Thông điệp của ĐGH Phanxicô gửi Tổng Thống Putin - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
7 tháng 9, 2013

Thông điệp của ĐGH Phanxicô gửi Tổng Thống Putin

Rôma – 05/09/2013: Thông điệp của ĐGH Phanxicô gửi Tổng Thống Putin: Không có hòa bình, sẽ không có phát triển kinh tế . “Không có hòa bình, sẽ không có bất cứ hình thức phát triển kinh tế nào. Bạo lực không bao giờ sinh ra hòa bình, điều kiện cần thiết cho phát triển”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thông báo và yêu cầu Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 trước hết là các quốc gia hãy từ bỏ một sự can thiệp quân sự tại Syria. Tiếp đó, mong rằng những thương thảo được sự “đồng thuận” ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Sau cùng, đòi hỏi thứ ba ; đó là giúp đỡ nhân đạo.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một bức thư, bằng tiếng Anh, đề ngày 04/09/2013, cho Tổng Thống Liên Bang Nga, Vladimir Putin nhân dịp Hội Nghị Thượng Đỉnh “Nhóm G20″ khai mạc vào ngày thứ năm 05/09/2013 tại Saint-Pétersbourg (Nga).

Thư của Đức Thánh Cha gửi Ngài Vladimir Putin, Tổng Thống Liên Bang Nga: Không có hòa bình, sẽ không có phát triển kinh tế

Năm nay, ngài đã có vinh dự và trách nhiệm chủ tọa Nhóm Hai Mươi nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tôi biết rằng Liên Bang Nga đã tham gia vào nhóm này từ lúc mới thành lập, và Liên Bang Nga đã luôn có vai trò tích cực cho việc thăng tiến một nền quản trị tốt đẹp tài chánh thế giới, đã bị tổn thương bởi cuộc khủng hoảng năm 2008.

Trong bối cảnh hiện tại với sự phụ thuôc lẫn nhau, một khung cảnh tài chánh thế giới với những quy tắc riêng, chính đáng và minh bạch rất là cần thiết để đạt tới một thế giới công bằng hơn, có tình huynh đệ hơn, nơi có thể chiến thắng nạn đói, có thể đảm bảo cho tất cả mọi người một việc làm tử tế và một chỗ ở, cũng như những săn sóc sức khỏe cơ bản.

Quyền Chủ Tịch Nhóm G20 của ngài năm nay đã cam kết củng cố việc canh tân các tổ chức tài chánh quốc tế và đạt được một sự đồng thuận trên những tiêu chuẩn tài chánh phù hợp với các tình huống của ngày hôm nay.

Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới sẽ chỉ phát triển được nếu nó mang lại một lối sống xứng đáng cho tất cả mọi con người, từ người già nhất đến đứa trẻ sơ sinh, không chỉ cho công dân của các quốc gia thành viên Nhóm G20, mà cho mỗi cư dân trên trái đất, kể cả những người đang ở trong tình trạng xã hội khốn cùng hay ở những vùng hẻo lánh nhất.

Từ lập trường này, rõ ràng là, đối với các dân tộc trên thế giới, các cuộc xung đột võ trang luôn là một sự cố ý chối bỏ sự hài hòa quốc tế, rõ ràng là chúng tạo ra những chia rẽ sâu sắc và những vết thương há miệng, cần phải rất nhiền năm mới hàn gắn được.

Các cuộc chiến tranh là một sự từ chối cụ thể việc đeo đuổi những mục tiêu kinh tế và xã hội lớn lao mà cộng đồng quốc tế đã vạch ra, chẳng hạn những Mục Tiêu phát triển Thiên Niên Kỷ.

Khốn nỗi, nhiều cuộc xung đột vũ trang, ngày hôm nay, vẫn tiếp tục tác hại trên thế giới và cho chúng ta thấy mỗi ngày những hình ảnh thảm khốc của tai họa, đói khát, bệnh tật, và chết chóc. Không có hòa bình, không thể có bất cứ một hình thức phát triển kinh tế nào cả. Bạo lực không bao giờ sinh ra hòa bình, vốn là điều kiện cần thiết cho phát triển.

Cuộc gặp gỡ giữa các vị Nguyên Thủ quốc gia và các Thủ Tướng chính phủ của 20 nền Kinh Tế giầu mạnh nhất – với hai phần ba dân số, và 90% tổng sản lượng của thế giới – không nhằm mục đích chính là sự ổn định thế giới. Dù vậy, cuộc hội nghị cũng chắc chắn sẽ không quên tình hình ở Trung Đông và đặc biệt là tình hình tại Syria. Rất tiếc là, từ đầu cuộc xung đột tại Syria, quyền lợi của các phe phái đã chiếm vị thế tối thượng và vì thế chúng đã ngăn cản sự tìm kiếm một giải pháp có thể tránh được cuộc tàn sát điên cuồng đang diễn ra hiện nay.

Các vị lãnh đạo nhóm G20 không thể dửng dưng trước tình trạng thảm khốc của dân tộc Syria thân yêu, đã chịu đựng quá lâu và có nguy cơ mang lại đau khổ to lớn hơn nữa cho một vùng đất, từng bị cay đắng dày vỏ bởi các cuộc xung đột và đang cần có hòa bình. Tôi xin gửi tới các vị lãnh đạo hiện diện, tới từng vị một, một lời kêu gọi chân thành để các ngài đóng góp vào việc tìm ra những phương tiện vượt qua những lập trường tranh chấp, và gạt ra một bên việc tiếp tục phù phiếm giải pháp quân sự. Thay vào đó, mong rằng sẽ có một sự tham gia tìm kiếm, với lòng can đảm và kiên quyết, một giải pháp hòa bình qua đối thoại và thương thuyết của các phe liên hệ, với sự ủng hộ đồng thuận của Cộng Đồng thế giới.

Hơn nữa, tất cả các chính phủ đều có bổn phận đạo đức tận lực đảm bảo một sự siúp đỡ nhân đạo cho những người đang đau khổ vì cuộc chiến, cả ở bên trong và bên ngoài biên giới quốc gia của mình.

Thưa ông Chủ Tịch, trong niềm hy vọng rằng những suy nghĩ này là một đóng góp tinh thần hữu ích cho hội nghị của ngài, tôi cầu nguyện cho sự thành công các công việc của G20 trong dịp này. Tôi khẩn cầu phép lành dồi dào đổ xuống Hội Nghị Thượng Đỉnh Saint Petersbourg, trên các tham dự viên và trên công dân các quốc gia thành viên, và trên công việc và nỗ lực của nhiệm ký Chủ Tịch G20 của Nga trong năm 2013.

Trong khi xin ngài cầu nguyện cho tôi, tôi xin nắm cơ hội này để đoan chắc với ngai, thưa Ông Chủ Tịch, lòng kinh trọng của tôi.

Vatican, ngày 04 tháng 09 năm 2013
ĐTC. Phanxicô

Mạc Khải (GHXHCG) dịch từ bản Pháp ngữ La message du pape François au président Poutine

Thông điệp của ĐGH Phanxicô gửi Tổng Thống Putin Reviewed by Unknown on 9/07/2013 Rating: 5 Rôma – 05/09/2013: Thông điệp của ĐGH Phanxicô gửi Tổng Thống Putin: Không có hòa bình, sẽ không có phát triển kinh tế . “Không có hòa bì...

Không có nhận xét nào: