Khi Chiếc Áo Quyền Lực Được Trao Không Đúng Chỗ! - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
13 tháng 12, 2013

Khi Chiếc Áo Quyền Lực Được Trao Không Đúng Chỗ!

Khánh An: Vụ dân phòng, trật tự đô thị phường 25, quận Bình Thạnh - TP. HCM đánh đập một người buôn bán hàng rong đã làm nhiều đại biểu HĐND TP. HCM bức xúc và nhân dân cả nước phẫn nộ. Trật tự, dân phòng cậy quyền “múa gậy” thị uy với dân không phải mới. Dân phòng dùng gậy chặn xe dân thay cảnh sát giao thông xuất hiện trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội từng làm cho người dân “sôi máu”. Dân phòng không dừng lại ở việc giữ trật tự, mà xông vào chặn xe, thu chìa khóa, quát nạt người đi đường bằng những lời lẽ rất thiếu văn hóa. Và bây giờ là đánh người dân phải nhập viện. Ai cho dân phòng cái quyền hành hung người dân là câu hỏi mà cơ quan chức năng sẽ phải trả lời dân cho thấu đáo!

Quyền lực Nhà nước nếu được trao cho những người không đủ khả năng nhận thức về quyền lực sẽ làm biến dạng quyền lực Nhà nước.

Câu chuyện xảy ra rất đau lòng. Hình ảnh, clip anh Trịnh Xuân Tình bị còng tay và bị đánh ngất xỉu nằm dưới đất được đưa lên mạng đã làm dư luận phẫn nộ. Không ai có thể chấp nhận hành động côn đồ của những người khoác áo trật tự và dân phòng. Phó trưởng Ban văn hóa – Xã hội HĐND TP. HCM Nguyễn Hồng Hà phát biểu: “Thực thi nhiệm vụ thì cương quyết nhưng phải thể hiện tính nhân văn. Không ai được phép đánh người dân và tất nhiên, trong trường hợp người dân kháng cự thì có thể có những va chạm xảy ra, nhưng cố ý đánh người không có khả năng chống đỡ là không được. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần phải tìm hiểu, làm rõ và xử lý một cách cụ thể sự vụ này và có biện pháp chấn chỉnh để tránh tái diễn”. Dân mình còn khổ. Không ai muốn đem thân đi làm phận hàng rong, nhưng đó là cách mưu sinh của họ. Tại cuộc họp HĐND TP. HCM ngày 10/12, đại biểu Lê Trương Hải Hiếu cho rằng, còn một bộ phận người dân rất nghèo. Nếu họ buông vỉa hè ra thì không biết sống bằng gì. Sự chia sẻ này rất thực tế, cho nên, dù việc dẹp hoạt động buôn bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường là cần thiết và phải làm, nhưng không thể để xảy ra việc hành hung người dân.

Trật tự, dân phòng cậy quyền “múa gậy” thị uy với dân không phải mới. Dân phòng dùng gậy chặn xe dân thay cảnh sát giao thông xuất hiện trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội từng làm cho người dân “sôi máu”. Dân phòng không dừng lại ở việc giữ trật tự, mà xông vào chặn xe, thu chìa khóa, quát nạt người đi đường bằng những lời lẽ rất thiếu văn hóa. Còn nhiều vụ khác như dân phòng là hung thủ hoặc nghi phạm liên quan đến các vụ đánh chết người từng xảy ra ở Bình Dương, Bà Rịa

- Vũng Tàu, Nghệ An. Các vụ án này cho thấy, dân phòng quá lạm quyền và đến lúc phải có biện pháp chấn chỉnh.

Xung quanh vụ việc này, xin không bàn đến cách hành xử kiểu “cậu giời” của một số dân phòng nữa, vấn đề là lỗi ở đâu? Và người ta bây giờ biết ứng xử với dân phòng như thế nào? Chính quyền có còn cần phải duy trì lực lượng này để phục vụ cho hoạt động của mình nữa không? Rõ ràng, dân phòng là lực lượng công quyền được thừa nhận bằng nhiều văn bản quy phạm khác nhau. Cũng thừa nhận rằng, dân phòng đang làm được nhiều việc để giữ gìn trật tự văn minh đô thị. Nhưng đáng tiếc một bộ phận của lực lượng này đang bộc lộ nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Ra đường, hình ảnh dân phòng giờ đây gắn với việc múa gậy bắt xe, bạo lực đường phố để bắt người hàng rong, đá thúng đụng nia để dẹp hàng quán vỉa hè; đập phá bàn ghế để... đối phó với quán trà đá. Và, họ cũng có cả vạn lý do để bao biện cho việc làm của mình, tất cả đều hợp lý. Hợp lý tới nỗi, ngay cả người đứng đầu dân phòng trong vụ đánh người bất tỉnh ở TP.HCM vừa qua còn cho rằng dân phòng đang đánh thì nạn nhân... lăn ra ngủ(?!) chứ không bị ngất(?!). Rồi họ còn cho rằng đó là chuyện bình thường, không có gì to tát, bởi họ đang thực thi nhiệm vụ.

Thực ra, trách dân phòng, nhất là một số dân phòng có hành vi bạo lực cá biệt cũng khó. Điều cần quan tâm phải là cơ quan đã tạo ra những con người ấy và dung dưỡng để biến họ trở thành những kẻ chuyên đi bắt nạt. Khoác lên mình tấm áo chính quyền, có lẽ nhiều dân phòng ngộ nhận về giá trị bản thân nên mặc sức múa gậy, lạm quyền. Vì thế, lực lượng này cần phải được nhận diện kĩ hơn về phương diện pháp lý, để những vụ dùng dùi cui, còng tay hành dân, để những hình ảnh ngông nghênh ngồi xe dạo phố, múa gậy tứ tung phản cảm bớt nhức nhối. Những chiếc áo quyền lực cần được trao để đảm bảo luật pháp được thực thi. Song quyền lực không thể trao cho những con người không đủ khả năng nhận thức được giới hạn của quyền lực. Trong số những dân phòng hàng ngày đuổi bắt, giành giật mớ rau, bó hoa của người bán hàng rong trên đường phố, bao nhiêu người biết được việc lập biên bản vi phạm hành chính là điều bắt buộc trong quy trình xử lý vi phạm? Bao nhiêu dân phòng thuộc những quyền hạn và trách nhiệm của bảo vệ dân phố được quy định trong Nghị định 38/2006/ND-CP? Những chiếc áo của nhân viên công vụ là hình ảnh của quyền lực Nhà nước, nhằm góp phần giữ gìn kỷ cương, đảm bảo trật tự trị an cho xã hội. Nhưng khi quyền lực Nhà nước, thông qua bộ sắc phục, được khoác lên người những kẻ không đủ khả năng nhận thức về quyền lực, điều đó chắc chắn sẽ làm biến dạng quyền lực Nhà nước, và trở thành phương tiện để thỏa mãn chứng ngộ quyền của những người vốn không được chuẩn bị để sử dụng quyền lực. Với chiếc áo quá rộng, khi họ vung tay nhằm vào cái xấu, sẽ có lúc những cái vung tay trở thành những cú đấm nhằm vào mặt lương tri.

Khánh An
Khi Chiếc Áo Quyền Lực Được Trao Không Đúng Chỗ! Reviewed by Unknown on 12/13/2013 Rating: 5 Khánh An: Vụ dân phòng, trật tự đô thị phường 25, quận Bình Thạnh - TP. HCM đánh đập một người buôn bán hàng rong đã làm nhiều đại biểu H...

Không có nhận xét nào: