Quốc Hội Bỏ Thảo Luận Hội Trường Về Hiến Pháp - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
17 tháng 11, 2013

Quốc Hội Bỏ Thảo Luận Hội Trường Về Hiến Pháp

BBC - 17.11.2013: Văn phòng Quốc hội Việt Nam vừa có thông báo bỏ phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, dự tính sẽ diễn ra vào thứ Hai 18/11.

Trong khi đó, vẫn có kêu gọi dừng việc thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII.

Theo BấmChương trình kỳ họp thứ 6 từ 16/11 tới bế mạc đăng tải trên website của Quốc hội Việt Nam, vào buổi sáng ngày thứ Hai 18/11, các đại biểu Quốc hội sẽ "góp ý trực tiếp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) và ghi Phiếu xin ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau".

Như vậy phiên thảo luận tại hội trường đã lên kế hoạch sẽ không được thực hiện mà các dân biểu sẽ góp ý bằng văn bản.

Trước đó, họ sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, người đồng thời là Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội trường và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Một phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tổ chức hôm 5/11 nhưng vẫn còn nhiều ý kiến không đồng nhất.

Theo lịch trình định sẵn, phiên Biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn sẽ được tổ chức sáng ngày 28/11.

Tuy nhiên kỳ họp thứ 6 sẽ được cắt ngắn một ngày, bế mạc chiều 29/11. Sáng cùng ngày, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Giới quan sát cho rằng sẽ không có các thay đổi lớn.

Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cho biết "tuyệt đại đa số ý kiến đều tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Dự thảo".

Ủy ban này cũng nói có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào sau cụm từ “lực lượng lãnh đạo” tại khoản 1, Điều 4.

'Nền tảng pháp lý lỗi thời'

Trong khi đó vào ngày 15/11, Nhóm khởi xướng và ủng hộ Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp, còn gọi là Kiến nghị 72, đã gửi thư lên Quốc hội Việt Nam kêu gọi dừng thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Sở dĩ có tên Kiến nghị 72 là vì có 72 người đứng tên trong danh sách đầu tiên ký vào Kiến nghị hồi đầu năm nay, bao gồm nhiều nhân sỹ trí thức được nhiều người biết đến như Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Tương Lai, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Tiến sỹ Nguyễn Quang A...

Nay bản kiến nghị đã có hàng chục nghìn người ký hưởng ứng.

Thư gửi Quốc hội ngày 15/11 nhận định "Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, như đang được thảo luận và chuẩn bị thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII, về cơ bản vẫn như Hiến pháp hiện hành, thậm chí có một số điểm còn thụt lùi hơn trước".

"Điều đó có nghĩa là vẫn duy trì một nền tảng pháp lý lỗi thời của thể chế toàn trị, là nguồn gốc đã gây ra cho đất nước và nhân dân rất nhiều thảm họa, đặc biệt là cuộc khủng hoảng trầm trọng về chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội mà cả nước đang lâm vào và vẫn chưa có lối thoát."

Những người chấp bút cho rằng việc thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp "sẽ chỉ đẩy đất nước lún sâu hơn nữa vào tình trạng khủng hoảng và bế tắc, cướp đi cơ hội chuyển đổi một cách ôn hòa thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ, tạo điều kiện đẩy mạnh sự phát triển và bảo vệ Tổ quốc".

"Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các đại biểu Quốc hội khóa XIII, với tất cả lương tri và ý thức trách nhiệm của những người có danh nghĩa đại diện cho nhân dân, hãy nhìn thẳng vào thực trạng đất nước, lắng nghe những ý kiến tâm huyết đóng góp xây dựng Hiến pháp, để có đủ dũng khí quyết định dừng việc thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi và trả lại quyền lập hiến cho nhân dân."

Thư gửi Quốc hội cũng cảnh báo nếu thông qua dự thảo như hiện trạng, thì "Quốc hội khóa XIII sẽ có tội với Tổ quốc và nhân dân, và cá nhân các đại biểu Quốc hội khóa XIII đã bỏ phiếu thông qua sẽ phải chịu phần trách nhiệm nặng nề trước lịch sử, trước dân tộc".

Chưa có phản ứng từ Quốc hội Việt Nam về lời kêu gọi này.
Quốc Hội Bỏ Thảo Luận Hội Trường Về Hiến Pháp Reviewed by Unknown on 11/17/2013 Rating: 5 BBC - 17.11.2013: Văn phòng Quốc hội Việt Nam vừa có thông báo bỏ phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến...

Không có nhận xét nào: