Bất Bạo Động, Một Phong Cách Sống Của Người Dân Chủ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
26 tháng 1, 2014

Bất Bạo Động, Một Phong Cách Sống Của Người Dân Chủ

Mahatma Gandhi đã giành lại độc lập cho Ấn Độ từ tay
người Anh bằng đấu tranh Bất Bạo Động năm 1947

Trần Bảo Lộc: “…Như vậy con đường đi đến bất bạo động là con đường đòi hỏi một sự thay đổi cá nhân sâu rộng, một sự hoà giải với chính mình và với những người khác trong đó người ta học cách đối xử với những người khác như người ta muốn được đối xử với chính mình…”

Trước câu hỏi bất bạo động là gì, hình như chúng ta đã có sẵn câu lời: đó là một phương pháp thay thế để giải quyết mâu thuẫn. Cùng với câu trả lời này là những hình ảnh đập vào mắt của các cuộc biểu tình bất bạo động đông người, những cuộc đình công, những cuộc biểu tình ngồi, đã làm cho nhiều người biết đến bất bạo động.
Nhưng bất bạo động không phải chỉ có như vậy. Mà nó còn là một khung mẫu, một viễn ảnh thế giới trong đó có một lối sống riêng, một tinh thần riêng và một chiến lược riêng để sống với nhau và với chính mình. Tóm lại đó là một phong cách sống được thể hiện một cách lí tưởng trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Nói là lí tưởng vì vẫn còn nhiều người chưa thật sự tin tưởng vào bất bạo động. Họ nói đến bất bạo động chỉ là đầu môi chót lưỡi có lẽ vì tính thời thượng của nó mà không thấy được những điều quý giá ẩn chứa bên trong.
Vậy bất bạo động thực sự là gì?

Trong cuộc khủng hoảng chung mà con người đang phải gánh chịu thì bất bạo động không phải chỉ là một phương pháp thay thế mà còn là một sự cần thiết. Không có con đường nào khác để bảo đảm sự sống còn và phát triển của loài người và để có một thế giới không có chiến tranh ngoài con đường bất bạo động. Bởi vì bất bạo động chứa đựng những giá trị nhân văn mà nếu được áp dụng nghiêm chỉnh thì thế giới có hoà bình. Đó là: con người là giá trị và mối quan tâm chính; khẳng định sự bình đẳng của mọi người; thừa nhận sự khác biệt của con người và văn hoá; tránh thái độ coi những kiến thức mình có như là chân lí tuyệt đối; khẳng định sự tự do tư tưởng và niềm tin; bác bỏ mọi hình thức bạo động và kì thị; coi trao đổi, thảo luận, đối thoại và hợp tác xây dựng là nền tảng cho mọi sinh hoạt.

Bất bạo động dựa vào - theo M. K. Gandhi (1969-1948), ngưởi đặt nền móng cho bất bạo động - ba nguyên tắc nền tảng mà ýđịnh (cả ý định sâu thẳm nhất) và hành động của ta, trực tiếp hay gián tiếp đều đi theo và dựa trên: Một là "sức mạnh chân lý (Satyagraha)": đó là sức mạnh làm nảy sinh mọi sự sống còn được gọi là sức mạnh linh hồn, sức mạnh của mình, sức mạnh của tình yêu. Hai là "không làm đau/không gây hại (ahimsa)": đó là thoát khỏi ý muốn làm tổn thương hoặc thiệt hại đối với chính mình, những người khác, hay môi trường xung quanh, dù ở bất kì mức độ nào. Bất kỳ nguyên nhân nào gây ra thương tích hoặc thiệt hại nghiêm trọng cũng phải ăn năn hối tiếc và không được cổ võ. Ba là "hạnh phúc của mỗi người (Sarvodaya)": đó là những nỗ lực liên tục và chân thành để thúc đẩy "phúc lợi của tất cả mọi người." Ba khía cạnh này tạo thành một "bộ ba": yêu chân lí Satyagraha (nguyên tắc) = không làm tổn thương/không làm thiệt hại ahimsa (phương tiện) = phúc lợi của tất cả mọi người Sarvodaya (mục tiêu).

Như vậy con đường đi đến bất bạo động là con đường đòi hỏi một sự thay đổi cá nhân sâu rộng, một sự hoà giải với chính mình và với những người khác trong đó người ta học cách đối xử với những người khác như người ta muốn được đối xử với chính mình. Ở mức độ xã hội bất bạo động hàm chứa một cuộc tìm kiếm những phương tiện mới đầy tính sáng tạo để giải quyết những mâu thuẫn với mục đích loại trừ hoàn toàn bạo động ở mọi hình thái.

Có khá nhiều người không ý thức được rằng bất bạo động được áp dụng để theo đuổi sự công bằng xã hội có cái gì đó khác với sự thần phục hay sự tự thoả mãn. Nó là một hình thức tranh đấu.

Hình thức tranh đấu này đã có hiệu quả ở các nước có dân chủ và tự do báo chí. Nhưng điều đó không có nghĩa là ở các nước độc tài thì nó không có hiệu quả. Những cuộc tranh đấu bất bạo động trong những năm vừa qua ở các nước độc tài cộng sản như ở Ba lan và độc tài quân phiệt như ở Burma cho thấy bất bạo động cũng có thể thành công ở cả các nước độc tài.

Cũng có khá nhiều người nghĩ rằng bất bạo động chỉ thành công khi cả hai phía cùng sẳn sàng hợp tác. Điều đó hoàn toàn không đúng và phản ảnh một sự hiểu lầm đang thịnh hành về những nguyên tắc của bất bạo động mà các nhà tranh đấu bất bạo động như Adin Ballou, Henry David Thoreau, Mahatma Gandhi và Martin Luther King đã vạch ra.

Bất bạo động có luôn luôn thành công không? Không, nhưng bạo lực hay quân lực cũng không luôn luôn thành công. Bạo lực hay quân lực có thể thành công trong việc bắt ép phải thay đổi, nhưng nó không đem đến hoà giải và luôn chứa sẵn mầm mống của xung đột bạo lực.

Có những nguy hiểm cho bản thân khi tranh đấu bất bạo động? Chắc chắn là có. Những nguy hiểm ấy rất lớn và có thể đưa đến cái chết. Nhưng sự liên đới và sự hi sinh, cần cho việc chấp nhận nguy hiểm và chịu đựng những lời nói nặng gặp phải, khi tranh đấu bất bạo động, sẽ làm cho cả tính cách lẫn tinh thần lớn mạnh hơn. Không có việc gì muốn thành công mà không phải trả một giá nào đó. Nhất là việc đòi hỏi tự do dân chủ và công bằng xã hội thì giá phải trả lại càng cao hơn. Ngày nay nhiều người nhất là giới trẻ tự thoả mãn với những gì đang có. Họ không dám trở thành những Mandela mới để đưa đất nước tới tự do dân chủ và công bằng xã hội như Mandela đã làm. Trong phiên toà xét xử ông và các đồng chí năm 1964, Mandela đã nói: "Tôi đã dâng hiến cuộc đời của tôi cho việc tranh đấu cho nhân dân Phi châu. Tôi đã chiến đấu chống sự thống trị của da trắng và tôi đã chiến đấu chống sự thống trị của da đen. Tôi đã ấp ủ lí tưởng một xã hội dân chủ và tự do trong đó mọi người sống hài hoà và có những cơ hội giống nhau. Đó là lí tưởng mà vì nó tôi hi vọng sống nhưng nếu cần thì đó cũng là lí tưởng mà vì nó tôi sẵn sàng chết". Câu nói này của ông trong phiên toà đáng để cho những người tranh đấu bất bạo động cho tự do dân chủ và công bằng xã hội phải suy nghĩ. Tại sao một người, có thời gian coi việc tranh đấu bất bạo động là vô ích, đã thành lập một chi nhánh sử dụng bạo lực lại thay đổi trở thành hoàn toàn tin tưởng vào bất bạo động và đã dám sống vì lí tưởng như lời ông đã nói. Đó là vì bất bạo động đã trở thành một phong cách sống của ông. Ông tin tưởng cái tốt vẫn tồn tại trong các kẻ thù dù tàn ác nhất của ông. Ông luôn sẵn sàng gặp gỡ và hoà giải với các kẻ thù của ông dù đã có lúc họ hãm hại ông.

Nhưng làm thế nào để bất bạo động trở thành một phong cách sống?

1-Thừa nhận mặt yếu kém mờ tối của mình
Bất bạo động như là phương pháp hay kĩ thuật có tham vọng đạt mục đích mà không gây thiệt hại về thể xác, tinh thần và vật chất. Có nghĩa là không làm tổn thương con người. Dù vậy nhưng vẫn còn khá nhiều mặt phải nói là tiêu cực. Chúng ta tạm giới hạn ở măt tinh thần. Chúng ta những công dân lịch lãm không được phép gây thương tích thể xác hay giết ai nhưng chúng ta thường làm tổn thương người khác về mặt tinh thần.

Thí dụ những người quen hoặc những người khác tôn giáo, khác màu da, khác chính kiến v.v. ngấm ngầm bị xua đuổi, bị vu cáo, bị hạ nhục, bị bắt thần phục, bị đối xử tàn tệ, bị phủ nhận và bị cô lập hoặc công khai bị khiêu khích, bị trêu chọc, bị bôi đen hay bị biến thành ác quỷ.

Và có biết bao lần chúng ta đã không tự trách mình hay ngồi tự chửi mình vì đã làm một cái gì sai dưới cái nhìn của chúng ta. Tất cả các hình thức bạo động tinh thần, cả đối với chính chúng ta, kín đáo hay không, ý thức hay không và cả những khía cạnh yếu kém mờ tối khác đều cần phải đem ra xem xét kĩ lưỡng. Carl Jung đã nói về vấn đề này như sau: "Người nhìn bên ngoài là người mơ ngủ, ngưới nhìn bên trong là người thức tỉnh. Người ta không sáng vì được đặt bên các tấm hình của ánh sáng mà do ý thức được sự tối tăm của chính mình".

Cả những người yêu hoà bình cũng có những mặt yếu kém mờ tối của mình. Điều đó không có nghĩa vì vậy họ phải tự kết án họ mà trái lại vì việc yêu bản thân và giá trị bản thân rất quan trọng mà không nên tự kết án mình. Nhưng dù vậy, việc ý thức những mặt yếu kém mờ tối của mình vẫn thật cần thiết. Đó là vì niềm tin của chúng ta mà cũng vì lòng tự hào cần cho bất bạo động và công tác hoà bình. Nhưng đặc biệt vì việc phủ nhận và việc xua đuổi những mặt yếu kém mờ tối sẽ đưa đến việc tự vẽ ra và tìm một con dê tế thần. Thừa nhận những mặt yếu kém mờ tối thường hữu ích cho việc hàn gắn và chữa trị. Nếu ta không thừa nhận những mặt yếu kém mờ tối bao gồm cả việc bạo lực trong chính bản thân thì làm sao ta có thể quan tâm tới việc truyền bá hoà bình.

2- Sống hoà bình

Những người yêu hoà bình dĩ nhiên có thể ghi nhớ rất kĩ những điểm tích cực của bất bạo động như: bất bạo động không phải là việc chữa trị triệu chứng mà là một sự vượt thoát khỏi bạo động; đó là một cuộc chiến đấu với cái nhìn cởi mở; nhưng ta không thể áp đặt cái tốt bằng bạo lực; đó là cuộc chiến đấu không đem đến sự đau khổ cho người khác và trong trường hợp bất khả kháng thì sẵn sàng nhận phần đau khổ về mình; bất bạo động chủ trương đi tìm cái tốt ở trong người khác; và vì vậy từ thù hận hay kẻ thù là những từ cấm kị; trong cuộc tranh đấu bất bạo động phương tiện cũng quan trọng như mục đích vì vậy không thể sử dụng phương tiện đi ngược với mục đích, điều đó giúp tránh rơi vào vòng xoáy của bạo động; và luôn luôn sử dụng sự sáng suốt với đối thủ; nhờ đó có thể phân biệt được con người và công việc.

Nhưng nếu người ta không có được sự bình yên trong nội tâm liệu người ta có thể thực hiện được những điểm mạnh của bất bạo động như ghi ở trên? Nếu chúng ta không sẵn sàng sống hoà bình với nhau liệu chúng ta có thể sống hoà bình với người khác và để cho mọi người được sống hoà bình? Bởi vậy trước hết cần thể hiện sự hoà bình nơi chính chúng ta để chúng ta có thể nói được như Gandhi: "Tôi đã làm cho các kẻ thù trở thành bạn". Và sau đó ông đã nói tiếp:"Thành công lớn nhất của tôi là người Anh đã rời Ấn độ như những người bạn". Điều đó cho thấy ông coi việc biến kẻ thù thành bạn là thành công lớn nhất của ông. Chính sách tha thứ và hoà giải của Nelson Mandela và Desmond Tutu cũng nhằm mục đích này. Một chính sách bất bạo động có thể làm cho các nhà độc tài đang bị lung lay như Mugabe sẵn sàng tự nguyên sống lưu vong và sau đó là áp dụng việc ân xá có điều kiện sẽ giúp ngăn ngừa những đau khổ và đổ máu tiếp theo. Nhưng điều đó đòi hỏi chúng ta phải biết tự thắng chính chúng ta. Bởi vì trong thâm tâm chúng ta luôn có khuynh hướng muốn báo thù để rửa nhục.

3- Tự thay đổi mình
Có ba nhà lãnh đạo tinh thần lớn: Gandhi, Mandela và Tutu đã ý thức được rằng những thành tố nội tâm rất quan trọng đối với bất bạo động. Các ông cũng ý thức được là bạo lực khiêu khích các mặt yếu kém mờ tối và làm cho chúng xuất hiện khiến chúng ta rơi vào tình trạng đánh và đánh trả. Các ông còn ý thức là sự sợ hãi, một yếu tố làm tê liệt nếu không muốn nói là làm chết người, là nguồn gốc chính của bạo lực. Sự sợ hãi làm cho chúng ta nhỏ lại hoặc làm chúng ta không dám tiếp nhận những cái mới với tất cả các hậu quả của nó. Đang khi sự tự tin và sức mạnh nội tâm rất quan trọng cho cuộc sống. Theo Inayat Khan thì: "chiến đấu với người khác đưa đến chiến tranh và vật lộn với bản thân đưa đến hoà bình".

Gandhi đã biết: để thay đổi những người khác thì việc đầu tiên là phải tự thay đổi chính mình trước. Ông nói ông đã có kinh nghiệm về điều đó trong công việc tranh đấu cho hoà bình và cả trong sự liên hệ với vợ ông. Đã có lần ông nói: "Bất bạo động thì nhẹ nhàng, nó không làm tổn thương, nó không phải là kết quả của sự giận dữ hay ác ý, nó không bao giờ cố chấp, không bao giờ mất kiên nhẫn, không bao giờ la hét và luôn chống lại sự ép buộc". Ông còn nói thêm: "Và tôi không chờ tới khi cả dân tộc sẽ thay đổi, nhưng vì không có con đường nào khác tôi phải tự bắt đầu từ chính mình". Như vậy có nghĩa là phải sống làm gương trước. Có những người cho rằng công việc hoà bình sẽ đi đến thất bại nếu người ta không thấy rằng "một mâu thuẫn tôi gặp ở ngoài đời chỉ là biểu hiện của mâu thuẫn đang xẩy ra trong chính tôi". Hoặc còn mạnh hơn họ cho rằng chính chúng ta đã kích động bạo lực vì thế giới nằm trong chính chúng ta, tóm lại bạo lực là biểu hiện của những gì có trong chúng ta. Như vậy việc đấu tranh cho hoà bình trên thế giới và việc phục hồi lại những tàn phá trong thiên nhiên chỉ có kết quả nếu ta giải quyết có hệ thống những mâu thuẫn ẩn dấu trong chính chúng ta. Để suy nghĩ, cũng nên ít dùng những từ thuộc ý thức nhị nguyên, mà theo định nghĩa, hầu như dễ gây tổn thương chẳng hạn như các từ tốt và xấu, phê phán và kết án. Tóm lại: chúng ta không cần dừng lại ở câu hỏi: có phải, để giải quyết vấn đề riêng của chúng ta, chúng ta không cần cố gắng thay đổi môi trường sống của chúng ta? Bởi vì thực tế cho thấy là không biết chấp nhận mình thì không có hoà bình vì ta sẽ cùng với người khác giết chính ta. Và hoà bình mà bị áp đặt thì không có hoà bình. Thực tế này lột trần những dự tính của chúng ta đối với những người khác. Một điều mà chúng ta vẫn còn làm, có thể là do mặc cảm từ trong vô thức là có lỗi với những người khác hoặc vì sợ hãi hoặc do những chấn thương chưa lành. Dầu vậy chúng ta vẫn muốn có một thế giới không còn sợ hãi, một thế giới của những người nối nhịp cầu và của những người hoà giải. Chúng ta có thể có một thế giới như vậy nếu chúng ta nhận ra được là chúng ta không có lỗi và chúng ta sợ hãi vì chúng ta để mình quá bị lệ thuộc vào người khác hoặc chúng ta đã đồng nhất chúng ta một cách không đúng với vị thế, vai trò hay sự tự đánh giá mình, không muốn sống bằng trực giác hoặc sống với cảm nhận phân cách thay vì ý thức thống nhất.

4- Sự thống nhất bên trong cần thiết

Ý thức thống nhất có nghĩa là tất cả đều ràng buộc với nhau và có sự thống nhất bên trong cần thiết. Đó cũng vì chúng ta, dù ý thức hay không, đều là những sinh vật tinh thần. Do đó chúng ta không sống trong vũ trụ mà chúng ta là vũ trụ.

Bất bạo động là một trải nghiệm của ý thức thống nhất ấy, là sống trong liên kết, là sống bằng trái tim. Do đó trong đầu ta sẽ không có ý nghĩ giết hại bất kì ai. Có phải chúng ta đã làm cho chúng ta sợ hãi nhau nhiều thế kỉ vì ý thức nhị nguyên, một ý thức gây ra cho chúng ta cảm giác phân cách, thiếu sót và cô độc? Gandhi đã đạt được thành công bởi vì ông hành động hoàn toàn theo ý thức nhất nguyên. Một ý thức đòi hỏi ông nhiều thời gian thinh lặng để chiêm nghiệm các quy luật của vũ trụ và lắng nghe tiếng nói của nội tâm.

Ngày nay người ta đã thấy được là tinh thần có một sức mạnh khủng khiếp. Nó đưa đến tự do, tự chủ, xác thực và cá tính. Nhờ tinh thần người ta có thể sử dụng được luật của lực lôi kéo trong vũ trụ. Đó là luật lôi kéo những cái giống nhau vào với nhau. Luật này gồm lực khẳng định và lực hình dung. Thông qua ý thức ta tạo ra cái sẽ xảy ra và với sự trợ giúp của vô thức ta sẽ đạt được kết quả. Liên tục nghĩ, nói và hành động về điều ta mong muốn xảy ra sẽ có tác động đến luật lôi kéo trong vũ trụ. Hãy luôn nói và nghĩ tích cực không nghi ngờ.

Gandhi là người đi đầu về loại suy nghĩ này. Ông nói: "Nếu một người đánh thức được tinh thần thì có thể nâng trái đất lên một chút". Ông chú ý đặc biệt tới cá nhân và sức mạnh nội tâm và ông cũng thường quan tâm tới khả năng làm những cái không có thể. Ông nói: "Nếu người ta để cho ý thức nhất nguyên hướng dẫn thì người ta sẽ không bị cản trở vì sự sợ hãi. Tại sao người ta lại phải sợ những người mà người ta thực sự liên kết với nhau thông qua cái ngã đích thực (chân ngã hay còn gọi là cái ngã tối cao?".
Truyền thông bất bạo động với ngôn ngữ hoà giải

Truyền thông bất bạo động đòi hỏi ngôn ngữ hoà giải và một thái độ thân thiện. Có hai loại ngôn ngữ thường được sử dụng: ngôn ngữ gây hấn (ngôn ngữ chó sói) và ngôn ngữ hoà giải (ngôn ngữ hươu cao cổ). Ngôn ngữ gây hấn là ngôn ngữ xét xử, coi thường, buộc tội, đổ lỗi v.v. đang khi ngôn ngữ hoà giải là ngôn ngữ của trái tim, của lòng từ bi và an lạc. Gandhi cho thấy là việc sử dụng ngôn ngữ gây hấn thay vì ngôn ngữ hoà giải và coi thường người khác chỉ đưa đến thù hận và coi thường người khác tức là ta tự coi thường mình.

Việc sự dụng ngôn ngữ gây hấn cũng là một hình thức bạo lực: bạo lực bằng lời nói.

Sức mạnh nội tâm

Các cái ngã của con người trên nguyên tắc đều bình đẳng. Chúng ta cần thay đổi chúng ta bằng cách đem cái ngã riêng tiếp xúc với cái ngã tối cao và nhờ đó một tiến trình tự tha thứ có thể diễn ra. Điều đó gọi là sự phát triển tinh thần, sống từ nội tâm. Hơn thế nữa đó còn là một tiện ích dành cho con người. Nó có liên hệ với nhận thức về thế giới. Ta có thể nói: "Để hoà bình nội tâm có tác động với chính tôi, tôi không cần làm gì bởi vì tôi cần hoà bình mà cũng bởi vì hoà bình cần thiết. Và bởi vì tôi cũng biết rằng tôi muốn người khác được hoà bình như tôi. Nhưng trước hết tôi phải cho tôi sự hoà bình và an lạc. Tôi thực hiện sự an lạc và hoà bình trong chính con người tôi và sau đó tôi phân phối cho những người khác".

Sức mạnh nội tâm là một sức mạnh khủng khiếp, có lẽ là sức mạnh lớn nhất trên thế giới. Vì nhờ nó ta sống với lí tưởng cao đẹp và vì nó ta không hướng tới sự cô đơn, sợ hãi, cạnh tranh, báo thù, dùng người dựa trên sự thiếu hụt và lợi ích riêng, mà không trên sự bình đẳng, sự liên kết, sự từ bi, sự tự do, cho và nghĩ trên sự phong phú. Martin Luther King cũng là một nhà tinh thần vĩ đại đã nói về sức mạnh này như sau: "Điểm yếu của bạo lực là vòng xoắn đi xuống và kích thích những cái mà ta muốn huỷ diệt. Với bạo lực ta có thể giết được người ta thù hận nhưng không giết được sự thù hận. Với bạo lực ta chỉ làm cho sự thù hận càng nhiều hơn. Với bất bạo động chúng ta có sức mạnh lớn hơn là bom nguyên tử. Bởi vì một trái bom chỉ có thể huỷ diệt nhưng bất bạo động có thể thay đổi được trái tim". Sự lan toả sẽ rất lớn nếu ta phát triển ý thức ấy, sức mạnh yêu thương ấy.

Lịch sử thế giới những năm gần đây cho thấy: đối với các chế độ độc tài cá nhân hay quân phiệt tranh đấu bạo động và tranh đấu bất bạo động đều có thể làm thay đổi các chế độ này. Nhưng tranh đấu bất bạo động ít gây tàn phá và đau thương hận thù hơn. Còn đối với các chế độ độc tài đảng trị như độc tài cộng sản thì tranh đấu bạo động thường không đem đến kết quả vì đảng cộng sản là chuyên viên về bạo động. Ta lấy sở trường của họ để đánh họ thì chắc chắn sẽ thua. Trái lại tranh đấu bất bạo động luôn đưa độc tài đảng trị vào thế khó xử và nhờ đó ta mới có cơ hội thành công. Bằng chứng là Ba Lan và các nước Đông Âu. Điều đó minh chứng tranh đấu bất bạo động luôn đưa đến thành công dù với bất kì chế độ nào. Các nhà tranh đấu cho dân chủ Việt nam cần xác tín điều này để có thể loại bỏ khuynh hướng thích sử dụng bạo lực. Nhưng để có thể thực hiện việc tranh đấu bất bạo động thành công đòi hỏi các người tranh đấu cho dân chủ phải biết biến bất bạo động thành một phong cách sống đồng thời phải có quyết tâm và kiên trì cũng như cố gắng học hỏi về bất bạo động.

Trần Bảo Lộc
(Lâm Đồng 23/01/2014, ngày Táo quân)
Bất Bạo Động, Một Phong Cách Sống Của Người Dân Chủ Reviewed by Unknown on 1/26/2014 Rating: 5 Mahatma Gandhi đã giành lại độc lập cho Ấn Độ từ tay người Anh bằng đấu tranh Bất Bạo Động năm 1947 Trần Bảo Lộc: “…Như vậy con đường ...

Không có nhận xét nào: