Cổng Trời Căn Tỷ (kỳ 1) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
14 tháng 1, 2014

Cổng Trời Căn Tỷ (kỳ 1)

LTS: Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông mất ở Việt Nam ngày 7 tháng 7, 2012 vừa qua, thọ 81 tuổi. Ông từng tốt nghiệp Võ Bị cùng khóa với ông Nguyễn Cao Kỳ, là đại úy tiểu đoàn trưởng Nhảy Dù. Năm 1954 ông đã không theo đơn vị di cư vào Nam vì lý do gia đình. Ông đã bị bỏ tù hai lần 17 năm trong đó có nhiều năm ông bị giam ở “Cổng Trời,” nơi ông và một người nữa (ông Nguyễn Hữu Ðang trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) sống sót trong số 72 người tù ở cùng một phân trại. Ông kể lại những ngày tù ở “Cổng Trời” qua các hồi ký từng phổ biến trên tạp chí Thế Kỷ 21 cách đây hơn chục năm. Trong các hồi ký này, ông kể về sự kiên cường giữ vững niềm tin tôn giáo của các giáo dân, tu sĩ và linh mục Công Giáo mà ông gọi là “các Thánh Tử Ðạo”.

Kỳ 1

Kiều Duy Vĩnh
 
Tôi sở dĩ sống đến hôm nay là vì tôi không phải là người Thiên Chúa Giáo. Nếu tôi mà đeo Thánh Giá ở ngực và biết câu Kinh thì tôi phải chết đã lâu rồi, từ những năm 60 của thế kỷ này, khi còn đi tù đày ở Cổng Trời kia.Ngày ấy tuy qua mà như còn đấy...

(Chí Thiện)
Chúng tôi được tập trung ở Hỏa Lò Hà Nội từ khắp mọi miền đất Bắc, từ vĩ tuyến 17 trở ra: Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Mỏ Chén, Bất Bạt, Sơn La, Yên Bái, Lao Kay.

Tay xích còng số 8, hai người một.

Hàng đầu: Cha Vinh (địa phận Hà Nội) người bị kết án có 18 tháng tù thôi thế mà hóa ra án tử hình. Cha Quế, địa phận Xã Ðoài, Nghệ An. Thứ đến là Nguyễn Hữu Ðang, người cầm đầu Nhân Văn Giai Phẩm. Tu sĩ Ðỗ Bá Lung, tu sĩ xứ Ngọc Ðồng Hưng Yên (nay là Hải Hưng), khét tiếng chống Cộng Sản (1). Tiếp sau đó là một lũ tù dây, đầu trần trán khỉ, hôi hám rách rưới, chống bướng, cứng đầu cứng cổ không chịu sự cải tạo của đảng và chính phủ, bọn “dám bẻ que chống trời...

Chúng tôi lên xe đi. Súng ống bao quanh. Ði đâu?

Không ai ai biết cả. Cả những người cầm súng, cũng không biết. Có lẽ chỉ có một người biết. Người đó xách cặp đen đựng danh sách tù nhân, mặt mũi tử tế, ăn mặc dân sự chỉnh tề, đi trên chiếc commăng ca dẫn đường.

Chỉ biết là chúng tôi đi lên hướng Bắc. Ngày đó đường sá đầy ổ gà ổ voi, xe đi chậm. Mãi trưa chúng tôi mới tới Vĩnh Yên. Nghỉ lại ăn cơm trưa.

Tôi ngồi gần Nguyễn Hữu Ðang, thấy người xách cặp đen đi qua để “kiểm tù” nói năng lễ độ tử tế, nhẹ nhàng.

“Anh Ðang, anh có khỏe không?”

“Vâng, tôi khỏe”.

Hai người nhìn nhau thông cảm:

“Anh có yêu cầu điều gì không?”

“Không. Cám ơn.”

Người đó lặng lẽ đi tiếp.

Chúng tôi lại tiếp tục đi lên phía Bắc. Ðến Ðoan Hùng. Lúc đó chưa có cầu. Chúng tôi phải xuống xe chờ phà. Ðể tránh sự chú ý: Họ lùa chúng tôi vào sâu trong ngõ cạnh đường, ở đó có một trường học. Có lẽ cấp hai. Các em học sinh và các thầy cô giáo tò mò ra xem lũ tù đày. Họ chỉ trỏ xì xào, hỏi han.

Nguyễn Hữu Ðang hỏi:

“Các cháu có biết nhân vật lịch sử Cao Bá Quát không?”

Qua phà chúng tôi đến Tuyên Quang ngủ lại trại giam Tuyên Quang. Lệnh: Không được cởi xích tay. Qua một đêm không thể nào mà ngủ được. Thằng muốn đi ỉa đi đái, phải đánh thức thằng tù đang ngủ dậy.

5 giờ dậy đi tiếp.

Kiểm số tù lần cuối vẫn là ông xách cái cặp đen tử tế. Ông ta tỏ vẻ rất biệt đãi đối với anh Ðang, làm tôi nghĩ đến chuyện “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân trong “Vang Bóng Một Thời”.

Ðến Hà Giang, sau khi ăn cơm trưa, chúng tôi đi tiếp vào một con đường mới mở, hẹp và cheo leo. Mọi người nhìn nhau:

“Ði mô?”

Mấy ông Nghệ Tĩnh hỏi nhau.

“Có lẽ sang Tàu.”

Anh Ðang bảo: “Lên Cổng Trời Cắn Tỷ.”

Xe đi chậm vì đường quá xấu. Thế rồi cũng qua được hết, qua đèo Quyết Tiến như là đi máy bay, qua rừng, qua suối, qua mây, và rồi màn đêm buông xuống, chúng tôi đi trong đêm. Tôi vốn là một sĩ quan rất giỏi về Topo, cố định hướng xem mình đi về đâu, hướng nào và đã đi bao xa, nhưng lúc đó cũng chịu. Ðộ 2 giờ sáng đến một địa điểm đèn đuốc sáng choang.

Lệnh xuống xe.

Chúng tôi bị lùa vào một khu rừng, và vào một cái nhà có tường dầy 0.80 mét bằng đất nện, cửa lim, trong nền nhà mọc đầy cây nghệ, lá xách om mượt mà. Cửa khóa lại. Không có đèn đóm gì. Tay hai người vẫn bị xích lại với nhau. Mỗi nhà nhận độ 20 người. Sờ soạng sắp xếp và ngủ tiếp.

Sáng hôm sau, cửa mở, đem toàn bộ đồ dùng ra sân. Khám xét. Lục lọi. Tất cả cái gì bằng kim loại, thánh giá, tràng hạt, kể cả cái thìa nhôm cũng bị tịch thu lấy đi.

Xong, đọc tên phân loại.

Khu O. Khu H. Khu A. Khu B. Khu C. Khi đi và lúc đọc tên tôi nhẩm: có 72 người. Phần lớn là già, đứng tuổi và 99 phần trăm là Thiên Chúa Giáo.

Cha Vinh, cha Quế được gọi đi trước, đi về khu O. Nguyễn Hữu Ðang vào khu C. Tôi và tu sĩ Ðỗ Bá Lung vào khu A. Khu A có hai nhà. Nhà tôi ở có: - Ðinh Hiền Lương, tu sĩ dòng tu ép xác Châu Sơn, Ninh Bình, Ðức cha Lê Hữu Từ trước khi làm Giám mục Phát Diệm đã tu ở đó. - Nguyễn Trung Chính, tức Nhẩm, tu sĩ xứ Trung Ðồng, Thái Bình. Nguyễn Văn Khánh Sơn, giáo dân đeo kính cận người Nghệ Tĩnh. - Cố Hoàng: giáo dân Ðức Thọ, Hà Tĩnh, có hai người sinh đôi là Song, Toàn để phân biệt với - Tu sĩ Hoàng cũng Nghệ An. - Lưu Nam phụ trách thanh niên Công Giáo địa phận Xã Ðoài. - Tu sĩ Bình, địa phận Thái Bình. - Tu sĩ Ðỗ Bá Lung xứ Ngọc Ðồng, Hưng Yên. - Trần Văn Liệu, giáo dân làm nghề đồ tể ở Cầu Giát, Quỳnh Lưu, v.v.

Nhà rất rộng, có 2 sạp nằm đối đầu nhau. Chúng tôi là tù chính trị nên đều hết sức tử tế nhường nhịn nhau, ai nằm đâu thì nằm không hề tranh giành cãi cọ.

Xếp đồ đạc xong, đã đến giờ làm việc thiêng liêng, ai nấy đều cầu kinh và làm dấu thánh giá.

Riêng tôi, có mỗi một mình tôi, không biết cầu, không thuộc kinh bổn gì ráo trọi nên tôi bèn nghĩ tới cái trò Yoga mà tôi đã đọc ở đâu đó. Những năm của thập kỷ 60 người ta ít biết và ít nói về cái trò đó. Tôi ngồi thở và sau đó Trần Văn Liệu hỏi tôi “Ðược mấy cân hơi rồi.”

Ngày đầu tiên ở Cổng Trời Cắn Tỷ chấm hết ở đó.

Sang ngày thứ hai, mọi người dậy sớm. Cứ ngồi mà nhìn nhau. Không có nước để đánh răng rửa mặt. Tám giờ, chín giờ rồi mười giờ. Vẫn im ắng như không. Các đấng bậc tu sĩ lại cầu kinh. Tôi lại luyện yoga.

Hai cái thùng đựng phân và nước tiểu bằng gỗ đều đầy cả. Nước đái tràn cả ra ngoài.

Mãi đến 11 giờ, có tiếng gọi: “Lấy cơm.”

Có hai tên tù hình sự ở trại ngoài khênh cơm đến để ở cửa rồi chạy biến. Cấm được nhìn, được hỏi, được tiếp xúc trao đổi cái gì. Bọn kiên giam, biệt giam là cực kỳ nguy hiểm, chúng giết người không gớm tay, bọn ăn gan uống máu đồng bào.

Nhưng thật sự, nhìn kỹ thì: - Ðinh Hiền Lương dòng tu ép xác Châu Sơn xanh lướt như một cái bóng. Các tu sĩ đều vậy cả. - Cố Hoàng thì chỉ có hát là cao giọng thôi, chứ đi đứng thì lẩy bẩy. - Khánh Sơn thì mù dở. Nếu ăn gan uống máu đồng bào được thì may ra có tôi và Trần Văn Liệu. Nhưng sau những năm tháng tù đầy ở dưới đồng bằng, bị đói, bị khát bị quần cho đến tơi người bản thân tôi, nắm tay không chặt thì còn làm gì được nữa. Ðã rất nhiều lần tôi thử sức, nắm thật chặt để nắm tay mình trở thành quả đấm, nhưng không bao giờ thành, bàn tay tôi không bao giờ có thể nắm chặt lại để thành nắm đấm cả. Thực trạng là như vậy đấy. Nhưng chắc là có lệnh nghiêm mật, giám thị, quản giáo và lính coi tù họ đối xử với chúng tôi cực kỳ tàn bạo và hà khắc.

Ðiều cuối cùng họ phải thi hành nghiêm chỉnh là làm cách nào giết hết được chúng tôi. Và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó: 72 người còn lại độ chừng 11 người. Tôi dám nói con số đó chính xác đến 99%.

Năm đó là năm 1961. Chúng giết anh em ta ở khu O, khu H, và khu A. Những lò thiêu xác (khổng lồ hay nhỏ nhoi?) không có khói và không cần chất đốt.

Chúng giết anh em ta

Bằng chiều cao của núi

Bằng chiều sâu của đất

Bằng thông cáo của nha khí tượng.

Cứ âm O độ là gọi đi xà lim. Xà lim là một cái quan tài bằng đất dầy một mét, cùm răng cá sấu cắn chân không bao giờ được mở, và bỏ đói cho đến chết. Tiếng gọi của thần chết đột ngột, bất thần, không lý do và khỏi cần giải thích. Lưu Nam, chuẩn bị đi. Khánh Sơn chuẩn bị đi. Ðinh Hiền Lương, chuẩn bị đi. Cứ thế lần lượt ra đi và không ai trở lại.

Những năm tháng ấy, tôi ngửi thấy cái chết gần gũi quá. Lần đầu tiên trong đời, qua những năm chinh chiến, qua những cuộc hành quân chiến dịch, tôi đi trong cảnh máu chảy đầu rơi, chân tay vung vãi, khói lửa mù trời, tiếng đại bác bắn dồn dập, mặt đất rung chuyển, máy bay rít sát trên đầu, tiếng xích sắt của xe tăng nghiến sàn sạt sát sườn, cả khi người vệ sĩ của tôi chạy cạnh tôi trong chiến đấu, bị nguyên một băng tiểu liên quét trúng, ngã trong cánh tay tôi, người đầy máu thều thào: “Em chết, trung úy ạ...” cả những lúc ấy tôi vẫn chưa cảm thấy mùi Thần Chết.

Nhưng ở đây, Cổng Trời Cắn Tỷ, những năm 60, tôi ngửi thấy và cảm thấy nó rất gần. Lặng lẽ, lặng lẽ nó tiến đến. Không thể nào cản nổi. Một cặp lỗ hổng vô cảm của đôi mắt, một tiếng gọi tên, vài cái lưỡi lê chĩa vào... Thế là ra đi, thế là chết.

Một người ra khỏi cửa, những người còn lại nhìn nhau chờ đợi. Không ai nói với ai điều gì. Chúng tôi ăn cơm hai bữa một ngày, chín giờ sáng và ba giờ chiều. Ăn xong ngồi nhìn nhau. Chờ.

Các đấng bậc tu sĩ rất ít nói, nhất là Ðinh Hiền Lương, dòng tu ép xác Châu Sơn. Trông Ðinh Hiền Lương tôi nhớ đến Ðức Giám Mục Lê Hữu Từ địa phận Phát Diệm: Khô, gầy, mặt đầy nếp nhăn khắc khổ. Tuy còn trẻ hơn nhưng tu sĩ Lương cũng gần giống vậy, chỉ có nước da trắng xanh hơn vì ở xà lim suốt. Tuy ông mặc áo tù, nhưng trước mắt tôi vẫn cứ hiện lên hình ảnh của Giám Mục Lê Hữu Từ, người ngồi đó lặng lẽ ôn tồn nhẹ nhàng để đi đến cái chết.

Ở với ông lâu, nhưng tôi chưa được nghe một câu chuyện nào do ông kể, vì ông chỉ nói mỗi ngày có vài tiếng thật cần thiết để tồn tại. Còn thì im lặng suốt. Cái im ắng của ông, tỏa ra chung quanh, đè xuống mọi người.

Còn tiếpNguồn: Người Việt online

Bài liên quan: Cổng Trời Cắn Tỷ - Kỳ 2,
Cổng Trời Căn Tỷ (kỳ 1) Reviewed by Unknown on 1/14/2014 Rating: 5 LTS: Ông Kiều Duy Vĩnh là một trong những chứng nhân của sự độc ác cùng cực của cai tù CSVN tại nhà tù “Cổng Trời” tỉnh Hà Giang. Ông m...

Không có nhận xét nào: