Văn Đoàn Độc Lập, Một Bước Tiến Của Xã Hội Dân Sự - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
7 tháng 3, 2014

Văn Đoàn Độc Lập, Một Bước Tiến Của Xã Hội Dân Sự

Cuộc gặp của nhóm Văn đoàn Việt Nam tại Sài Gòn
hồi tháng 1 năm 2014. Courtesy FB Phạm Đình Trọng
Kính Hòa, RFA - 6.3.2014:  Sự chuyển mình của xã hội VN

Xã hội dân sự Việt nam lại có một bước tiến mới khi ngày 3/3 vừa qua một nhóm các nhà văn, nhà thơ Việt nam tuyên bố vận động thành lập Văn đoàn độc lập. Việc này sẽ có khó khăn gì hay không?

Ngày 3/3/2014 một nhóm các nhà văn, nhà thơ Việt nam ra tuyên bố tiến hành một cuộc vận động để thành lập Văn đoàn độc lập. Theo tuyên bố này thì Văn đoàn có những việc làm cụ thể như sau:

-Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước;
-Tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ;
-Bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người.

Tuyên bố này cũng khẳng định:

“Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước.”
Như vậy tiếp nối những chuyển biến của xã hội dân sự trong năm 2013, đây lại là một bước tiến mới trong sự chuyển mình của xã hội Việt Nam. Nhất là khi tính chất nghề nghiệp của Văn đoàn đã vượt ra ngoài không gian “giới hạn” của internet khi những người đầu tiên tán thành cuộc vận động này là những nhà thơ, nhà văn đã và đang sáng tác, đã từng có các tác phẩm, thậm chí đoạt giải thưởng của tổ chức văn học nghệ thuật do đảng cộng sản chi phối. Và trong tương lai Văn đoàn sẽ đương đầu với cuộc sống thực ngoài không gian ảo, với những vấn đề như xuất bản, bảo vệ quyền tiếp cận văn học… như trong tuyên bố cuộc vận động đã nêu.

Anh Nguyễn Quang Thạch, người tiến hành thành công một phong trào dân sự tên gọi là Sách hóa nông thôn trong mấy năm qua cho biết:

“Trong này toàn là những cây viết có chính kiến cả, toàn là những người có tâm quyết với đất nước. Về mặt nào đó lập hội ngoài nhà nước là để định danh xã hội dân sự cho rõ ràng hơn. Những cây bút như thế mà ngồi lại với nhau thì biết đâu được là họ sẽ có những sản phẩm hay, sản phẩm tốt, tác phẩm để đời cho đất nước mình.”
Cuộc gặp của nhóm Văn đoàn Việt Nam tại Sài Gòn hồi
tháng 1 năm 2014. Courtesy FB Phạm Đình Trọng.

Anh Nguyễn Quang Thạch cũng nói rằng theo anh thì việc thành lập những hội như vậy là chuyện bình thường.

Nhà thơ Bùi Chát, người có tiếng với những bài thơ không nằm trong hệ thống văn chương của nhà nước, và từng được một giải thưởng quốc tế, cũng là một thành viên trong nhóm vận động thành lập Văn đoàn độc lập. Anh cũng cho rằng nhà nước Việt Nam nên quen dần với việc thành lập những hội dân sự như vậy. Anh nói với chúng tôi:

“Xã hội dân sự thì tốt. Thứ nhất nó tránh được cái bộ máy cồng kềnh tiêu tốn nhiều tiền thuế của dân quá. Và không hiệu quả, mà khi không hiệu quả thì sẽ sinh ra các thứ rất là tệ. Cho nên là nhà nước, chính quyền phải tập dần đi, coi sự tồn tại của nó là hiển nhiên. Và bớt sự băn khoăn về vấn đề này vì trước sau gì cũng có sự thay đổi mà.”
 
Gặp khó khăn?

Theo thông tin chúng tôi thu thập được thì đã có một số các thành viên tham gia vào việc vận động thành lập Văn đoàn độc lập đã được mời làm việc với cơ quan an ninh. Như vậy là sự nghi ngại về các tổ chức dân sự vẫn thường trực trong tâm trí những người cầm quyền tại Việt nam hiện nay.

Nhà văn Phạm Đình Trọng cho chúng tôi biết:

“Tôi chắc chắn là nhà nước không muốn có những tổ chức như vậy, thành ra khi vấn đề đặt ra thì người ta cũng bối rối, những người không muốn có những tổ chức như vậy, nó thêm việc và nó thêm phiền phức ra.”
Nhà văn Phạm Đình Trọng cho biết thêm là việc thành lập Văn đoàn độc lập chỉ mới trong giai đoạn vận động. Theo ông thì sự thành lập hội đoàn như vậy, ngoài việc có trở ngại từ sự e ngại của nhà cầm quyền thì về mặt pháp lý cũng có khó khăn. Ông nói:

“Hiến pháp cho phép việc thành lập hội, nhưng mà Luật tổ chức hội vẫn chưa có, vẫn bị treo, là do nhà nước chưa muốn các hội có tổ chức hoạt động hay sao đó.”

Nhưng nhà văn Phạm Đình Trọng vẫn ghi tên vào nhóm vận động thành lập Văn đoàn độc lập, và ông cho biết rằng nhóm vận động đang tiến hành những bước đi về pháp lý, với sự trợ giúp của luật sư để tiến hành thành lập Văn đoàn độc lập.

Việc ngành lập pháp đi theo sau những nhu cầu phát triển của xã hội là một điều hiển nhiên và bình thường. Nhưng việc đề xuất cho ra đời luật về thành lập Hội đã được nêu lên rồi bỏ đó qua nhiều lần họp Quốc hội ở Việt Nam là chuyện không bình thường.

Hai ngày sau khi văn bản Tuyên bố tiến hành cuộc vận động thành lập Văn đoàn độc lập được đưa lên mạng, tất cả các cơ quan truyền thông của đảng cầm quyền đều im lặng, không có một dòng tin nào về việc này, dù rằng những thành viên tham gia vào việc vận động này đều là những gương mặt làm nên bộ mặt của văn học Việt nam hiện nay, trên một khía cạnh nào đó họ là đại diện cho tinh thần của đất nước Việt nam trong thời điểm hiện tại.
Văn Đoàn Độc Lập, Một Bước Tiến Của Xã Hội Dân Sự Reviewed by Unknown on 3/07/2014 Rating: 5 Cuộc gặp của nhóm Văn đoàn Việt Nam tại Sài Gòn hồi tháng 1 năm 2014. Courtesy FB Phạm Đình Trọng Kính Hòa, RFA - 6.3.2014:   Sự chuyển...

Không có nhận xét nào: