Làm Thất Bại Chiến Lược "Diễn Biến Hòa Bình": Một Nghịch Lý Cần Tự Vấn - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 11, 2013

Làm Thất Bại Chiến Lược "Diễn Biến Hòa Bình": Một Nghịch Lý Cần Tự Vấn

Dân Luận: Bài báo nghe có vẻ khách quan :D Nhưng nếu ai đó đặt câu hỏi ngược lại là tại sao chính quyền Việt Nam không dám để cho một tờ báo lề trái độc lập hoạt động ở Việt Nam để tạo ra tranh luận và loại bỏ những ý kiến cực đoan ở trong nước thì báo Quân Đội Nhân Dân trả lời sao?

Cách đây quãng 10 năm, trong cộng đồng người Việt tại Mỹ bất ngờ xuất hiện một “tiếng nói lạc lõng” khi dám đưa những tin tức xác thực về tình hình Việt Nam giữa một cộng đồng còn mang nặng tư tưởng hận thù chính trị và suy nghĩ cực đoan về đất nước. Đến nay thì những tiếng nói tích cực như vậy đã không còn lạc lõng, góp phần tạo ra thay đổi trong cách tư duy của một bộ phận cộng đồng người Việt hải ngoại. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với những người dám nói lên tiếng nói ấy - Chủ nhiệm (CN) tuần báo hải ngoại Vietweekly Lê Vũ và Tổng thư ký tòa  soạn (TTKTS) Etcetera Nguyễn.
Chủ nhiệm tuần báo hải ngoại Vietweekly Lê Vũ

Sự lựa chọn "liều lĩnh"!

Phóng viên (PV): Được biết Vietweekly đang xúc tiến các thủ tục để mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Xin cho biết vì sao Vietweekly lại đi tiên phong trong việc này vì đến nay chưa có tờ báo hải ngoại nào mở văn phòng đại diện tại Việt Nam?

CN Lê Vũ: Lý do chính là chúng tôi muốn phục vụ nhu cầu của độc giả bên đó rất muốn tìm hiểu về tình hình thực tiễn của đất nước đang phát triển, đổi thay từng ngày, từng giờ, nhưng còn thiếu những thông tin khách quan. Chúng tôi cũng thấy rằng, cần thiết phải có sự tiếp cận nhiều hơn nữa giữa cộng đồng hải ngoại và trong nước, mà trước tiên cần phải thông qua báo chí truyền thông.

TTKTS Etcetera Nguyễn: Cách làm của chúng tôi lâu nay là chỉ đơn thuần trích đăng lại các tin tức về Việt Nam trên các báo mạng trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của độc giả. Những hình ảnh, đoạn video và bài viết của tôi sau chuyến trở về Việt Nam tác nghiệp lần đầu tiên vào năm 2006 khi Việt Nam đăng cai Hội nghị APEC và gần đây nhất là chuyến ra Trường Sa tác nghiệp của tôi đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng người Việt ở Mỹ nói chung cũng như ở Nam Ca-li-pho-ni-a, nơi đặt trụ sở của Vietweekly, nói riêng. Việc này khiến chúng tôi thấy cần phải có cách làm mới, đó là phải về tận nơi, quan sát tận mắt để phản ánh.

PV: Sự lựa chọn con đường đi ngay từ đầu của Vietweekly như vậy liệu có phải là "liều lĩnh" khi đối tượng phục vụ là cộng đồng còn mang tư tưởng bảo thủ, nhất là khoảng thời gian 10 năm trước đây?

CN Lê Vũ: Quả thực, nhìn vào cộng đồng người Việt bên đó, do thừa hưởng di sản nặng nề từ chiến tranh, mang nặng thiên kiến chính trị nên đã có thời kỳ gần như hoàn toàn không cho phép sự tồn tại của những tiếng nói khác biệt, có khuynh hướng tiếp cận thông tin trong nước như chúng tôi. Tôi cho đó là sự xung đột về tư tưởng, nhưng rất tiếc đã không diễn ra ở mức độ trao đổi, tranh luận văn minh mà xảy ra ở mức độ chống đối, biểu tình, triệt phá và gây tổn hại. Vietweekly đã phải chuyển một phần từ báo in sang báo điện tử để tiếp tục tồn tại vì mất nguồn thu từ quảng cáo địa phương do các thế lực cực đoan đe dọa các khách hàng quảng cáo của chúng tôi. Song khó khăn này đối với chúng tôi lại là cơ hội để chứng minh và thuyết phục cộng đồng rằng, con đường lựa chọn của chúng tôi là đúng đắn vì thực tế đang diễn ra cho thấy xu hướng sinh hoạt đa chiều, bao gồm tư tưởng phản biện là điều tốt cho cộng đồng. Tư tưởng bảo thủ chỉ gây thiệt hại cho cộng đồng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ có mối quan hệ ngày càng phát triển về mọi mặt. Nhiều bà con trong cộng đồng đã hiểu được giá trị đó và ủng hộ chúng tôi.

TTKTS Etcetera Nguyễn: Cách đây 10 năm, lựa chọn của Vietweekly quả là liều lĩnh. Nhưng thời gian đã chứng minh lựa chọn của chúng tôi là đúng đắn. Đất nước Việt Nam và cộng đồng bên đó cũng giống như phần gốc cây và ngọn cây cần phải được nối lại. Dù ra đi vì lý do này hay lý do khác nhưng sự liên kết nguồn cội thì không bao giờ đứt được. Nhất là khi đất nước đang đi theo một lộ trình phát triển hợp lý và ngày càng khẳng định được vị thế thì không có lý do gì mà cộng đồng lại tách ra, không trở về và góp phần vào nỗ lực phát triển chung ấy của đất nước.
Tổng thư ký tòa soạn Etcetera Nguyễn

Tiếng nói phản biện-“làn gió mới”

PV: Vậy “làn gió mới” ấy có tạo ra được điều gì khác biệt không?

CN Lê Vũ: Chúng tôi đã tạo ra được diễn đàn mở để bà con tham gia tranh luận về những vấn đề mà trước đây không hề được đề cập hoặc không dám nói tới. Một trong những đề tài được tranh luận nhiều là có nên mở rộng tư tưởng trong cộng đồng, cụ thể là có nên tiếp cận với thực tế Việt Nam nhiều hơn hay không. Lần đầu tiên họ thấy một tờ báo cởi mở như vậy trong cộng đồng và cảm nhận một không khí thoải mái hơn khi mọi người có thể thẳng thắn trao đổi nhiều vấn đề khác nhau, kể cả những đề tài tối kỵ. Họ cũng ngộ ra rằng, bấy lâu nay đang bị sống trong sự ngột ngạt, bị áp đặt về tư tưởng chính trị.

Chúng tôi nhận thấy rằng, từ khi có tiếng nói của Vietweekly, và sau này là một số cơ quan báo chí hải ngoại có cách tiếp cận trung thực, khách quan về tình hình Việt Nam, đã góp phần làm thay đổi về căn bản cách tư duy của cộng đồng người Việt bên đó. Ngay cả những người cực đoan cũng đã chấp nhận tiếng nói phản biện. Và ngày càng có nhiều người suy nghĩ và có tiếng nói phản biện hơn. Họ thấy được những người có ý kiến phản biện vẫn sống và sinh hoạt trong cộng đồng bình thường mà không gặp sự uy hiếp nào đáng kể. Chính điều này đã giúp một số người thoát khỏi cái vỏ thụ động, sợ hãi để tự tin hơn và bắt đầu nói những tiếng nói ngược lại và có cách nhìn xác thực hơn về tình hình trong nước.

PV: Các ông có lo ngại việc các đoàn thể chính trị cực đoan trong cộng đồng lợi dụng diễn đàn trên Vietweekly để phục vụ các mục đích riêng?

CN Lê Vũ: Chúng tôi chủ trương tạo diễn đàn cho mọi người tham gia, kể cả những người cực đoan hay ôn hòa… Tất nhiên trong đó có việc họ bày tỏ lập trường bảo thủ của mình. Nhưng tôi nghĩ tranh luận là phương pháp báo chí để làm sáng tỏ sự thật. Hiện tại, người dân ở hải ngoại đang sống trong một vòng mù mờ về thông tin do có nhiều nguồn tin mang tính tuyên truyền chính trị nhằm mục tiêu đả kích Việt Nam hơn là phục vụ nhu cầu thông tin trung thực của xã hội. Công cụ diễn đàn sẽ giúp cho mọi người chia sẻ và thấy rõ hơn về một Việt Nam đang phát triển hôm nay.

Vào năm 2007, có một cuộc biểu tình lớn chống Vietweekly của các thành phần cực đoan với lý do chúng tôi phỏng vấn Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết trong dịp ông công du nước Mỹ và viếng thăm quận Cam. Phản ứng trước các hành động chống đối việc làm của Vietweekly, tôi đã thách đấu một cuộc tranh luận trực tiếp phát thanh trên đài với người lãnh đạo cuộc biểu tình là ông Nguyễn Chí Thiện. Sau đó, tôi được biết nhiều người tham gia biểu tình chống đối Vietweekly đã bỏ cuộc vì cuộc tranh luận đã giúp họ hiểu công việc của chúng tôi đang làm là mang tính chất báo chí, cung cấp cho độc giả những thông tin trung thực, khách quan. Những cuộc tranh luận kiểu này trong cộng đồng đã làm cho xu hướng ôn hòa được phát triển hơn và thay thế xu thế cực đoan.

TTKTS Etcetera Nguyễn: Sự thật thì không ai có thể phủ nhận. Tôi đã về Việt Nam tác nghiệp như một phóng viên thường trực của Vietweekly 4 tháng qua. Những hình ảnh về đất nước, con người và xã hội Việt Nam sinh động, tươi mới và phát triển như ngày nay được chuyển tải qua trang báo của chúng tôi sẽ là những bằng chứng sống, tự nó có giá trị bác bỏ những suy nghĩ và hành động chưa đúng, xác thực về Việt Nam.

Với công cuộc Đổi mới ở Việt Nam - kết quả của tự do kinh doanh và hội nhập với thế giới đã làm sự tự do, quyền con người, và tinh thần dân chủ ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Khoảng cách khác biệt về ý thức hệ giữa cộng đồng hải ngoại và Việt Nam vì thế đã dần lu mờ. Tuy nhiên, các hội đoàn chính trị và làng báo hải ngoại đa số vẫn giữ hình thức chủ trương chống Việt Nam một cách cực đoan như cũ. Nhưng hình thức đó không còn mang tính đại diện cho tập thể cộng đồng nữa, vì sự chống đối Việt Nam đã giảm đi rất nhiều.

Nghịch lý “e dè và cởi mở”

PV: Về Việt Nam tác nghiệp đối với các ông là những trải nghiệm như thế nào?

CN Lê Vũ: Tôi không có cảm nhận rằng, Việt Nam là một đất nước đang có đàn áp tôn giáo và nhân quyền như nhiều nguồn tin từ hải ngoại. Trái lại, tôi thấy ở đất nước có thật nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn, có môi trường tác nghiệp tốt và đa dạng cho báo chí. Tôi có nghe sự than phiền về những nhũng nhiễu hành chính, nhưng theo tôi, đó không phải vấn đề nhân quyền mà là tất yếu khó tránh tại bất kỳ nước nào đang ở giai đoạn phát triển chuyển tiếp cũng vấp phải. Và sự thật là những tiếng nói phản biện trong nước ngày càng được xuất hiện và được lắng nghe hơn bao giờ hết. Tôi cho rằng, Việt Nam đang đi trên một lộ trình đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam. Điều này cần phải được nói ra để mọi người thông hiểu và chia sẻ.

TTKTS Etcetera Nguyễn: 4 tháng qua làm việc tại Việt Nam, tôi có cơ hội tự mình tìm hiểu, khám phá. Có cơ hội tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau từ các giới chức chính quyền đến người dân bình thường cũng như tìm hiểu nhiều vấn đề. Tôi rút ra được kết luận là cần phải quan sát, tìm hiểu cặn kẽ vấn đề, đưa nhiều ý kiến khác nhau để xem sự thật nằm ở đâu. Phần lớn những nhà báo và tổ chức chính trị trong cộng đồng thường quy chiếu dưới góc độ chính trị và quyền lợi. Họ có bao giờ về Việt Nam hay sống ở Việt Nam đâu. Nhân quyền, tự do, dân chủ là vấn đề dễ nói ra nhưng bản chất vấn đề cần phải xem xét và nhìn nhận cho đúng và khách quan.

Chuyến đi tác nghiệp ở Trường Sa năm 2012 thực sự đã để lại cho tôi nhiều xúc cảm. Ở hải ngoại có nhiều luồng thông tin, thậm chí tổ chức các hội thảo để quy chụp Việt Nam bán đất bán biển. Thời điểm đó, tình hình Biển Đông đang khá căng thẳng. Trước những luồng thông tin trái chiều, nhu cầu tìm hiểu sự thực trong cộng đồng là rất lớn. Việc Việt Nam tổ chức chuyến ra Trường Sa cho đoàn kiều bào, bao gồm đoàn nhà báo hải ngoại như chúng tôi cho thấy sự cởi mở và sẵn sàng mời các nhà báo độc lập về Việt Nam để tìm hiểu sự thực về vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Nhưng tiếc là một số nhà báo hải ngoại đến phút cuối lại từ chối tham gia chuyến ra Trường Sa.

PV: Theo các ông thì đâu là nguyên nhân khiến họ hành động như vậy?

TTKTS Etcetera Nguyễn: Trước sự thực không thể chối cãi, có lẽ vì họ lo ngại khi trở về sẽ phải đối phó với luồng dư luận đã xác quyết, giống như “bịt mắt” là Việt Nam đã bán đất bán biển. Cuộc triển lãm “Trường Sa trong mắt chúng tôi” mà chúng tôi tổ chức sau chuyến đi Trường Sa quả thực có sức thuyết phục. Những hình ảnh, bằng chứng xác thực về lịch sử, nỗ lực bảo vệ, gìn giữ hải đảo của những người lính Trường Sa… thực sự đã thúc đẩy lòng tự tôn dân tộc, vượt lên cả sự bất đồng chính kiến. Tới triển lãm, nhiều bà con đã bày tỏ thiện cảm trước nỗ lực rất lớn nhằm bảo vệ, gìn giữ chủ quyền biển, đảo của chính quyền Việt Nam.

Sự e dè đó cho thấy một nghịch lý cần phải tự vấn là những người làm báo tự do như họ vẫn tự nhận đang “đấu tranh” cho một mô hình xã hội mở, giờ lại sợ tiếp cận với một xã hội đang được mở ra. Và rõ ràng là xã hội Việt Nam ngày càng có xu hướng “mở” ra, trong khi cộng đồng hải ngoại ngày càng có dấu hiệu “đóng” lại, mặc dù cộng đồng hải ngoại là những người luôn chứng tỏ mình đang hành động cổ vũ cho một xã hội Việt Nam mở.


PV: Vietweekly có muốn chia sẻ điều gì với một số tờ báo hải ngoại đang rất muốn về Việt Nam tác nghiệp nhưng còn e dè, phân vân vì một số lý do?

TTKTS Etcetera Nguyễn: Tôi muốn nói rằng, không thể chỉ sống giữa một cộng đồng hạn hẹp cả về không gian và tư tưởng để làm công việc tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về hình ảnh quê hương, đất nước. Tôi cũng biết có những đồng nghiệp ở hải ngoại trở về Việt Nam tác nghiệp nhưng không dám công khai vì e ngại các lý do chính trị. Tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm rút ra sau 10 năm tồn tại và phát triển của Vietweekly, đó là nếu đi đúng đường, vì động cơ lành mạnh, trong sáng thì không lo gì không tồn tại. Thậm chí, càng đi càng phát hiện thấy sức mạnh ghê gớm và sức tác động của sự thật đối với xã hội, nhất là đối với một xã hội thu nhỏ như cộng đồng bên đó. Chúng tôi cũng không gặp trở ngại nào khi tác nghiệp tại Việt Nam, thậm chí còn được tạo những điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận các vấn đề như kinh tế, xã hội, tới mọi vùng sâu, vùng xa và biên cương, hải đảo, gặp gỡ nhiều người khác nhau để tác nghiệp một cách tốt nhất.

PV: Xin cảm ơn hai ông!

MỸ HẠNH (thực hiện)


Làm Thất Bại Chiến Lược "Diễn Biến Hòa Bình": Một Nghịch Lý Cần Tự Vấn Reviewed by Unknown on 11/11/2013 Rating: 5 Dân Luận: Bài báo nghe có vẻ khách quan :D Nhưng nếu ai đó đặt câu hỏi ngược lại là tại sao chính quyền Việt Nam không dám để cho một ...

Không có nhận xét nào: