Hộ Khẩu – Sự Phân Biệt Tầng Lớp Ở Thành Thị Việt Nam - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
3 tháng 3, 2014

Hộ Khẩu – Sự Phân Biệt Tầng Lớp Ở Thành Thị Việt Nam

Sổ Hộ khẩu và sổ Tạm trú. Courtesy tracuupl.info
Việt Hà, RFA: Hộ khẩu là một giấy tờ thiết yếu của người dân Việt Nam từ hàng chục năm nay. Nó đã quen thuộc đến mức nhiều khi người ta cũng không tự hỏi liệu nó có thật sự cần thiết hay không ngay kể cả lúc nó mang lại lắm chuyện nhiêu khê, gây phân biệt đối xử, bất công giữa mọi người, chỉ mãi cho đến gần đây khi chính phủ bắt đầu nói đến việc thay thế hộ khẩu và các giấy tờ liên quan bằng một loại thẻ khác đơn giản hơn.

Phân biệt đối xử

Vợ chồng Thành Nguyễn, một cư dân sinh sống đã lâu năm ở Sài Gòn, vừa sinh được một bé trai đầu lòng xinh xắn, kháu khỉnh. Theo thủ tục, hai anh chị lên phường nơi họ sống để làm giấy khai sinh cho cháu. Nhưng điều mà cặp bố mẹ trẻ không ngờ và cảm thấy rất khó chịu, đó là khi cơ quan địa phương nói với họ rằng con họ không thể đăng ký giấy khai sinh tại nơi mà họ đang cư trú. Lý do đơn giản chỉ bởi vì họ không có hộ khẩu Sài Gòn.

Thành Nguyễn: “Thành ở quận Tân Bình 3 năm nhưng khi công việc không được thì phải chuyển qua địa điểm khác. Khi chuyển qua địa điểm mới trong vòng 3 tháng thì làm chứng sinh. Khi sinh con ra thì có chứng sinh của bệnh viện hết rồi. Bên cơ quan nhà nước căn cứ vào chứng sinh đó để làm giấy khai sinh theo pháp lý cho một con người mới sinh ra. Chỉ duy nhất một điều họ căn cứ vào là ở địa phương một năm nên họ không có chứng. đó là một cái vô lý trong luật pháp hiện hành. Nó làm cho sự phân biệt đối xử, cái nhân quyền bị xúc phạm nhiều. Tại vì con người không thể hiện qua giấy tờ mà qua việc người ta đã sống và đã làm.”

Câu chuyện của vợ chồng Thành cũng là câu chuyện của rất nhiều người dân Việt Nam đang sinh sống ở các thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn, nơi vốn có điều kiện công ăn việc làm tốt hơn ở các địa phương khác nên thu hút nhiều người nhập cư.

Theo luật hiện hành tại Việt Nam, người dân phải có đăng ký hộ khẩu thường trú, và đây là giấy tờ đảm bảo cho họ các quyền cơ bản tại địa phương mà họ đang sinh sống. Nó không chỉ là việc đăng ký giấy khai sinh, nó còn là chuyện cho con đi học, chuyện đăng ký tiền dịch vụ điện nước, và nhiều thứ cơ bản liên quan khác. Với những người trẻ tuổi mới lập gia đình và có con như Thành Nguyễn, những người từ địa phương khác nhập cư vào Sài Gòn, cuộc sống trước mắt không chỉ là cơm áo gạo tiền mà còn là cả tương lai bấp bênh cho con chỉ vì cái hộ khẩu, chưa kể gia đình anh còn phải trả tiền chi phí sinh hoạt cao hơn rất nhiều lần so với những người có may mắn có hộ khẩu thành phố.
Bìa sách Luật cư trú, Hộ tịch và Hộ khẩu.
Photo courtesy of XBLĐ.

Thành Nguyễn: “Cái mình lo sắp tới con lớn lên 1 2 tuổi đủ tuổi đi nhà trẻ thì không đi được trường công, phải gửi ngoài, thì mình phải lựa trường. Tới lúc nó đi học cũng không đi học trường công mà phải học trường ngoài. Cái cơ bản nhất là phí tiền điện nước. Người có hộ khẩu thì họ được đăng ký giá tiền nước tiền điện theo giá rẻ nhất của nhà nước còn những người không có hộ khẩu phải chấp nhận xài giá gấp 10 lần giá có hộ khẩu.”

Mới đây, báo chí Việt Nam đưa tin trường hợp một học sinh trung học ở Hà Nội bị trường công lập nơi em đang theo học một thời gian, bắt phải nghỉ học vì gia đình em không có hộ khẩu Hà Nội. Em thậm chí đã phải viết thư lên Chủ Tịch nước để xin được đi học tại trường công lập này vì gia đình em khó khăn, chuyện đi học trường dân lập là rất đắt đỏ cho bố mẹ em. Báo VNexpress hôm 20 tháng 2 trích lời ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết “nguyên tắc tuyển sinh vào các trường THPT công lập là học sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nộ. Trường sai khi không thực hiện đúng quy định, điều này phải rút kinh nghiệm. Nếu tiếp nhận học sinh không có hộ khẩu thì các em ở những tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên… đổ về học, Hà Nội sẽ không đủ khả năng giải quyết.”

Sau khi tin về cậu bé phải nghỉ học do không có hộ khẩu được đăng tải đồng loạt trên các báo, Sở Giáo dục và Đào Tạo Hà nội đã can thiệp và cậu bé được nhận vào học tại một trường dân lập.

Vòng luẩn quẩn

Hệ thống hộ khẩu đã có ở Việt Nam từ những năm 1950, dựa theo chế độ tương tự của Trung Quốc được xây dựng sau khi những người Cộng sản lên nắm chính quyền vào năm 1949. Quyển sổ hộ khẩu bao gồm thông tin của những người trong gia đình như tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nghề nghiệp, để theo dõi việc đi lại, cư trú của từng người. Theo tác giả Andrew Hardy trong bài viết về chế độ hộ khẩu của Việt Nam đăng tải trên tạp chí Soujourn năm 2001 thì chế độ hộ khẩu có mục đích chính ban đầu là để kiểm soát chống các hoạt động phản cách mạng và tội phạm.

Sau năm 1975 khi chế độ hộ khẩu được áp đặt lên toàn đất nước, hộ khẩu là quyển sổ cần thiết cho các gia đình để mua thực phẩm vì lúc đó nền kinh tế Việt Nam theo chế độ kế hoạch hóa tập trung.

Tuy nhiên đến khoảng cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, khi chế độ tem phiếu đã không còn, hệ thống hộ khẩu vẫn tiếp tục được duy trì. Lập luận được đưa ra sau này trong việc duy trì hộ khẩu là để hạn chế dòng người nhập cư quá đông về các thành phố lớn. Nhưng xem ra lập luận này có điều không hợp lý. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Nghiên cứu Xã hội học, thuộc Viện Khoa học Xã Hội Việt Nam nhận xét:

TS. Trịnh Hòa Bình: “Vấn đề nhập cư tăng dân số cơ học, dẫn đến sự quá tải của cơ sở hạ tầng, cũng như các cung ứng của các hệ thống dịch vụ, làm cho Hà Nội không đủ sức, điều này làm cho mâu thuẫn với hiến pháp và pháp luật. Một mặt người ta nói đến quyền tự do cư trú của công dân, quyền được khám chữa bệnh của những người di cư theo kiểu con lắc nhập cư cơ học… thực ra xuất phát từ sức không đủ để thảo mãn hệ thống an sinh như thế, người ta tìm cách khống chế.”

Thực tế đã chứng minh, bất chấp chế độ hộ khẩu nghiêm ngặt, dòng người nhập cư về Hà Nội và Sài Gòn vẫn tăng đến chóng mặt trong các năm. Con số thống kê dân số vào năm 2009 cho thấy dòng người nhập cư từ nông thôn vào các thành phố của Việt Nam trong giai đoạn từ 2004 đến 2008 là 1 triệu 400 ngàn người. Tại Hà Nội, số thống kê của chính phủ cho thấy vào năm 2009 có khoảng 6,5 triệu dân trong khi con số này khoảng 1 thập niên trước chỉ là 2,7 triệu người, tức là tăng 140%. Tăng dân số của toàn Việt Nam trong cùng thời kỳ chỉ là 12%.

Vào tháng 6 năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam ký quyết định phê duyệt ‘đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 đến 2020’. Theo đề án này thì từ năm 2015 đến 2020, Việt nam sẽ phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, cư trú như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hơn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ liên quan. Theo luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ tịch văn phòng quốc hội, thì đây là một bước tiến quan trọng và cần thiết nhưng cần có thời gian.

Trần Quốc Thuận: “Vấn đề ở Việt Nam phải có bước đi của nó. Ở Việt Nam vấn đề kiểm soát thông qua chứng minh nhân dân hay hộ khẩu thì hệ thống hiện đại của Việt Nam chưa đạt được yêu cầu đó. Còn vấn đề duy trì hộ khẩu thì ở Việt Nam cần một thời gian, tôi nghĩ là chỉ duy trì trong thời gian ngắn trong vài ba năm trở lên.”

Mới đây Việt Nam đã áp dụng chế độ KT 3 là chế độ đăng ký tạm trú dài hạn cho người nhập cư. Anh Thành cũng đã từng có KT 3 cách đây không lâu nhưng đã bị mất vì chuyển đến địa chỉ mới. Cuối cùng thì anh vẫn là người nhập cư không được đăng ký ở Sài Gòn dù anh đã sống và làm việc ở đây từ rất lâu. Con anh dù đã hơn 3 tháng tuổi cũng không thể đăng ký khai sinh ở Sài Gòn mà phải ra Hà Nội để đăng ký khai sinh theo mẹ. Anh gọi những cải cách xung quanh hộ khẩu của Việt Nam là một vòng luẩn quẩn.
Hộ Khẩu – Sự Phân Biệt Tầng Lớp Ở Thành Thị Việt Nam Reviewed by Unknown on 3/03/2014 Rating: 5 Sổ Hộ khẩu và sổ Tạm trú. Courtesy tracuupl.info Việt Hà, RFA: Hộ khẩu là một giấy tờ thiết yếu của người dân Việt Nam từ hàng chục nă...

Không có nhận xét nào: