tôn trọng phẩm giá của con cái:

Đừng cấm đoán con cái những gì vô hại chỉ vì không hợp với sở thích cuă mình. Nên tôn trọng giờ học, giờ ngủ và giờ chơi của con cái. Nếu cần sửa phạt thì thì nên sửa phạt đúng mức, hợp lý và tránh sự quá đáng như mắng con bằng những lời thậm tệ, xúc phạm tới phẩm giá hoặc làm tổn thương tự ái của chúng. Đừng bêu xấu con trước mặt trẻ khác. Nếu được cha mẹ tôn trọng thì con cái mới biết tự trọng và sẽ có sự tự tin hơn.

8. Hãy tập cho con “đứng trên chính đôi chân của mình”:

Khi còn nhỏ, con cái lệ thuộc cha mẹ về mọi mặt. Lúc đó, ta phải bắt chúng vâng lời, làm theo ý ta để phát triển đúng hướng. Nhưng ta phải giáo dục thế nào để chúng từng bước trưởng thành, có khả năng tự do và tự lập về mọi mặt. Đừng bắt chúng phải lệ thuộc và phải luôn làm theo ý ta. Cần phải biến con cái thành những người bạn ngang hàng với mình, liệu sao cho chúng có đủ điều kiện phát triển và ngày một trưởng thành hơn.

9. Hãy từng bước trao trách nhiệm cho con cái:

Phải tập cho con cái tinh thần trách nhiệm ngay từ khi chúng còn nhỏ bằng cách trao cho chúng những việc làm giúp đỡ cha mẹ từ dễ đến khó trong gia đình. Phải tập cho con cái dần dần quán xuyến được mọi việc trong nhà. Và khi chúng được 20 – 25 tuổi, phải tập cho chúng làm những việc ngừoi lớn như: làm ăn, giao thiệp, điều hành công việc,… Cần tập cho chúng làm hầu hết những công việc của cha mẹ, thậm chí có thể thay thế cha mẹ khi cần. Nên sớm giao trọng trách cho con cái đang khi chúng ta còn đứng đàng sau để hướng dẫn trợ giúp. Đừng để tới lúc ta không còn làm được gì nữa mới trao trách nhiệm cho con thì đã muộn, chúng có thể mắc phải sai lầm mà ta đành chịu bất lực vì không thể giúp gì được cho chúng.

10. Về việc giáo dục đức tin cho con cái: 
Các cha mẹ công giáo cần ý thức trách nhiệm truyền đạt đức tin cho con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ. Như một người trồng cây cảnh, muốn có cây cảnh có giá trị nghệ thuật, mang hình hươu nai hay chim phượng đẹp mắt… Ngoài việc chọn giống cây thích hợp và áp dụng kỹ thuật tưới bón theo từng loại cây, còn phải quan tâm định hình cho cây ngay từ khi cây mới ra cành non. Tránh để khi cây đã phát triển mới uốn thì đã muộn. Cũng vậy, cha mẹ tín hữu phải giáo dục đưc tin cho con cái ngay từ trong trứng nước, như có người nói: “Phải giáo dục đứa con ngay từ trước khi nó sinh ra 20 năm”, nghĩa là phải giáo dục chính cha mẹ của nó. Từ cái khuôn đạo đức của cha mẹ mà đứa con sẽ được định hình phù hợp với đức tin truyền thống gia đình. Giáo dục đức tin không chỉ dừng lại ở các việc đạo đức như đọc kinh lần hạt, lập bàn thờ, treo tranh ảnh đạo, dự lễ tại nhà thờ, theo học các lớp giáo lý theo lứa tuổi… mà còn phải dạy con học sống lời Chúa, tuân giữ đặc biệt giới răn yêu thương qua thái độ luôn nghĩ đến người khác, qua cách ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đinh. Cha mệ biết dùng lời Chúa mà dạy dỗ con, nêu gương cầu nguyện tự phát phù hợp với hoàn cảnh trong các giờ kinh tối gia đình hay vào các ngày giỗ tết trong năm…

Kết luận: Thế hệ con cái chúng ta có đức tin, đức hạnh và tài năng hay không phần lớn tùy thuộc vào sự giáo dục nhận được từ cha mẹ ngay từ nhỏ. Vì thế, các bậc cha mẹ cần phải biết cách giáo dục con cái cách khôn ngoan, phù hợp với khoa tâm lý giáo dục. Đừng phó mặc nhiệm vụ quan trọng này cho may rủi. Cũng đừng làm cách tùy tiện được chăng hay chớ.

4. THẢO LUẬN: 1) Bạn có đồng ý với các lời khuyên về việc giáo dục con cái nêu trên hay không? Tại sao? 2) Theo bạn, điều nào trong 10 lời khuyên nói trên là quan trọng nhất: Tại sao? 3) Đọc đọan Tin Mừng đầu bài và dâng lời cầu nguyện cho minh chu toàn bổn phận làm cha mẹ đối với con cái.

5.LỜI NGUYỆN:

Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin cho các bậc cha mẹ chúng con biết noi gương Cha để yêu thương dạy dỗ con cái chúng con. Xin cho chúng con biết cách dạy dỗ con bằng tình yêu thương và bằng việc nêu gương sáng cho chúng. Xin cho chúng con biết xây dựng một thể chế gia đình nề nếp gia phong, trên thuận dưới hòa theo truyền thống đức tin công giáo, để gia đình chúng con trở nên thiên đàng ngay từ trần gian hôm nay và chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời cho các gia đình chưa nhận biết Chúa, – AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM
Thực Tập XD Hạnh Phúc Gia Đình: Giáo Dục Con Cái Trong Gia Đình Tín Hữu Reviewed by Unknown on 8/22/2013 Rating: 5 Lam Hồng - 21.8.2013: THỰC TẬP XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH: GIÁO DỤC CON CÁI TRONG GIA ĐÌNH TÍN HỮU 1. LỜI CHÚA: Thánh Phao-lô dạy về...

Không có nhận xét nào: