Chuyến Công Tác VRNs Thừa Sai – Vinh Tại Hà Tĩnh Gặp Dân Oan - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
20 tháng 3, 2014

Chuyến Công Tác VRNs Thừa Sai – Vinh Tại Hà Tĩnh Gặp Dân Oan

VRNs (20.03.2014) – Hà Tĩnh – Nối tiếp chuyến công tác xã hội của nhóm Truyền thông Chúa Cứu Thế Thừa Sai – Vinh (VRNs Thừa Sai – Vinh), đoàn chuyến công tác xã hội đợt 2 tại Hã Tĩnh, thuộc giáo phận Vinh hồi ngày 09.03.2014. Đến Giáo xứ Vĩnh Hội, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh để chia sẻ số tiền do đài SBTN vận động từ cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hải Ngoại cho đồng bào lũ lụt Miền Trung. Hằng năm, huyện Vũ Quang là nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt.

Gần 15 người tham gia chuyến công tác xã hội, đa phần là các bạn sinh viên, ngoài ra thêm hai Cựu tù nhân lương tâm sống ở Nghệ An là anh Nguyễn Văn Thanh và người khác. Đặc biệt còn có sự hiện diện của cha Giuse Đinh Hữu Thoại, DCCT Sài Gòn.

Giáo xứ Vĩnh Hội, do Lm. Chánh xứ Phêrô Nguyễn Huy Lưu phụ trách, là một cộng đoàn khá khiêm tốn thuộc Giáo hạt Ngàn Sâu, Gp. Vinh. Nhà thờ nằm giữa miền đại ngàn Vũ Quang heo hút, cách trở, cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 80 km về phía Tây. Giáo xứ có 5 giáo họ gồm, giáo họ Vĩnh Hội trùng với tên của giáo xứ, giáo họ Yên Hội và Yên Thịnh cách giáo xứ 2km, giáo họ Vĩnh Sơn và Vĩnh Điền cách giáo xứ khoảng 30km.

Điểm khác biệt của chuyến đi công tác xã hội tại Hà Tĩnh so với tại Quảng Bình là niềm vui được tiếp kiến với những nỗi oan khuất của bà con giáo họ Vĩnh Điền, được san sẻ ít quà cho bà con.

Sáng ngày 09.03.2014, đoàn tham dự thánh lễ Chúa Nhật do Lm. Giuse Đinh Hữu Thoại chủ tế và cha thuyết giảng, cha Chánh xứ Phêrô Nguyễn Huy Lưu đồng tế với cha khách, gần 300 giáo dân trong đó có hơn 100 em thiếu nhi các cấp tham dự.

Sau thánh lễ, đoàn giao lưu với các em thiếu nhi, ca múa các bài hát sinh hoạt. Tuy đây là lần đầu tiên đoàn đến và gặp gỡ nhưng các em tỏ ra rất thân thiện, cởi mở và nhanh chóng hòa chung với đoàn trong những tiếng hò reo, vỗ tay theo nhịp của bài hát… sau đó trao cho các em thiếu nhi những tập vở.

Lm. Chánh xứ Phêrô Nguyễn Huy Lưu cho biết: “Hằng tuần, các em thiếu nhi ở 3 giáo họ Vĩnh Hội, Yên Hội và Yên Thịnh đều tham dự thánh lễ, sau đó ở lại học giáo lý. Ngày thường các em đi học và nội trú ở trường vì từ nhà đến trường hơn 17 cây số, mất khoảng 30 phút.”



Thánh lễ sáng Chúa Nhật ngày 9/3/2014 tại Nhà thờ Giáo xứ Vĩnh Hội









Đoàn tạm biệt các em thiếu nhi giáo xứ Vĩnh Hội, tiếp tục lên đường thăm giáo họ Vĩnh Điền, thuộc Xã Hương Điền, Huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Đoàn đi qua những con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu hơn 30km về hướng phía Tây giáp biên giới nước Lào.

Đi được một đoạn đường dài, mọi người dừng xe tại trụ sở cũ của UBND xã Hương Điền (nay đã bỏ hoang, vùng này hiện nay “vô chính phủ”), đi bộ khoảng 150m đến dòng sông Gianh, đón ghe qua sông. Tại đây, một số bà con giáo dân chuẩn bị sẵn xe máy chở đoàn vào giáo họ. Con đường 2km đến giáo họ lầy lội, sình lầy, trơn trượt nguy hiểm, do mưa phùn suốt ngày. Bà Nguyễn Thị Danh, giáo dân giáo họ Vĩnh Điền kể dí dỏm: “Tôi thường xuyên “làm xiếc” [té xe] nhưng tiếc không có khán giả nào thưởng thức.”

Vào đến giáo họ, đoàn nhìn mãi mà không thấy bóng dáng thánh đường đâu, chỉ thấy đồ lễ đã được dọn sẵn nghiêm trang trong căn nhà lụp xụp, tối om. Cha Phêrô Lưu cho biết: “Giáo họ Vĩnh Điền được thành lập từ năm 2002 nhưng chính quyền vẫn chưa cấp đất cho bà con xây dựng nhà thờ. Mặc dù chúng tôi đã làm đơn kiến nghị nhiều lần nhưng lần nào họ cũng trả lời vẫn đang làm thủ tục. Không biết đến bao giờ họ mới cấp đất xây nhà thờ. Tôi mong muốn có một nhà nguyện nho nhỏ, để bà con có thể tham dự các nghi thức cử hành phụng vụ cũng như tham gia các sinh hoạt của giáo họ. Từ năm 2002 đến nay, bà con giáo dân phải mượn nhà của người dân để dâng lễ.”

Khi Đoàn đến nơi, Quý cha chuẩn bị dâng lễ tại giáo họ. Trong thánh lễ, cha Chánh xứ Phêrô Nguyễn Huy Lưu chủ tế và Lm. Giuse Đinh Hữu Thoại chia sẻ Lời Chúa. Về phía Cộng đoàn tham dự thánh lễ có Quý Souers, giáo dân của giáo họ chỉ vọn vẹn chưa đầy 20 người. Thánh lễ hôm đó, đông hơn mọi ngày là do có sự hiệp thông của đoàn.



Thánh lễ Chúa Nhật lúc gần trưa tại nhà dân thuộc giáo họ Vĩnh Điền

Bạn sinh viên Phước cùng đi nghẹn ngào: “Giáo họ chỉ có mấy chục người nhưng tinh thần sống đạo của họ rất sâu, dẫu hoàn cảnh khó khăn như thế họ vẫn giữ được lòng mến Chúa và khao khát được tham dự thánh lễ.”

Cha Phêrô Lưu cho hay: “Kinh tế của bà con chủ yếu trồng rau và mưu sinh trên sông nước. Đời sống bà con khá khó khăn. Phương tiện di chuyển chủ yếu bằng xe gắn máy, mỗi lần đi ra đường mòn hoặc quốc lộ, khoảng 10km phải mất khoảng 40 phút do địa hình ngăn trở bởi sông núi. Vì vậy các em học sinh nội trú ở trường, không được học giáo lý cách đầy đủ.”

“Hiện nay, chính quyền đang triển khai dự án di dời dân ra Khe Nứa [thuộc xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh] để làm thủy điện Ngàn Trươi. Trước khi chưa có dự án di dời dân, ở đây có gần 1000 bà con, trong đó có hơn 100 bà con là Công giáo còn lại là lương dân. Sau khi dự án triển khai, họ di dời gần hết qua Khe Nứa. Một số người qua Khe Nứa ở, nhưng rồi lại trở về đây sinh sống, trồng rau và đánh bắt trên sông Ngàn Trươi đắp đổi miếng cơm qua ngày.” Cha Phêrô Lưu nói tiếp.

Bà Nguyễn Thị Danh bức xúc nói: “Qua bên đó [Khe Nứa], không có nghề để chuyển đổi, không có công ăn việc làm nên gia đình tôi vẫn ở lại đây trồng rau, đánh bắt cá sống qua ngày.”

Cùng nỗi trăn trở lo lắng với bà Danh, bà Trần Thị Thư bày tỏ: “Chính quyền di dân chúng tôi đến Khe Nứa nhưng gia đình tôi không muốn đi. [Bởi vì tại Khe Nứa] vợ chồng tôi không có công ăn việc làm, không có đất trồng trọt, không có sông đánh bắt cá… gia đình tôi không có gì để nuôi sống con cái. Còn sống ở đây, tuy bị lũ, nhưng chúng tôi vẫn có miếng ăn, có rau cỏ, có cá sông.”

Cha Phêrô Lưu ưu tư: “Những người lương dân ở đây rất chân chất. Nếu như giáo họ có thêm Thầy hoặc Souer đến truyền giáo, tôi tin chắc họ sẽ sẵn sàng đến với Chúa. Tôi cảm thấy bà con ở đây có lòng mến mộ đạo, đặc biệt là tin vào Chúa, mặc dầu hoàn cảnh của họ rất khó khăn.”

Bà Trần Thị Thư tâm tình: “Cuộc sống chúng tôi tuy vất cả nhưng chúng tôi vẫn giữ đạo, vì tuần nào cha Phêrô Lưu cũng vào dâng lễ vào cuối tuần cho chúng tôi. Cha rất quan tâm đến cuộc sống của chúng tôi.”

Tại đây, đoàn có cơ hội lắng nghe nỗi oan khuất của bà con vì chính sách giải tỏa đất của nhà cầm quyền nhưng lại không bồi thường thỏa đáng. Ông Hồ Quang Tĩnh uất ức: “Chính quyền đền bù cho dân không thỏa đáng. Tiền đền bù không đủ mua căn nhà để sống, gia đình tôi không nhận tiền đền bù, kiên quyết ở lại và đi khiếu kiện”. Còn bà Nguyễn Thị Danh uất nghẹn: “Gia đình tôi chỉ được đền bù có 30 triệu đồng, không đủ tiền mua một căn nhà mới tại Khe Nứa. Người dân chúng tôi phản đối rất nhiều nhưng “cóc kêu không thấu đến trời” vì không có [cấp chính quyền nào] giải quyết thỏa đáng cho người dân. Tôi mong ước, cấp trên giải quyết thỏa đáng cho người dân chúng tôi, đừng làm người dân khổ nữa.”

Một Cựu tù nhân lương tâm cùng đi với đoàn thổ lộ: “Khi tôi nghe một số người dân ở đây kể lại, tôi cảm thấy cuộc sống của bà con đã nghèo nay lại nghèo hơn do dự án thủy lợi Ngàn Trươi của chính quyền đưa ra. Chính quyền thu hồi đất kiểu gì mà làm cho cuộc sống của bà con lại cơ cực hơn trước. Người dân đã hy sinh rời khỏi nơi ở cũ, đến nơi mới, nhưng cuộc sống mới lại bất bênh hơn. Chính vì thế đây là động lực để tôi nói lên sự thật và bênh vực cho người nghèo.”

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Thanh nói: “Tôi thấy nhiều người dân VN vẫn chịu cảnh bất công, bị mất đất, trở thành Dân oan như bà con ở giáo họ Vĩnh Điền. Tôi mong rằng, người dân chúng ta cùng đứng dậy đấu tranh, đòi lại sự công bằng cho người dân.”

Trước khi ra về, đoàn đã chia sẻ những món quà nho nhỏ bằng hiện vật: tiền và quần áo đến cho bà con.

Kết thúc chuyến công tác xã hội tại Hà Tĩnh, Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Thanh chia sẻ: “Đoàn đã mang lại cho tôi nhiều cảm nghiệm thực tế về sự đoàn kết của các anh chị trong nhóm, lòng vị tha và tình thương yêu đối với nhau.”

Một Cựu tù nhân lương tâm cùng đi với đoàn nhận xét: “Nhóm VRNs Thừa Sai đã truyền sức sống tinh thần dân chủ đến mọi góc cạnh cuộc sống của người nghèo, tuy rằng món quà trao tay chỉ là con cá.”

Được biết, Nhóm VRNs Thừa Sai – Vinh sẽ còn một chuyến công tác xã hội tại Nghệ An.



VRNs Thừa Sai Vinh trao quà cho người dân họ Vĩnh Điền







Trao quà cho Dân oan thuộc họ Vĩnh Điền



(Chúng tôi sẽ có một bài viết riêng để trình bày với Quý vị về Dân oan giáo họ Vĩnh Điền, Hà Tĩnh.)

Huyền Trang, VRNs
Chuyến Công Tác VRNs Thừa Sai – Vinh Tại Hà Tĩnh Gặp Dân Oan Reviewed by Unknown on 3/20/2014 Rating: 5 VRNs (20.03.2014) – Hà Tĩnh – Nối tiếp chuyến công tác xã hội của nhóm Truyền thông Chúa Cứu Thế Thừa Sai – Vinh (VRNs Thừa Sai – Vinh)...

Không có nhận xét nào: