RFA - 10.10.2013: Ngày 8/10 năm nhân viên công lực tại
tỉnh Hòa Bình bị người dân bắt trói. Việc người dân dùng bạo lực đối đầu
với chính quyền và với nhau đã trở nên phổ biến tại Việt Nam.
Một xã hội đầy bạo lực...
Báo chí Việt Nam đưa tin là vào ngày 8/10 rằng, năm công an của tỉnh Hòa Bình bị dân làng ở xã Kim Bôi bắt trói và giữ trong nhà văn hóa của xóm Bôi Câu trong gần ba giờ đồng hồ. Nguồn cơn của sự việc là ngày hôm trước, dân làng đã vây bắt những người đào đãi vàng gây ô nhiễm môi trường, mà việc này đã kéo dài rất lâu trước đó, cho nên sau khi lực lượng chức năng xuống khu vực xảy ra sự việc thì dân làng đã bắt giữ những viên công an này nhằm làm áp lực để cơ quan công quyền giải quyết những chuyện lộn xộn về đào đãi vàng ở địa phương của họ.
Báo chí Việt Nam đưa tin là vào ngày 8/10 rằng, năm công an của tỉnh Hòa Bình bị dân làng ở xã Kim Bôi bắt trói và giữ trong nhà văn hóa của xóm Bôi Câu trong gần ba giờ đồng hồ. Nguồn cơn của sự việc là ngày hôm trước, dân làng đã vây bắt những người đào đãi vàng gây ô nhiễm môi trường, mà việc này đã kéo dài rất lâu trước đó, cho nên sau khi lực lượng chức năng xuống khu vực xảy ra sự việc thì dân làng đã bắt giữ những viên công an này nhằm làm áp lực để cơ quan công quyền giải quyết những chuyện lộn xộn về đào đãi vàng ở địa phương của họ.
Bắt giữ người đã là phạm pháp, đằng này lại còn bắt giữ nhân viên công lực. Tại sao người dân lại thực hiện một hành động như thế?
Nhà Văn Đại tá Phạm Đình Trọng, người gần đây có những phát biểu phản đối những sự bất hợp lý trong cơ chế quyền lực hiện tại và về sự lạm quyền thời nhân văn giai phẩm, nói với chúng tôi:
“Chính quyền người ta làm những việc chống lại nhân dân cho nên nhân dân người ta bức xúc dồn nén nhiều rồi. Ví dụ như ở Văn Giang đấy, bây giờ người ta phải ra đồng giữ đất, cái sự dồn nén của người dân đến từ nhiều chuyện khác nữa anh ạ.
Cái này nó báo động một sự việc nghiêm trọng, đó là một xã hội bạo lực. Một xã hội bạo lực đang thắng thế và cái sự thắng thế này nó bắt đầu từ chính quyền. Chính quyền sử dụng bạo lực với dân, chính quyền đạp lên pháp luật. Pháp luật đó không có tác dụng, bây giờ người ta noi gương chính quyền mà sử dụng bạo lực. Chính quyền dùng bạo lực với dân quá phổ biến và trở thành bình thường. Việc đó trở thành một khuôn mẫu ứng xử của xã hội thì bây giờ người dân người ta cũng ứng xử như thế thôi.
Một điều hết sức nguy hiểm là cái xã hội Việt nam Văn hiến không còn cư xử với nhau theo đạo lý nữa.”
Theo lý thuyết đấu tranh giai cấp của đảng cộng sản thì lực lượng an ninh nói riêng và các lực lượng vũ trang nói chung là công cụ trấn áp để chống lại các lực lượng giai cấp khác ngoài giai cấp công nông của đảng cộng sản. Tuy vậy, khi lên cầm quyền, và nhất là khi đảng công nông chấp nhận nền kinh tế tư bản, được cho là có bóc lột, thì dường như thành phần công nông, tức là nông dân và công nhân lại thường xuyên là đối tượng trấn áp của các công cụ vũ trang của đảng cộng sản.
Việc trấn áp này đặc biệt xảy ra thường xuyên nhằm vào những nông dân bị mất đất trong thời gian nhiều năm qua, như trường hợp nông dân ở Văn giang mà Đại tá Trọng đề cập. Bạo lực đã bùng nổ chống lại cơ quan công quyền trong thời gian qua với đỉnh điểm là một người dân ở Thái Bình dùng súng bắn chết cán bộ địa chính.
Một nông dân ở Văn Giang đã nói với đài Á châu tự do như sau về tình thế của họ hiện nay,
“Dân bị đẩy vào ngõ cụt rồi. Phía bên họ dựa vào chính quyền để đàn áp dân, ‘tức nước vỡ bờ’ thì phải quyết chiến, người dân đã đến đường cùng, chả còn cách nào khác.”
... và vô cảm
Ngoài những xung đột với cơ quan công quyền một cách trực diện, người dân đã dùng bạo lực để đối với nhau mà không cần đến pháp luật. Trong sự việc mà chúng tôi nêu lên ở xã Kim Bôi kể trên, người dân đã đứng ra vây bắt những người đãi vàng trộm. Những vụ dân làng đánh chết những kẻ ăn trộm chó trong những năm qua thậm chí đã được các hãng thông tấn nước ngoài đưa tin. Mà người dân không cảm thấy mình phạm pháp, họ điềm nhiên đứng ra ký nhận việc đánh chết kẻ trộm, và chính quyền cũng không thể làm gì được.
Lý thuyết bạo lực cách mạng cùng với đấu tranh giai cấp là xương sống của các chế độ cộng sản, và được dạy cho trẻ em trong nhà trường phổ thông. Nhà văn Tạ Duy Anh có lần phát biểu với một hãng tin nước ngoài: "chúng tôi được giáo dục để tiến thẳng thành quỷ sứ.”
Những ý niệm trừu tượng về giai cấp và kinh tế chính trị thì không rõ được người dân hiểu như thế nào và được thể hiện như ra sao trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước Việt Nam ngày nay, nhưng bạo lực thì đã thấy rất rõ, và cách mạng, theo ý nghĩa tốt đẹp của từ này, thì dường như không thấy đâu.
Khi được hỏi về nguyên nhân của mô hình bạo lực trong xã hội và rằng liệu có giải quyết nào để giải quyết được điều đó, nhà văn Đại tá Phạm Đình Trọng nói tiếp,
“Một xã hội mà nó duy trì một điều bất hợp lý là một đảng cầm quyền dùng bạo lực thì không thể thay đổi được. Tức là đảng, chính quyền hiện nay tồn tại bằng bạo lực với dân, thế thì chính quyền tồn tại bằng bạo lực thì xã hội nó tồn tại bằng bạo lực thôi.”
Nhưng việc tồn tại duy nhất một đảng cầm quyền lại được khẳng định bởi các nhà lãnh đạo hiện nay. Như cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đã từng khẳng định rằng việc xóa bỏ điều bốn của Hiến pháp qui định sự độc tôn cầm quyền của đảng cộng sản là tự sát. Ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim tổng bí thư đảng cầm quyền gần đây tuyên bố rằng cương lĩnh đảng đứng trước Hiến pháp, bộ luật gốc của quốc gia.
Khi chúng tôi đang viết những dòng này thì nhiều nông dân làng Trịnh Nguyễn, nơi cơ quan công quyền và nông dân đối đầu nhau lâu nay về đất đai, đã bị bắt cóc trên đường đi một cách xuất kỳ bất ý. Có vẻ như một trận đánh thắng lợi nữa của công an và của bạo lực cách mạng lại đang diễn ra như cách đây vài năm Đại tá Nguyễn Hữu Ca tuyên bố một trận đánh đẹp khi tấn công vào khu vực nuôi tôm của nông dân Đoàn Văn Vươn.
Lại bạo lực và bạo lực. Liệu một nhà nước pháp quyền mà đảng tuyên bố hướng tới lâu nay có thành hiện thực hay lại trở thành một xã hội kiểu Lương Sơn Bạc?
Không có nhận xét nào: