Thanh Tra Chính Phủ – Đủ 3 Gương Mặt “Anh Tài”: Quách Lê Thanh, Trần Văn Truyền, Huỳnh Phong Tranh - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
2 tháng 3, 2014

Thanh Tra Chính Phủ – Đủ 3 Gương Mặt “Anh Tài”: Quách Lê Thanh, Trần Văn Truyền, Huỳnh Phong Tranh

Chép Sử Việt - 1.3.2014: Nói “anh tài” là vì cả 3 anh này đều tài cả, liền 3 đời Tổng thanh tra chính phủ.

Quách Lê Thanh dính nghi án nhận hối lộ, bị khai ra rõ rành rành, ngay khi đương chức, nhưng gần như được Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng “đỡ” cho mới thoát. Trong vụ này, nếu chẻ hoe luật ra, thì ông Trương Vĩnh Trọng mắc tội che giấu tội phạm cho Quách Lê Thanh, Lương Cao Khải (*).

Trần Văn Truyền thì về hưu rồi mới lộ chuyện biệt thự giàu sang, kế đến là cái tài phóng tay phong chức tước xả láng trước khi mình về hưu. Đề bạt tới gần 60 cấp vụ chỉ trong vài tháng thì quả là quá “tài” chứ còn gì.

Giờ tới cả ông đương kim Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng lại bị lùm xùm chuyện phong chức tước cho cấp dưới nữa.

Các anh này tài thật! Chả trách đảng của các anh phải giành lấy ngọn cờ chống tham nhũng có lẽ cũng vì thấy các anh tài quá, làm những chuyện tày đình, thiên hạ tha hồ xì xào nghi vấn tham nhũng nhưng đành chịu, đâu có bắt tận tay day tận trán các anh nhận tiền hồi lộ “chạy ghế” được.



* Mời xem:

Tiền phong

07:52 ngày 24 tháng 02 năm 2006
Hôm qua, 23/2, được hỏi về việc Lương Cao Khải khai đã đưa cho ông 110 triệu đồng, Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh chỉ nói vỏn vẹn: “Bộ Chính trị đang xem xét và sẽ sớm kết luận…”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh. Ảnh: Vietnamnet

Theo lời khai của nguyên Trưởng đoàn Thanh tra Chính phủ dự án dầu khí Lương Cao Khải, trong quá trình hoàn tất dự thảo kết luận thanh tra bốn dự án dầu khí, Lương Cao Khải đã ba lần đưa “phong bì” đến cho cấp trên.

Người đã nhận tiền – theo bị can Khải – là Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh.

Tổng số tiền đựng trong ba phong bì trên là 110 triệu đồng, trong đó lần đưa đầu 50 triệu đồng, hai lần sau mỗi lần 30 triệu đồng.

Ban đầu bị can Lương Cao Khải không nói số tiền trên của ai đưa hoặc ai nhờ ông ta chuyển cho tổng thanh tra. Nhưng sau đó, bị can này lại thay đổi lời khai và cho biết đây chẳng qua là số tiền ông ta gửi trả ông Thanh vì trước đó có nhờ gia đình ông Thanh… mua thuốc hộ (!?).

Đầu tháng 10/2005, khi cơ quan chức năng “rờ gáy” một số đối tượng tham nhũng trong ngành thanh tra thì ông Quách Lê Thanh đã chủ động đem số tiền 110 triệu đồng lên gặp lãnh đạo Ban Nội chính trung ương báo cáo, được lãnh đạo Ban Nội chính yêu cầu viết tường trình sự việc cụ thể.

Về phía cơ quan Thanh tra Chính phủ, ngày 12/10, tổng thanh tra cũng đã ký quyết định đình chỉ công tác ông Lương Cao Khải, yêu cầu kiểm điểm.

Chỉ tám ngày sau, Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lương Cao Khải về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ngay tối qua, 23/2, phóng viên Báo Lao động gặp ông Quách Lê Thanh tại nhà riêng. Ông Quách Lê Thanh cho biết:

Đoàn thanh tra này làm việc từ tháng 5/2002, đến ngày 5/10 thì kết thúc. Trước khi đoàn thanh tra kết thúc một tháng, ông Quách Lê Thanh mới chính thức về nhậm chức (trước đó, ông Quách Lê Thanh công tác ở Ban Nội chính Trung ương khoảng chục năm).

Khoảng 10 ngày sau đó, tối ngày 6/10, Lương Cao Khải đến nhà ông Quách Lê Thanh chơi. Đến khi về, Khải đưa phong bì cho ông Thanh và nói: Những tháng trước anh ốm (ông Thanh ốm hai đợt vào tháng 4, tháng 6) em không thăm được, nay xin gửi anh ít quà để bồi dưỡng. Dù ông Thanh không đồng ý và đưa lại, nhưng Lương Cao Khải cứ thế chạy xuống gác.

Ông Quách Lê Thanh đã gọi điện cho ông Trương Vĩnh Trọng – Trưởng ban Nội chính Trung ương, để báo cáo lại vụ việc. Tại nhà ông Trương Vĩnh Trọng, ông Trịnh Vĩnh Thịnh – Phó Văn phòng Ban Nội chính Trung ương, đã xé phong bì ra đếm được tất cả 30 triệu đồng và làm giấy biên nhận.

Khi về đến nhà, ông Thanh thấy Khải lại đến. Lần này, Khải đưa tập hồ sơ nói là để ông Quách Lê Thanh nghiên cứu. Khi Khải về, ông Thanh không ngờ là xen kẽ giữa hồ sơ lại có một phong bì đựng tiền. Ông Thanh lại gọi điện báo tiếp sự việc cho ông Trương Vĩnh Trọng.

Nhưng do bận, nên đến ngày 13/10 ( tức 4 ngày sau) ông Thanh mới cầm tiền đến phòng làm việc của ông Trương Vĩnh Trọng. Tại phòng làm việc của ông Trọng, ông Thịnh lại được uỷ quyền đếm tiền và viết giấy biên nhận 50 triệu của ông Thanh giao nộp.

Lần thứ ba vào ngày 15/10 (ngày 20/10 thì Khải bị bắt), Khải lại đến đưa tài liệu, trong đó có phong bì tiền. Đến ngày 15/12, ông Thanh đến phòng làm việc ông Trưởng ban Trương Vĩnh Trọng để trả tiền. Người viết giấy biên nhận số tiền 30 triệu vẫn là Phó Văn phòng Trịnh Vĩnh Thịnh.

Theo Tuổi trẻ, Lao động

————–

Người cao tuổi

28/02/2014

Liên quan đến thực hiện Nghị quyết Trung ương IV, Khóa XI: Trước khi nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền kí bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở Thanh tra Chính phủ


Tổ chức, nhiệm vụ của TTCP và…

Trong lịch sử 68 năm (23/11/1945 – 23/11/2013) ngành Thanh tra Chính phủ có lẽ ông Tổng TTCP Trần Văn Truyền (nhiệm kì 2007 – 2011) là vị “Tư lệnh ngành” chiếm kỉ lục, giành ngôi “quán quân” về làm công tác cán bộ trước khi về hưu. Chỉ trong một thời gian ngắn ông kí ồ ạt quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp Vụ (và tương tương), nhiều người không có quy hoạch…

Theo Website thanhtra.gov.vn, hệ thống cơ quan TTCP có gần 20 đầu mối trực thuộc, bao gồm:

- 7 vụ chức năng: Trong đó 4 vụ thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) gồm: Vụ I (Vụ Kinh tế ngành), Vụ II (Kinh tế Tổng hợp, Tài chính – Ngân hàng), Vụ III (Vụ Văn xã), Vụ IV (Vụ Giám sát Thẩm định sau thanh tra), Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Pháp chế và Vụ Tổ chức Cán bộ.

- 4 cục: 3 Cục Thanh tra và giải quyết KNTC khu vực gồm miền Bắc (Cục I), miền Trung (Cục II), miền Nam (Cục III) và Cục Chống tham nhũng (Cục IV).

- Các đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập: Văn phòng, Trường Cán bộ, Viện Khoa học, Trung tâm Thông tin, Báo, Tạp chí, v.v…

Tổng số cán bộ, công chức (hưởng lương ngân sách) ước khoảng 550 – 600 người. Bộ máy lãnh đạo có Tổng Thanh tra, các Phó Tổng Thanh tra, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Cơ quan, Công đoàn viên chức cơ quan, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cơ quan; hầu hết cán bộ, công chức là đảng viên.

Ông Trần Văn Truyền

Thanh tra Chính phủ là cơ quan quản lí nhà nước cao nhất về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và chống tham nhũng, công cụ sắc bén của Đảng, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng thể chế bảo đảm cho bộ máy quản lí Nhà nước trong sạch, minh bạch, là tổ chức “thượng phương bảo kiếm” mà mỗi cán bộ, công chức làm nhiệm vụ chuyên ngành phải là một “Bao Thanh Thiên” của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi trong thực hiện nhiệm vụ là yếu tố con người. Ở TTCP, nhiều cán bộ tốt, có bản lĩnh, giữ được nhân cách, thanh đức (đạo đức thanh tra), trung thực, tinh thông nghề nghiệp, song do chính sách tuyển dụng, sử dụng còn tồn tại khuynh hướng lệch lạc, dễ dãi của người đứng đầu, quản lí cán bộ lỏng lẻo, xem xét đánh giá đơn giản, một số cán bộ, công chức kém tu dưỡng, rèn luyện nên cũng xuất hiện “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lí, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” như Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI chỉ ra. Điển hình nhất gần đây là Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh kí bổ nhiệm chức danh Vụ trưởng Vụ I đối với ông Lê Sỹ Bảy để lại quá nhiều tai tiếng. Trước hết ông Lê Sỹ Bảy tín nhiệm thấp, lại là người đang có nhiều đơn thư tố cáo vạch rõ những sai phạm nghiêm trọng trong tác nghiệp ở một số cuộc thanh tra. Quá trình thăng tiến ông Bảy bộc lộ nhiều bất cập về bằng cấp, niên hạn bổ nhiệm các chức danh, ngạch công chức. Đặc biệt, cách làm độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, áp đặt của 2 ông Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh và ông Phó Tổng TTCP Ngô Văn Khánh gây bất bình trong nội bộ, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo gửi tới lãnh đạo cấp cao và cơ quan báo chí.

Cách làm đó là sự lặp lại, nối tiếp “kiểu bổ nhiệm” cán bộ thiếu quy hoạch, không khoa học, tùy tiện mà người tiền nhiệm của ông Huỳnh Phong Tranh là ông Trần Văn Truyền phạm sai lầm mang tính “lịch sử”.

Sai lầm của “ông Tổng”

Làm Tổng TTCP nhiệm kì trước, một hai năm đầu ông Trần Văn Truyền nổi bật là một vị “Tư lệnh ngành” có bản lĩnh, quyết liệt trong công việc, xử lí hậu quả dư âm về vụ thanh tra dầu khí, vụ án tai tiếng trước đó. Tuy nhiên, càng về sau ông Truyền càng bộc lộ sự chao đảo có phần khó hiểu qua xử lí không ít vụ việc thanh tra ở nhiều doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, đất đai ở một số địa phương (ngâm lâu rồi mới chỉ đạo kí). Trong nội bộ cơ quan TTCP, ông phạm không ít sai lầm về công tác cán bộ, đặc biệt là trước khi nghỉ hưu (năm 2011) ông kí ồ ạt bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, rất nhiều người không có quy hoạch, hoặc non kém về năng lực phẩm chất.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Trần Văn Truyền không còn được tái ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, biết mình sau kì họp thứ I Quốc hội Khóa XII sẽ rời khỏi “Phủ Khai Phong” ở đất Thăng Long, ông chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ (do ông Ngô Văn Cao là Vụ trưởng) cấp tập, dồn dập làm nhân sự một cách ồ ạt. Từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011 ông Trần Văn Truyền kí quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) tại cơ quan TTCP, chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) kí bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 kí bổ nhiệm 22 người.

Chấm dứt quyền vẫn “cố” kí bổ nhiệm

Theo lịch của Quốc hội tại kì họp thứ I Quốc hội Khóa XII, ngày 3/8/2011 chương trình Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Đúng 9 giờ hôm đó, Chính phủ mới (Khóa XIII) đã ra mắt, ông Huỳnh Phong Tranh được bầu làm Tổng TTCP, vậy mà chiều và tối hôm đó ông Trần Văn Truyền còn “cố đấm ăn xôi” kí bổ nhiệm cho một loạt người mà trước đó ông đưa vào tầm ngắm, ông chờ đợi “niềm tin và hi vọng” của số người này khá lâu. Vậy là cuối chầu, ông Truyền “ưu ái” cho hàng loạt người từ chuyên viên bỗng trở thành cán bộ cấp vụ. Chỉ trong ngày 3/8 “lịch sử” ấy, ông kí bổ nhiệm 3 hàm Vụ trưởng ở Văn phòng, 3 hàm Phó Vụ trưởng ở Trường Cán bộ Thanh tra, 3 hàm Cục phó ở Cục III, 2 hàm Phó Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Cục I, 2 hàm Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Tạp chí, nhiều Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, hàm Vụ trưởng, hàm Phó Vụ trưởng ở các cục, vụ, đơn vị trực thuộc. Các cục, vụ, đơn vị có đủ cấp trưởng, cấp phó rồi thì ông đưa chuyên viên lên cấp “hàm” mà cấp này chưa thấy quy định điều khoảng nào trong Luật Cán bộ, công chức.

Việc bổ nhiệm tràn lan trước khi ông Trần Văn Truyền nghỉ hưu tạo ra không khí “cởi mở”, một trào lưu “chạy” cuống quýt ở rất nhiều người, Vụ Tổ chức Cán bộ bò ra làm ngày làm đêm. Hậu quả là bộ máy phình to, quỹ lương tăng đột biến. Hiện tượng tranh quyền (làm Trưởng, Phó đoàn Thanh tra), đố kị, kèn cựa nhau không hiếm. Đáng chú ý là sau khi ông Truyền kí bổ nhiệm nhiều người không có trong quy hoạch, ông thấy “giật mình” liền kí Quyết định số 2100/QĐ-TTCP ngày 3/8/2011 về bổ sung quy hoạch nhằm hợp thức hóa việc làm trái với quy trình, quy chế về công tác cán bộ của chính TTCP. Việc làm trên của ông Truyền là chống lại Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3/12/2007. Tại Điều 15 Nghị định này quy định cấp cục, vụ, đơn vị thuộc bộ cấp phó không được vượt quá 3 người. Trong khi đó, sau đợt ông Truyền bổ nhiệm năm 2011, nhiều cục, vụ, đơn vị ở TTCP có từ 4 – 6 cấp phó. Cục I có 7 cấp phó và 1 hàm cấp phó. Có một sự thật là, một số cán bộ ngay sau khi được ông Truyền quyết định bổ nhiệm đã mắc sai lầm, khuyết điểm, bị kỉ luật thậm chí bị đi tù như ở Cục I, Trung tâm Thông tin hay ở Vụ III, v.v…

Dư luận xôn xao rằng, những người được ông Truyền để mắt tới đều biết mình phải làm gì, “chạy” như thế nào để tới đích, điều mà ai cũng thấy “cực kì khó nói ra”. Đó là một sự thật.

Ở nước ta, thường vào cuối nhiệm kì, lãnh đạo các bộ, chính quyền các địa phương thường diễn ra xu hướng chạy đua, khi người đứng đầu còn có quyền ngày nào, tranh thủ cất nhắc, bổ nhiệm cũng là cách tranh thủ “thu hoạch”, điển hình cho khuynh hướng đó là ông Trần Văn Truyền ở TTCP trước đây.

Nhóm PVĐT

————-

SOHANEWS

Sáu Thanh - theo Trí Thức Trẻ | 01/03/2014 13:36

Ông Trần Văn Truyền nói về cáo buộc bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ


(Soha.vn) – Về cáo buộc bổ nhiệm cán bộ ồ ạt trước khi về hưu, ông Trần Văn Truyền khẳng định: “Tôi làm đúng trách nhiệm và đúng pháp luật, đúng nguyên tắc”.


Vừa qua, những thông tin về biệt thự và cũng như tin đồn về tài sản của ông Trần Văn Truyền – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, các thông tin về nhà đất này chưa được các cơ quan chức năng làm rõ thì đã xuất hiện thông tin về việc vị cựu cán bộ cấp cao này đã kí bổ nhiệm hàng loạt cán bộ ở Thanh tra Chính phủ trước khi về hưu.

Theo thông tin trên báo Người Cao Tuổi, ông Trần Văn Truyền đã kí ồ ạt bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, rất nhiều người không có quy hoạch, hoặc non kém về năng lực phẩm chất.

Cụ thể, “sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông Trần Văn Truyền không còn được tái ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, biết mình sau kì họp thứ I Quốc hội Khóa XII sẽ rời khỏi “Phủ Khai Phong” ở đất Thăng Long, ông chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ (do ông Ngô Văn Cao là Vụ trưởng) cấp tập, dồn dập làm nhân sự một cách ồ ạt. Từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011 ông Trần Văn Truyền kí quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) tại cơ quan TTCP, chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) kí bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 kí bổ nhiệm 22 người”, tờ báo này viết.


Những đồn đoán về căn nhà mới xây của ông Trần Văn Truyền còn chưa được làm rõ thì thông tin về việc “bổ nhiệm cán bộ ồ ạt” của vị này lại gây xôn xao dư luận

Theo tờ báo này, trong ngày 3/8/2011, ông Trần Văn Truyền đã kí bổ nhiệm 3 hàm Vụ trưởng ở Văn phòng, 3 hàm Phó Vụ trưởng ở Trường Cán bộ Thanh tra, 3 hàm Cục phó ở Cục III, 2 hàm Phó Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Cục I, 2 hàm Vụ trưởng, hàm Vụ phó ở Tạp chí, nhiều Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng, hàm Vụ trưởng, hàm Phó Vụ trưởng ở các cục, vụ, đơn vị trực thuộc. Các cục, vụ, đơn vị có đủ cấp trưởng, cấp phó rồi thì ông đưa chuyên viên lên cấp “hàm” mà cấp này chưa thấy quy định điều khoảng nào trong Luật Cán bộ, công chức.


“Đáng chú ý là sau khi ông Truyền kí bổ nhiệm nhiều người không có trong quy hoạch, ông thấy “giật mình” liền kí Quyết định số 2100/QĐ-TTCP ngày 3/8/2011 về bổ sung quy hoạch nhằm hợp thức hóa việc làm trái với quy trình, quy chế về công tác cán bộ của chính TTCP. Việc làm trên của ông Truyền là chống lại Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 3/12/2007. Tại Điều 15 Nghị định này quy định cấp cục, vụ, đơn vị thuộc bộ cấp phó không được vượt quá 3 người. Trong khi đó, sau đợt ông Truyền bổ nhiệm năm 2011, nhiều cục, vụ, đơn vị ở TTCP có từ 4 – 6 cấp phó. Cục I có 7 cấp phó và 1 hàm cấp phó. Có một sự thật là, một số cán bộ ngay sau khi được ông Truyền quyết định bổ nhiệm đã mắc sai lầm, khuyết điểm, bị kỉ luật thậm chí bị đi tù như ở Cục I, Trung tâm Thông tin hay ở Vụ III”, báo Người Cao Tuổi viết.

Ngay sau khi có những thông tin trên, trưa ngày 1/3, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Truyền về vấn đề này. Ông Trần Văn Truyền nói: “Việc này là việc nội bộ. Có vấn đề gì thì các nhà báo liên hệ tới Thanh tra Chính phủ vì đó là việc nội bộ. Sau khi tôi bàn giao có sự chứng kiến của cấp trên, cấp dưới rồi. Tôi không nói gì thêm cả bởi có nói thì người ta vẫn bảo là không thuyết phục”.

Khi được hỏi về thông tin bổ nhiệm cán bộ, ông Trần Văn Truyền cho hay: “Tôi làm việc có nguyên tắc. Việc bổ nhiệm cán bộ là việc tập thể chứ tôi ở vị trí Tổng Thanh tra khi đó cũng chỉ là người thực hiện nhiệm vụ của mình theo pháp luật. Một mình tôi thì không thể làm gì được”.

Một lần nữa, ông Trần Văn Truyền khẳng định về việc ký quyết định bổ nhiệm cán bộ khi còn tại vị ở Thanh tra Chính phủ: “Tôi làm đúng trách nhiệm và đúng pháp luật, đúng nguyên tắc. Việc đó đã được bàn giao cho Thanh tra Chính phủ và đã có sự chứng kiến cho nên tôi không muốn trả lời và bình luận gì thêm”.
Thanh Tra Chính Phủ – Đủ 3 Gương Mặt “Anh Tài”: Quách Lê Thanh, Trần Văn Truyền, Huỳnh Phong Tranh Reviewed by Unknown on 3/02/2014 Rating: 5 Chép Sử Việt - 1.3.2014: Nói “anh tài” là vì cả 3 anh này đều tài cả, liền 3 đời Tổng thanh tra chính phủ. Quách Lê Thanh dính nghi án...

Không có nhận xét nào: