Mỹ Yên, phải khởi tố ai trước? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
10 tháng 9, 2013

Mỹ Yên, phải khởi tố ai trước?

Cánh Cò, RFA - 9.9.2013: "Không đâu như Việt Nam, nơi có thánh tử đạo nhiều nhất thế giới!"

Đó là câu mỉa mai mà tôi đã từng một lần nghe được từ một đồng nghiệp trong giờ giải lao, khi mọi người ngồi uống cà phê chờ tới giờ lên lớp.

Người đồng nghiệp ấy là đảng viên và là trưởng khối thi đua cho nên lời bình luận của anh ta không có ai hưởng ứng hay đặt vấn đề. Riêng tôi cảm thấy thương hại cho anh vì cái lỗ hổng kiến thức quá lớn trước một câu chuyện có thật và được cả thế giới biết đến nhưng anh ta lại cố tình không biết và hơn nữa lại làm ra vẻ thông thái khi ngồi trên lưng một con lừa.

Con số 117 thánh tử đạo của người Công giáo Việt Nam tôi không biết có chính xác hay không nhưng qua tài liệu lịch sử tôi tin rằng những cái chết của họ đến từ thành kiến mù quáng cộng với nỗi lo sợ mất ngai vàng của chế độ phong kiến không những không thể tiêu diệt được người Công giáo mà còn làm cho nó mạnh hơn lên. Nói theo người tin vào Chúa thì đây là hạt giống ươm mầm và nhân rộng ra cho đạo Công giáo tại Việt Nam.

Từ những năm bị bách hại dưới triều đại nhà Nguyễn kéo theo sự thù hằn bất tận của người Cộng sản qua câu nói xúc xiểm đầy khích động của Karl Marx: "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân" đã khiến người Công giáo miền Bắc triền miên sống trong lo sợ, khổ đau. Điều khó hiểu tới tận cùng của trí khôn con người không giải thích nổi nguồn cơn nào mà cộng sản lại sợ tôn giáo, đặc biệt là người Công giáo đến như vậy khi phúc âm của họ chỉ chuyên tâm vào chữ yêu thương nhân loại như anh em của mình bên cạnh sự kính thờ Thiên Chúa của họ?

Vụ nổi dậy Quỳnh Lưu năm 1956 trong cải cách ruộng đất vẫn còn trong lòng người dân cả lương lẫn giáo. Nằm đấy và không thể quên. Giáo dân Công giáo Nghệ An canh cánh một niềm tin rằng trước sau gì họ cũng sẽ bị bách hại một lần nữa, bất kể họ có sống tốt đời đẹp đạo tới đâu. Sự lo lắng chính đáng ấy không được nhà nước quan tâm mà trái lại hình như toàn hệ thống cầm quyền của tỉnh Nghệ An cảm thấy phải đặt giáo dân trong tình trạng sợ hãi triền miên mới giữ được tính toàn trị, chuyên chính của người cộng sản.

Tâm lý bị dòm ngó, tìm cách nhũng nhiễu và luôn bị rình rập của chính quyền đã tạo phản ứng có điều kiện cho giáo dân trong vụ Mỹ Yên và dẫn tới sự bắt giữ mờ ám hai chức sắc trong Hội đồng Giáo xứ Mỹ Yên. Tâm lý bất an thường xuyên của người Công giáo cộng với cách mà công an dùng côn đồ tấn công người dân đã dẫn tới cuộc nổi loạn vào ngày 30 tháng Tám. Nói nổi loạn là đúng với bản chất sự việc vì người dân đã buộc ông chủ tịch UBND xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An ký giấy tờ thả người, bao vây trụ sở và cuối cùng thì công an mang côn đồ cùng một lực lượng rất lớn tới để giải vây.

Sự nổi loạn ấy nếu có đem ra xét xử trước pháp luật cũng đúng nhưng để xét người dân thì chính quyền phải tự xét mình trước.

Thứ nhất là xét xử ông giám đốc công an tỉnh Nghệ An khi đã ra lệnh hoặc cố tình không biết kẻ thừa hành của mình thuê côn đồ từ 500 tới 700 ngàn một ngày để liên tục khích động, tấn công nhân viên an ninh nhằm lấy đó làm cơ sở để công an cùng lực lượng dân quân có lý do tấn công người dân như từng làm nhiều lần trước đây. Sự việc này được chính Giám mục Nguyễn Thái Hợp xác định trước cộng đồng quốc tế và sự khẳng định ấy được bảo đảm bằng giáo luật mà người Công giáo nào cũng biết: Điều răn thứ Tám trong Mười Điều Răn.




Giám mục Nguyễn Thái Hợp không thể từ bỏ chính linh hồn của mình để bênh vực điều xằng bậy.

Thứ hai, những kẻ cần đem ra xét xử là các cơ quan truyền thông như VTV1 và những tờ báo đồng loạt đăng bài của phóng viên "điều tra" về vụ này.

Chính các cơ quan này là nơi kích động, tạo sự nghi ngờ trong nhân dân. Có nơi còn so sánh hai thái độ của người Công giáo và Phật giáo để rồi hàm ý rằng người Công giáo đang được dẫn đầu bởi các tu sĩ xem thường pháp luật.

Có tờ báo còn mạnh miệng cáo buộc Giám mục Nguyễn Thái Hợp là thúc giục và bao che giáo dân làm loạn.

Thứ ba, cơ quan đáng bị đem ra xét xử là Ban Tôn giáo nhà nước các cấp từ huyện Nghi Phương tới tỉnh Nghệ An và cuối cùng là UBTG trung ương, nơi luôn có danh xưng là kết nối và vận động sự đoàn kết giữa các tôn giáo và chính phủ.

Ủy ban này không kết nối mà áp dụng chính sách chặt đứt, băn vằm sự đoàn kết cần có.

Rồi sau cùng mới tới các giáo dân Mỹ Yên, những người bao vây trụ sở, bắt ông Chủ tịch xã cũng như yêu sách thả hai người mà họ gọi là bị bắt cóc bởi công an Nghệ An.

Tuy nhiên vụ Mỹ Yên không thể bỏ qua một khía cạnh khác mà cốt lõi của nó dính tới cả một âm mưu to lớn: vừa tấn công, đàn áp giáo dân kể cả tu sĩ cao cấp của Công giáo vừa đạp đổ niềm tin của thế giới đặt vào Việt Nam mặc dù rất yếu ớt: Tự do tôn giáo và nhân quyền.

Ai là người viết kịch bản, giật dây, ngụy tạo chứng cứ và lu loa trên mọi phương tiện truyền thông phải tìm cho ra vì đây là mầm mống diễn biến hòa bình rất rõ trong nội tình đảng cộng sản Việt Nam.

Khi chưa biết ai là thủ phạm đạp đổ giấc mộng TPP cùng sự trở về với Mỹ thì mọi cáo buộc đều trúng bẫy của thế lực thù địch này, kể cả khi báo VietnamNet cho là từ Việt Tân mà ra.

Không lẽ Việt Tân ba đầu sáu tay đến thế hay sao? chỉ vài tên côn đồ do họ thuê (giả định) mà có thể làm rúng động cả một tôn giáo lớn thuộc hàng thứ hai tại Việt Nam đến nỗi hàng chục giáo xứ trong Nam ngoài Ngoài Bắc phải tập trung nhau lại để mà cầu nguyện cho Mỹ Yên?

Tình báo Việt Nam vốn được ca ngợi là siêu đẳng không lẽ bó tay trước vụ này?

Mỹ Yên, phải khởi tố ai trước? Reviewed by Unknown on 9/10/2013 Rating: 5 Cánh Cò, RFA - 9.9.2013: "Không đâu như Việt Nam, nơi có thánh tử đạo nhiều nhất thế giới!" Đó là câu mỉa mai mà tôi đã từng ...

Không có nhận xét nào: