VRNs - 05.09.2013: Ngày 28.08.2013, ông Nguyễn Thành Cam, Phó giám đốc Sở nội vụ tỉnh Gia Lai đã gởi văn thư số 184/SNV-BTG than phiền việc các linh mục tu sĩ không tham dự buổi phổ biến Nghị định 92 đúng vào ngày lễ trọng của đạo Công giáo.
Văn thư viết: “Ngày 15.08.2013, Sở nội vụ tỉnh Gia Lai đã tổ chức phổ biến chủ trương của đảng về tôn giáo và Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo cho 96 linh mục tu sĩ đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, số linh mục tu sĩ đến tham dự Hội nghị chỉ có 31 người”.
Sau đó, ông Cam đề nghị Tòa giám mục nhắc nhở các linh mục tu sĩ về vấn đề này. Cho đến nay (sau một tuần, Tòa giám mục chưa có phản ứng gì, ngoài việc phổ biến cho các linh mục miền Pleiku biết có văn thư này).
Một giáo dân ở Gia Lai phản ứng: “Hàng năm bắt các cha phải đăng ký chương trình lễ, các cha đăng ký và đưa cả lịch Công giáo cho biết, vậy mà vẫn tổ chức hội họp với linh mục tu sĩ vào ngày lễ trọng. Việc làm này nghĩa là sao?”
Theo lịch Công giáo, ngày 15.08 là ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác về trời, bậc lễ là Lễ Trọng, lễ Họ. Với bậc lễ trọng này, tất cả các giáo dân trong ngày đó, trừ trường hợp bị ngăn trở chính đáng, phải tham dự thánh lễ. Còn các linh mục thì buộc phải dâng lễ cho các giáo dân có thể tham dự.
Tại giáo phận Kontum, miền Pleiku, các linh mục phải quản nhiệm ít là 5 nhà nguyện, nhiều lên tới 20 điểm cử hành phụng vụ cho dân. Trong ngày lễ trọng như thế mà chính quyền tổ chức họp các linh mục tu sĩ thì có phải là biện pháp ngăn chặn hoạt động tôn giáo hợp pháp của các chức sắc tôn giáo không – người giáo dân này đặt vấn đề.
Vị giáo dân này nói: “Thay vì viết văn thư xin lỗi, vì đã không theo dõi lịch sinh hoạt của đạo Công giáo, nên đã gây phiên toái cho quý chức sắc, thì ông Cam lại tỏ ra quyền lực và khôn ngoan lên lớp khuyên răn và đe dọa”.
Trong những năm vừa qua, việc vi phạm tự do tôn giáo tại tỉnh Gia Lai là một hiện tượng đáng chú ý như nhà nguyện của người bệnh phong tại làng Kon Thup bị xóa bỏ, mục sư Nguyễn Công Chính bị bỏ tù vì truyền đạo …
Liệu ông phó giám đốc Sở nội vụ tỉnh Gia Lai có lạm quyền, vi phạm tự do tôn giáo khi ép buộc các chức sắc phải đến nghe ông giảng dạy về “chủ trương của đảng về tôn giáo và Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo”?
Ngoài ra, việc đăng ký hoạt động tôn giáo hàng năm theo quy định của Nghị định 92 cũng tỏ ra vi phạm Hiến pháp về tự do tôn giáo. Công dân có quyền tự do theo và tự do không theo một tôn giáo nào đó. Trong khi đó, bản đăng ký buộc các linh mục phải đăng ký cho biết trong năm làm những lễ nào, mỗi lễ ai chủ tế, và đặc biệt có bao nhiêu người tham dự.
Đây là những quy định nhằm đe dọa quyền tự do tôn giáo. Một linh mục ở Sài Gòn cho biết: “Là linh mục chúng tôi chỉ được khuyến khích giáo dân đi lễ, chứ cũng không được quyền ép giáo dân đi lễ, vậy thì làm sao có thể bắt họ đăng ký để có số người đi lễ mà ghi vào bản đăng ký của nhà nước yêu cầu?”
Một lần nữa, Nghị định 92 bộc lộ một đường lối hạn chế tự do tôn giáo, mà Bộ ngoại giao VN liên tục chối bỏ trước các diễn đàn quốc tế.
PV. VRNs
Không có nhận xét nào: