ASIAD 18 - Cuộc Chơi Trị Giá 1.500 Cây Cầu - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
26 tháng 3, 2014

ASIAD 18 - Cuộc Chơi Trị Giá 1.500 Cây Cầu

QUỐC PHONG: Trước hết phải nói rõ: hai sự việc nêu trên, chúng hoàn toàn không liên quan gì tới nhau, nhưng vì nó cùng có một cái khó chung, khi mà nền kinh tế của nước nhà còn bao bộn bề cần lo mà chưa lo xuể. Nay, nếu cần một sự lựa chọn thiết thực thì có lẽ cần phải tính, đó là cách tính của một nước nghèo lại muốn làm nhiều thứ.
Câu chuyện mà tôi muốn đề cập, nó đều diễn ra tuần rồi.

Việc thứ nhất: ngày 17/3, một số cơ quan truyền thông đã đưa một đoạn video, xem rồi mà thấy mủi lòng, đó là cảnh cô giáo và học trò ở xã Nà Hì, thuộc huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) thay nhau chui vào túi nilon, nhờ người buộc túm lại rồi kéo chiếc túi đựng người qua suối. Ngay trong đêm phát sóng video đó trên truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đang tháp tùng Chủ tịch nước mà vẫn phải điện ngay từ nước ngoài về Điện Biên để nghe tỉnh báo cáo kỹ hơn rồi ông bàn trong lãnh đạo bộ, quyết khẩn trương một việc khiến nhiều người hoan nghênh: Đầu tư ngay 3,5 tỷ đồng xây cầu treo qua con suối không yên bình trên để cô, trò ở xã này nhanh chóng quên đi những trò ú tim bất đắc dĩ đến nghẹt thở ấy.

Việc thứ hai: trong phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 18/3 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về dự chi ngân sách khi chúng ta quyết định đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Châu Á (ASIAD18) tại Việt Nam với tổng kinh phí bất ngờ tăng gấp đôi cũ: 300 triệu USD.

Nếu chúng ta nhận đăng cai sự kiện này vào năm 2019 với tổng mức dự chi trên mà trong đó phần ngân sách Nhà nước sẽ phải đảm bảo là 5.475 tỷ đồng Việt Nam. Con số này theo tôi cũng mới chỉ là dự chi trong 5 năm. Nếu tổ chức, còn nhiều khả năng sẽ phát sinh không thể trù tính hết. Hay là cũng với từng đó kinh phí dự kiến sẽ chi, chúng ta tạm lui đăng cai lại, dùng khoản ngân sách này (nếu có) xây cầu? Còn nếu tổ chức ASIAD 18 thì xem như đó là "cuộc chơi" bằng 1.500 cây cầu" mai mốt sẽ có ở xã Nà Hì, nơi mà mấy bữa nay, hình ảnh đó đã gây sốc bằng một cảm giác buồn khó tả... Và điều đó, ít nhiều sẽ là một cuộc cách mạng trong việc thay đổi bộ mặt mới ở vùng núi cao, suối sâu.

Được biết, phiên họp trên đã diễn ra không thật đồng thuận cho phía Bộ chủ quản. Hàng loạt câu hỏi được Ủy ban chuyên trách của Quốc hội cùng lãnh đạo một số bộ, ngành "nắm hầu bao" chất vấn, yêu cầu làm rõ. Xem ra, bên giải trình đã đưa ra những căn cứ, lý lẽ chưa được thuyết phục. Vấn đề mấu chốt chưa tháo gỡ được trong việc này chính là vẫn không rõ sẽ lấy tiền từ đâu để chi.

Đành rằng đầu tư cho lĩnh vực thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, là để nâng cao thể lực, tầm vóc cho người Việt, ấy là chưa nói mục đích chính trị, văn hoá của sự kiện trên cũng khá tốt, qua đó sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thể thao Châu Á... Nhưng khi đất nước còn quá nghèo, theo tôi nghĩ mình cũng nên cân nhắc mức đầu tư cũng như tổng môn thi đấu sao cho tiết kiệm mà hiệu quả (nếu không thay đổi được quyết định nữa).

Việc chúng ta còn thiếu nhiều nghìn cây cầu ở vùng sâu, vùng xa lâu nay chưa đủ sức làm trong khoảng thời gian ngắn tới đây cũng là nỗi buồn của các ngành, các cấp và là mong muốn của nhân dân, trong đó có trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước quả là điều cần suy tính. Nó rất thiết thực, nếu triển khai sớm.

Nếu như chúng ta đã ở thế buộc phải tổ chức thì có lẽ cũng tính sao đó tiết kiệm tối đa bằng với dự chi cũ. Một nửa số tiền trên, ta tiến hành làm 750 cây cầu treo cho dân đi lại thì bà con vùng cao mừng tới mức nào.

Hàng loạt câu chuyện chảy nước mắt đã và đang diễn ra trên cả nước xung quanh chuyện thiếu cầu treo dân sinh, khiến nhiều em nhỏ bị chết đuối oan uổng khi mà chúng không được đi cầu qua sông, qua suối tới trường học. Hình ảnh các em nhỏ tại bản Ông Tú, xã Trọng Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) phải đội cặp sách cùng quần áo trên đầu, tự bơi vượt sông đến trường, năm trước gây chấn động dư luận không khác là bao so với chuyện ở Nà Hì khiến tôi day dứt khôn nguôi.

Một quyết sách đúng có thể làm lợi cho đất nước rất nhiều thứ. Còn nếu đó là quyết sách chưa đúng hoặc chưa thật phù hợp, nhiều khi nó còn làm chậm bước tiến của cả xã hội, của cả dân tộc.

Quốc Phong
(Nguyên phó tổng biên tập- đương kim ủy viên ban biên tập báo Thanh Niên)
ASIAD 18 - Cuộc Chơi Trị Giá 1.500 Cây Cầu Reviewed by Unknown on 3/26/2014 Rating: 5 QUỐC PHONG : Trước hết phải nói rõ: hai sự việc nêu trên, chúng hoàn toàn không liên quan gì tới nhau, nhưng vì nó cùng có một cái khó ch...

Không có nhận xét nào: