Dan lam bao:5/2/2014 - Hôm nay tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), phái đoàn vận động nhân quyền Việt Nam đã tham dự toàn bộ diễn biến phiên điều trần Kiểm điểm Định kỳ Phổ Quát (Universal Preodic Review - UPR) dành cho Việt Nam. Đây là phiên điều trần UPR đầu tiên mà Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc. Chúng tôi hoan nghênh các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã chất vấn và đề xuất các khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình nhân quyền vốn tồn tại nhiều hạn chế nghiêm trọng của Việt Nam.
Mặc dù thừa nhận Việt Nam có một số cải thiện hạn chế về nhân quyền trong một số lĩnh vực, tuy nhiên chúng tôi cho rằng báo cáo của đoàn ngoại giao Việt Nam không phản ánh đầy đủ và chính xác tình hình nhân quyền của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do lập hội và tự do hội họp. Bên cạnh đó, đoàn ngoại giao Việt Nam còn đưa ra nhiều thông tin sai sự thật và những lập luận có tính ngụy biện, lảng tránh nội dung chính của câu hỏi trong quá trình báo cáo và trả lời chất vấn.
Chúng tôi cũng bày tỏ sự quan ngại đối với các nhận xét thiếu khách quan của các nước Trung Quốc, Nga, Cuba và một số nước khác về tình hình nhân quyền Việt Nam. Những nhận xét này không những không giúp cải thiện tình hình nhân quyền Việt Nam, mà còn đi ngược lại với tinh thần thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong các điều ước quốc tế của Liên Hợp Quốc.
Chúng tôi đặc biệt hoan nghênh các đoàn ngoại giao Mỹ, Canada, Anh, Ireland, Pháp, Đức, Ba Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Hungary, Séc và một số quốc gia khác đã chất vấn Việt Nam về các vi phạm trong hàng loạt lĩnh vực nhân quyền cũng như đề xuất các khuyến nghị cụ thể, đúng tầm nghiêm trọng của vấn đề.
Phái đoàn vận động nhân quyền Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực của mình sau phiên điều trần UPR lần này. Trước hết, phái đoàn sẽ có cuộc vận động kéo dài hai tuần lễ từ ngày 8 tháng 2 năm 2014 tại Australia, theo lời mời của Dân biểu Luke Donellan và cộng đồng người Việt tại đây. Sau đó, phái đoàn sẽ tiến hành các hoạt động hậu UPR tại Việt Nam. Để có thêm thông tin chi tiết về chiến dịch vận động này, xin vui lòng liên hệ cô Ann Pham qua số điện thoại +1.714.325.8276 hoặc địa chỉ thư điện tử: vietnamupr@gmail.com.
ĐỒNG KÝ TÊN:
Mạng lưới Blogger Việt Nam,
Dân Làm Báo,
Con Đường Việt Nam,
Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống,
No-U Việt Nam,
Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam,
VOICE.
Không có nhận xét nào: