Nguyễn Vạn Phú: Báo Dân Việt đưa tin, 11 tỉnh đã xin Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cấp gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt 2014. Đó là các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Kom Tum.
Chỉ cần gõ cụm từ GDP năm 2013 và tên tỉnh, lần lượt sẽ thấy một bức tranh trái ngược. Ví dụ, tỉnh Kon Tum vừa mới tuyên bố GDP năm 2013 của họ tăng 12,4%, thu nhập bình quân đầu người tăng 15,8%.
Tỉnh Phú Yên thì ngoài GDP năm 2013 dự kiến đạt mức tăng 12,5% còn khoe chỉ tiêu đạt kế hoạch là sản lượng lương thực (gần 368.000 tấn).
Còn đọc sâu vô báo cáo của các tỉnh, sẽ thấy những lời ca ngợi kiểu như thế này: “nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, môi trường xã hội được cải thiện, niềm tin nhân dân được nâng lên” (tỉnh Bình Thuận); “Tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá so sánh năm 2010) đạt 10, 51%, đứng thứ 4 toàn vùng” (Yên Bái); “môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện; giải quyết việc làm mới cho trên 15.500 lao động, giảm 2% hộ nghèo trong năm 2013(Ninh Thuận)...
Thật khó kìm được một nhận xét theo kiểu dân dã!
Nguồn: Facebook Xê Nho Nvp
11 tỉnh xin cấp gạo cứu đói dịp Tết
Ngày 9.1, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Thái Phúc Thành – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, tới thời điểm này, Bộ đã nhận được đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt 2014 của 11 tỉnh gồm: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Kom Tum. Trong đó tỉnh có số lượng đề xuất xin gạo nhiều nhất là Quảng Bình với 5.200 tấn, tiếp sau là Quảng Trị 4.289 tấn, Nghệ An gần 4.200 tấn.
Sở dĩ 3 tỉnh này có lượng đề xuất gạo lớn là bởi vừa gặp phải các cơn bão lớn vào dịp cuối năm. Tổng số lượng gạo Chính phủ xuất gạo cứu đói để hỗ trợ trong dịp tết này là khoảng hơn 20.000 tấn.
Hiện tại, vẫn còn một số địa phương đang tổng hợp, chưa có kết quả chính thức. Tuy nhiên, Cục quán triệt tinh thần yêu cầu các địa phương làm gấp rút, để không một hộ nào phải thiếu đói trong dịp tết.
Ông Thành cũng chia sẻ, thời gian qua, nhiều địa phương đã phát hiện sai phạm trong việc cấp gạo cứu đói. Tuy nhiên, sai sót chủ yếu là phát gạo đại trà (chứ không chỉ phát cho đối tượng đói) và mức độ vi phạm so với thời điểm những năm trước là không nhiều. Việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên, chia về cho các địa phương.
“Bộ LĐTBXH cũng tiến hành đoàn kiểm tra liên ngành xuống tận các địa phương. Vấn đề giám sát, xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của các tỉnh. Nếu phát hiện vi phạm thì căn cứ pháp luật, nhưng vì đây là vấn đề ảnh hưởng tới tâm lý của người dân nên ngay khi thực, Bộ, Cục đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh vấn đề cấp gạo cứu đói”- ông Thành nói.
Nguyệt Tạ
Nguồn: Dân Việt
Không có nhận xét nào: