Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi - Toàn thể nhân loại và toàn thể người Việt trong lẫn ngoài nước đang hướng về ngày kỷ niệm 65 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (10-12-1948). Nhưng đối với đồng bào chúng ta tại Hoa Kỳ, đặc biệt tại bang California (nơi có đa số người Việt tỵ nạn Cộng sản), đó cũng là Ngày Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam. Vì cách đây hai năm, theo đề nghị của 109 Hội đoàn, Đoàn thể người Việt tự do ưu tư về nạn đàn áp tại quê nhà, Quốc hội bang California, qua Thượng Nghị sĩ Lou Correa, đã đồng ý coi Ngày Nhân Quyền Quốc Tế cũng là Ngày Tù Nhân Lương Tâm VN.
Ngày này hiện đang thu hút sự chú ý của nhiều con cái mẹ Việt lẫn các thân hữu dân chủ trên toàn cầu. Bởi lẽ các tù nhân lương tâm tại VN đang là vấn đề lớn gây nhức nhối không những đối với Đồng bào quốc nội và hải ngoại mà còn đối với cả thế giới nữa. Ngoài ra còn vì đây là một trong những nét đặc trưng của chế độ Cộng sản Hà Nội với vô vàn hậu quả hết sức khốc hại.
Do mang bản chất độc tài toàn trị, hay đúng hơn, mang bản chất cướp đoạt mọi quyền lực và mọi quyền lợi, chế độ CSVN ngày càng biến mình trở thành kẻ thù của toàn dân, hay ngược lại coi nhân dân là kẻ thù, và do đó ngày càng tạo ra vô số con người công khai tố cáo sai lầm và tội ác của họ, vạch trần thói gian trá và bạo tàn của họ, phản đối sự bất lực và tham lam của họ. Chính vì thế, bất chấp công lý và công luận, bất chấp sự an nguy của mình và của nước, trong niềm tin tưởng bạo lực và lừa dối sẽ giúp mình tồn tại, đảng CS không ngừng tăng cường nhiều định chế, nhiều tổ chức và nhiều biện pháp để rình rập, bắt bớ và hành hạ các công dân đã và đang đứng lên đòi công lý và tự do, nhân quyền và dân chủ.
Về định chế, bên cạnh các điều 79, 88 và 258 của bộ luật hình sự bị toàn dân và quốc tế phản đối vì vô lý và vô luật do đã đưa nhiều công dân thiện chí và vô tội vào tù, gần đây CS lại ra nghị định 72 rồi nghị định 174 để bịt miệng mọi tiếng nói đấu tranh, phạt những ai lên tiếng phê phán đảng, nhà nước và chế độ từ 10 đến 100 triệu đồng. Mới nhất là bản Tân Hiến pháp kỳ quái, một phiên bản của Cương lĩnh đảng, sẽ chà đạp mọi nhân quyền và dân quyền cách trắng trợn để giành ưu quyền và độc quyền cho đảng Cộng sản, và như thế sẽ tạo thêm nhiều tù nhân lương tâm dự khuyết tại VN.
Về tổ chức, nhà cầm quyền Hà Nội một là ngày càng củng cố và khuếch đại bộ máy công an vốn đã kếch xù, bổ sung thêm thành phần dân phòng, đầu gấu và đoàn thanh niên cộng sản, để luôn luôn dư thừa nhân lực trấn áp và bắt bớ, hai là liên tục tổ chức các cuộc diễn tập mạo danh “chống biểu tình bạo loạn” ở nhiều địa phương khắp cả nước, nhưng thực chất là chuẩn bị đàn áp và tóm gọn những dân oan lên tiếng đòi công lý hay công dân xuống đường đòi dân chủ, ba là thành lập một lực lượng công an mạng và dư luận viên hùng hậu để đầu độc và lèo lái dư luận, nhất là theo dõi và cưỡng chế kịp thời những ai lên tiếng đối kháng trên hệ thống internet toàn cầu.
Về biện pháp, Cộng sản một mặt củng cố hơn nữa sự liên kết giữa công an điều tra, kiểm sát công tố và quan tòa xét xử mà vốn phải hoàn toàn phân lập, khinh thường hơn nữa những lời bào chữa của các luật sư, các bị cáo và của cả công luận, để luôn nắm phần thắng trong các phiên tòa chính trị và ra được những bản án nặng nề cho những công dân yêu nước; mặt khác lại trả thù khắc nghiệt các tù nhân lương tâm, như để họ phải lâm bệnh hiểm nghèo trong nhà tù rồi không chữa trị đúng mức, chẳng hạn đối với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, thầy giáo Đinh Đăng Định và sinh viên Đỗ Thị Minh Hạnh, như đày đi những nhà tù thật xa xôi cách trở, gây khó khăn cho gia đình thăm gặp, chẳng hạn hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần, hai tín đồ Mai Thị Dung và Đặng Xuân Diệu, như tiếp tục “giam giữ” những tù nhân đã chết tại trại, chẳng hạn các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa Trương Văn Sương, Nguyễn Văn Trại, Bùi Đăng Thủy, như gây khó khăn cho cuộc sống của các cựu tù nhân lương tâm, chẳng hạn thường xuyên sách nhiễu luật sư Lê Thị Công Nhân và đuổi khỏi đại học sinh viên Nguyễn Phương Uyên.
Cử hành Ngày Nhân quyền Quốc tế và Ngày Tù nhân Lương tâm Việt Nam, chúng ta cần cho đồng bào và thế giới thấy rõ mấu chốt của vấn đề nhân quyền tại VN chính là hiện trạng các công dân yêu nước đồng thời là những người con ưu tú của Tổ quốc đang bị nhà cầm quyền CS đày đọa cả thể xác lẫn tinh thần, hiện tại lẫn tương lai, bản thân và gia quyến. Và rộng hơn, cho thế giới thấy gần 90 triệu dân Việt cũng đang bị giam nhốt trong một nhà tù lớn lao mang tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bị mang những thứ gông cùm gớm ghê là chủ nghĩa cộng sản phi lý, chế độ cộng sản bất nhân và chính đảng cộng sản tàn bạo.
Chúng ta cần tố cáo quan niệm quái dị của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội là cho rằng tại Việt Nam không có tù nhân chính trị mà chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật, và như thế đã ngang nhiên đồng hóa các tù nhân lương tâm vào số các phạm nhân hình sự, để bên ngoài thì lừa gạt thế giới, bên trong thì giam giữ họ giữa những tội phạm xã hội, côn đồ bất lương hầu dùng hạng này để trừng phạt họ. Cụ thể mấy năm gần đây, rất nhiều tù nhân lương tâm như Vi Đức Hồi, Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích Khương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Việt Khang, Lê Sơn… đã bị nhiều tù thường phạm, theo lệnh công an, khủng bố triền miên hay đánh đập đến thương tích trong lao ngục.
Chúng ta cần tố cáo lối bắt bớ cách vô luật pháp của Cộng sản đối với những công dân bị cho là có hành vi chống lại nhà cầm quyền. Vô luật pháp ở chỗ bắt bí mật, bắt giăng bẫy, không thông báo ngay cho thân nhân gia đình, và sau khi bắt thì tạo thêm nhiều bằng chứng giả, quy kết giả nhằm làm cho đương sự trở thành có tội hoặc thành nặng tội. Đó là trường hợp nhiều sinh viên tại Nghệ An bị bắt cách đây hai năm mà sau đó bị đưa ra xử vì tội gọi là “âm mưu lật đổ chính quyền”, trường hợp hai giáo dân giáo phận Vinh bị đón lõng giữa đường đem về tống ngục và rồi bị kết án “gây rối” trong vụ Giáo xứ Mỹ Yên.
Chúng ta tố cáo cách giam giữ vô nhân đạo và thẩm vấn vô nguyên tắc đối với các bị can chính trị. Vô nhân đạo và vô nguyên tắc ở chỗ không cho họ được sự cố vấn pháp lý của luật sư, sự hỗ trợ tình cảm của gia đình; và suốt thời gian giam giữ thì dùng đủ mọi biện pháp tra tấn thể xác, áp bức tinh thần để làm mờ tối trí khôn, suy sụp ý chí của các bị can hầu buộc họ buông tay đầu hàng, thậm chí buộc họ thú nhận tội lỗi và xin sự khoan hồng của đảng. Đó là trường hợp của hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha cách đây hơn một năm. Đinh Nguyên Kha sau đó bị ép nhận tội khủng bố bằng chất nổ, may mà công luận đã kịp thời can thiệp. Đó là chưa kể nhiều trường hợp tù hình sự bị án oan và giam oan nhiều năm như ông Nguyễn Thanh Chấn.
Chúng ta cần tố cáo những phiên tòa coi thường các quy định của tố tụng hình sự và các tiêu chuẩn nhân quyền của quốc tế mà Cộng sản đã và đang làm đối với các tù nhân lương tâm. Hầu hết trong mọi phiên tòa chính trị tại Việt Nam, các bị cáo đều bị bịt miệng, chỉ được quyền nói có hoặc không, các luật sư đều bị cản trở biện hộ và bị từ khước quyền đòi bằng chứng từ công tố, các thân nhân và bằng hữu thì bị giới hạn tối đa hoặc bị cấm cản tuyệt đối việc tham dự phiên tòa. Có khi các tù nhân lương tâm còn bị vu khống hoặc gán ghép những tội dân sự nực cười. Bằng chứng là nhà báo Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) và luật sư Lê Quốc Quân, sau những phiên tòa khôi hài quái đản, đã bị kết tội trốn thuế và phải lãnh những bản án nặng nề. Anh em nhà Đoàn Văn Vươn cũng là những nạn nhân của lối quy tội vô bằng chứng.
Chúng ta cần tố cáo những bản án bất công, phi lý, nặng nề và những cách đối xử nghiệt ngã vô nhân đạo đối với các tù nhân lương tâm. Những công dân đầy tinh thần yêu nước và thiện chí xây dựng quê hương này đã phải gánh những năm tù dài, dài hơn cả những đảng viên cán bộ tham nhũng hàng tỷ tỷ đồng, những công an cảnh sát giết chết người dân vô tội. Trong chốn lao tù, họ lại tiếp tục bị hành hung, bị cưỡng bức nhận tội, đến nỗi nhiều người đã phải tuyệt thực để phản đối; và khi đau ốm họ không được chăm sóc thuốc men hay phải đi bệnh viện thì bị cùm tay chân như những kẻ nguy hiểm. Thảm trạng ấy đã và đang xảy ra cho nhà báo Lê Thanh Tùng, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo Đinh Đăng Định, bà Mai Thị Dung, ông Đoàn Huy Chương, ông Hồ Đức Hòa, sinh viên Đỗ Thị Minh Hạnh, sinh viên Nguyễn Đình Cương….
Tấm gương cho chúng ta trong chuyện này là bà Trần Thị Ngọc Minh, thân mẫu Đỗ Thị Minh Hạnh, là cô Đinh Phương Thảo, ái nữ nhà giáo Đinh Đăng Định -qua những bản tường trình- đã và đang làm vang vọng bên tai quốc dân và quốc tế tiếng nói đau thương, lời kêu cứu uất nghẹn lẫn cung giọng tố cáo mạnh mẽ. Cũng nêu gương không kém là ông Trần Duy Huỳnh, thân phụ doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và bà Nguyễn Thị Kim Liên, thân mẫu sinh viên Đinh Nguyên Kha, đã phải liều mình ra ngoại quốc và mệt nhoài bôn ba khắp chốn để vận động cho người thân bị án oan và cho mọi tù nhân lương tâm đồng cảnh ngộ.
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vừa mới được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 12-11-2013 với 14 cam kết long trọng về việc thực thi nhân quyền trong nước và dĩ nhiên cũng với tư cách quan tòa quốc tế theo dõi và xét xử các vụ vi phạm Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền và hai Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Trước đó, ngày 7-11-2013, tại New York, đại diện nhà cầm quyền Hà Nội đã ký vào bản “Công ước chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá” (được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 10-12-1984 và có hiệu lực từ ngày 26-6-1987). Tiếp đến, ngày 08-11-2013, Quốc hội CS lại quyết định chọn ngày 09-11 hàng năm làm ngày Pháp luật Việt Nam (kỷ niệm ngày ban hành Hiến pháp 1946). Mới nhất, ngày 28-12-2013, Quốc hội CS đã thông qua “Hiến pháp 2013” như bộ luật căn bản của Quốc gia, trong đó có chương II với với 36 điều (14-49) bàn về Nhân quyền và Dân quyền. Tất cả đều là những định chế pháp lý được coi như tạo nền tảng vững chắc và đầy đủ cho quyền con người tại Việt Nam. Thế nhưng, khi nhìn vào thực tế, nhất là tình trạng các tù nhân và cựu tù nhân, cũng như tình trạng các nhà đối kháng dân chủ, trí thức phản biện, chúng ta lại thấy một bức tranh đen tối, phũ phàng.
Chúng ta không thể để cho tình trạng này tiếp tục tái diễn, không thể để cho những người con yêu quý của Dân tộc chết dần mòn về tinh thần lẫn thể xác, không thể để cho ra vô ích sự hy sinh của những con người đang ôm lấy cả dân tộc làm nghĩa yêu thương đến độ xem thường sự an nguy của bản thân họ. Chúng ta có bổn phận thiêng liêng là lên tiếng bênh vực và nâng đỡ hữu hiệu cho những chiến sĩ đang hy sinh vì đại cuộc đó. Chúng ta có bổn phận phá tung những nhà tù nhỏ đang cầm giữ họ và nhất là nhà tù lớn đang giam nhốt, đọa đày Dân tộc chúng ta.
Ghi nhớ Ngày Quốc tế Nhân quyền và Ngày Tù nhân lương tâm VN 10-12-2013
Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi
mangluoiblogger.blogspot.com/2013/12/ngay-nhan-quyen-quoc-te-va-ngay-tu-nhan.html
Không có nhận xét nào: