Sức Ép Điều Tra Nguồn Gốc Tài Sản Cán Bộ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
27 tháng 2, 2014

Sức Ép Điều Tra Nguồn Gốc Tài Sản Cán Bộ

Nam Nguyên, RFA - 26.2.2014: Vụ báo chí phanh phui một số tài sản lớn của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền gây sôi nổi dư luận và đang có nhiều ý kiến là cần làm rõ nguồn gốc những tài sản đó.

Các nhân vật cộm cán cỡ Ủy viên Trung ương Đảng khi về hưu thường là hạ cánh an toàn. Nhưng trường hợp ông Trần Văn Truyền nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ thì không êm ả như thế. Báo chí cả lề phải lẫn mạng xã hội gần đây đưa nhiều bài kèm hình ảnh về tòa biệt thự nguy nga của ông ở Thành phố Bến Tre. Bên cạnh đó còn có bảng liệt kê các nhà đất khác của ông ở TP.HCM. Ông Trần Văn Truyền phản ứng một cách khá chừng mực nếu không gọi là yếu ớt.

Về sự kiện nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bị đàm tiếu về sự giàu có không tương xứng với đồng lương cán bộ trước khi về hưu, Luật sư Trần Đinh Triển ở Hà Nội nhận định:


“Vừa qua các phương tiện thông tin đại chúng đưa lên thông tin như vậy…chúng ta phải căn cứ vào đó như một nguồn thông tin và thông tin đó chính xác hay chưa chính xác thì cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước phải được tiến hành xác minh điều tra làm rõ, xem rằng nó có khối tài sản như vậy không, thật hay giả nguồn gốc từ đâu ra. Yêu cầu ông Truyền với tư cách là một đảng viên, nguyên là một cán bộ Tổng thanh Tra Nhà nước phải giải trình trước Đảng, trước Nhà nước và nhân dân về khối tài sản đó; yêu cầu ông Truyền nếu không giải thích được và nếu giải thích được nguồn đó từ tham nhũng và vi phạm pháp luật, thì cũng phải xử lý theo qui định của pháp luật. Tôi cho rằng có làm như vậy thì mới đem lại niềm tin yêu của người dân.”

Tham nhũng ở Việt Nam được nhìn nhận như một vấn nạn quốc gia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng báo động về điều gọi là “Nồi canh có quá nhiều sâu” hoặc “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất.” Mặc dù chống tham nhũng là một câu chuyện dài và được cho là phải hình thành từ thể chế kinh tế chính trị áp dụng sự công khai minh bạch, pháp luật nghiêm minh, giám sát hiệu quả. Một chuỗi điều kiện khó hiện thực trong một chế độ một đảng độc quyền cai trị, Đảng chỉ đạo tất cả từ Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.

TS Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam nhận định:

“Để cho có dân chủ thì phải có nhiều đảng cạnh tranh với nhau. Chỉ có một đảng thì tôi nghĩ rằng tất cả những điều gọi là dân chủ chỉ là dân chủ giả hiệu mà thôi.”

Trong thực trạng hiện nay ở Việt Nam, cuộc chiến chống tham nhũng được mô tả như để cứu vãn chế độ, khôi phục niềm tin của nhân dân. LS Trần Đình Triển nhận định:

“Nếu chúng ta không đấu tranh chống tham nhũng triệt để thì để cán bộ nhà nước, những người có chức có quyền vẫn lợi dụng vào việc vơ vét tài sản của nhà nước của nhân dân, làm giàu cho bản thân mình. Trong khi đó ở các vùng sâu vùng xa, nhiều người dân khác, đặc biệt là người làm công ăn lương đang rơi vào tình cảnh kinh tế hết sức khó khăn là điều không thể chấp nhận được.”

Trong một lần trả lời chúng tôi, chuyên gia kinh tế độc lập TS Lê Đăng Doanh ở Hà Nội ghi nhận một nỗ lực phòng chống tham nhũng của giới lãnh đạo Đảng.

“Hiện nay về phía Đảng, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nỗ lực thúc đẩy chống tham nhũng bằng các biện pháp như yêu cầu phải kê khai tài sản và có chỉ thị yêu cầu phải công khai việc kê khai đó ra ở mức độ cao hơn so với trước đây. Ông Tổng Bí thư cũng sử dụng Ban Nội chính để thúc đẩy quá trình điều tra chống tham nhũng và đưa ra một số vụ án trong thời gian vừa qua như Vinalines với Dương Chí Dũng và em là Dương Tự Trọng.”
Căn nhà sàn bằng gỗ quý của một cán bộ cao cấp
phía bắc. Photo courtesy of danlambao.com

LS Trần Đình Triển nói với chúng tôi, việc yêu cầu các đảng viên, cán bộ công chức phải đi đầu trong việc kê khai tài sản, theo ông là một giải pháp đúng. Nhưng để thực hiện được giải pháp đó thì gặp rất nhiều trở ngại, vì thứ nhất khi người ta tham nhũng người ta có thể che dấu tài sản đó dưới nhiều dạng khác nhau. Ví dụ bất động sản người ta đứng tên dưới dạng con cháu họ hàng. Thứ hai nữa người ta có thể rửa tiền thông qua các cổ phần trong doanh nghiệp hay thậm chí gởi tiền ở nước ngoài hay đóng cổ phần mua bảo hiểm ..v..v..

LS Trần Đình Triển nhấn mạnh đến việc phải có những quyết sách cụ thể :

‘Thí dụ, bây giờ có thể trên một phương diện nào đó nếu Luật Đất đai qui định và văn bản hướng dẫn ban hành, nếu đất đai đứng tên ai thì người đó là quyền sở hữu và phải được kê khai, sau đó làm cuộc tổng kiểm tra trên toàn quốc để xem rằng đất đai, nhất là trong vùng đô thị đứng tên ai và người đó có khả năng có tài sản hay không ..v..v.. rất là nhiều giải pháp. Thậm chí hệ thống ngân hàng hay tài khoản của các quan chức ở nước ngoài, nếu chúng ta hợp tác với Interpol hay các tổ chức phòng chống rửa tiền của Quốc tế và các ngân hàng nước bạn mang tính quốc tế để làm rõ việc đó ra. Mỗi việc như vậy cần phải đưa ra giải pháp cụ thể còn lời phát biểu của Tổng Bí thư hay đường lối mang tính sách lược, còn đi vào cụ thể thì phải có thiết kế cụ thể, với những tác động cụ thể và giải pháp cụ thể thì mới đưa lại hiệu quả.”

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần một sự cải cách thể chế có thực chất thì mới có thể giảm thiểu quốc nạn tham nhũng. Năm 2006 khi nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ đầu, ông Nguyễn Tấn Dũng đã khảng khái nói rằng sẽ từ chức nếu không chống được tham nhũng. Tình trạng hiện nay không đổi khác mà còn có phần tệ hại hơn. Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch Quốc tế năm 2013 Việt Nam bị xếp hạng 116/177 quốc gia về chỉ số cảm nhận tham nhũng.

Câu chuyện về ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ với biệt thự lớn như lâu đài, có thể chỉ là những nét chấm phá trong toàn cảnh bức tranh quyền lực và tham nhũng tại Việt Nam.
Sức Ép Điều Tra Nguồn Gốc Tài Sản Cán Bộ Reviewed by Unknown on 2/27/2014 Rating: 5 Nam Nguyên, RFA - 26.2.2014: Vụ báo chí phanh phui một số tài sản lớn của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền gây sôi nổi d...

Không có nhận xét nào: