Trung Nghĩa: Thưa Ngài GSTS Hoàng Chí Bảo, Ngài Nói Không Khác Gì Một Con Vẹt - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
27 tháng 8, 2013

Trung Nghĩa: Thưa Ngài GSTS Hoàng Chí Bảo, Ngài Nói Không Khác Gì Một Con Vẹt

Trung Nghĩa, Ba Sàm - 27.8.2013: Thưa ngài Giáo sư Hoàng Chí Bảo!

Đúng như tôi dự đoán, trong luồng tư tưởng hoảng loạn về phương pháp nhồi sọ, tuyên truyền cho dân chúng thì sẽ phải xuất hiện một cây “đại thụ” về bằng cấp học hàm học vị, “uyên bác” về lý luận triết học Marx/lý tưởng XHCN lên tiếng, sau bài viết tạo ra những dư chấn dữ dội của một ông già bên giường bệnh- luật gia Lê Hiếu Đằng. Cây đại thụ đó không ai khác hơn là ngài giáo sư tiến sĩ triết học Hoàng Chí Bảo với bài viết thứ 5 có tên Trọng sự thật và chân lý để hành động có trách nhiệm” [1] trong loạt bài “Dư luận phê phán ông Lê Hiếu Đằng”. Thế nhưng có lẽ nó quá khôi hài nên hôm nay, bài viết của ngài giáo sư phải để trong mục “làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình”; toàn bài viết, tư tưởng bao trùm là định hướng dư luận hơn là công kích cá nhân luật gia Lê Hiếu Đằng.

Ngay tựa bài viết ngài đã đề cập hai khái niệm là sự thật và chân lý, vậy theo ngài sự thật là gì, chân lý là gì?

Theo Wikipedia thì

- Sự thật: Cái có thật có trong thực tế, cái phản ánh đúng hiện thực khách quan.

- Chân lý: sự phản ánh chính xác sự vật khách quan và quy luật của chúng vào ý thức con người

Cả bài viết của ngài cũng không tôn trọng hai tiêu chí trên. Tôi tin rằng chính ngài cũng chưa nắm vững khái niệm mà ngài đưa ra; vì thế việc dùng một khái niệm- mà bản thân ngài chưa nắm rõ chính xác và nhuần nhuyễn trong việc sử dụng cho đúng hoàn cảnh- đem ra rao giảng cho người khác, đó là sự ngạo mạn và lố bịch.

Tôi sẽ không bàn về hai khái niệm đó nữa mà sẽ đi vào chứng minh những mảng khái niệm nó nằm trong “gan ruột của ngài”, là cái cần câu cơm, là cái ngài dùng nó để phô diễn, để lấy bằng tiến sĩ và hành nghề liên tục trong nhiều chục năm, giúp ngài lên học hàm giáo sư. Việc nói lại câu chữ và cách diễn đạt của ai đó mà không có chút tư duy nào trong đó người ta bảo rằng “nói như vẹt”. Nó không khác gì hình ảnh một con bò già, nhẫn nại nhai đi nhai lại cỏ khô, nôn ói ra rồi lại nhai và nuốt vào trong một ngăn của dạ dầy cỏ, khi không có thêm nguồn thức ăn mới, con bò già này lại nôn ói ra và lại tiếp tục nhai.

Triết học Marx luôn tung hê rằng lấy tư tưởng và nội dung của chủ nghĩa duy vật biện chứng làm nền tảng nhưng để Marx đã vận dụng sai lầm trong tư tưởng của mình. Một vài điểm chí mạng mà bất kỳ ai có một khả năng tư duy bình thường cũng thấy cái sai bét nhè của học thuyết Marx. Mời ngài xem lại bài viết [2] mà tôi đã trình bày.

Tuy nhiên để cho dễ hiểu, dễ đánh giá tôi xin ngài hãy trả lời nhưng câu hỏi sau đây.

Học thuyết Marx cho rằng, chủ nghĩa tư bản bóc lột sức lao động của người công nhân khi chiếm đoạt giá trị thặng dư. Marx không hiểu hay cố tình không hiểu:

- Cái giá trị mà Marx gọi giá trị thặng dư đó chính là do quy luật cung cầu tạo nên (một sự khác biệt thường tồn tại là giá của một mặt hàng tại một thị trường A sẽ khác cũng mặt hàng đó tại thị trường B). Khi các nhà tư bản thực hiện việc buôn bán và họ có được sự khác biệt giữa hai thị trường. Ở một khía cạnh khác, lợi dụng ưu thế của sự khác biệt giữa thị trường lao động và thị trường giá cả cho bất kỳ mặt hàng nào đó mà nhà tư bản lên kế hoạch sản xuất. Nói một cách khác, giá trị thặng dư do chính nhà tư bản tạo ra. Thông qua việc tạo ra giá trị chênh lệch, họ cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Câu hỏi: hiện nay nhà nước đang khuyến khích cá cá nhân tập thể xuất khẩu các mặt hàng trong nước để tăng lợi nhuận, cả nhà nước cũng tham gia vào việc xuất nhập khẩu, vậy nhà nước VN đang khuyến khích và tham gia sự bóc lột tư bản hay sao?

- Marx thừa nhận tầng lớp tư bản là tầng lớp cách mạng nhất trong lịch sử, bởi họ thưởng xuyên cải tiến công cụ sản xuất, thế nhưng Marx lại không công nhận việc cải tiến công cụ lao động là hàng hóa hay phương tiện sinh ra giá trị thặng dư. Vì thế Marx cào bằng quân số lao động và lấy giá trị bình quân trong khi máy móc và những cải tiến (cũng là phương tiện sản xuất) lại không thuộc về người công nhân. Marx đã sai khi nói, người công nhân bán sức lao động. Họ không bán sức lao động mà bán khả năng làm việc, vì thế giá cả do hai bên thoả thuận, không thể cào bằng lương của một người chỉ có khả năng lao động chân tay với lương của một kỹ sư có khả năng làm việc bằng bộ óc.

Câu hỏi: theo kiểu tính toán của Marx, liệu ngài có nên nhận một mức thù lao/lương như một cán bộ không có bằng cấp nhưng có thâm niên lao động giống như ngài? Nếu ngài trả lời là không thì chính ngài đã phủ nhận học thuyết của Marx.

- Marx gọi giá trị thặng dư chính là khoản chênh lệnh giữa chi phí đầu vào và thu nhập đầu ra khi bán sản phẩm, với một nguyên tắc chung chi phí sẽ luôn thấp hơn khoản thu vào vì giá trị thặng dư phải luôn là con số dương có ý nghĩa.

Câu hỏi: hiện nay chế độ XH Việt Nam tốt đẹp, tại sao người nông dân lại bị lỗ khi trồng lúa? Nói rộng ra, thu nhập bình quân đầu người của VN tính tới cuối năm 2012 là 1600USD/người/năm, trong khi đó chi phí cho nhu cầu tối thiều (ăn, ở, khám chữa bệnh, nhu cầu giải trí,…) là khoảng 2400USD người/năm (trung bình khoảng 4 triệu/tháng). Vậy giá trị thặng dư đi đâu? Nói một cách khác, người dân ngày càng lỗ vốn sức lao động của mình, nếu không muốn bị thâm hụt thì chỉ còn một cách là sống dưới mức tối thiểu hoặc phải đi ăn cướp của người khác để không bị chết đói. Đó là chưa kể họ bị cướp đoạt đất canh tác bằng những chính sách do nhà nước này lập ra dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản.

Nếu không có giá trị thặng dư thì tất cả những lời phát biểu của ngài với những ngôn từ hay ho, đẹp đẽ như: sức mạnh thúc đẩy đổi mới, làm nên sức sống của đổi mới, thành tựu phát triển đất nước như hiện nay, “Công cuộc đổi mới của Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đáp ứng kịp thời những mong đợi của quần chúng nhân dân và nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của đông đảo bạn bè, đối tác trên thế giới”, “chế độ sẽ vững và dân sẽ được hưởng Độc lập – Tự do và Hạnh phúc”,….hoàn toàn là dối trái và sai trái.

Sự phá sản và ngưng hoạt động của hàng chục nghìn doanh nghiệp cũng đủ cho thấy, nền kinh tế VN đang thoi thóp những hơi tàn sức kiệt của một cơ thể ốm đói lâu ngày. Dân không no ấm hạnh phúc, chứng tỏ cái thể chế chính trị này là kém cỏi, Đảng không đủ khả năng lãnh đạo nhân dân, con đườngxây dựng theo mô hình XHCN là sai trái, không đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Vậy thì những kết luận như “Ý Đảng – Lòng dân”, “quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng”, “Công cuộc đổi mới của Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đáp ứng kịp thời những mong đợi của quần chúng nhân dân”, “Nhờ đổi mới với những quyết sách chiến lược của Đảng, qua cương lĩnh, chiến lược, đường lối đã và đang thực thi mà đất nước đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội”,….là dối trá và lừa đảo.

Trong bài viết, ngài đề cập tới một ý sai sự thật là “Nhân dân ủng hộ đổi mới, tin tưởng vào Đảng của mình…” Nhân dân chưa bao giờ bầu cho đảng Cộng Sản, đảng Cộng Sản không phải của nhân dân, không bao giờ đại diện cho đa số tầng lớp nhân dân lao động VN vì đảng chỉ chiếm khoảng 4 triệu đảng viên trong số 92 triệu dân.

Chủ nghĩa Marx công nhận và vận dụng một quy luật nữa của chủ nghĩa duy vật biện chứng đó là “quy luật phủ định của phủ định”. Không có một thứ gì bất biến và cũng không có một đảng phái nào dám tuyên bố sẽ lãnh đạo mãi mãi dân tộc VN được. Sự phủ định nhau của các triều đại chính trị trong lịch sử VN đã thể hiện rõ điều đó.

Nếu vận dụng vào hình thái kinh tế xã hội thì những mô hình xã hội ra đời sau đó luôn tốt hơn, văn mình hơn và ưu việt hơn mô hình chính trị xã hội trước đó. Trải qua lịch sử phát triển của nhân loại, con người trải qua 4 hình thái chính trị xã hội đã được thừa nhận:

- Cộng sản nguyên thủy
- Chiếm hữu nô lệ
- Phong kiến
- Tư bản chủ nghĩa


Marx cho rằng chế độ TBCN là xấu xa, không tốt đẹp nên Marx đưa ra chủ thuyết, bỏ qua giai đoạn TBCN, rồi “nặn” ra một thể chế xã hội tốt đẹp hơn đó là chủ nghĩa cộng sản (tài sản cộng lại, dùng chung với nhau, không còn giai cấp, không có bóc lột, mọi mâu thuẫn bị triệt tiêu).

Câu hỏi: bất kỳ một sự vật hiện tượng nào cũng có hai mặt là thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập, vậy Chủ nghĩa cộng sản đã vi phạm nguyên tắc thứ nhất của chủ nghĩa duy vật biện chứng, có phải thế không thưa ngài giáo sư tiến sĩ, UV ban tư tưởng văn hóa trung ương?

Câu hỏi (tiếp theo): Nếu quay trở về chế độ chủ nghĩa cộng sản thì có phải chế độ cộng sản đã phủ định chế độ TBCN hay nói một cách khác, Marx đã sai lầm khi quay trở về điểm xuất phát rồi sao?

Có thể các ngài sẽ “chế biến” rất tài bằng cách thêm cái đuôi “khoa học” vào Chủ nghĩa cộng sản để trở thành CNCS khoa học; Theo ngài, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa cộng sản khoa học khác nhau ra sao? Nó cũng giống như chỉ riêng ở xã hội Việt Nam mới có, học vị tiến sĩ và tiến sĩ khoa học vậy. Như thế

Câu hỏi (của tôi sẽ là): để có được nền tảng và của cải đầy đủ cho cái xã hội cộng sản khoa học kia vận hành thì làm sao để tích lũy cho đủ nhằm đáp ứng nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”?

Nếu các ngài bảo rằng việc tích lũy sẽ ở giai đoạn quá độ là XHCN, thế nhưng như phân tích ở trên, cái xã hội chủ nghĩa mà các ngài đang “từng bước tiến vững chắc” ấy, sức lao động còn đang bị lỗ vốn thì tích lũy làm sao?

Một chủ thuyết mơ hồ, viễn vông đã bị bao nhiêu nước rũ bỏ, kẻ nào bám vào nó, kẻ đó có tư duy ấu trĩ, còn những kẻ biết nó sai trái cố tình bám vào nhằm trục lợi cho phe nhóm và bản thân, thì đó chính là kẻ thù của nhân loại tiến bộ, là kẻ thù của dân tộc Việt Nam.

Trong bài viết của ngài, ngài đề cập tới ông Hồ Chí Minh. Ngài còn có hẳn những đoạn băng video clip trên Youtube để quảng bá “tài năng thuyết giảng” của ngài nữa. Tôi có thể nói rằng, cũng hiếm ban bệ, cơ quan nào giỏi nhào nặn ngôn ngữ, xào nấu khái niệm bằng ban tư tưởng văn hóa trung ương thông qua những vị giáo sư, tiến sĩ triết học mà ngài là một trong số đó. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đến thuộc lòng khẩu hiệu “…chủ nghĩa Marx-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động”. Theo những gì tôi biết, cái câu thòng thêm vào “tư tưởng Hồ Chí Minh” nó mới có khoảng vào năm 1991, còn trước đó là không có. Đây chỉ cáh thức tuyên truyền mà thôi vì lý do sau đây:

- Ông Hồ Chí Minh chẳng có cái tư tưởng gì cả. Sinh thời chính ông Hồ đã thừa nhận, “tôi chẳng có tư tưởng gì cả, mọi thứ đã được Marx, Lê nin và Mao nói hết cả rồi”.

- Từ khoảng 1991, khi hô hào đổi mới, do mô hình XHCN đã sụp đổ tan tành tại Liên Xô và Đông Âu, nếu vẫn giương cao học thuyết Marx có lẽ sẽ lỗi thời; thêm vào đó cũng phải có một chút gì đó của là “đặc sản riêng của Việt Nam”, vì vậy các ngài đã nhét chữ vào mồm ông Hồ qua 9 tư tưởng sau (những tư tưởng này khi còn ngồi dưới ghế nhà trường XHCN chúng tôi đã được nhồi sọ hải đọc vanh vách).

1. Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

2. Tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

3. Tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc.

4. Tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân

5. Tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

6. Tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

7. Tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư

8. Tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.

9. Tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.


Xin ngài hãy đọc lại cho thật kỹ xem, đó có phải là tư tưởng không (ví dụ như tư tưởng 1). Tư tưởng 2, 3,4,5, 8 không phải ông Hồ là người đầu tiên lên tiếng. Việc nhào nặn chữ nghĩa nó chỉ xoay quanh một vấn đề “tiến hành chiến tranh nhân dân”, quan tâm tới nhân dân, giáo dục quốc phòng toàn dân. Điều này đã có từ ngàn xưa, từ thời bà Trưng Bà Triệu, đến thời nhà Trần thì Trần Hưng Đạo đã viết thành sách về chiến lược toàn dân đánh giặc. Sau khi thắng giặc, Vua Trần Nhân Tông định xây dựng sửa sang thành Thăng Long, nhưng Trần Hưng Đạo đã khuyên nhà vua “Việc sửa lại thành trì không cần kíp lắm. Việc cần kíp triều đình cần phải làm ngay không thể chậm trễ được là việc úy lạo nhân dân. Hơn bốn năm, quân giặc hai lần tràn sang đánh phá, từ nơi núi rừng đến nơi đồng ruộng đều bị tàn phá hầu hết. Vậy mà dân chúng vẫn một lòng hướng về triều đình, xuất tài, xuất lực, đi lính, đóng thuế làm nên một lực lượng mạnh cho triều đình chống nhau với giặc. Nay nhà vua đã được trở về yên ổn, việc cần làm trước hết là chú ý đến ngay dân. Những nơi nào bị tàn phá, tùy tình trạng nặng nhẹ mà cứu tế. Nơi nào bị tàn phá quá nặng có thể miễn tô thuế mấy năm. Có như thế dân mới nức lòng càng quy hướng về triều đình hơn nữa. Người xưa đã nói: “Chúng chí thành thành”. Đó mới là cái thành cần sửa chữa ngay. Xin nhà vua xét kỹ“. Ngài có cần tôi nhắc lại bài viết có ở đâu không thưa ngài Giáo sư tiến sĩ, UV ban tư tưởng văn hóa trung ương Hoàng Chí Bảo? Chẳng những thế, đến thời Lê Lợi, thời Nguyễn Huệ các vị anh hùng dân tộc đã học hỏi, vận dụng và dẫn dắt nhân dân ta đi tới thắng lợi to lớn, chẳng lẽ ngài đã quên lịch sử Việt Nam rồi sao?

Tư tưởng 7 và 9: không thể gọi là tư tưởng mà là nguyên tắc/tiêu chuẩn của người đảng viên. Chẳng những chỉ đảng viên mới có tiêu chuẩn đó mà bất cứ một người lãnh đạo nào cũng phải được đòi hỏ. Thế nhưng hiện nay, tham nhũng trong nội bộ đảng đã không còn che dấu nổi mà ngài chủ tịch Trương Tấn Sang gọi là một “bầy sâu”. Ngài nghĩ sao?

Cả một bài viết của ngài, toàn những câu chữ mà chúng tôi đã bị nhồi sọ, đã đọc không biết bao nhiêu lần từ những trang báo như Nhân Dân, QĐND, CAND….Ngài nói có khác gì một con vẹt!

Xin đừng lạm dụng từ Nhân Dân một cách vô lễ và láo xược. Những điều ngài viết chỉ là ngôn từ của ngài và đảng phái của ngài mà thôi.

Nếu không thể trả lời được những câu hỏi và thắc mắc ở trên, xin ngài hãy giữ một chút liêm sỉ cuối cùng của một kẻ làm người: hãy im lặng đừng mở miệng nói gì thêm điều gì nữa vì Nhân dân đã quá khổ sơ do bị đảng Cộng Sản lừa dối quá lâu rồi. Ngay cả cái học hàm và học vị của ngài, dân tình chúng tôi cũng đã quá biết nó được ra lò để các ngài ban bổng lộc cho nhau.

Nhân dân chúng tôi và lịch sử của dân tộc này sẽ phán xét các ngài.

T.N.

Tài liệu tham khảo

[1] http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/259041/Default.aspx

[2] http://www.basam.info/2013/08/20/1973-phan-bien-lai-bai-viet-doi-dieu-voi-tac-gia-bai-viet-tren-giuong-binh/


Trung Nghĩa: Thưa Ngài GSTS Hoàng Chí Bảo, Ngài Nói Không Khác Gì Một Con Vẹt Reviewed by Unknown on 8/27/2013 Rating: 5 Trung Nghĩa, Ba Sàm - 27.8.2013: Thưa ngài Giáo sư Hoàng Chí Bảo! Đúng như tôi dự đoán, trong luồng tư tưởng hoảng loạn về phương pháp ...

1 nhận xét:

  1. Tôi thấy những lời của ông Hoành chí Bảo chỉ toàn là rác rưởi, xông mùi xú uế lên dân tộc Việt nam. Ngày xưa có Tố Hữu thì ngay nay có Hoàng chí Bảo, những kẻ sẵn sàng bán đứng lương tâm để mở lời cho ma qủy.

    Trả lờiXóa