Hiến Pháp Mới: Lãng Nhách – Giáo Điều – Lạc Hậu - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
26 tháng 10, 2013

Hiến Pháp Mới: Lãng Nhách – Giáo Điều – Lạc Hậu

VRNs - 25.10.2013: Quôc Hội Cộng sản Việt Nam dự kiến biểu quyết Hiến pháp sửa đổi 1992 vào ngày 28/11, sau 2 đợt “được gọi là lấy ý kiến tòan dân” từ 2/1 đến 30/9/2013, 2 kỳ họp Quốc hội và hàng chục hội nghị, hội thảo, tọa đàm từ trung ương xuống địa phương tốn phí không biết bao nhiêu tiền của dân.

Tuy nhiên tất cả những kỳ vọng vào một thời cơ vàng cho đất nước thăng hoa, dân trí mở mang tiến lên cùng các dân tộc văn minh đã tiêu tan trong chớp mắt, bị chết non ngay khi chưa thành hình bởi một thiểu số lãnh đạo bảo thủ, có quyền sinh sát tuyệt đối và tham vọng quyền bính do Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cầm đầu.

Hiến pháp mới vẫn có 11 chương nhưng chỉ còn lại 120 điều, thay vì 124 so với dự thảo ban đầu.

Về cơ bản, đảng Cộng sản đã thành công “hiến pháp hóa” Cương lĩnh “XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (BỔ SUNG, PHÁT TRIỂN NĂM 2011)”, căn cứ theo báo cáo của ông Nguyễn Sinh Hùng gửi các Đại biểu Quốc hội: “Dự thảo trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992”.

Tuy nhiên ông Chủ tịch Quốc hội đã nói “qúa lời” khi cho rằng những chỉnh sửa đã “phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân”. Đúng ra ông phải thêm cụm từ “theo đảng” sau “nhân dân” thì mới đúng sự thật. Bởi vì ông đã bỏ quên hàng trăm ngàn (nếu không phải là con số triệu) “ý kiến trái chiều” gửi về Ủy ban Sọan thảo hay được trình bầy hàng hà sa số trên các diễn đàn không thuộc nhà nước (hay còn được gọi là các báo Lề Dân) không được ông công bố cho dân biềt.

Ông Hùng cũng quên luôn những “kiến nghị” không chấp nhận quyền lãnh đạo tuyệt đối và vĩnh viễn của của đảng CSVN do hàng triệu người dân là Trí thức (Kiến nghị 72), tín đồ Công giáo, Phật giáo (Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất), Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Tin Lành, các Công dân tự do đã gửi về Ủy ban và Quốc hội.

Hơn nữa, khi Hiến pháp là bộ luật cao nhất của tòan dân mà chỉ nhằm “bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và các Nghị quyết, kết luận của Trung ương đảng và Bộ Chính trị thì nó là của riêng đảng và để phục vụ cho quyền lợi của các phe nhóm trong đảng, không còn là của dân và vì dân nữa.

Mặt khác, khi Hiến pháp mới vẫn còn “nặng mùi” phân chia giai cấp theo lề lối Cộng sản như viết trong khòan 2 Điều 2: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” là không thành khẩn với 3 thành phần bị “thiệt thòi nhất” trong xã hội.

Từ bao nhiêu năm rồi mà những người sọan thảo Hiến pháp mới vẫn chưa thành tâm nhìn nhận đảng đã lợi dụng và bóc lột sức lao động đến tận xương tủy của công nhân, nông dân và trí thức để nuôi béo một thiểu số lãnh đạo?

Đã có bao giờ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải chịu bữa no, bữa đói như 3 thành phần bất hạnh này của xã hội chưa mà ông lại bảo rằng: “Quy định như vậy là phù hợp với Cương lĩnh và các văn kiện chính trị khác của Đảng khi xác định bản chất giai cấp của Nhà nước ta”?

Vậy ra đói, no mặc ai, miễn là ta cứ “kiên định” như thế cho “ăn khớp” với nhau trong chuỗi giây xích cần quyền từ đảng sang Hiến pháp?

Viết và chủ trương như thế còn là “kỳ thị” vì không phải tất cả ngót 90 triệu người dân Việt Nam đều nằm trong 3 thành phần này. Có bao nhiêu chục triệu người miền Nam “thua trận” đã không tìm được công ăn việc làm và con em họ đã bị lọai ra khỏi tất cả các thang bậc trong xã hội? Có bao nhiêu triệu nông dân không có ruộng cầy và bao nhiêu triệu người dân không có công ăn việc làm thì sẽ được đảng cho nằm chỗ nào trong Hiến pháp mới?

TỪ ĐIỀU 4 ĐẾN CƯƠNG LĨNH

Chủ tịch Ủy ban sọan thảo Nguyễn Sinh Hùng cũng báo cáo rằng: “Qua tổng hợp ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho thấy, tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân và các đại biểu Quốc hội tán thành việc khẳng định trong Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng và những nội dung thể hiện tại Điều 4 của Dự thảo.”

(1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”)

Một lần nữa, ông Hùng không nói đúng sự thật vì ông không trưng được bằng cớ bằng con số để chứng minh đã có “tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân” tán thành việc ghi quyền lãnh đạo tuyệt đối và đương nhiên của đảng trong Hiến pháp.

Nếu không phải là “tự biên, tự diễn” thì làm sao người dân nước ngòai không khỏi thắc mắc và nghi vấn: Bằng cách nào mà đảng CSVN được lãnh đạo mà không phải qua bầu cử?

Nhưng Ông Hùng đã giải thích êm ru như thế này với các Đại biểu: “Ủy ban DTSĐHP nhận thấy rằng, quy định về Đảng trong Dự thảo Hiến pháp lần này đã thể hiện đầy đủ những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011). Đó là: Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; bản chất giai cấp của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc; trách nhiệm của Đảng là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự tiếp tục kế thừa các bản Hiến pháp trước đây của nước ta (Hiến pháp 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001)); phù hợp với truyền thống lịch sử của cách mạng Việt Nam, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước”.
Nói như thế là “rập khuôn như máy nói” phát ra từ nội dung Cương lĩnh “XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (BỔ SUNG, PHÁT TRIỂN NĂM 2011)”.

Hãy đọc trong Cương lĩnh xem có khác gì với nội dung Hiến pháp:

“Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo…”


“Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”.


“Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội…. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.


VẪN MUỐN CHỦ ĐẠO KINH TẾ

Về chủ trương kinh tế “giở giăng giở đèn” lập lờ “cáo mặc áo mèo” “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tưởng như đã hy vọng sẽ có cơ hội vươn lên khi hết còn Nhà nước “chủ đạo”. Nào ngờ, sau Kỳ họp thứ 5 và ít nhất 3 lần sửa đổi, ý tưởng ban đầu bị “ai đó” quay ngược cổ “không cho đổi mới” nữa.

Lý do nhiều Đại biểu Quốc hội và giới kinh tế, chuyên gia chống “kinh tế nhà nước chủ đạo” vì thực tế đã chứng minh hầu hết các Doanh nghiệp nhà nước, đấu tầu của kinh tế chính phủ, đều làm ăn thua lỗ, nợ chồng chất và là nguyên nhân kìm hãm phát triển, mặc dù đã được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi của nhà nước để cạnh tranh bất chính với các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngòai. Bằng chứng điển hình như hai Tổng công ty Vinashin và Vinalines đã làm thiệt hại nhiều trăm ngàn tỷ bạc đến nay vẫn chưa trả hết nợ.

Đó đó, giới Kinh tế và nhiều Đại biểu Quốc hội đã tán thành nội dung ghi trong Điều 54 của “Dự thảo nguyên thủy” viết rằng:

“1. “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.”


Nhưng đến kỳ họp 6, khai mạc hôm 21/10 (2013) thì Ban sọan thảo lại “quay ngược kim đồng hồ” để trở lại với tư duy kinh tế “cực kỳ bảo thủ” khi đệ trình Bản sửa đổi với Điều 51 mới viết nguyên văn:

1. “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể hoạt động kinh tế thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.

Chủ tịch Ủy ban sọan thảo Nguyễn Sinh Hùng giải thích sự thay đổi này: “Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, trong nền kinh tế thị trường ở nước ta thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng. Quy định như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”.

Trước đó vào sáng ngày 28-9 (2013), theo báo Tuổi Trẻ thì trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (TP Hà Nội), ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Tuyệt đại đa số đang tán thành với phương án khẳng định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, vì chúng ta đang xây dựng CNXH, kinh tế nhà nước đang có yếu kém, đang có “bệnh tật” nhưng không phải là chủ đạo thì sẽ ra sao?”

Không biết ý kiến của ông Trọng đã ảnh hưởng đến Ủy ban sọan thảo Hiến pháp ra sao, nhưng điều 51 (mới) đã phản ảnh đúng ý nghĩ của ông ta !

Điều này cũng đã phản ảnh đúng như nội dung của bản Cương Lĩnh, theo đó: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Các yếu tố thị trường được tạo lập đồng bộ, các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển, vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tuy nhiên, khi quyết định viết trong Hiến pháp rõ ràng kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì từ ông Trọng đến ông Hùng và cả 498 Đại biểu Quốc hội còn lại của Quốc hội đã biết là Việt Nam sẽ “không được Mỹ” và các nước khác nhìn nhận có “nền kinh tế thị trường”, như Việt Nam vẫn mong được Hoa Thịnh Đốn và các nước khác công nhận.

Và chừng nào Việt Nam chưa được nhìn nhận có “nền kinh tế thị trường”, tức là chưa hội đủ các điều kiện và tiêu chuẩn có “kinh tế tự do, bình đẳng và công bằng” theo các quy định của Quốc tế thì chừng đó kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trên thị trường cạnh tranh với các nước khác.

Để cho khối Doanh nghiệp nhà nước tiếp tục giữ vai “chủ đạo” nền kinh tế thì hàng hoá Việt Nam còn tiếp tục chịu thiệt về chế độ thuế khoá khi xuất khẩu.

Việt Nam cũng sẽ gặp không ít trở ngại để được cứu xét cho gia nhập Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership,TPP) đang thương thuyết với Hoa Kỳ và một số các nước có nền kinh tế tự do vì qúa khứ “làm ăn bất bình đẳng” của các Doanh nghiệp nhà nước, mũi nhọn của nền kinh tế “chủ đạo” của Việt Nam đã chứng minh đi ngược lại các định hướng của TPP.

Nhưng nếu chỉ vì “trung thành” với lý tưởng Cộng sản trá hình “xã hội chủ nghĩa” để kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin đến cuối đời cho “đẹp lòng” nhau thì Hiến Pháp mới sẽ rất lãng nhách, giáo điều và lạc hậu.

Nếu đem cả ba “cái ung” này cộng lại thì sẽ tìm thấy trong lời giải trình của Ủy ban sọan thảo lý do tại sao Quốc hội không muốn thấy sự hình thành của một Hội đồng Hiến pháp bên cạnh cơ quan lập pháp.

Ông Nguyễn Sinh Hùng nói: “Tại Kỳ họp thứ 5, kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu thì bên cạnh các ý kiến tán thành với phương án 2 thành lập Hội đồng Hiến pháp , đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 là tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành mà không thành lập Hội đồng Hiến pháp.

Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo”.


Cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành của Việt Nam nằm trong tay Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước.

Trong các cuộc thảo luận, nhiều trí thức và chuyên gia Hiến pháp nhiệt liệt ủng hộ việc thành lập Hội đồng Hiến pháp vì cơ quan này, khi được hoạt động độc lập và có thực quyền với các chuyên viên Luật pháp và Hiến pháp, sẽ giúp cho việc thì hành Hiến pháp hòan chỉnh hơn và ngăn chặn được tình trạng vi phạm và lạm dụng Hiến pháp của các thế lực chính trị.

Giờ đây, theo đề nghị của Ủy ban sọan thảo, Hội đồng Hiến pháp không còn được viết vào Hiến pháp mới để cho Quốc hội và Nhà nước tiếp tục “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong việc chấp hành bộ Luật cao nhất của quốc gia thì tương lai chắc chắn sẽ bi hài hơn nhiều.

Phạm Trần
Hiến Pháp Mới: Lãng Nhách – Giáo Điều – Lạc Hậu Reviewed by Unknown on 10/26/2013 Rating: 5 VRNs - 25.10.2013: Quôc Hội Cộng sản Việt Nam dự kiến biểu quyết Hiến pháp sửa đổi 1992 vào ngày 28/11, sau 2 đợt “được gọi là lấy ý kiến ...

Không có nhận xét nào: