LTS: Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự
độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở
Việt Nam ngày 7 tháng 7, 2012 vừa qua, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị
cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954
ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần
17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và một người nữa
(ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) sống sót trong số 72 người
tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký
từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký
này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ
và linh mục Công Giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo”.
Trong cái nhà mồ đó, có tôi và Trần Văn Liệu (Cầu Giát Nghệ
An) vốn ăn to nói lớn thế mà lúc ông làm việc thiêng liêng, tôi, nhất là Liệu đến
phải khép nép, và im lặng. Ðúng là một cái nhà mồ. Những người ở trong cái nhà
mồ ấy chết gần hết, chỉ còn lại tôi, và hình như Liệu nữa.
Nhà tù của chúng tôi không có tên, hoặc là có thì đây: 65HE
Bộ Công An, hay công trường 75A Hà Nội. Những người Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng
Bình đi thăm, hỏi công an địa phương, họ cho cái địa chỉ đó. Có người ngây thơ
nghĩ rằng, người thân của mình được ra làm công trường ở Hà Nội. Họ ùa đi tìm
và không bao giờ thấy cả.
Vậy nó ở đâu?
Ở thị xã Hà Giang đi lên, qua đèo Quyết Tiến đến Cổng Trời
là gần biên giới Việt Trung chỗ có thể chưa được phân định rõ ràng, có thể là đất
Tàu có thể là đất ta, một thung lũng không có tên, không có dân, chỉ có tù và
người coi tù. Mặt đất đầy nghệ. Rừng nghệ. Tù lấy lá nghệ mọc trong gầm giường
ăn thay rau chống đói. Không biết mình ở đâu? Không định được tọa độ trên bản đồ.
Hàng rào cao kín mít, con chim không bay qua, con chuột to chui không lọt.
Sang đến năm 1963, thì tù phá đá ở ngay trong sân trại xây
tường bao quanh. Tường cao như tường Hỏa Lò Hà Nội. Có dây kẽm gai, có điện
truyền vào dây kẽm gai. Nghĩa là cực kỳ kiên cố. Không ai có thể trốn thoát được.
Không một ai cả. Chế độ kiểm soát tù nhân cực kỳ nghiêm mật. Không một mảnh giấy
lọt vào. Không một cái gì có thể gạch hoặc viết được ra chữ tồn tại trong tù.
Không báo chí, thư từ. Tù nhân cấm không được viết thư và nhận thư. Nói khó ai
tin: Cuộc chiến tranh với Mỹ xảy ra năm 1964 ở miền Bắc không một ai trong nhà
tù biết cả. Chỉ thấy có một hiện tượng là những bức tường rào bao quanh được ngụy
trang và các mái nhà được che phủ. Thế thôi. Không ai đoán ra được cái gì. Mãi
cho đến năm 1967, tôi được đưa về trại Phú Sơn Thái Nguyên. Trên đường đi từ Hà
Giang về tôi gặp quân Tàu nhập Việt trùng trùng điệp điệp kéo đi. Lúc ấy tôi mới
biết là có chiến tranh.
Cực giỏi. Những người CS cực giỏi trong quản lý nhà tù, cũng
như trong cái trò bưng tai, bịt mắt quần chúng nhân dân.
Một bức màn sắt đúng nghĩa.
Ðây là nhà tù, chứ không phải là nhà thờ. Vậy cấm cầu kinh,
cấm lần tràng hạt, cấm làm dấu thánh. Cấm được ngồi trong đêm; vì không ai nằm
mà cầu kinh cả.
Vậy nên cửa sổ nhà tù lúc nào cũng phải mở, mây bay vào qua
cửa sổ mang cái lạnh chết người vào theo.
Cái màn cho tù, là một cái quan tài bằng vải. Quy định màn
chỉ được cao 40cm để nếu tù có ngồi ban đêm cầu kinh thì nhô cái đầu lên, lính
canh đi tuần có thể kiểm soát được, quản giáo đi tuần có thể nhìn thấy. Vậy cái
màn dài 1m8 và cao 40cm, thì đúng là một cái quan tài bằng vải sô liệm người sống
rồi còn gì.
Cứ từng bước một, ban giám thị trại thi hành chính sách diệt
tôn giáo, cụ thể là diệt Thiên Chúa Giáo. Vì ở Cổng Trời tôi chưa hề gặp một
nhà sư hoặc một Phật tử nào. Chỉ gặp các linh mục và các tu sĩ Thiên Chúa Giáo
mà thôi. Có lẽ ở miền Bắc Việt Nam thời ấy không còn đạo Phật đúng nghĩa của
nó. Trong cái nhà mồ đó, có một tôi là người là không theo đạo Thiên Chúa,
nhưng tôi không phải là Phật tử. Tôi không thờ Phật, không tin vào Niết Bàn và
Thích Ca Mâu Ni tuy tôi rất thích câu kệ:
Nhạn liệng từng không
Bóng in mặt nước
Nhạn không có lòng ghi dấu
Nước không có ý lưu hình
Với tôi, tất cả sư mô ở Bắc kỳ đều là sư hổ mang, học trường
Ðại Học Tôn Giáo, tu theo nghĩa vụ, như nghĩa vụ quân sự, hết ba năm ra khỏi
chùa về nhà lấy vợ đẻ con. Thế cả.
Và tôi cũng nghĩ sai về các tu sĩ Thiên Chúa Giáo như thế.
Nhưng tôi đã thật sự gặp các vị thánh tử vì đạo. Các vị thánh tử vì đạo bằng
xương bằng thịt sống cạnh tôi nhiều năm, mà tôi vẫn coi thường, nhưng cái chết
của họ đã làm tôi phải nghĩ khác đi. Tôi vốn xa lạ với các tên Phêrô, Phaolồ và
Mađờlen. Nhưng cái tên Ðỗ Bá Lung thì cho đến hết đời tôi không thể nào quên được.
Tu sĩ Ðỗ Bá Lung người lù khù nhưng tử tế, hiền lành, củ mì như một nông dân
chân chính của đồng bằng Bắc bộ. Chả là ông tu ở xứ đạo Ngọc Ðồng, Hưng Yên mà.
Ông chưa được phong linh mục cũng như ông Diệu ở Thụy Phương Hà Nội, ông Chính
(Nhẩm) ở Trung Ðông Thái Bình. Ông chả kể về ông mấy khi.
Trong cái nhà mồ đó chỉ có thầy Chính là có kể cho tôi nghe
đôi điều về quê hương Thái Thụy của người, và về xứ đạo ven biển Trung Ðông mà
thôi. Thêm nữa có nhà trí thức xứ Nghệ Khánh Sơn với đôi kính cận dầy cộm, ra
cái điều học nhiều biết rộng, thiên kinh vạn quyển, cổ kim, Âu Á, hay nói với
tôi về Phúc Âm, về Thánh Thomas d'Aquin. Tôi nghe ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm.
Tôi vốn không có đức tin và vốn coi thường cái học vấn hẹp hòi của các vị đó
thường giới hạn đến hết sân Nhà Thờ, nên tôi chỉ nghe chơi cho qua ngày đoạn
tháng, cho qua cái thời gian dài dằng dặc khốn nạn ở trong cái nhà mồ mà thôi.
Còn tiếp...
Cổng Trời Căn Tỷ (Kỳ 3)
Nguồn: Người Việt online
Bài liên quan: Cổng Trời Cắn Tỷ - (Kỳ 1)Cổng Trời Căn Tỷ (Kỳ 3)
Không có nhận xét nào: