Tưởng Năng Tiến - Một Lời Nói Phải - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 1, 2014

Tưởng Năng Tiến - Một Lời Nói Phải

Tưởng Năng Tiến:“One kind word can warm three winter months: Một lời nói tử tế có thể làm ấm lòng suốt cả mùa Đông.”

Tôi thấy trên tờ lịch tháng Giêng năm nay – tại văn phòng khai thuế – ảnh chụp những cành lá tuyết phủ trắng xoá, và bên dưới là một câu ngạn ngữ của người Nhật Bản: “One kind word can warm three winter months: Một lời nói tử tế có thể làm ấm lòng suốt cả mùa Đông.”

Tôi đã trải qua hơn ba mươi mùa Đông (lạnh giá) nơi xứ người nhưng dường như chưa bao giờ nghe được một lời lẽ tử tế nào ráo trọi. Năm nay, may thay, vào những ngày cuối năm (khi nhiệt độ nhiều nơi rơi xuống trừ âm) nhưng tôi vẫn cảm thấy rất ấm lòng vì chợt nghe được một lời nói phải:
Hòa giải mới có thể phát triển

“Còn nhiều trang sử cần được mở ra, không chỉ có ở Hoàng Sa, dù ở đâu trên mảnh đất của ông cha, người Việt Nam chỉ nên để súng ống quay về cùng một hướng. Chỉ có hòa giải quốc gia mới có thể phát triển quốc gia. Một dân tộc không thể vững mạnh nếu như lòng người phân tán.” Đó là kết luận của nhà báo Huy Đức trong bài viết (“Hoàng Sa & Hoà Giải Quốc Gia”) mới nhất của ông, đọc được vào hôm 12 tháng 1 năm 2014:

"Hóa ra họ cũng có ý thức bảo vệ đất nước không hề kém chúng ta”. Phải khi Trung Quốc đánh Hoàng Sa, 19-1-1974, ông Nguyễn Đăng Quang - một thành viên của phía Hà Nội trong "Phái đoàn liên hiệp quân sự 4 bên" thi hành Hiệp định Paris (1973) - mới nhận ra điều này. Họ ở đây là các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, bên mà cho đến nay, nhiều người vẫn gọi là phía "ngụy".

Phải mất 40 năm sau, báo chí nhà nước mới bắt đầu đăng hình bà quả phụ trung tá Ngụy Văn Thà lên trang nhất, sau khi một tổ chức "dân lập" - trung tâm Minh Triết - chứng nhận chồng bà đã "hành động vì biển đảo".

Phải mất 40 năm sau, các thế hệ người Việt trong nước mới biết hình ảnh trung Tá Ngụy Văn Thà, thiếu tá Nguyễn Thành Trí, đứng thẳng trên đài chỉ huy chiến hạm Nhựt Tảo khi những loạt đạn đang bắn từ các tàu Trung Quốc; biết đến, hai hạ sĩ Lê Văn Tây và Ngô Văn Sáu từ chối xuống tàu cứu sinh, chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng rồi đi vào lòng biển Hoàng Sa cùng con tàu Nhựt Tảo...

Bên dưới là vô số những lời tán thưởng, xin đọc chơi (vài/ ba) cho nó... đã:

“Đọc bài này tôi xúc động chảy nước mắt!”

“Anh viết nhiều nữa đi, cho lòng người thống nhất.”

“Bài viết hay, xin cám on anh HD đã nói thay cho cả triệu tấm lòng.”
“Tôi không biết những người mặc thường phục vô cớ
hành hung tôi là ai, tôi tha thứ cho tất cả họ.Tôi mong
rằng họ đừng để ĐCSTQ lợi dụng, hãy để cho chúng tôi
yên ổn tu luyện!” Linh Phan, học viên Pháp Luân Công
Việt Nam. Ảnh và chú thich: Dân Làm Báo.

Nói phải củ cải cũng nghe: “Một dân tộc không thể vững mạnh nếu như lòng người phân tán.” Nhân tâm quả đang ly tán. Tuy nhiên, mọi thành phần của dân tộc Việt sẽ vẫn có nhiều cơ may, cũng như cơ hội (không mấy khó khăn) cùng ngồi lại bên nhau – ngoại trừ những người cầm đầu đảng cộng sản ở Việt Nam. Nói chuyện phải/quấy với củ cải (e) vẫn dễ hơn với họ, những kẻ luôn luôn nói một đường nhưng làm một nẻo.

Hãy coi thử xem Đảng và Nhà Nước CSVN đã thực thi “chính sách đại đoàn kết dân tộc” ra sao, kể từ khi họ nắm được quyền bính đến nay:

-Vào những năm đầu của thập niên 1950, nhân danh chuyện “cải cách ruộng đất,” họ đã “nâng thành phần” vài trăm ngàn nông dân (ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam) lên thành phú nông hoặc trung nông, để mang ra đấu tố, rồi giết hại.

- Cuối thập niên 1960 (trong cái gọi là Trận Tổng Công Kích Mậu Thân) họ đã chôn sống hàng chục ngàn người dân miền Nam, sau khi dán cho nạn nhân cái nhãn hiệu là “thành phần ác ôn”, cần phải thủ tiêu.

- Cũng chính họ – trong một phần tư thế kỷ – đã chia người dân miển Bắc thành nhiều giai cấp riêng biệt và dùng chính sách tem phiếu “gạo ngô, từng lạng từng cân (để) cắt nhỏ tình thâm cốt nhục” của mọi gia đình.

- Sau đó, sau khi chiếm được cả nước, họ phân định dân chúng miền Nam ra nhiều thành phần khác biệt (đối nghịch hoặc thù nghịch với nhau) rồi bắt cả trăm ngàn “ngụy quân” và “ngụy quyền” vào trại cải tạo, lùa hàng triệu gia đình “ngụy dân” đi kinh tế mới, đánh cho tán gia bại sản những kẻ bị gọi là “tư sản mại bản.”

- Rồi cũng chính họ đã biến cả nuớc Việt Nam thành một trại tù ngột ngạt, đói khát khiến hàng mấy triệu nguời đã phải liều chết đâm xầm ra biển, và ít nhất là một phần tư trong số những người này đã vùi thây dưới lòng đại dương.

Những kẻ sống sót, vừa kịp bước chân lên những bờ bến lạ đã nghe họ tới tấp ném theo những lời chửi bới và nguyền rủa vô cùng tàn tệ: “thành phần bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, phản bội tổ quốc, chạy theo bơ thừa sữa cặn… ”

“Tôi không biết những người mặc thường phục vô cớ hành hung tôi là ai, tôi tha thứ cho tất cả họ.Tôi mong rằng họ đừng để ĐCSTQ lợi dụng, hãy để cho chúng tôi yên ổn tu luyện!” Linh Phan, học viên Pháp Luân Công Việt Nam.

Giải pháp

Làm cách nào có thể “để súng ống quay về cùng một hướng,” và để “có hòa giải quốc gia” với những kẻ có “thành tích” bất hảo, bất nhân, bất nghĩa, bất tín trí và bất trí (đến) như thế? Đây là chuyện vô phương thực hiện, nếu nhà đương cuộc Hà Nội không tiên quyết thực thi hiện những điều căn bản sau:

- Bãi bỏ điều 4 HP, từ bỏ độc quyền cai trị đất nước.

- Giải tán cái quốc hội hiện hành, với hơn 90 phần trăm dân biểu là ĐVCSVN, một cơ chế dân cử trá hình, chỉ có mục đích là thao túng mọi ý nguyện của người dân.

- Trả lại đất đai cho nông dân.

- Trả lại nhà máy và công đoàn cho công nhân.

- Phi chính trị hoá quân đội.

- Trả lại hoàn toàn sự tự trị và độc lập của tất cả tôn giáo lớn nhỏ ở đất nước này, cùng tất cả tài sản vốn thuộc quyền sở hữu của mọi giáo hội.

- Chấm dứt mọi hình thức kỳ thị những nhóm dân bản địa và thiểu số.

- Ngưng đàn áp sách nhiễu những tổ chức xã hội dân sự, và thành viên, dưới mọi hình thức.

- Tổ chức Tổng Tuyển Cử Tự Do để người dân có quyền lựa chọn một thể chế đa nguyên, với một nhà nước tam quyền phân lập, như đa phần các quốc gia văn minh tiến bộ khác trên thế giới.

- Phóng thích hơn 355 tù nhân sinh quán ở Tây Nguyên (phần lớn bị bắt giam với tội danh “phá hoại tình đoàn kết dân tộc”) và tất cả những tù nhân lương tâm khác, cùng với lời xin lỗi cũng như mọi bồi thường thoả đáng.
Cảnh sát cơ động tỉnh Gia Lai, ảnh minh họa.
Photo courtesy of LD.

Bao giờ mà những yêu cầu căn bản vừa nêu chưa được thực hiện thì mọi lời kêu gọi đoàn kết dân tộc, hoà giải quốc gia (của chế độ hiện hành) chỉ là một thứ chiến thuật được xử dụng vì nhu cầu tình thế. Chiến thuật này đã được những người CSVN xử dụng nhuần nhuyễn, và thành công nhiều lần, trước đó:

Trước 1954, họ thành lập Hội Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam. Văn Kiện Đảng Toàn Tập, tập 8 (1945-1974) ghi rõ:

“Trước hết, Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam không phải là một mặt trận thống nhất riêng của các đảng phái yêu nước, chẳng hạn như Việt Minh. Nó là một khối kết hợp các đảng, các phái và các tầng lớp nhân dân vô đảng vô phái cùng chung một mục đích: vì nước.”

Mới thanh toán xong được nửa nước họ đã không ngần ngại “làm thịt” ráo những đảng viên của những “đảng phái yêu nước khác,” rồi gửi đám công chức thời trước vào tù, và coi những “ngụy dân” như những công dân hạng bét trong phần đất mà họ vừa chiếm được.

Sau đó, họ cũng đã dựng lên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, Phong Trào Tây Nguyên Tự Trị, Liên Minh Các Lực Lượng Dân tộc, Dân Chủ và Hoà Bình Miền Nam Việt Nam để “đoàn kết Bắc - Nam, đoàn kết quân - dân, đoàn kết nhân dân nông thôn và nhân dân thành thị, đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân vì mục tiêu chung: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.”

Xong việc, là họ giở mặt ngay tức khắc – theo như lời “than phiền” của ông Ya Biloh, một người dân của Tây Nguyên:

“Nhưng từ sau gày 30-4-1975, những đóng góp và hy sinh của họ cho phe cộng sản tan biến vào mây khói, những lời hứa cho tự trị trước kia bị nhận chìm vào quên lãng. Phong trào Tây Nguyên Tự Trị, cũng như Mặt trận Giải phóng Miền Nam, đã không những bị giải tán mà còn bị cấm nhắc tới...

Ngày nay không những chính quyền cộng sản đã phản bội những kết ước ngày xưa mà còn áp dụng chính sách phân biệt đối xử với cộng đồng người thiểu số Tây Nguyên một cách không nễ nang. Họ đã cậy đông hiếp ít, cậy mạnh hiếp yếu, cậy gian manh hiếp thật thà. Khao khát duy nhất của người Thượng là được sinh sống bình yên trên lãnh thổ của cha ông để lại cũng không được toại nguyên, họ bị xua đuổi vào những vùng hẻo lánh để chết dần chết mòn theo thời gian vì không thể canh tác.”

Có lẽ vì nghĩ rằng dân tộc Việt không ai còn có trí nhớ nên họ đang thản nhiên hô hào: “Để giữ vững chủ quyền phải đoàn kết dân tộc.”

Trước nhà báo Huy Đức, vào tháng 12 năm 2007, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự cũng đã hy vọng viễn tượng bị xâm sẽ “là cơ hội vàng cho dân tộc và Đảng Cộng Sản Việt Nam. Vài năm sau, sau khi sinh viên tổ chức biểu tình đồng loạt ở Sài Gòn và Hà Nội để phản đối Trung Quốc xâm lược – vào tháng 8 năm 2011 – ông vẫn kiên nhẫn trông đợi đây là “cơ hội vàng – lần thứ hai.”

Bản án hơn hai mươi năm tù dành cho Tạ Phong Tần, Điếu cầy Nguyễn Văn Hải – ngay sau đó – chắc chắn đã làm cho những người nhẫn nại và lạc quan cũng đều phải nản lòng, và thất vọng. Nếu vẫn chưa, xin đọc thêm (đôi dòng) về bản tin vừa loan của RFA, nghe được vào hôm 18 tháng 1 năm 2014:

“Đêm thắp nến tri ân tử sĩ Hoàng Sa vào tối 18/1 ở Công viên Biển Đông Đà Nẵng đã chính thức bị hủy bỏ...

Từ Đà Nẵng, ông Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung Tâm Minh Triết Việt, cho biết:

“Hiện nay là người ta dập nến rồi, không cho đốt nữa. Tức là người ta định là thanh niên sinh viên đốt nến xếp hình tổ quốc Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, nhưng mà lệnh từ Hà Nội vào là không được đốt nến nữa, không được đốt nến, không được thắp lửa trong lòng người…”

Qua hôm sau, 19 tháng 1 năm 2014, RFA đưa tin tiếp: Hà Nội: “Lễ tưởng niệm trận Hoàng Sa bị giải tán.”

Tôi thành thực tin rằng nói chuyện phải/quấy với củ cải vẫn dễ hơn với “lãnh đạo” cộng sản ở Việt Nam, và xin mượn lời của ông Trần V. (độc giả của trang Dân Luận) để thay lời kết cho bài viết ngắn ngủi này:

“Khi nào Đảng Cộng còn cầm quyền, khi đó họ còn tiếp tục làm cho công việc hoà giải dân tộc không thể nào thực hiện được.”

Tưởng Năng Tiến, 23-01-2014
Tưởng Năng Tiến - Một Lời Nói Phải Reviewed by Unknown on 1/24/2014 Rating: 5 Tưởng Năng Tiến: “One kind word can warm three winter months: Một lời nói tử tế có thể làm ấm lòng suốt cả mùa Đông.” Tô...

Không có nhận xét nào: