Tô Văn Trường: Nơi Cần Phòng Lũ Phải Bỏ Phần Điện - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
20 tháng 11, 2013

Tô Văn Trường: Nơi Cần Phòng Lũ Phải Bỏ Phần Điện

Tô Văn Trường: 20.11.2013: Mùa mưa lũ năm nay đang gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho miền Trung. Lý do chủ yếu là mưa, bão liên miên nhưng có một lý do càng ngày càng rõ và không thể biện minh là do việc xả lũ đồng loạt, thậm chí có nơi vỡ đập gây tác hại nghiêm trọng cho vùng hạ lưu. Người dân đang gồng mình chống chọi với thảm họa kép “lũ chồng lên lũ”!

Thuật ngữ "lũ chồng lũ" lâu nay xuất hiện để phản ảnh thực trạng xả lũ từ các hồ thủy điện xuống vùng hạ du vốn đang bị ngập lụt do lũ và mưa lớn nhiều ngày. Con lũ "chồng" lên ấy do con người tạo ra. Một hồ thủy điện cần được tính đến việc vận hành cân bằng giữa các lợi ích ngay từ khi lập và duyệt dự án. "Cân bằng" không chỉ là vận hành cân bằng để giảm thiểu tác động mà còn là cơ chế chủ nhà máy lấy lợi ích của mình để chia sẻ cho những người bị thiệt hại. Trong trường hợp thiên tai gây ra tình trạng bất khả kháng "lũ chồng lũ" thì cơ chế mua bảo hiểm cho hạ du là rất cần thiết.

An toàn về tính mạng con người cần ưu tiên, cho nên mỗi hồ chứa nước đều phải có kế hoạch khẩn cấp trước khi đưa vào vận hành. Kế hoạch đó chỉ rõ các kịch bản và các hành động ứng phó cũng như chế tài.

Lũ chồng lũ xảy ra do "nhân tai" tác động rất lớn. Rừng bị phá hủy nhiều dẫn đến không có vùng đệm để giảm lũ. Hệ thống hạ tầng như đường giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch.... ngày càng phát triển, đặc biệt các trục quốc lộ I, đường sắt Bắc-Nam, quốc lộ ven biển và các trục đường nối các khu kinh tế ven biển nhiều nơi cắt ngang dòng chảy lũ... được tôn cao, làm mới, đã làm mực nước lũ cao lên, thời gian lũ lâu hơn. Quá trình đô thị hóa san lấp nhiều khu vực đã làm tăng dòng chảy tràn, thu hẹp hành lang thoát lũ.

Quy trình vận hành đơn hồ dù đã có nhưng vẫn chỉ tối ưu đơn mục tiêu, không phải đa mục tiêu. Quy trình vận hành liên hồ chứa mùa lũ vẫn đặt vấn đề lợi nhuận về điện năng, tối ưu về thủy điện, không đặt mục tiêu chống lũ cho hạ du, do vậy khi có mưa, các hồ vẫn chủ động tích nước vào hồ chứa để dự trữ (vấn đề này vẫn được sự cho phép của quy trình vận hành liên hồ chứa).

Trong khi đó, công trình thủy điện cần giải quyết tốt mâu thuẫn giữa phòng lũ và phát điện, nếu muốn có nhiều điện thì mực nước hồ phải trữ cao vì công suất N = kHQ. Trong đó, H là cột nước, Q là lưu lượng, có nghĩa hồ càng đầy càng phát nhiều điện, lợi nhuận lớn. Phòng lũ lại cần có dung tích chứa lũ, khi lũ đến bụng hồ phải rỗng, mực nước hồ phải thấp để có dung tích chứa lũ.

Khai thác một dòng sông và hệ thống sông trước tiên là phải xây dựng quy hoạch hệ thống nguồn nước, đề xuất giải pháp tổng hợp để lợi dụng thật tốt nguồn nước, giảm thiểu hoặc hạn chế tác hại mà nguồn nước có thể gây ra. Sau đó các ngành mới căn cứ vào quy hoạch đó để lập riêng quy hoạch cho ngành mình, không được vi phạm quy hoạch tổng thể. Trớ trêu là ở nước ta, thì làm ngược lại: ngành điện, thuỷ lợi, rồi công nghiệp (boxit Tây Nguyên), cấp nước dân sinh vv. .. đều có quy hoạch riêng mà không có “nhạc trưởng” chỉ đạo chung.

Trên một con sông, một lưu vực có ít nhất 4 ngành có quyền phê duyệt quy hoạch, đó là Bộ Công thương duyệt quy hoạch thủy điện. Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt quy hoạch thủy lợi. Bộ Xây dựng duyệt quy hoạch cấp nước đô thị, lấy nước. Bộ Tài nguyên & Môi trường duyệt quy hoạch tài nguyên nước vv…chưa kể thẩm quyền duyệt quy hoạch của các địa phương đã băm nát bài toán quy hoạch tổng thể!

Do đó, các hồ chứa thuỷ điện lớn do tư nhân đầu tư hầu hết không có dung tích phòng lũ vì không mang lại lợi ích cho họ, mà tăng chi phí đầu tư. Đáng lẽ ra, nếu có quy hoạch tổng thể, các hồ thuỷ điện phải có dung tích phòng lũ, dung tích đó trong mùa lũ không được sử dụng, để chờ đón lũ, sẽ có tác dụng giảm lũ cho hạ du. Nếu dự báo tốt, sẽ tránh được tổn thất về điện cũng như đảm bảo dành nước phục vụ cấp nước tưới cho mùa khô năm sau.

Cần rà soát quy hoạch các ngành, xây dựng quy hoạch tổng thể sử dụng tổng hợp nguồn nước, nhất là quy hoạch phòng lũ, chỗ nào cần phòng lũ phải hy sinh phần điện, không thể vì lợi ích điện của nhóm người mà gây thiệt hại cho toàn thể xã hội. Xây dựng các giải pháp phòng lũ cho từng sông, xây dựng thêm các hồ chứa phòng lũ nếu có điều kiện hoặc các biện pháp ngăn lũ (đê), thoát lũ khác ..

Khẩn trương xây dưng và xem xét lại quy trình vận hành hồ chứa, Nhà máy thủy điện bảo đảm vận hành nghiêm chỉnh theo quy trình, khi xả lũ phải thông tin đầy đủ kịp thời cho đia phương bằng tất cả các biện pháp như còi hú, điện thoại, phát thanh, nếu không làm tốt phải trừng phạt, đền bù. Cần có cam kết giữa chủ đầu tư thuỷ điện và chính quyền địa phương, tăng cường giám sát của nhân dân.

T.V.T


Tô Văn Trường: Nơi Cần Phòng Lũ Phải Bỏ Phần Điện Reviewed by Unknown on 11/20/2013 Rating: 5 Tô Văn Trường: 20.11.2013: Mùa mưa lũ năm nay đang gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho miền Trung. Lý do chủ yếu là mưa, bão liên miên nhưn...

Không có nhận xét nào: