24.11.2013: Diễn đàn Xã hội Dân sự
§ NHÓM CỐ VẤN
1- Nguyễn Đình Đầu (nhà nghiên cứu, TPHCM); 2- Lê Hiếu Đằng (luật gia, TPHCM); 3- Hà Sĩ Phu (TS Nguyễn Xuân Tụ, Đà Lạt); 4- Nguyên Ngọc (nhà văn, Hội An); 5- Nguyễn Huệ Chi (Gs, Hà Nội); 6- Chu Hảo (Gs, Hà Nội); 7- Nguyễn Quang A (Hà Nội); 8- Đinh Xuân Quân (Ts, Hoa Kỳ, Afganistan)
§ NHÓM TRỊ SỰ
1- Nguyễn Đình Đầu (nhà nghiên cứu, TPHCM); 2- Lê Hiếu Đằng (luật gia, TPHCM); 3- Hà Sĩ Phu (TS Nguyễn Xuân Tụ, Đà Lạt); 4- Nguyên Ngọc (nhà văn, Hội An); 5- Nguyễn Huệ Chi (Gs, Hà Nội); 6- Chu Hảo (Gs, Hà Nội); 7- Nguyễn Quang A (Hà Nội); 8- Đinh Xuân Quân (Ts, Hoa Kỳ, Afganistan)
§ NHÓM TRỊ SỰ
Nguyễn Quang A cùng một số thành viên
§ ĐỊA CHỈ
Diễn đàn Xã hội Dân sự, sau đây gọi là Diễn Đàn, hoạt động vừa tròn hai tháng.
Mục tiêu duy nhất của Diễn Đàn là để nâng cao dân trí, tạo cơ hội học tập, tranh luận lành mạnh và tiến hành nhiều loại hoạt động nhằm “góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa.”
Diễn Đàn vừa chọn một Nhóm Cố vấn và chỉ định một Nhóm Trị sự để giúp Diễn Đàn hoạt động hiệu quả hơn. Các nhóm này thường xuyên được bổ sung bởi những người nhiệt tình, có điều kiện tham gia. Nhân dịp hai tháng tuổi có lẽ cũng nên đưa ra để thảo luận nhằm hình thành những nguyên tắc hoạt động của Diễn Đàn và các giá trị mà Diễn Đàn coi trọng và mong muốn được nhiều người, nhiều tổ chức cũng coi là của mình.
1. Những nguyên tắc hoạt động của Diễn Đàn
Diễn Đàn và các thành viên hoặc tổ chức thành viên của Diễn Đàn tuân thủ 9 nguyên tắc chính sau đây trong hoạt động của mình bên trong Diễn Đàn:
a) Hợp pháp: Diễn Đàn và các thành viên của nó hoạt động một cách hợp pháp, tôn trọng pháp luật, không chống nhà nước, không nhằm chống bất cứ ai hay bất cứ tổ chức nào. Tính hợp pháp nêu ở đây được hiểu là sự phù hợp với các công ước quốc tế, với các quyền con người, với Hiến pháp, các Luật và các văn bản dưới luật nếu chúng không mâu thuẫn với các văn bản có hiệu lực cao hơn. Nói cách khác Diễn Đàn hoạt động theo nguyên tắc: mọi người dân có quyền quyền bất tuân những quy định vi hiến, vi phạm luật quốc tế, vi phạm các văn bản pháp luật cao hơn trong việc thực hiện các quyền (con người và công dân) của mình và coi việc thực thi các quyền đó là hợp pháp và đồng thời tích cực đề xuất, tìm cách sửa chúng cũng như mạnh mẽ lên tiếng đòi sửa đổi chúng nhằm đảm bảo các quyền con người.
b) Tự trị: Tất cả các thành viên của Diễn Đàn đều có quyền và nghĩa vụ như nhau trong hoạt động của Diễn Đàn, không ai có thể yêu cầu một thành viên làm một việc mà thành viên đó không muốn. Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc của Diễn Đàn, mỗi thành viên hay mỗi nhóm thành viên hoạt động một cách tự trị với sự sáng tạo, sáng kiến và cách làm của riêng mình nhằm đạt mục tiêu của Diễn Đàn. Diễn Đàn tôn trọng và khuyến khích sự tự trị đó.
c) Chính danh: Tất cả các thành viên của Diễn Đàn hoạt động một cách chính danh và tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. Việc sử dụng bút danh, nghệ danh là có thể miễn là chúng xác định rõ người mang bút danh hay nghệ danh đó. Mọi hình thức nặc danh, mạo danh đều không được Diễn Đàn chấp nhận.
d) Công khai: Diễn Đàn là mở và hoạt động công khai. Không có gì cần che giấu và đây cũng là nguyên tắc cho mỗi thành viên trong hoạt động của Diễn Đàn.
e) Bất bạo động: Diễn Đàn và các thành viên trong hoạt động của Diễn Đàn tuân thủ nguyên tắc bất bạo động. Nguyên tắc bất bạo động gồm có hai khía cạnh. Thứ nhất, Diễn Đàn và các thành viên trong hoạt động của Diễn Đàn không sử dụng bạo lực để nhằm đạt được mục tiêu của mình. Thứ hai, Diễn Đàn và các thành viên trong hoạt động của Diễn Đàn dùng mọi biện pháp bất bạo động, hợp pháp của mình, cùng những người hay tổ chức khác, để thuyết phục những người chủ trương bạo động thay đổi chủ trương của họ, để ngăn cản, chống lại hành động bạo lực của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Bạo lực không chỉ là việc dùng sức mạnh thể xác, vũ khí mà cả việc dùng từ ngữ ác khẩu, gây hận thù, kích động bạo lực cũng được coi là hành động bạo lực và phải tránh.
f) Khoan dung: Chấp nhận những ý kiến khác nhau, nhất là tôn trọng các ý kiến thiểu số, là nguyên tắc bắt buộc nếu chúng ta muốn xây dựng một nền dân chủ đa nguyên.
g) Chân thật: Diễn Đàn và các thành viên bên trong Diễn Đàn tuân thủ nguyên tắc chân thật. Mọi thông tin đều cần kiểm chứng ở mức chính xác nhất có thể. Mọi sự ngụy tạo, giả mạo, bóp méo, dối trá đều không được chấp nhận.
h) Tin cậy: Tin cậy lẫn nhau là một nguyên tắc, nó không khuyến khích bất cứ thủ tục, biện pháp nào gây ra sự ngờ vực. Diễn Đàn không sợ sự thâm nhập của bất kỳ lực lượng nào (kể cả lực lượng an ninh) vào Diễn Đàn, thậm chí họ được hoan nghênh miễn là họ tuân thủ các nguyên tắc chính của Diễn Đàn và tán thành mục tiêu của Diễn Đàn như bất cứ thành viên nào khác.
i) Đoàn kết: xây dựng tinh thần đoàn kết trong hoạt động của các nhóm, của toàn Diễn Đàn; đoàn kết với các nhóm và tổ chức khác nhất là khi một thành viên nào đó, hay bất cứ ai bị ngược đãi.
2. Hoạt động của Diễn Đàn
Diễn Đàn không phải là một tổ chức có thứ bậc, không ai là cấp trên của người khác. Hoạt động quan trọng nhất của Diễn Đàn là hoạt động kết nối (các nhóm, các tổ chức sẵn có và các nhóm các tổ chức mới ra đời). Về mặt kỹ thuật nó hoạt động như một mạng, một “hệ thống tự tổ chức”, trong đó các “lãnh đạo”, những người hoạt động tích cực, có ý tưởng hay được nhiều người chấp nhận, sẽ tự “nổi lên” như các nhân vật trung tâm. Nói cách khác Diễn Đàn hoạt động một cách thực sự dân chủ. Nhóm trị sự chỉ làm công việc thuần túy kỹ thuật và sự vụ (nhận bài, chuyển bài, đăng bài, chuyển thông tin) và không có chức năng quản lý hay quản trị nào cả. Diễn Đàn hoạt động trên cơ sở chia sẻ các giá trị chung như tự do, dân chủ, pháp trị, các quyền con người và tuân thủ một số nguyên tắc chính được nêu ở trên.
Do nguyên tắc tự trị, các thành viên hoặc các tổ chức thành viên của Diễn Đàn có thể có rất nhiều hoạt động phong phú khác nhau, trên các địa bàn khác nhau, trong các lĩnh vực khác nhau, có thể có những mục tiêu khác nhau nhưng có chung một mục tiêu được nhắc tới ở trên và tuân thủ các nguyên tắc chung, thí dụ các nguyên tắc nêu trên (và có thể thêm các nguyên tắc đặc trưng riêng của mỗi nhóm, thí dụ nhóm trẻ, nhóm phụ nữ, nhóm môi trường, nhóm sinh viên vân vân hay mỗi địa bàn, địa phương) nhằm từng bước đạt mục tiêu của Diễn Đàn. Chính vì thế mục này không thể có tham vọng nêu dù chỉ một phần nhỏ của các hoạt động có thể của Diễn Đàn. Thay cho việc nêu những hoạt động này, một việc không thể, dưới đây chỉ nêu vài thí dụ có tính gợi mở mà thôi.
a) Mảng “công tác xã hội” – hoạt động để cải thiện tình hình trong mọi lĩnh vực, mọi nơi
Đây là lĩnh vực hoạt động (cũng được gọi là công tác xã hội) có lẽ phong phú nhất, sáng tạo nhất và quan trọng nhất của các thành viên, các nhóm thành viên của Diễn Đàn. Bất cứ hoạt động hợp pháp nào có thể trực tiếp cải thiện tình hình kinh tế, xã hội, chính trị, môi trường của thành viên, của nhóm thành viên hay của các cộng đồng, các tổ chức nơi thành viên hoạt động là những hoạt động mà Diễn Đàn khuyến khích việc thực hiện hay việc kết nối, hợp tác với các nhóm, các tổ chức khác để thực hiện. Sau đây chỉ là vài thí dụ gợi ý:
· Giữ gìn vệ sinh công cộng và tập thể dục nâng cao sức khỏe (trong nhà máy, trường học, làng xóm, tổ dân phố), vận động người dân giữ vệ sinh nâng cao sức khỏe, không vứt rác, vân vân là việc mà các thành viên và nhóm thành viên có thể thúc đẩy, kêu gọi người dân tham gia, thậm chí tổ chức các đợt dọn vệ sinh ở nơi công cộng (bờ hồ, công viên, quanh các khu công nghiệp). Mở rộng thành các hoạt động bảo vệ môi trường quy mô hơn.
· Các sáng kiến nâng cao hiệu quả hoạt động của chính tổ chức mình (nhà trường, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, vân vân) để tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần cải thiện tình hình làm lợi cho tổ chức của mình và cho chính mình.
· Vận động mọi người tham gia giao thông một cách văn minh, tuân thủ quy định giao thông để tránh ách tắc và tai nạn giao thông.
· Bảo vệ quyền của người dân, người tiêu dùng.
· Bảo vệ, trợ giúp (tinh thần, tài chính, y tế, pháp lý) cho những người bị ngược đãi.
· Đào tạo kỹ năng cho các thành viên và những người có nhu cầu trong thời gian ngắn (thí dụ về tin học như sử dụng email, vượt tường lửa, vân vân).
· Dạy học thiện nguyện cho những trẻ em và người lớn không có điều kiện đến các trường lớp chính quy (bao gồm dạy văn hóa, ngoại ngữ và các kỹ năng sống, làm việc, giao tiếp,…).
· Tham gia chống tham nhũng (thu thập thông tin, củng cố chứng cứ, hợp tác với báo giới, …)
· Diễn Đàn cố gắng hết sức để có sự ủng hộ, sự hợp tác hoặc chí ít sự không cản trở của Chính quyền (vì sự cản trở công tác xã hội ích nước lợi dân như vậy sẽ làm mất uy tín và có hại cho Chính quyền) đối với những loại hoạt động kể trên và rất nhiều những hoạt động cụ thể, trực tiếp, không thách thức chính quyền và hoàn toàn hợp pháp này nhưng chúng mang lại sự cải thiện tình hình ngay tức khắc. Những “công tác xã hội” loại này tùy thuộc vào sáng kiến, sự sáng tạo của các thành viên và nhóm thành viên của Diễn Đàn, và thoạt nhìn chúng có vẻ không liên quan trực tiếp đến mục đích của Diễn Đàn, nhưng xét kỹ thì chúng rất liên quan, thậm chí có tầm quan trọng quyết định đến dân chủ hóa và sự bền vững của nền dân chủ một khi đã được thiết lập nếu có một phần đáng kể của dân cư thường xuyên tham gia.
b) Mảng vận động chính sách – hoạt động nhằm góp phần cải cách thể chế
· Tham gia phân tích các luật, các thể chế, các chính sách hiện hành
· Tham gia tích cực vào quá trình hình thành chính sách, góp ý sửa đổi hoặc xây dựng mới các dự án luật các thể chế, chính sách (việc này rất lợi cho nhà nước vì khi nhiều người tham gia sẽ làm cho chính sách thực tế hơn và việc thực thi chính sách hiệu quả hơn).
· Thảo luận, công bố và cùng các tổ chức khác kiến nghị với cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, khi cần có thể có những hình thức gây áp lực một cách ôn hòa khác với các cơ quan này để buộc họ xem xét nghiêm chỉnh ý kiến của tập thể thành viên Diễn Đàn.
c) Hoạt động nâng cao dân trí gắn với trang thông tin của Diễn Đàn
· Tham gia viết bài cho trang thông tin
· Tham gia thảo luận, tranh luận về các chủ đề khác nhau của Diễn Đàn
· Giảng hay đào tạo về những vấn đề cụ thể cho các đối tượng khác nhau
d) Xây dựng và mở rộng Diễn Đàn
· Vận động, giới thiệu người tham gia Diễn Đàn; kết nối các nhóm, các tổ chức khác với Diễn Đàn
· Tích cực tham gia vào các hoạt động khác nhau của Diễn Đàn
· Vận động toàn dân ủng hộ và tham gia vào những việc do Diễn Đàn, các nhóm trong Diễn Đàn khởi xướng
Trên đây là vài nét về Diễn Đàn Xã hội Dân sự. Diễn Đàn cần hoạt động liên tục, thậm chí ngay cả khi đã có dân chủ thực sự với mục tiêu thay đổi nhằm củng cố, bảo vệ, duy trì và phát triển nền dân chủ, và lâu dài. Chính vì thế các giá trị, các nguyên tắc và sự hoạt động của Diễn Đàn sẽ được hoàn thiện với sự trao đổi và đóng góp tích cực của tất cả mọi người./.
Không có nhận xét nào: